Khi người nghiện sống chung với cộng đồng

Thứ Ba, 18/11/2014, 14:30

TP HCM hiện có cả chục ngàn người nghiện đang sống chung với cộng đồng dân cư; nhưng chỉ sau 1 năm số người nghiện lại tăng thêm đến 7.000 người. Gần đây, tội phạm hình sự có liên quan đến người nghiện ma túy không ngừng gia tăng và ngày càng manh động. Đã đến lúc cần thiết phải có chế tài để TP HCM có thể nhanh chóng quản lý, đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung.

Hiểm họa khi người nghiện sống chung với cộng đồng

Thời điểm hiện tại, số người nghiện ma túy ở TP HCM có thể thống kê được đã lên tới con số 19.000 người, tăng 7.000 người so với năm ngoái, trong số này có hơn 60% là người ngoại  tỉnh và không có địa chỉ quản lý. Trong khi đó, nếu như năm 2012 cả thành phố lập hồ sơ đưa được gần 5.000 người nghiện vào các cơ sở chữa bệnh bắt buộc; năm 2013 tiếp tục đưa được 4.500 người đi cai thì từ đầu năm tới nay, thành phố đang tồn tại hơn 8.000 hồ sơ quản lý đối tượng nghiện chưa thể đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

Xảy ra tình trạng bế tắc trong việc xử lý người nghiện không phải do chính quyền TP HCM giải quyết chậm chạp hay thiếu kinh nghiệm, thiếu kinh phí trong xử lý vấn đề này. Lý do chính phải kể đến là quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc quá phức tạp. Chẳng hạn, trước khi muốn đưa người nghiện đi cai tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương 3-6 tháng.

Sau đó nếu không được thì giao cho các tổ chức xã hội, rồi còn phải xét nghiệm có dương tính với chất gây nghiện mới có thể đưa ra tòa án để quyết định. Khi gia đình của người nghiện không ở thành phố, còn tổ chức xã hội lại không quy định là tổ chức xã hội nào phải chịu trách nhiệm khiến việc đưa đối tượng nghiện đi cai của TP HCM càng khó hơn nhiều.

Công an nhắc nhở một đối tượng nghi nghiện ma túy.

Với thực trạng 75% số người nghiện không có việc làm, nên tiền mua thuốc để thỏa mãn cơn nghiện hàng ngày chẳng thể ở đâu ra nếu không chủ yếu từ những nguồn phi pháp. Một tỷ lệ lớn tội phạm trộm cắp, cướp giật, xin đểu bị Công an thành phố triệt phá thời gian qua có liên quan đến ma túy cũng đã cho thấy điều này.

Cụ thể hơn, theo công bố của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, ngoài chuyện là nơi có số lượng người nghiện đông nhất cả nước, thì còn có tới 60% số vụ phạm pháp hình sự xảy ra tại TP HCM là do người nghiện gây án. Qua các vụ án cướp giật, giết người cướp của, hiểm họa gây ra từ người nghiện ma túy đã thực sự là nỗi ám ảnh lo sợ hàng ngày.

Đặc biệt đối tượng nghiện các loại ma túy đá, ma túy tổng hợp có sự kích thích cực mạnh đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình như nhóm cướp dùng mã tấu chém đứt lìa cánh tay nạn nhân trước khi cướp xe máy SH của một phụ nữ ở quận 2 xảy ra vào cuối năm 2012. Khi bị bắt, các đối tượng đều khai nhận đã nghiện nặng và sử dụng ma túy trước khi gây án.

Khi đó dư luận người dân TP HCM mới nhìn rõ hơn mức độ tàn bạo của những đối tượng nghiện ngập, sống lang thang không nghề nghiệp từ các tỉnh dạt về thành phố gây án. Từ đó đồng tình hơn với việc từ nhiều năm trước TP HCM đã quyết tâm tổ chức cưỡng chế, buộc cai nghiện tập trung với người nghiện để bảo đảm kiểm soát việc cắt cơn cho người nghiện; giảm thiểu hiểm họa với cộng đồng do người nghiện gây ra.

