Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Không có chuyện lấy tiền ngân sách ra để cứu các doanh nghiệp

Thứ Năm, 16/08/2012, 09:20

Đến thời điểm này là hơn một năm Chính phủ mới được thành lập theo sự phê chuẩn của Quốc hội. Hơn một năm qua Chính phủ mới đã phải đương đầu với biết bao khó khăn, thử thách khi mà kinh tế thế giới chao đảo kéo theo những khó khăn cho nền kinh tế trong nước: sản xuất suy giảm, đình đốn, doanh nghiệp khó khăn, đời sống của nhiều người dân chưa được cải thiện một cách rõ rệt.

Việc Chính phủ phải đương đầu với sức ép dư luận khi mà thông tin thua lỗ từ các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước được công bố, một số cán bộ được bổ nhiệm có sai phạm. Hơn một năm qua Chính phủ mới đã làm được những gì? Đó là câu hỏi được rất nhiều người dân đặt ra và đó cũng là lý do khiến Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có mặt trong trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam để trao đổi với nhà báo Lê Bình trong chuyên mục: "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" được phát trên VTV1 cuối tuần qua và được phát lại nguyên văn trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ chinhphu.vn.

Dưới đây, Chuyên đề ANTG xin được trích lược một phần cuộc trao đổi thẳng thắn, không né tránh của Bộ trưởng Vũ Đức Đam với nhà báo Lê Bình kéo dài 55 phút, giải đáp thấu đáo rất nhiều vấn đề bức xúc đang được nhiều người dân quan tâm.

PV: Thưa Bộ trưởng, sau hơn một năm Chính phủ mới đi vào hoạt động thì có vẻ như nền kinh tế đang đi vào những giai đoạn khó khăn nhất. Hai tháng gần đây, chỉ số CPI liên tục âm khiến chúng ta lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào suy thoái kép. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì ví nền kinh tế Việt Nam đang trong mùa bão lụt. CPI âm trong tháng 6 là lũ cấp 1, CPI âm trong tháng 7 là lũ cấp 2 và nếu như trong tháng 8 mà CPI tiếp tục âm nữa thì thủy văn nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng báo động. Chính phủ đánh giá như thế nào về nguy cơ này, các mối quan tâm của chuyên gia kinh tế cũng là quan tâm của mọi người dân trong cả nước.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tôi đồng tình là tình hình kinh tế của chúng ta đang có rất nhiều khó khăn. Khó khăn mà tất cả người dân dễ thấy nhất là doanh nghiệp thì hoạt động rất khó, hàng tồn kho cao hơn bình thường, mặc dù gần đây có giảm nhưng vẫn rất cao, doanh nghiệp thì muốn vay vốn để phát triển sản xuất cũng khó khăn, đời sống của nhân dân thì chưa được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên nếu mà nói suy giảm kinh tế đặc biệt là suy thoái kép thì tôi nghĩ rằng cũng nên tranh luận lại.

Theo như thông lệ thì người ta tính tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý mà hai quý liền thì đúng là suy thoái nhưng chưa phải là suy thoái kép. Nhưng cũng xin được lưu ý ở Việt Nam chúng ta tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với những năm trước đây và thấp hơn so với kế hoạch nhưng mà tất cả các quý chúng ta vẫn tăng trưởng dương. Thấp nhất quý 1 cũng tăng tới 4%, quý 2 nhích lên trên 4%. Điều đó có nghĩa rằng, nếu nói chính xác thì nền kinh tế chúng ta tăng trưởng chậm lại nhưng mà chưa có suy thoái.

Nhà báo cũng có nói về CPI âm và như vậy  thì nguy cơ giảm phát có không thì đúng là CPI hai tháng vừa qua âm nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, chỉ số tiêu dùng và từ đó là lạm phát của tất cả các nền kinh tế về cơ bản là người ta rất thấp. Những nền kinh tế đang phát triển thì phần nhiều có lạm phát dương nhưng mức lý tưởng cũng chỉ 2% đến 3%. Chúng ta dù rằng 2 tháng vừa qua CPI âm nhưng nếu ngoại trừ yếu tố về xăng dầu, về lương thực thì vẫn còn dương và nếu cứ tiếp tục đà này, cuối năm chúng ta cố gắng cũng vẫn phải khoảng 6-7% thì như vậy là cũng vẫn còn rất cao.

PV: Nhưng thưa Bộ trưởng đa phần người dân thì không hiểu về kinh tế vĩ mô. Một nền kinh tế mà ổn định thì thế nào là ổn định, lạm phát bao nhiêu là ổn định và tăng trưởng bao nhiêu là ổn định, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Vì trong một quá trình dài và liên tục chúng ta tăng trưởng 7%, 8% cho nên bây giờ chúng ta vẫn đặt ra mục tiêu cả nhiệm kỳ là tăng trưởng từ 6 đến 7%. Cho nên hiện nay khi tăng trưởng chỉ trên 4% thì chúng ta đều thấy là quá thấp và đúng là chúng ta phải phấn đấu để tăng trưởng nhanh hơn. Vì, chỉ có bằng cách ấy thì  chúng ta mới thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, nếu nói chung kinh tế thế giới thì chúng ta hiểu rằng chỉ cần duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức dương đã là rất tốt và mức độ tăng trưởng trung bình của thế giới ví dụ khoảng 3% thì ai mà trên 3% có nghĩa là tốt hơn bình thường.

