Khi nghệ thuật nằm trong tay… nhà tài trợ

Thứ Sáu, 30/09/2016, 10:35
Có lẽ chưa bao giờ, trong rất nhiều năm trở lại đây, các liveshow quy mô lớn lại nhiều và rầm rộ như hiện nay. Ngay cả ở Thủ đô, khu vực có thị trường giải trí bị cho là ảm đạm nhất lâu nay cũng bất chợt sôi động với hàng chục chương trình của các gương mặt nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Giá vé vài ba triệu cho đến vài chục triệu vẫn được đơn vị tổ chức nhiều chương trình công bố bán hết vèo. Nhưng, nếu vội lạc quan về sự phát triển đúng nghĩa của một đời sống văn hóa nghệ thuật phát triển lại dễ thành "lạc quan tếu".

Ngợp sao nội, ngoại và ồn ào vé giá "khủng"

Chỉ riêng trong tháng 9, hàng loạt các chương trình quy mô lớn của các ca sĩ, nghệ sĩ nhiều lĩnh vực được tổ chức và công bố tổ chức cùng hàng loạt các thông tin khiến công chúng đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dẫn đầu về mặt quy mô và mức độ "gây sốc" trong số các chương trình nghiêng về tính giải trí dành cho đại đa số phải kể đến Diamond show của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Từ trước ngày mở bán vé chính thức tại Hà Nội, Đàm Vĩnh Hưng và ê kíp thực hiện Diamond Show tiết lộ toàn bộ 70 vé VIP giá 1.000USD/vé đã được… bán hết?

Ngay sau con số 12 tỷ đồng đầu tư cho chương trình, Diamond Show cũng gây nhiều tranh cãi nhất khi công bố giá vé VIP lên đến 1.000 USD. "Thương hiệu" của nam ca sĩ Bằng Kiều được ghi dấu với "Đêm tình nhân 3" với giá vé bán ra cũng không hề rẻ, từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/vé. Na ná về chủ đề và được công bố tổ chức không lâu sau liveshow này là đêm nhạc của danh ca một thời - Ý Lan: "Sa mạc tình yêu". Mức vé công bố bán ra cũng tương tự: từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/vé.

Thuộc dòng kén khán giả hơn, đêm nhạc "Hà Trần hát Trần Tiến" theo kế hoạch vào cuối tháng 9 cũng được coi là một trong những điểm gây chú ý. Nằm trong chuỗi chương trình thường niên In the Spotlight, "thương hiệu" của đêm nhạc không chỉ được đảm bảo bằng đẳng cấp và danh tiếng của nhân vật chính trên sân khấu mà còn bởi uy tín của nhạc sĩ Hồng Kiên - người chỉ đạo nghệ thuật cho In the Spotlight lâu nay.

Tất nhiên, giá vé chương trình cũng không rẻ, từ 800.000 đồng đến 3 triệu đồng/vé… Riêng người yêu thích nhạc tiền chiến lại có "Bóng chiều xưa" với sự góp mặt của các NSƯT Mai Hoa, Thanh Thanh Hiền, Đức Long, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ.

Không chỉ các "sao" trong nước mới tất bật với các liveshow riêng, hàng loạt "sao" ngoại cũng dập dìu được mời về Việt Nam biểu diễn. Trong đó, sự xuất hiện nhiều "sao" ngoại nhất phải kể đến Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2016 - sự kiện âm nhạc đình đám gắn với tên tuổi nhạc sĩ nổi tiếng khắt khe và thẳng thừng trong giới giải trí - nhạc sĩ Quốc Trung.

Ngoài ban nhạc rock danh tiếng Scorpions đến từ nước Đức, chương trình còn có sự xuất hiện của SaveUs (Đan Mạch), Last Train (Pháp), Rukhsana Merrise (Vương quốc Anh), Kite (Thụy Điển), DJ Julien Sato và VJ 100LDK (Nhật Bản), GoodLuck (Nam Phi)... Với đêm nhạc "MB Private Connection", đây cũng là năm đầu tiên và là lần đầu tiên, khán giả trong nước có dịp xem, nghe  hai ban nhạc huyền thoại Boney M và Chris Norman ex Smokie biểu diễn trực tiếp.