Còn theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, vụ án đối tượng nghiện Đặng Văn Tuấn giết người tình rồi phân xác ở quận 1, TP HCM xảy ra cuối tháng 9 vừa qua là hậu quả thành phố đang phải gánh với người nghiện. Bởi biết rõ đối tượng này nghiện nặng, có thể bị ảo giác dẫn đến phạm tội bất kể lúc nào nhưng cộng đồng dân cư vẫn phải sống chung với hắn do chưa thể cưỡng chế đưa ngay đi cai nghiện được. Vụ án này cũng chính là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng người nghiện gây án đặc biệt nghiêm trọng khi họ đang trong trạng thái phê ma túy và thần kinh bị hoang tưởng mạnh.

Lượng ma túy lớn vận chuyển vào TP HCM bị bắt giữ.

Đánh giá của TP HCM về tội phạm và tệ nạn ma túy xảy ra trên địa bàn cho thấy, so với 2 năm trước, số vụ và số đối tượng phát hiện đều tăng 18 đến 25%. Chưa hết, theo phân tích số liệu về người nghiện ma túy của TP HCM, trong số những người nghiện đã bị buộc đưa đi cai trước đây, thì số người nghiện mới chiếm tới 74%. Số người nghiện ma túy tổng hợp cũng có xu hướng gia tăng trong nhóm đối tượng trẻ tuổi, từ 18 - 35; mức độ liều lĩnh, manh động ngày càng thể hiện rõ trong quá trình phạm tội.

Theo dõi trong số 26.800 ngàn đối tượng nghiện bị phát hiện, lập hồ sơ buộc đưa đi cai nghiện hoặc quản lý theo dõi tại địa phương trong 5 năm gần đây, có đến hơn 4.800 người tái nghiện và hơn 2.000 người vi phạm pháp luật.

Tại vùng trũng về ma túy của TP HCM là quận 8, trong vòng 5 năm trở lại đây, địa phương này đã phát hiện, bắt giữ trên 5.500 người nghiện đến địa bàn tìm mua ma túy để sử dụng; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc hoặc trả về địa phương quản lý. Vấn nạn người nghiện được quyền sống chung trong cộng đồng do đó mọi hiểm họa do người nghiện gây ra, cộng đồng đều phải gánh chịu.    

Nỗi lo khi chưa đưa người nghiện đi cai bắt buộc

Tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội ở TP HCM trước kỳ họp Quốc hội này, nhiều cử tri của thành phố đã tỏ ra hết sức lo lắng trước thực trạng để người nghiện sống chung với cộng đồng. Nhất là sau một loạt các vụ án giết người, cướp của nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà đối tượng gây án có sử dụng ma túy. Nhiều người dân đã đề nghị tòa án nhân dân các cấp cho áp dụng thủ tục rút gọn để nhanh chóng đưa người nghiện vào các trung tâm, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Để giải quyết yêu cầu chính đáng của cử tri, cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM (ĐĐBQH TP HCM) cũng đã có văn bản gửi Quốc hội để kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy tại thành phố.

Đoàn ĐBQH TP HCM kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét, cho phép áp dụng giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện tại thành phố. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc tháo gỡ những khó khăn ách tắc đối với công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy sống ở các địa bàn dân cư. Giao cho TP HCM quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa đi cai nghiện tập trung. Đây là vấn đề hết sức cấp bách, vì mức độ lây lan ngày càng nhanh, ngày càng nghiêm trọng, là bước đệm để quản lý nhằm hạn chế người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây mất trật tự an ninh và gây hoang mang cho người dân.

Đối tượng nghiện và bán lẻ ma túy bị bắt cùng tang vật.

Nhìn lại thực tế, kết quả quản lý người nghiện tự cai và người sau cai nghiện tại cộng đồng ở TP HCM cho thấy, dù các phường xã đều đã có các tổ cán sự với hàng ngàn thành viên trực tiếp tham gia tư vấn, giúp đỡ người nghiện phòng chống tái nghiện và ổn định cuộc sống. Nhưng với 6.000 - 7.000 người sau cai nghiện về địa phương trình diện, các địa phương cũng chỉ quản lý được hơn 3.000 người. Còn lại đều đã bị tái nghiện, bị xử lý hình sự hoặc chuyển đi nơi khác cư trú. Trong đó tỷ lệ người tái nghiện, vi phạm pháp luật chiếm gần 16,5%.

