Khi “ông” giao thông làm rối… giao thông

Thứ Năm, 15/10/2009, 15:10
Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông  Đường bộ (CSGTĐB), Công an TP HCM, cho biết: "Chúng tôi thường phải dẫn các đoàn khách đi qua tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhưng xe phải "cưỡi" toàn ổ gà, ổ voi nên rất ngại".

Kẹt xe, tắc đường, lô cốt, ổ gà, khói, bụi, những bất hợp lý trong phân luồng, quản lý giao thông, chưa khi nào, chất lượng giao thông đô thị TP HCM lại xuống thấp như thời gian gần đây. Người dân và CSGT đang hàng ngày trần mình đối mặt, giải quyết những rắc rối, bất cập mà ngành giao thông TP HCM gây ra...

Lô cốt đi quan, ổ gà ở lại

Chúng tôi xin bắt đầu bài viết từ trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (NVT - NKKN), tuyến đường được mệnh danh là trục đường “ngoại giao”, bộ mặt đô thị của TP HCM, nối liền sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm thành phố. Bất cứ người nước ngoài, khách du lịch nào đến TP HCM đều phải đi qua trục đường này.

Bức xúc lắm, Thượng tá Võ Văn Vân mới thốt lên câu nói như trên. Các "lô cốt" trên đường NVT - NKKN xuất hiện từ giữa năm 2007, cho đến nay hiện trạng của trục đường này thật đáng báo động. Dọc tuyến đường có hàng chục hố ga nhô lên khỏi mặt đường cả tấc. Trước số nhà 184 NVT (quận Phú Nhuận) lồ lộ một hố ga như "cục u" vừa to vừa cao. Đến giao lộ Huỳnh Văn Bánh -  NVT, mặt đường chỉ là đá xanh lởm chởm.

Giao lộ Võ Thị Sáu - NKKN "mọc" lên hố ga cao hơn mặt đường khoảng 20cm, những hố cáp thông tin nhô lên như một gò đất cao ở giữa đường, mặt đường một số chỗ còn bị bong mất lớp bê tông nhựa nóng. Dự kiến của nhà thầu vào cuối tháng 6/2009 sẽ tháo dỡ "lô cốt" trên toàn tuyến NVT - NKKN, tuy nhiên, cho đến những ngày đầu tháng 10/2009, hàng chục lô cốt lớn nhỏ vẫn còn “ngự trị” trên mặt đường.

Không riêng gì trục đường "ngoại giao" NVT - NKKN, trên nhiều tuyến đường trọng điểm tại TP HCM, "hậu" lô cốt, các đơn vị thi công đã tái lập mặt đường rất sơ sài, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm, khi các "lô cốt" đã dỡ đi, để lại trên mặt đường toàn  ổ gà, ổ voi. Có nơi chỉ rải đá dăm, đá cục.

Đôi khi phần đường vừa sửa thấp hơn mặt đường, tạo thành một cái rãnh chạy dài. Có những đoạn chỉ được trám lớp nhựa mỏng. Không ít tuyến đường, nhiều nơi chỉ làm cho có lệ. Các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Quang Định, Nguyễn Kiệm, Phan Đăng Lưu, mặt đường chỗ cao chỗ thấp. Nhiều nơi chỉ cần một trận mưa nhỏ, mặt đường đã biến thành những vũng nước lớn.

Tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), đơn vị thi công đã tháo dỡ nhiều đoạn lô cốt nhưng việc tái lập mặt đường nhan nhản ổ gà, ổ voi và bùn đất rơi vãi khắp nơi, khi gặp trời mưa, đường lầy lội chẳng khác gì đường... ruộng, không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra tại đây. Trên đường Phan Đăng Lưu, có đoạn bị lún 20-30 cm.

Ở các giao lộ Hùng Vương - Sư Vạn Hạnh, Sư Vạn Hạnh - Nguyễn Chí Thanh, Võ Thị Sáu - Phan Liêm, các đơn vị thi công tái lập mặt đường quá chậm, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Tại giao lộ Trần Bình Trọng -  Trần Hưng Đạo, nhiều ổ gà vẫn chưa được san lấp, còn tại ngã tư Trần Bình Trọng - Cao Đạt, mặt đường lồi lõm với nhiều rãnh khoét sâu.

Tại công trường ở đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) có lưu lượng xe lưu thông với số lượng lớn nhưng sau khi tháo dỡ hàng rào để dịch chuyển lô cốt sang vị trí mới, đơn vị thi công không tái lập ngay phần đã đào (rộng bằng phân nửa mặt đường, dài tới 50-70 m). Bộ mặt đô thị TP HCM trở nên lem luốc, nhiều tuyến đường trông chẳng khác chiếc áo vá chằng vá đụp.

Theo quy định hiện hành, mặt đường sau khi tái lập bị xuống cấp thì phải thi công lại. Trong vòng 12 tháng (thời gian bảo hành) sau khi bàn giao tuyến đường, nếu mặt đường bị hư hỏng, tư vấn giám sát sẽ yêu cầu nhà thầu tái lập hoặc thuê nhà thầu khác sửa chữa bằng kinh phí được trích từ 10% giá trị hợp đồng mà nhà thầu đã ký kết với Ban quản lý dự án.