Nói về lạm phát thì phức tạp hơn một chút. Chúng ta có thể hiểu nôm na lạm phát tức là đồng tiền mất giá. Ở các nước đang phát triển, để kích thích kinh tế phát triển thì người ta thường để lạm phát dương tức là đồng tiền mỗi năm mất giá vài %. Tại sao lại không nên lạm phát nhiều quá bởi vì thế này: Đồng tiền ví dụ mất giá 3%  nếu bạn có tiền bạn muốn gửi vào ngân hàng thì phải nhiều hơn 3% bạn mới gửi. Ví dụ bạn gửi 4% và ngân hàng huy động vào 4% thì ngân hàng cũng phải có lãi,  cho vay ra doanh nghiệp khoảng 6-7%; khi doanh nghiệp có 6-7% thì mức chung của thế giới hiện nay khi mình đi vay là khoảng như vậy. Nhưng nếu nền kinh tế của chúng ta lạm phát cao tức là đồng tiền mất giá cao thì tiền gửi của người dân vào ngân hàng lãi suất phải cao. Ngân hàng cho doanh nghiệp vay lãi suất phải cao hơn. Như vậy doanh nghiệp của chúng ta phải vay vốn với lãi suất cao hơn so với lãi suất doanh nghiệp các nước thì đương nhiên chúng ta cạnh tranh sẽ khó khăn.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại trường quay VTV1.

PV: Nhưng tại sao Chính phủ lại chỉ đặt mục tiêu lạm phát dưới hai con số?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Câu hỏi của bạn rất là thú vị và rất nhiều người đã hỏi tôi câu này. Chúng ta hãy quay lại một năm trước đây. Tình hình kinh tế của chúng ta lúc ấy lạm phát rất cao. Chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ của năm 2010 lên tới trên 20% và lãi suất ngân hàng huy động vào cũng là 13-14%;  tiền cho vay ra khoảng 18%. Đó là lãi suất công bố còn thực tế có thể cao hơn.

Trong bối cảnh đó Chính phủ  đặt ra mục tiêu phải ưu tiên kiềm chế lạm phát và để kiềm chế lạm phát thì thứ nhất là phải xuống từng bước. Thứ hai là song song với kiềm chế lạm phát phải duy trì tốc độ tăng trưởng một cách hợp lý. Nếu chúng ta thắt chặt quá lại thì kinh tế không tăng trưởng được. Và, nếu kinh tế không tăng trưởng được thì lao động thất nghiệp và nhiều hệ lụy khác cũng dẫn đến mất ổn định vĩ mô.

Vì thế, Chính phủ đề ra một lộ trình tương đối dài hạn và chắc chắn. Năm nay 2012, lạm phát phải xuống dưới một con số. Những năm tới đây lạm phát phải tiếp tục xuống để đi tới trong một số năm chúng ta có một môi trường vĩ mô ổn định, có nhiều chỉ số trong đó có một chỉ số là chỉ số lạm phát ở mức phải dưới 5% thì chúng ta mới có thể phát triển một cách ổn định và mới có thể phát triển một cách vững chắc được.

PV: Vấn đề lớn nhất của ngân hàng hiện nay là nợ xấu. Nó được ví như là cục máu đông đang gây tắc nghẽn huyết mạch của nền kinh tế. Cục máu này to hay nhỏ, phá vỡ nó bằng cách nào thì đó là điều mà người dân và tất cả các chuyên gia đều quan tâm. Nhưng mà các số liệu khác nhau được đưa ra bởi  Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia  đang đặt cho người dân một câu hỏi rất lớn: Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố  cao hơn gấp 8 lần so với Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó. Chính phủ đã kiểm tra lại vấn đề này và tìm ra bức tranh thực về nợ xấu hay chưa, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Đây là vấn đề mà trong kỳ họp tháng 7 vừa rồi Chính phủ cũng đã đề cập và thảo luận. Thủ tướng Chính phủ  yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xu thế công khai hóa và minh bạch hóa, công bố công khai những số liệu chính thức về nợ xấu của các ngân hàng, các doanh nghiệp để những người quan tâm và nhân dân theo dõi để biết.

Tuy nhiên, các số liệu công bố khác nhau vì nó xuất phát từ các nguồn khác nhau. Một nguồn từ các báo cáo của các tổ chức tín dụng báo cáo lên rồi tập hợp lại. Một nguồn do thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đi tìm hiểu. Thứ hai là thời điểm thống kê cũng khác nhau. Thứ ba là tiêu chí xếp nợ thế nào là nợ xấu thì một số tiêu chí cũng ảnh hưởng đến kết quả.