Thực tế cho thấy, việc buộc người nghiện đi cai tập trung và có thời gian quản lý lao động tập thể sau cai là rất cần thiết. Qua công tác đấu tranh với tội phạm ma túy từ đầu năm tới nay, TP HCM vẫn là cái rốn của tội phạm này khi đã có hàng trăm kilôgam ma túy, tiền chất  ma túy tổng hợp các loại và trên 2.500 đối tượng buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng ma túy bị bắt. Điều đó cho thấy việc cách ly người nghiện để cắt nguồn cầu ma túy càng phải được đặt ra.

Sớm chấm dứt tình trạng con nghiện thách thức dư luận

Trong lúc chờ một chế tài đủ mạnh để có thể nhanh chóng đưa toàn bộ số người nghiện đã lập hồ sơ theo dõi và số người nghiện đang được giám sát, quản lý tại cộng đồng vào trại cai nghiện tập trung. Và để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cuộc sống của người dân khi xung quanh là những kẻ nghiện ngập sẵn sàng gây rối, vi phạm pháp luật lúc ngáo đá, phê thuốc… TP HCM đã áp dụng những biện pháp khẩn cấp, tạm thời.

Gần đây nhất là chiến dịch truy quét người nghiện, người sống lang thang ở khu vực trung tâm thành phố để đưa vào quản lý tập trung với mong muốn sẽ tạm giữ, buộc cắt cơn để người nghiện có thể chấm dứt hành vi phạm tội trong cơn vã hoặc phê thuốc. Ngoài các tổ chức xã hội, TP HCM đề nghị cho phép thành lập một số trung tâm xã hội. Các trung tâm này có quyền tiếp nhận, quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn ban đầu cho người nghiện; có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy, tiếp nhận, phân loại, đề xuất và chuyển người có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

Để giải quyết vấn đề người nghiện vi phạm pháp luật gây phẫn nộ trong cộng đồng dân cư ở TP HCM và các tỉnh thành khác, ngày 3/11 vừa qua, vấn đề quản lý tập trung để kiểm soát người nghiện cũng đã được đưa lên bàn nghị sự của Chính phủ. Sau khi chỉ ra một loạt những khó khăn từ công tác cai nghiện và quản lý sau cai cũng như thừa nhận vướng mắc về thực hiện quy trình, thủ tục cai nghiện ma túy bắt buộc do có sự chưa đồng bộ; thậm chí chỉ ra mâu thuẫn giữa các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy, Chính phủ đã cơ bản đồng thuận với đề xuất của TP HCM.

Trong đó phương án cho phép thí điểm áp dụng giao cơ quan chức năng quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong khi chờ cơ quan chức năng lập thủ tục, lập hồ sơ ban hành quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được nhiều ý kiến ủng hộ. Bởi một điều hết sức đơn giản, Hiến pháp, pháp luật quy định quyền công dân, quyền con người là tối thượng. Song nếu người nghiện ma túy không biết tôn trọng những người xung quanh, thì việc hạn chế bớt các quyền của đối tượng này là vấn đề được xã hội đồng tình.

Ma túy không chỉ liên quan đến sức khỏe, nòi giống mà còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các hành vi tội phạm, làm mất trật tự an toàn xã hội… Chính vì vậy, TP HCM đang rất cần phải có các biện pháp đồng bộ, đủ mạnh và quyết liệt, kiên trì để đảm bảo đạt kết quả cao nhất trong công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Ông Lê Ngọc Sang, Phó Giám đốc thường trực Sở Lao  động - Thương binh và Xã hội thành phố khẳng định: "Hiện TP HCM có 16 cơ sở cai nghiện ma túy với 12 cơ sở cai nghiện bắt buộc; 1 trung tâm thực hiện thí điểm cai nghiện tại cộng đồng và 3 cơ sở cai nghiện tư nhân đang quản lý sau cai nghiện với hơn 9.500 người. Với hạ tầng cai nghiện trên, TP HCM đủ sức đưa toàn bộ số đối tượng nghiện bị phát hiện đi cai nghiện bắt buộc. Vấn đề là thành phố hiện vẫn đang phải chờ chế tài để được phép thực hiện một cách nhanh chóng"

Thái Bảo
.
.