Khu Công nghiệp Sài Đồng B “hạ sát” sông Cầu Bây?

Thứ Ba, 26/07/2011, 14:25

Theo một chuyên gia môi trường tại Hà Nội, nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng gia tăng là do hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, thiếu chế tài xử lý nghiêm... Nhưng bên cạnh đó còn là thái độ vô trách nhiệm của con người với môi trường, là sự bất chấp lợi ích cộng đồng chỉ để đạt lợi ích mong muốn của một hay một vài cá nhân nào đó.

Câu chuyện về dòng sông dưới đây là một ví dụ.

Băn khoăn trước một "dòng sông chết"

Cầu Bây là con sông đào lâu năm dẫn thoát nước mặt từ khu vực sân bay Gia Lâm và các hồ ao lân cận đổ ra cống Xuân Thụy, phục vụ cho hệ thống tưới tiêu Bắc Hưng Hải. Sông có chiều dài khoảng hơn 12 cây số, xưa nay vẫn là nguồn cung cấp nước tưới tiêu sinh hoạt, chống hạn tiêu úng cho cả một vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn phía đông Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả thuộc Viện Nghiên cứu rau quả (FAVRI) dẫn chúng tôi lên cầu Trắng trước cửa FAVRI lắc đầu ngao ngán: "Đấy các anh xem, nước sông giờ thế kia thì còn làm được gì?".

Nhìn theo tay ông Phó Giám đốc chỉ, quả thật một dải mặt sông lều phều sủi bọt đen ngòm. Nước bẩn quá. Sông Cầu Bây vốn là nguồn cung cấp nước mặt cho toàn bộ các khu vực dân cư và canh tác của Trâu Quỳ, Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ nay chẳng ai còn dám dùng, thậm chí chỉ là rửa chân.

Sinh sống và làm việc ở đây đã ngót 30 năm, ông Cường bảo, xưa sông Cầu Bây là nơi tập trung mọi hoạt động của dân cư trong vùng. Người ta tát nước tưới cây, tưới rau, dẫn nước vào đồng ruộng, tắm rửa thoải mái dưới lòng sông mát rượi. Sinh viên Trường đại học Nông nghiệp I - PV tan học mùa hè còn rủ nhau xuống sông bơi lội, bắt cá mò cua cải thiện bếp ăn sinh viên. Khi chưa bị ô nhiễm, vào mùa mưa, người dân thậm chí chỉ cần gánh nước về, đánh phèn là sử dụng làm nước sinh hoạt thoải mái. Bây giờ thì đố dám! Cả một dòng sông vốn trong mát, hiền hòa là thế giờ đây hóa thành con mương hôi thối, nước đục ngầu. Đứng cách xa bờ cả chục mét mà vẫn ngửi thấy mùi hôi của nước. Vào dịp mùa cạn, nước đặc quánh, chẳng con gì sống được trong cái mớ sền sệt, hôi thối ấy. Dân cư hai bên bờ sông nhiều người bị viêm mũi, viêm xoang, đau mắt đỏ, lở loét, nước ăn chân rất thương tâm.

Bà Dương Kim Thoa thuộc Bộ môn nghiên cứu rau và cây gia vị chỉ cho chúng tôi xem tận nơi trạm bơm của FAVRI nằm cách bờ sông chỉ một bức tường. Xưa kia, khi nước sông Cầu Bây còn sử dụng được, trạm bơm này là đầu nguồn cung cấp nước tưới cho 5 ha vườn thí nghiệm của Viện. Nhưng giờ nước sông ô nhiễm, trạm bơm cùng hệ thống mương dẫn nước đầu tư cả tỉ đồng đành bỏ hoang. Không như các loại cây trồng khác, 5 ha vườn thí nghiệm này chủ yếu trồng toàn các loại cây rau ngắn ngày, thời gian sinh trưởng ngắn nên nước ô nhiễm là biết ngay. Tưới nước bẩn vào chiều hôm trước chỉ đến sáng hôm sau là rau héo úa hết cả. Nước ô nhiễm tràn xuống từng dõng, luống, đến cả các loài giun, dế, cóc nhái trong vườn cũng chết sạch chỉ sau một lần tưới. Đã có những lần nước lấy từ sông vào sau khi khô đi đóng bánh một lớp đen sì trên mặt đất, chẳng cây cỏ nào mọc được. Cán bộ Viện phải huy động người xúc đổ đi từng xẻng…

Bà Thoa chỉ cho chúng tôi thấy trạm bơm và hệ thống dẫn nước cả tỉ đồng giờ bỏ hoang.