Ngay với các bộ môn nghệ thuật ít có các liveshow đình đám nhất lâu nay cũng bắt đầu "nhập cuộc". Nổi bật nhất là livshow "Xuân Hinh - kẻ chọc cười dân dã" vào đầu tháng 10. Đây cũng là liveshow hề chèo hiếm hoi của một nghệ sĩ chèo có quy mô lớn trong nhiều năm trở lại đây. Nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo và sân khấu kịch lần đầu tiên còn có cơ hội "bằng chị bằng em" khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "đỡ đầu" ra diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội…

Thực - ảo những "cơn sốt" vé

Không chỉ liên tiếp gây chú ý trong dư luận với thông tin về các liveshow hoành tráng được tổ chức dồn dập, làng giải trí Việt còn sôi động và nhộn nhịp thêm cùng hàng loạt các cơn sốt vé được nhà tổ chức công bố. Diamond Show khiến cộng đồng không ngớt xôn xao khi tuyên bố thu về gần 2 tỷ đồng chỉ sau một ngày mở bán vé chính thức khu vực Hà Nội.

"Đêm tình nhân 3" - chương trình được công bố "cháy vé" trước đêm diễn chính thức ít nhất 3 ngày khiến giá vé "chợ đen" đội lên gấp đôi

Thông tin liveshow Đàm Vĩnh Hưng chưa kịp lắng, nam ca sĩ Bằng Kiều với "Đêm tình nhân 3" tiếp tục tạo "sóng" khi tuyên bố cháy vé trước đêm diễn chính thức gần một tuần và giá vé "chợ đen" bị đội cao gấp đôi. Lệ Quyên - một trong số gương mặt dính nhiều thị phi vừa kết thúc thắng lợi với liveshow cháy vé đầu năm đã kịp đánh dấu sự trở lại bằng băng rôn rực rỡ giới thiệu chương trình trước rạp Galaxy Láng Hạ…

Thực tế, mặc dù các chương trình liên tiếp được công bố "cháy vé", nhưng không ca sĩ, nghệ sĩ nào dám khẳng định thắng lớn về mặt doanh thu. Ngay Đàm Vĩnh Hưng, gương mặt sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo cùng công nghệ làm show được cho là "không bao giờ lỗ", duy trì được tần suất tổ chức liveshow dày nhất, nhiều nhất trong các năm cũng chỉ dám tuyên bố cách làm các chương trình như là một dịp tri ân khán giả và để thỏa mãn nhu cầu tự thân là "làm được những gì mình muốn" trên con đường nghệ thuật. 

Làm liveshow để tìm kiếm nguồn thu từ bán vé vẫn là giấc mơ mang sắc màu… cổ tích với phần lớn các gương mặt trong làng giải trí Việt. Lâu nay, việc các nghệ sĩ tổ chức những chương trình quy mô lớn hay không được coi là một trong những thước đo về mặt đẳng cấp nghề nghiệp và phân định mức thù lao mỗi khi nhận lời mời biểu diễn. Thế nên, không quá khó hiểu khi các gương mặt nổi tiếng đều cố gắng làm cho được một chương trình gây tiếng vang trong cộng đồng sau mỗi khoảng thời gian nhất định.

Ngoài nguồn kinh phí tích lũy trong quá trình chạy "sô" biểu diễn, nhiều gương mặt có những kế hoạch "dài hơi" và tốn không ít công sức để nuôi người hâm mộ và nhà tài trợ. Các gương mặt nổi tiếng luôn gắn liền với những thương hiệu nhất định, tận dụng sự nổi tiếng để quảng bá cho những thương hiệu này. Sự xuất hiện không phải lúc nào cũng "danh chính ngôn thuận" theo cách dự sự kiện, được trả thù lao như thông thường mà còn là với tư cách khách hàng của chính nhà tài trợ trong năm.

Với hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, đó là sự ủng hộ qua việc sử dụng dịch vụ để tổ chức các sự kiện hoặc có khi đơn giản chỉ là ghé qua cho bộ phận truyền thông sử dụng hình ảnh để quảng bá cho thương hiệu của họ. Mỗi liveshow của các gương mặt này như là dịp ủng hộ và "trả nợ" lẫn nhau.

