Kho báu vua Hàm Nghi - Giấc mơ đã tắt

Thứ Ba, 22/10/2013, 09:45

Gần 15 năm nay, đã có ít nhất 4 lần tôi là kẻ tò mò viếng thăm có chủ đích tại cái lán xiêu xó để truy tìm kho báu Vua Hàm Nghi mà Nguyễn Hồng Công dựng bên dưới chân núi Mã Cú heo hút thuộc xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình. Đó là chưa kể nhiều lần khác tìm đến nhưng không gặp, hoặc dự định vào thăm ông nhưng đành bỏ cuộc vì mưa bão, vì đường sá không thể đi nổi.

Kho báu chắc chỉ tồn tại trong khát vọng và mơ ước của riêng Nguyễn Hồng Công, nhưng bị chinh phục bởi quyết tâm, khao khát và đức tin cháy bỏng của ông, tôi cũng đã nhiều lần viết về công cuộc săn tìm điên rồ, vô vọng  nhưng không mệt mỏi kéo dài từ năm 1982 đến nay.

Nhưng tôi sẽ không bao giờ nghĩ rằng, cuối cùng, bất đắc dĩ, tôi lại phải làm người báo một hung tin mà Thượng tá Đinh Minh Hiến, Phó trưởng Công an huyện Minh Hóa, phụ trách khối Cảnh sát đã xác nhận cho gia đình ông: Ngày 7/10/2013, Nguyễn Hồng Công được phát hiện đã chết ngay tại lán tìm kho báu trong tình trạng thi thể đã bắt đầu phân hủy. Không áo mão cân đai, không bạc vàng châu báu, mở ra từ rực rỡ vàng son, huyền thoại về kho báu Vua Hàm Nghi đã khép lại trong hiu quạnh.

Mùa hè năm 1982, Nguyễn Văn Luật, anh trai của Nguyễn Hồng Công, thủy thủ tàu viễn dương, sau một chuyến công tác từ nước ngoài về có cầm theo một tấm bản đồ bằng da "nghi là bản đồ kho báu Vua Hàm Nghi". Cho rằng "thiên cơ bất khả lậu" cho nên Nguyễn Hồng Công vẫn không cho bất kỳ ai tận mắt nhìn thấy tấm bản đồ này. Nguyễn Hồng Công còn tin chắc rằng, tất cả đường đi nước bước, cách giải mã các ký hiệu của tấm bản đồ đều đã được ghi chép đầy đủ trong một cuốn gia phả mà ông đã sở hữu từ trước.

Ngoài ra, ông còn sở hữu… một bài thơ có những câu như: "Hóa Sơn ghìm bước quân vương tới/ Mã Cú lưu gìn báu vật xưa". Theo Nguyễn Hồng Công, chính câu đầu tiên của bài thơ này - "Hóa Sơn tứ hải cuộc mưu sinh" - là mệnh lệnh, là sứ mạng được ký thác buộc ông phải dấn thân vào cuộc săn tìm...

Vào thời điểm đó, Nguyễn Hồng Công, quê ở xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đang là một sĩ quan biên phòng, công tác tại Long An, mới cưới vợ - cô giáo Phạm Thị Hà - được 3 năm. Hai vợ chồng vừa sắm được một căn nhà nhỏ ở quận 4, TP HCM và sinh được hai cô con gái. Bị thôi thúc bởi kỳ vọng kho báu, Nguyễn Hồng Công đã xin nghỉ phép, đóng vai người thu mua trầm hương lần tìm lên Hóa Sơn. Sau nhiều ngày lùng sục khắp suối khe, lật từng phiến đá, chui vào chui ra cơ man hang hốc, Nguyễn Hồng Công tình cờ tìm được một phiến đá hình dạng tựa như một chiếc đầu lâu, một mặt "có khắc chữ Vương".

Theo ông, những dấu vết này đã được mô tả rõ ràng trong cả cuốn gia phả lẫn tấm bản đồ. Nơi phát hiện phiến đá là chân núi Mã Cú, tên khác là núi Yên Ngựa, nhiều tài liệu lịch sử xác nhận chính là địa điểm Vua Hàm Nghi và đoàn hộ giá từng hạ trại trên đường bôn tẩu năm 1885.