Bà Thoa cho biết, tình trạng ô nhiễm của sông Cầu Bây đã diễn ra gần chục năm nay, và từ khoảng 5 - 7 năm nay thì nước sông hoàn toàn không sử dụng được nữa. Để có nước tưới phục vụ cho 5 hécta vườn ươm, FAVRI phải đầu tư khoan giếng, nhưng cũng rất tốn kém và bất tiện bởi tính ra cứ mỗi 1.000m2 vườn là phải có một giếng khoan thì mới đủ nước, rồi thì ống dẫn, rồi thì đi dây điện rất rắc rối và không an toàn lắm cho sản xuất, nghiên cứu. Đấy là chưa kể hơn 300 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên của Viện và hàng nghìn nhân khẩu trong vùng phải thường xuyên gánh chịu sự ô nhiễm và mùi hôi thối của dòng nước ô nhiễm nặng nề này. Được biết, cây ổi cùng 18 loại rau, quả khác của xã Đông Dư, huyện Gia Lâm từ lâu đã là sản phẩm nổi tiếng trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao cũng đang cùng chung số phận bởi nguồn nước tưới từ sông Cầu Bây bị ô nhiễm như thế. Xã Đông Dư đã từng mời cán bộ của Trường đại học Nông nghiệp I về khảo sát và đi đến kết luận nguồn nước tưới là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng rau trồng bị chết, ổi vàng, rụng lá, cây trồng mắc bệnh mắt cua, nấm…

Để đối phó với tình trạng trên, chính quyền các xã trong khu vực ảnh hưởng đã từng vận động các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đào nhiều giếng khoan để lấy nước phục vụ sản xuất, duy trì sản vật địa phương. Tuy nhiên, rõ ràng sử  dụng nguồn nước ngầm hạn chế để phục vụ sản xuất nông nghiệp đại trà thay cho nguồn nước mặt bị ô nhiễm không phải là giải pháp bền vững. Bởi vì ô nhiễm nước mặt theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến nước ngầm, không sớm thì muộn. Chưa tính đến khả năng mực nước ngầm bị hạ thấp do khai thác quá mức thì những ảnh hưởng về địa tầng còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Làm sạch dòng sông Cầu Bây để đem lại cuộc sống và sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ gia đình rõ ràng phải là vấn đề đã và đang được đăt ra cấp thiết.

Đi tìm "kẻ ám sát" sông Cầu Bây

Đi sâu vào tìm hiểu vấn đề chúng tôi được biết, một trong những thủ phạm gây ô nhiễm trầm trọng cho dòng nước Cầu Bây chính là nguồn xả thải không qua xử lý từ KCN Sài Đồng B. Theo tài liệu của chính Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel), là chủ đầu tư, thì KCN Sài Đồng B thuộc địa phận các xã Thạch Bàn, Long Biên và Gia Thụy của huyện Gia Lâm, Hà Nội, được hình thành từ năm 1992. Đến năm 1995, UBND TP Hà Nội có tờ trình Chính phủ xin phép thành lập KCN tập trung Sài Đồng B tại huyện Gia Lâm, Hà Nội (nay là quận Long Biên) với diện tích sử dụng đất là 97,11 ha.

Ngày 11/3/1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 151/TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Sài Đồng B. Sau đó, ngày 26/7/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 583/TTg về việc cho phép Hanel thuê đất để đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sài Đồng B tại huyện Gia Lâm. Sau khi có các quyết định trên, Hanel tiến hành triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng KCN và đến nay đã hoàn thành được cơ sở hạ tầng với diện tích khoảng 48 ha trong đó 38,5 ha là đất xây dựng nhà máy và 10 ha là đường giao thông. Đến nay, theo thống kê sơ bộ có khoảng gần 50 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất tại KCN này.