Nhưng mà chúng tôi có thể nói thế này: nợ xấu của chúng ta đang có xu hướng gia tăng và điều đó là đúng. Số liệu chính xác thì Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố nhưng mà con số nợ xấu phải giải quyết như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có đề cập trước Quốc hội là lên tới 100 nghìn tỉ là những số liệu có cơ sở và chúng ta cần phải có biện pháp để giải quyết số nợ xấu này. Giống như là cục máu đông mà nhà báo vừa nói chúng ta phải làm sao cho nó lưu thông trở lại thì nền kinh tế mới lưu thông được.

PV: Thực ra thì nợ xấu theo tiêu chí nào đi chăng nữa thì tôi thấy đó cũng là con số rất cao. Với số nợ xấu cao như thế nếu tôi là người dân tôi có một chút tiền đi gửi ngân hàng thì tôi có lo ngại không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tôi nghĩ rằng, không phải lo ngại vì hai lý do. Thứ nhất, đồng nghiệp ở Ngân hàng Nhà nước sau này sẽ có thông tin cụ thể hơn nhưng chúng ta hiểu thế này. Ngân hàng Nhà nước bao giờ cũng có quy định Ngân hàng thương mại phải ký một khoản quỹ nhất định đề phòng khi rủi ro nợ không đòi được thì không đổ bể và khoản tiền đó theo như tôi được biết vào khoảng gần 70 nghìn tỉ. Như vậy số nợ dù  có lớn như mọi người nói thì cũng đã có một khoản mà khoản này Ngân hàng Nhà nước nắm chắc.

Còn bất kỳ doanh nghiệp nào đến vay ở ngân hàng thương mại cũng phải có một khoản bảo lãnh, thế chấp. Nếu không có ai bảo lãnh thì phải mang tài sản của mình ra thế chấp. Nếu ai đã từng đi vay ngân hàng  thì biết rồi. Mình có một tài sản ví dụ như một nhà máy hoặc một miếng đất trị giá 100 đồng thì ra ngân hàng cùng lắm ngân hàng cũng chỉ có thể cho vay đến 70 đồng thôi. Vì vậy những khoản nợ xấu đó khẳng định ngay rằng không phải cứ nợ xấu là mất.

Thứ hai là chủ trương của Chính phủ nhất quán từ xưa đến nay là Chính phủ sẽ không để đổ vỡ cả hệ thống ngân hàng, và Chính phủ cam kết sẽ đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân khi có tiền gửi vào ngân hàng thương mại. Chính vì vậy Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt Ngân hàng Nhà nước thực hiện chương trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần mục tiêu là có một hệ thống ngân hàng ổn định không phải để người dân lúc nào cũng thấp thỏm lo đổ bể.

PV: Trong một cuộc họp báo Bộ trưởng đã phủ nhận thông tin là cần phải thành lập một công ty xử lý nợ xấu lên tới cả trăm nghìn tỉ. Giải quyết nợ xấu thì đương nhiên là cần nhưng người dân tỏ ra lo ngại rằng tiền của Chính phủ lại đổ vào cứu doanh nghiệp mà tiền của Chính phủ là tiền đóng thuế của dân. Tại sao những người dân nghèo lại phải đi cứu những người giàu có là các doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Con số nợ 100 nghìn tỉ mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề cập trước Quốc hội là con số ước lượng số nợ xấu cần phải giải quyết. Nhưng mà giải quyết nợ xấu có rất nhiều biện pháp chứ không phải chỉ bằng một biện pháp duy nhất  là lập công ty mua bán nợ. Bằng chứng hiện nay là công ty đó chưa thành lập nhưng nợ xấu vừa qua đã từng bước được giải quyết.

Thêm nữa là kể cả có thành lập một công ty xử lý nợ ví dụ có một số nợ cần giải quyết là 100 đồng thì không nhất thiết số vốn của công ty ấy phải là 100 đồng. Ai đã làm kinh doanh thì biết rồi, nếu chúng ta kinh doanh khéo thì chỉ với số vốn ban đầu nhỏ chúng ta vẫn có thể giải quyết được số nợ lớn hơn. Thứ hai là ngay với số vốn nhỏ ấy cũng không nhất thiết là Nhà nước bỏ ra hết. Nhà nước có thể tham gia một phần rất nhỏ còn lại các thành phần kinh tế khác sẽ tham gia vào. Tôi có thể khẳng định rằng không có chuyện Nhà nước lấy tiền ngân sách ra để cứu các doanh nghiệp. Có nghĩa là Nhà nước sẽ không dùng tiền thuế của dân để đi lo cho một số doanh nghiệp như một số dư luận băn khoăn

Theo VTV.vn
.
.