Dưới chân núi có một gò đất rộng, gọi là Động Quân Áp, có một phiến đá to mòn vẹt một bên. Dân địa phương cho biết: trăm năm trước, hàng trăm binh sĩ trong đoàn hộ giá từng mài gươm ở đó làm mòn vẹt phiến đá. Từ vị trí hòn đá, Nguyễn Hồng Công dễ dàng tìm thấy, hoặc tự cho là thế, "những dấu vết" gồm cây lim xẹt, cây đa, cây bồ kết… cổ thụ mọc theo đúng trình tự "đã ghi rõ trong bản đồ và gia phả".

Niềm tin về việc kho báu đã gần kề càng trở nên mãnh liệt hơn khi Nguyễn Hồng Công được người dân địa phương và một số nhà nghiên cứu xác nhận: năm 1956, sau một cơn lũ lớn, người Hóa Sơn đã từng phát hiện và thu được hàng tạ tiền vàng được nước cuốn lộ ra từ một gốc cây lim cổ thụ nằm ngay bên suối. Lập tức, ông xin xuất ngũ, một mình tìm đến Hóa Sơn dựng trại đào tìm kho báu.

Suốt 5 năm ròng rã ngày đào, đêm nghỉ, khi đào một mình, lúc dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), Nguyễn Hồng Công đã vạt được một vách núi đá theo chiều nằm nghiêng dài 100m, rộng 50m. Không hề tìm thấy kho báu huyền thoại, thay vào đó, Nguyễn Hồng Công tuyên bố  đã tìm ra "quy luật xây dựng và ngụy trang kho báu" theo sơ đồ hình chữ Vương. Ba nét ngang, một nét sổ chính là các mạch nước ngầm để che giấu không cho người ngoài phát hiện ra kho báu. Cống thoát nước chính là giao điểm chính giữa của ba nét ngang và nét sổ. Hai giao điểm trên - dưới là… cống phụ!

Suối Hóa Sơn, nơi từng phát hiện vàng thoi năm 1965.

Sau nhiều ngày giám sát và nghiên cứu, đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Trị Thiên do ông Nguyễn Minh Kỳ (sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) làm trưởng đoàn đã đi đến kết luận: không có chứng cứ cho thấy có sự tồn tại kho báu Vua Hàm Nghi tại điểm ông Nguyễn Hồng Công đang đào. Đầu năm 1987, Nguyễn Hồng Công bị trục xuất ra khỏi Hóa Sơn.

Nhiều tháng liền sau đó, Nguyễn Hồng Công đã gõ cửa khắp các cơ quan của tỉnh Bình Trị Thiên và sau đó là tỉnh Quảng Bình để thuyết phục và xin cho kỳ được giấy phép thăm dò tìm kiếm kho báu. Tuy ghi nhận là không có dấu vết kho báu nơi Nguyễn Hồng Công đang đào, song cũng không có văn bản hành chính nào khẳng định là hoàn toàn không có một kho báu Vua Hàm Nghi như ông Công khẳng định. Mà tài liệu chứng minh sự tồn tại, vị trí chôn giấu thì lại là chuyện ông Công "dứt khoát không tiết lộ, để tránh kẻ xấu xâm phạm tài sản quốc gia".

Bất đắc dĩ, mà cũng chẳng mất gì của ai, chính quyền lại tiếp tục cấp giấy phép. Nguyễn Hồng Công đã thuyết phục được vợ bán nhà, huy động được chục người thân, anh em, họ hàng góp vốn cổ phần. Một số người khác không có quan hệ thân sơ gì, nhưng bị thôi thúc bởi sự huyễn hoặc của "kho báu hàng tấn bạc vàng" cũng tìm đến xin hùn hạp, hy vọng thành công sẽ được chia một món hời. Mùa hè năm 1987, hàng tấn máy móc, hàng chục con người đã rầm rập theo Nguyễn Hồng Công lên Hóa Sơn bạt núi xới rừng.