Không ít liveshow ban tổ chức công bố giá vé cao ngất ngưởng và thị trường "cháy vé" nhưng thực tế một số lượng không nhỏ ở các hạng mục có giá cao nhất đã được nhà tài trợ bao gần trọn gói từ trước khi đơn vị tổ chức mở bán vé chương trình.

Thậm chí, với không ít các chương trình của các gương mặt nổi tiếng, người hâm mộ cũng là nhà tài trợ. Với những fan đặc biệt này, nghệ sĩ phải thường xuyên có chế độ chăm sóc riêng thông qua hình thức ủng hộ quảng bá nói trên. Tất nhiên, vẫn còn một cơ số vé khác dành cho số đông nhưng thông thường không phải là hạng vé giá cao nhất.

Để thuyết phục lượng khán giả này bỏ tiền mua vé, người làm chương trình không chỉ có kế hoạch thu hút sự chú ý bằng quy mô tổ chức, độ nổi tiếng của các gương mặt khách mời, kinh phí đầu tư, kể cả những yếu tố khác: không gian cho khán giả thư giãn, giải trí trước khi xem chương trình, những món quà khuyến mãi đi kèm dành cho khán giả mua vé, kể cả những sản phẩm mà nghệ sĩ thực hiện chỉ dành riêng cho khán giả sở hữu tấm vé xem chương trình ở hạng mức giá cao nhất.

Với đối tượng khán giả này, việc tìm đến các chương trình không hẳn là dịp tìm kiếm thưởng thức các giá trị nghệ thuật đích thực mà phần nhiều là để giải trí. Nói theo cách chia sẻ hài hước của nhạc sĩ Nguyễn Quang, người có thâm niên gắn bó với không ít các chương trình biểu diễn lớn là khán giả đến nhìn thần tượng, đôi khi là hú hét theo chứ không hẳn đến để nghe hát.

Với các sao ngoại, có lẽ hiếm có bầu sô nào dám mạo hiểm về Việt Nam biểu diễn mà không có sự đỡ đầu kinh phí từ nhà tài trợ. Đêm nhạc "MB Private Connection" tới đây là một điển hình. Từ trước khi mở bán vé chính thức, một số lượng không nhỏ đã được ngân hàng tài trợ chính "bao tiêu" bằng hình thức lấy vé về tặng khách hàng như một món quà tri ân.

Sân khấu nói riêng, nghệ thuật biểu diễn nói chung chỉ có một đời sống thực khi có khán giả chấp nhận bỏ tiền mua vé xem chương trình. Sự ồn ào quanh mức giá vé cao ngất ngưởng và những cơn sốt vé vừa qua là tín hiệu vui cho sự kỳ vọng về một đời sống nghệ thuật phát triển.

Thế nhưng thực chất sự phát triển này có bền vững hay chỉ là những lớp áo lộng lẫy nhiều màu nhất thời trong đời sống giải trí Việt hiện tại, việc giá vé có đi đôi với giá trị nghệ thuật trong nhiều chương trình đình đám hay không thì còn nhiều vấn đề còn phải bàn.

Nếu lấy việc khán giả tự bỏ tiền mua vé xem chương trình để đo đếm sức sống thực của sân khấu, rõ ràng, sự sôi động của thị trường biểu diễn nghệ thuật mới chỉ là phần bề nổi. Nếu buông nhà tài trợ, có lẽ, ít có chương trình quy mô hoành tráng nào được tổ chức. Nói một cách khác, cái gọi là tính nghệ thuật của chương trình phần nhiều nằm trong tay… nhà tài trợ!

Để có những chương trình biểu diễn nghệ thuật được khán giả mua vé hoàn toàn vẫn là giấc mơ của bất cứ nghệ sĩ lẫn bầu sô nào. Việc phụ thuộc vào nhà tài trợ mới mong có kinh phí đầu tư làm chương trình, dù ồ ạt được tổ chức, dù công bố "sốt vé" hay có giá vé cao ngất ngưởng, dù ồn ào nhưng vẫn là cách lớn mạnh trên đôi chân người khác.

Minh Hải
.
.