Ông Trần Hồng Nam, Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết, thanh tra các đội vẫn thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường đang thi công của thành phố. Tuyến NVT - NKKN có những "cục u" trước đây là do đơn vị thi công đặt hố ga, lồi cao khỏi mặt đường rất nguy hiểm, sau khi kiểm tra, thanh tra đã yêu cầu đơn vị thi công trải nhựa để giảm bớt độ cao. Không biết Thanh tra Sở GTVT TP HCM đã "yêu cầu" như thế nào, nhưng cho đến ngày 6/10/2009, khi chúng tôi có mặt tại trục đường NVT - NKKN, hiện trạng vẫn không mấy sáng sủa.

Sự cẩu thả, vô trách nhiệm của các đơn vị thi công lô cốt và tái lập mặt đường, biến các con đường thành mối họa về tai nạn giao thông. Vào ngày 17/9 vừa qua, đã xảy ra cái chết thảm của cháu Nguyễn Huỳnh Phú Quý (17 tháng tuổi) do xe tải cán qua người khi đang được ba mẹ chở đi trên đường Phan Văn Hớn (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn).

Ngoài nguyên nhân tài xế xe tải chạy ẩu, còn do con đường này quá hẹp, nhiều đoạn đầy ổ gà nhấp nhô (thời hậu lô cốt) khiến người đi xe gắn máy phải chạy chung phần đường dành cho xe tải. Vào lúc 13 giờ ngày 8/9/2009, chỉ có một cơn gió nhẹ thổi qua nhưng khoảng 30 mét rào chắn lô cốt trên đường NKKN  (đoạn giữa hai đường Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai) đã đồng loạt đổ nhào, đè trúng một chiếc ôtô Innova, khiến nhiều ôtô ở phía sau bị kẹt lại.

Người đi xe máy nối đuôi nhau leo lên lề đường chạy thoát, may mắn không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Cách đây hơn 1 năm, trên đường NVT, đã có tai nạn lô cốt đổ nhào làm bị thương nặng 1 người. Đầu năm 2009, trên đường Đinh Tiên Hoàng, lô cốt cũng đổ làm 1 người phải đi cấp cứu.

Chiều 15/9, trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP HCM, Thượng tá Võ Văn Vân đã thông tin về việc các đơn vị thi công tái lập mặt đường ẩu hiện là nguyên nhân gián tiếp gây ra nhiều tai nạn giao thông cho người đi đường, đây là vấn đề rất bức xúc của lực lượng CSGT. Thượng tá Vân cũng cho biết thêm, hơn 250 rào chắn hiện diện trên mặt đường là  nguyên nhân chính gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông.

Theo quy định của Ủy ban nhân dân TP HCM, các đơn vị thi công lô cốt phải có trách nhiệm cắt cử người để điều tiết giao thông, trên thực tế, mỗi khi ùn tắc xảy ra tại các lô cốt, chỉ thấy lực lượng CSGT xoay xở, hầu như không thấy bóng dáng của các đơn vị thi công. Thượng tá Vân thừa nhận, lực lượng CSGT bị động khi đối phó với nạn ùn tắc giao thông xảy ra tại các lô cốt.

Theo thông tin chúng tôi có được, Sở GTVT TP HCM đã yêu cầu Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chủ nhân của các lô cốt, khẩn trương có kế hoạch sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng quá nhiều để bảo đảm an toàn giao thông. Nhưng chắc chắn rằng, việc này sẽ lại hao tốn hàng tỉ đồng kinh phí.--PageBreak--

Những bất cập về quản lý giao thông

Thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM bùng phát đột biến. Theo phản ánh của người dân, ngoài những điểm ùn tắc cũ đã xuất hiện nhiều điểm ùn tắc mới với quy mô lớn hơn. Có những điểm ùn tắc kéo dài nhiều giờ liền.

Cùng với vấn nạn lô cốt, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về những bất hợp lý trong cách tổ chức giao thông như tổ chức các tuyến đường đậu xe thu phí, lắp đặt trạm xe buýt không phù hợp, đèn đường, phân luồng, phân tuyến khiến tình trạng ùn tắc ngày càng gia tăng.

Những người dân ở quận 1, phản ánh về đèn tín hiệu giao thông tại trục lộ Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai - Trương Định thời gian quá ngắn, vào giờ cao điểm, đây chính là nguyên nhân gây kẹt xe. Nhiều chốt đèn hầu như được cài đặt thời gian xanh, đỏ theo chế độ "chết", cả hướng nhiều xe và luồng ít xe cũng đều có thời gian chớp, tắt bằng nhau.

Trong nhiều nguyên nhân gây ùn tắc giao thông phải kể đến việc bố trí phân luồng xe không phù hợp. Những người dân hằng ngày phải qua cầu Sài Gòn để vào trung tâm thành phố phản ánh, chiếc cầu này mỗi bên có 2 làn đường xe ôtô, gồm 1 làn dành cho ôtô con, làn còn lại dùng chung cho ôtô tải và ôtô khách.