Sau nửa năm lật tung núi đá, xới nát rừng già thì tiền hết, xăng dầu cạn, máy móc rệu rã mà kho báu vẫn chẳng thấy tăm hơi, các cổ đông lần lượt nối nhau từ bỏ giấc mộng vàng. Vợ con, anh em ruột từ kỳ vọng chuyển thành thất vọng, khuyên giải mãi Nguyễn Hồng Công không nghe, cũng bỏ về hết. Còn lại trơ trọi một mình, Nguyễn Hồng Công vẫn kiên gan ở lại lọ mọ đào xới thêm hơn 20 năm. Ông không nhớ  nổi đã đào được mấy trăm, mấy ngàn khối đất đá. Trong lần ghé thăm vào tháng 7/2004, chúng tôi nghe ông Công khẳng định: "Tôi đã đào xuyên đá 12 đường hầm, sâu 18m, dài mỗi đường 400m"!--PageBreak--

Vất vả, khó nhọc trong vô vọng, sức khỏe Nguyễn Hồng Công dần dần hao kiệt. Ông trở nên gầy còm, đen đúa, râu ria tua tủa. Không ít lần, Nguyễn Hồng Công đã suýt mất mạng. Có khi đào hầm quá sâu, thiếu không khí, ông ngất xỉu không ai biết, nửa ngày sau đột nhiên tỉnh lại và chui ra. Lúc khác, mùa mưa, lạnh buốt, đường hầm đang đào bất ngờ phá vỡ một mó nước, Nguyễn Hồng Công trồi lên, trụt xuống một hồi lại ngoi lên.

Dẫn chúng tôi đi xem những điểm "tử địa hồi sinh", Nguyễn Hồng Công tuyên bố chắc như bắp: "Người khác là chết thẳng cẳng. Tôi thì kinh nghiệm rồi, vô trong hầm tôi biết cách thở… rất ít nên không tốn không khí, không ngạt được. Bị nước cuốn thì nhịn thở, cố ngoi lên sau đó… thở bù. Không làm vậy là không sống được".

Ông nói, ông tin nhưng không thể thuyết phục được bất kỳ ai. Rất nhiều lần, Nguyễn Hồng Công tuyên bố chắc nịch là "đã phát hiện ra cửa hầm vàng, sắp khui" nhưng rồi chẳng thấy đâu. Cũng đã cả trăm lần, vì sức khỏe và tính mạng Nguyễn Hồng Công, chính quyền địa phương đã ra quyết định trục xuất và cưỡng chế ông, buộc ra khỏi núi Mã Cú. Mỗi lần như thế, Nguyễn Hồng Công mới có dịp về TP HCM thăm gia đình, vợ con ít hôm, sau đó lại lóc cóc một thân một mình quay trở lại. Ngoài kho báu Vua Hàm Nghi, đời ông không còn mục đích nào khác.

Mỗi lần để có lý do trục xuất ông, người ta lại viện dẫn hàng loạt dẫn chứng khoa học khẳng định kho báu mà ông kiếm tìm là huyền thoại hoang đường, không có cơ sở. Ngược lại, mỗi lần quay lại với cuộc đào xới, Nguyễn Hồng Công lại phân trần bằng cách trưng ra một dây phát hiện cũng "khoa học đa ngành", từ sử học, khảo cổ học cho đến khoa học kiến trúc, nghệ thuật xây dựng cổ kim, thậm chí cả phép ẩn dụ, lối ẩn ngữ gì đó của ngành ngôn ngữ học.

Chắc như dao chém cột, ông tuyên bố: "Sau hàng chục năm kinh nghiệm, chỉ có mỗi mình tôi  phát hiện ra những "quy luật" đó. Các học giả, tiến sĩ thực thụ, họ thiếu kiến thức thực tiễn, hiểu làm sao nổi". Tóm lại, họ hoài nghi ông "không thèm chấp", họ chê bai ông "bỏ ngoài tai". Để sống, ngoài số tiền không nhiều vợ con từ TP HCM gửi ra, ông tăng gia nuôi thêm mấy con gà, trồng thêm trước lán tạm vài liếp rau mùng tơi, dăm ba cây đu đủ. Bình thường, ông sống hiền lành, không làm phiền ai nên dân địa phương cũng quý. Thỉnh thoảng, bà con lại tiện đường đi rừng ghé qua cho ông ít quà, lúc vài bơ lạc, đậu, có khi là nải chuối, chục cam…

Căn lều dưới chân núi Mã Cú, tháng 7/2004.