Được biết, đến ngày 13/7/2007, Hanel đã có một biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH Thương mại Him Lam, địa chỉ 2A Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM về việc chuyển giao chủ đầu tư 38 ha KCN Sài Đồng B để thực hiện dự án Khu công viên Công nghệ thông tin Hà Nội, trong đó có nội dung Công ty Him Lam sẽ chịu trách nhiệm xây dựng khu xử lý nước thải chung cho cả KCN Sài Đồng B và Khu Công nghệ thông tin Hà Nội tại vị trí quy hoạch mới ngay khi Khu Công nghệ thông tin Hà Nội được phê duyệt quy hoạch. Thỏa thuận này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận bằng Văn bản số 4743/UBND-KH&ĐT ngày 31/8/2007, và sau đó là Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

KCN Sài Đồng B là một trong những nguồn gây ô nhiễm sông Cầu Bây.

Như vậy là tính cho đến thời điểm này, KCN nói trên đã có ngót 14 năm hoạt động. Và cũng ngần ấy thời gian, KCN này không có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mà xả thẳng gây ô nhiễm trầm trọng cho sông Cầu Bây. Theo một trong những giải thích của Hanel, thì "tại thời điểm năm 1997-1998 là những năm khủng hoảng tài chính với chính sách chung của Nhà nước và UBND TP Hà Nội là kêu gọi và ưu đãi đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào KCN. Chính vì vậy, các yếu tố gây ảnh hưởng tới môi trường và lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp hầu như không được xem xét cẩn trọng" là lý do để KCN nói trên chưa có một hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn?

Trong hầu hết các văn bản giải trình của mình với các kết luận của Đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường, Đoàn thanh tra Bộ Kế hoạch - Đầu tư thời gian qua, Hanel đều khẳng định trách nhiệm xây dựng trạm xử lý nước thải đã là của Công ty Him Lam, rằng "từ những nguyên nhân khách quan do chuyển chủ đầu tư, do quy hoạch và giải phóng mặt bằng chậm trễ, nên cho đến nay KCN Sài Đồng B vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải!" (Công văn số 127/CV-HANEL ngày 21/12/2010 kiến nghị lên Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường). Thậm chí công văn nói trên còn khẳng định "đây cũng là bức xúc rất lớn của Công ty TNHH một thành viên Hanel và các doanh nghiệp trong KCN Sài Đồng B".

Tuy nhiên, có một điều có thể thấy rõ là biên bản thỏa thuận bao gồm trách nhiệm xây dựng khu xử lý nước thải nói trên mới chỉ được chính thức chấp thuận từ 31/8/2007. Cứ cho là việc Công ty Him Lam suốt 4 năm qua không thực hiện đầy đủ tinh thần của bản thỏa thuận chuyển giao là điều không thể chối cãi. Nhưng vậy thì còn trong 10 năm hoạt động trước đó, nguồn xả thải gây ô nhiễm cho sông Cầu Bây từ KCN Sài Đồng B thuộc trách nhiệm của ai? Công ty Him Lam phải có trách nhiệm đã rõ ràng. Nhưng vin vào một thỏa thuận như thế để né tránh nghĩa vụ xử lý nước thải của KCN mà chính Hanel đang hưởng lợi từ đó là một cách làm thiếu trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng của Hanel, dù gì đi nữa.

Cầu Bây hiện giờ đã ô nhiễm quá trầm trọng, ảnh hưởng vô cùng lớn tới cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động nghiên cứu của toàn bộ khu vực nơi con sông chảy qua. Người dân chẳng cần quan tâm việc các doanh nghiệp có nghĩa vụ liên quan đang ngồi đấy mà "đổ vấy" trách nhiệm xử lý nước thải cho nhau như thế nào. Cái họ cần, là nước sông Cầu Bây phải được trong sạch lại như xưa. Và đấy cũng chính là nội dung trong lá đơn kêu cứu cho sông Cầu Bây của tập thể cán bộ Viện Nghiên cứu rau quả thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam gửi tới Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an, mong chờ một biện pháp hữu hiệu tìm lại sự trong sạch cho dòng sông

Việt Ba
.
.