Không gian ngầm "cứu tinh" bề nổi chật chội

Thứ Năm, 13/04/2017, 16:15
Nhìn ở góc độ giao thông gia tăng chóng mặt như hiện nay, quỹ đất đô thị dành cho không gian quy hoạch bãi đậu xe hầu như đã cạn kiệt, nên việc phát triển không gian ngầm dưới lòng đất trung tâm thành phố được coi là giải pháp tối ưu của đô thị hiện nay như TP Hồ Chí Minh. Tình trạng thiếu bãi đậu đỗ xe càng trở nên bức bách hơn khi thành phố triển khai, thực hiện chủ trương thiết lập lại trật tự lòng lề đường, trả lại vỉa hè cho người đi bộ như thời gian vừa qua.

Theo Sở Xây dựng, tính từ trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh trong bán kính 500m đã có hơn 60 nhà cao ốc, cao tầng có từ 1-5 tầng hầm để xe, với tổng diện tích khoảng 265.000m2. Nếu so với tổng số lượng 7,8 triệu phương tiện (trong đó có 7,2 triệu xe gắn máy) thì bãi đậu xe hiện đang thiếu rất nghiêm trọng. Trong lúc hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi) được thành phố quy hoạch có diện tích 1.110ha, với 520ha bến bãi đỗ xe ô tô.

Riêng khu vực quận 1 quy hoạch là 7,35ha xây dựng 4 bãi ngầm tại công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, Trống Đồng và sân vận động Hoa Lư. Trong 4 dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm tại trung tâm thành phố, dự kiến khi đưa vào khai thác, sẽ đáp ứng chỗ đậu 6.290 xe ô tô và 3.916 xe máy tại khu vực trung tâm. Nhưng hiện nay dự án vẫn còn là... dự án. Ngoài ra, các bãi xe ngầm còn được quy hoạch tại công viên 23/9, đường Hàm Nghi, nhà ga Bến Thành, bến Bạch Đằng, công viên Chi Lăng, phố đi bộ Nguyễn Huệ...

Để giải quyết tình trạng thiếu bãi đậu xe hiện nay, thành phố đã chủ trương dành một số tuyến đường tại quận 1, quận 3 làm chỗ đậu xe nhưng vẫn không xuể. Công tác quản lý còn nhiều bất cập và tình trạng "cẩu xe" đậu dừng sai quy định tại khu vực trung tâm thành phố bị các cơ quan chức năng quận 1 xử lý vẫn đang diễn ra mỗi ngày.

Song song với chủ trương, thuê chuyên gia nước ngoài nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch quản lý đô thị, cùng các sở ngành liên quan của TP tổ chức quy hoạch, thiết kế không gian ngầm cho các bến bãi đậu đỗ xe, các nhà ga, trung tâm thương mại ngầm thì chính quyền thành phố cũng đang bàn thảo đến phương án khoanh vùng 220ha trung tâm thành khu đi bộ.

Khu đi bộ nhằm giảm tải, kéo giảm tình trạng thiếu bãi đậu xe và ùn tắc giao thông như hiện nay. Nhưng theo các chuyên gia về lĩnh vực giao thông, đô thị: việc quy hoạch 220ha cho khu đi bộ ở trung tâm vẫn chưa phải là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Hiện trên thế giới tại nhiều đô thị lớn, việc tổ chức nhiều tuyến phố đi bộ dành cho không gian văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thương mại, mua sắm đang là những lợi thế thu hút người dân và du khách trong và ngoài nước chứ không phải là không gian quá rộng 220ha dành cho việc đi bộ.

Có người nhắc lại chuyện nước Mỹ vào năm 1960, cũng đã quy hoạch 100 khu phố đi bộ, nhưng chỉ còn khoảng 11 khu phố đi bộ hiện nay, phá sản hơn 85%. Nếu khu trung tâm thành phố dành 220ha cho đi bộ thì ai dám chắc tình trạng giao thông sẽ không dồn lên mặt đường các tuyến đường của khu vực xung quanh.

Đó là chưa kể đến rất nhiều cơ quan công quyền, ngoại giao, khu thương mại, chợ búa tập trung tại khu vực 220ha, sẽ phát sinh rất nhiều hệ lụy, phiền hà trong việc giao thương, làm việc và đặc biệt là khách du lịch cho dù có thể có phương tiện công cộng thay thế tại khu vực này. Là khu vực rất đông đúc người lui tới kinh doanh, giao dịch, thương mại, mưu sinh thì việc khoanh vùng hơn 200ha cho khu đi bộ là không khả thi thay vì quy hoạch thêm nhiều tuyến phố đi bộ.

Đây là đề án chuyển một phần khu trung tâm (930 ha) thành khu đi bộ sẽ được trình UBND TP HCM trong quý 2. Theo đó, khu phố đi bộ ở trung tâm có chu vi 7,35 km, rộng hơn 220 ha, bao gồm một số đoạn trên đường: Lê Duẩn, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Lợi và một số tuyến đường nhỏ ở quận 1.

Trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại TP HCM từ sáng sớm đã chật kín xe ô tô, xe máy gửi.

Theo tiến sỹ Hồ Bá Thâm (Trung tâm KHXH&NV TP HCM): Đô thị hóa là quá trình tạo lập và biến đổi không gian đô thị, xây dựng xã hội đô thị với những chủ thể là thị dân ngày càng có chất lượng sống tốt hơn, thoáng mát, xanh sạch đẹp. Mô hình phát triển văn minh phải là mô hình đô thị sinh thái cả nghĩa tự nhiên và nhân văn. Do đó, việc tận dụng không gian ngầm và với kỹ thuật, hạ tầng vững chắc luôn là một ưu tiên thay vì o ép, nén chặt không gian mặt đất với những quy hoạch không phù hợp.

Không gian trong lòng đất đô thị là không gian đối xứng với không gian mặt đất và trên cao, cần vận dụng hài hòa và phù hợp sẽ phát huy tác dụng rất hiệu quả. Chỉnh trang đô thị là một việc rất cần thiết phải làm nhưng phải có sự đồng bộ từ khâu quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và các giải pháp phù hợp với cốt nền đất, địa chất và tác động của biến đổi khí hậu của thành phố.

Vẫn nhắc chuyện phương án tối ưu hiện nay để giải quyết cho phần không gian mặt đất quá tải ở khu vực trung tâm thành phố hiện hữu bằng chính không gian ngầm. Nhưng không đơn phương với khai thác không gian ngầm mà cần phối hợp đồng bộ với không gian mặt đất và không gian trên cao tạo nên sự hài hòa cho đô thị hiện đại.

Trong vài năm tới, khi các khu phố thương mại, nhà ga, bãi đậu xe, khu vui chơi, giải trí ngầm dưới lòng đất được hoàn thành đưa vào sử dụng, TP HCM sẽ trở thành một nơi rất đáng sống, một thành phố văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp. Do đó, ngay từ bây giờ, mỗi người dân cần có nhận thức rõ ràng và đầy đủ về tương lai để chung tay, chung sức, chung lòng xây dựng thành phố tương lai với các thành phố vệ tinh với không gian ngầm dưới lòng đất và trên mặt đất, trên tầng cao...

Hoàng Châu
.
.