Cãi nhau kịch liệt với cả chính quyền lẫn nhà khoa học, báng bổ đủ loại thần thánh quyền năng nhưng dường như ông vẫn là người thờ Phật. Ngày Rằm, mùng Một âm lịch, Nguyễn Hồng Công vẫn đều đặn ra chợ Hóa Sơn mua ít hoa quả về thắp hương. Đầu tháng 9 âm lịch, không thấy ông đi thửa hương đèn hay mua bán như mọi khi, một số người dân thôn Đặng Hóa đã nghĩ đến chuyện chẳng lành, đi báo ngay với chính quyền.

Sáng ngày 6/10/2013, chính quyền xã Hóa Sơn đã phân công anh công an viên Đinh Xuân Hậu cùng một người dân là anh Phan Thanh Tiến tắt rừng vào xem thử. Cách lán của Nguyễn Hồng Công chừng 50m, hai anh đã thấy mùi hôi thối bốc lên khá nặng. Đẩy cửa lán bước vào, họ thấy Nguyễn Hồng Công vẫn nằm trên giường, buông màn, đôi giày xếp ngay ngắn dưới đất nhưng đã chết từ lâu, thi thể phân hủy, bốc mùi nồng nặc. Ngoài mùng, ruồi nhặng bâu đầy…

Đại úy Thái Văn Minh, Đội phó Đội Hình sự Công an Minh Hóa cho biết: Tổ khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi được thành lập gồm đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, Viện Kiểm sát, Đội Hình sự Công an huyện và chính quyền xã Hóa Sơn. Hiện trường ngăn nắp, không có dấu vết của sự xáo trộn. Trên thi thể nạn nhân cũng không có dấu vết xô xát hay tác động nào từ bên ngoài.

Nguyễn Hồng Công được xác định đã chết tự nhiên cách đó khoảng 7 ngày, tức đúng vào hôm bão số 10 đổ vào Quảng Bình tàn phá. Người săn kho báu có tiền sử bệnh lao phổi, sức khỏe rất yếu. Rất có thể vì thiếu sự chăm sóc, cứu chữa nên ông không gượng nổi khi nằm lại một mình giữa chòi hoang trong rừng sâu giữa ngày bão lũ.

Thi thể nạn nhân đã phân hủy nên việc mai táng không thể trì hoãn, được chính quyền địa phương tiến hành vào chiều tối cùng ngày. Một số người quen đã lục tìm các mối liên lạc để báo tin cho gia đình Nguyễn Hồng Công. Một vài người nhớ ra tác giả từng viết bài về Nguyễn Hồng Công nên  đã báo cho tôi biết. Mất vài tiếng đồng hồ, tôi mới có thể liên lạc được với bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo ở Bệnh viện Mắt TP HCM, con gái ông Công. Chị vừa sinh con không lâu nên bận bịu, tôi gọi nhiều cuộc, rồi nhắn tin chị mới biết và cầm máy. Khó khăn lắm, tôi mới có thể truyền đạt hết thông tin ngắn ngủi nhưng xót xa về người cha của chị. Nghe chưa hết câu, chị Thảo đã khóc ngất. Đứa con chị vừa mới sinh sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được gặp mặt ông ngoại của mình.

Gần như cùng lúc, bà Phạm Thị Hà vợ và 2 người con trai (30 tuổi và 27 tuổi) của ông Nguyễn Hồng Công cũng nhận được tin buồn từ ông Hoàng Văn Đại, cán bộ Trung  tâm Nghiên cứu khoa học của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Những năm 1983-1984, trong giai đoạn ông Nguyễn Hồng Công thăm dò, khảo sát kho báu, ông Đại là thành viên của đoàn cán bộ giám sát tỉnh Bình Trị Thiên. Họ đã có gần 2 năm sống cùng nhau trong rừng và hình thành một tình cảm bè bạn chân tình…

Ba chục năm đeo đuổi giấc mơ kho báu, ông Nguyễn Hồng Công đã sống cô độc ở một xó rừng. Sáng 7/10, tại Hóa Sơn, có lẽ lần đầu tiên ông đón nhiều người thân quây quần cùng lúc, nhưng là để hương khói thương khóc bên mồ. Những bí mật về kho báu Vua Hàm Nghi huyền thoại, chắc cũng đã cùng ông ngủ yên nơi chín suối…

Nguyễn Hồng Lam
.
.