Giờ cao điểm, ôtô tải bị cấm vào nội thành nên làn xe này hầu như trống vắng, trong khi ôtô con thì nối đuôi nhau trên làn quy định để qua cầu. Câu hỏi được đặt ra là tại sao cơ quan chức năng không cho phép ôtô con chạy vào làn của ôtô khách và ôtô tải, hay xe máy chạy vào trong làn xe ôtô con trong những giờ cao điểm để giải tỏa lượng xe ùn ứ trên cầu.

Thêm nữa, hiện nay, nếu các tài xế tuân thủ cứng nhắc quy định phân làn thì sẽ rất vất vả khi cho xe quẹo trái hoặc quẹo phải. Ví dụ xe đi trên đường Điện Biên Phủ hướng từ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm vào gặp đường Đinh Tiên Hoàng bắt buộc phải rẽ phải.

Nếu vẫn đi theo đúng làn đường quy định, việc cho xe rẽ phải sẽ không thuận lợi so với việc cho xe chuyển làn sang bên phải sớm hơn, theo người dân, tại sao ngành giao thông không cho phép những xe sắp quẹo phải được chuyển làn sang hẳn bên phải và xe sắp quẹo trái được chuyển sang hẳn làn đường bên trái trước khi đến các giao lộ.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, Thượng tá Vân khẳng định những phản ánh của người dân đều có cơ sở. Ngoài ra, Phòng CSGT còn nhận định việc đặt các trạm xe buýt quá gần giao lộ (ở khu vực nội thành), quá gần lòng đường, gây cản trở xe 2 bánh (trên các tuyến quốc lộ)... cũng làm tăng khả năng ùn tắc.

Bản đồ lô cốt trên đường Nguyễn Văn Trỗi.

Mỗi ngày có trên 200 CSGT phối hợp với hàng trăm cảnh sát cơ động, thanh niên xung phong, trật tự viên, dân quân tự vệ để chủ động kiểm soát và giải quyết ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra  nhất là vào giờ cao điểm. Có những tuyến đường, Phòng CSGT thường xuyên bố trí 6 CSGT, tuy vậy, lúc xảy ra những trường hợp đột xuất như tai nạn, ngập nước, CSGT cũng khó kiểm soát nổi. Danh sách hơn 120 điểm thường xuyên có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông đã được thành phố công bố hầu hết rơi vào các giao lộ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cả hệ thống đường sá khổng lồ này mới chỉ có trên dưới 10 giao lộ được đầu tư xây dựng cầu vượt, đường chui để tạo giao cắt khác mức.

Số liệu từ Phòng CSGT cho thấy, các phương tiện lưu thông vẫn tăng không ngừng, mỗi ngày có trên 1.000 xe gắn máy, 150 xe ôtô đăng ký mới, trong khi hạ tầng, diện tích mặt đường phát triển "nhỏ giọt".

Mô hình từ quận 10

Theo đánh giá của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, mô hình phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn quận 10, TP HCM cần được nhân rộng ra cho các địa phương khác.

Trước tình hình ùn tắc giao thông thường xuyên trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn quận 10 như: Tô Hiến Thành, Sư Vạn Hạnh, Thành Thái, Đồng Nai... Liên Đội CSGT- trật tự - phản ứng nhanh Công an quận 10 đã chủ động xác định được một số tuyến, nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, tham mưu cho Công an quận xây dựng phương án phòng ngừa và giải quyết ùn tắc.

Liên đội thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra lưu động, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông như: xe dừng, đỗ sai quy định, đi không đúng làn đường, phần đường quy định, xe chở hàng hóa cồng kềnh... bố trí lực lượng làm nhiệm vụ hướng dẫn, điều tiết giao thông tại những điểm thường xảy ra ùn tắc.

Qua khảo sát thực tế, công an quận đặt thêm nhiều bảng chỉ dẫn hướng đi các đường vòng, tránh khi xảy ra ùn tắc giao thông rất cụ thể đến từng ngõ, hẻm. Sau hơn một năm triển khai mô hình, tình trạng ùn tắc giao thông giảm rõ rệt, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Hiện nay, quận 3 cũng đã bắt đầu thực hiện mô hình này. Theo Phòng CSGT, mô hình sẽ được nhân rộng trên những địa bàn nội ô, giải pháp này đã tận dụng được tối đa diện tích mặt đường...

Thượng tá Vân đưa ra các giải pháp tình thế để khắc phục là lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra hỗ trợ giao thông; các công trình giao thông phải đẩy nhanh tiến độ; việc phân luồng, quản lý giao thông cần nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. Tuy nhiên, như lời Thượng tá Vân thừa nhận, tất cả các giải pháp hiện nay chỉ là... tình thế. Người dân thành phố vẫn phải chấp nhận sống chung với các vấn nạn lô cốt, kẹt xe, ùn tắc. Không biết đến bao giờ, ngành giao thông mới hết những dự án, quyết định bất cập làm... rối giao thông?

Thuận Thiên
.
.