Khúc biến tấu của những khoảnh khắc mùa xuân

Thứ Năm, 19/02/2015, 14:10
Nếu như không phải là một anh hùng trong cuốn phim vào loại hay nhất thời Liên bang Xôviết – người điệp viên ấy chỉ có “17 khoảnh khắc của mùa xuân” – có lẽ trong cuộc đời này, ta thường có nhiều khoảnh khắc của mùa xuân hơn, nhưng không phải theo ý nghĩa của người anh hùng ấy. Là một người bình thường, tôi hưởng thụ mùa xuân qua ca khúc, thơ và… món ăn. Sau lễ tết, mùa xuân kéo dài với ẩm thực. Nhưng giờ đây, lội ngược dòng thời gian đi tìm mùa xuân cũ, rõ ràng là đối với tôi, đã đến lúc “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua…” (Xuân Diệu).

Thời tuổi trẻ, dẫu khổ cực đến mấy, vẫn là một thiên đường đã mất, đối với con người hoài cổ như tôi. Khi đang hạnh phúc, ta không có nhu cầu ghi lại. Nên ý niệm về mùa xuân xưa của tôi là những gì rất mông lung, như trong ca khúc của La Hối: “Xuân về với ngàn hoa tươi thắm/ Ta muốn hái muôn vàn đóa hồng”… Thời ấy, chờ đợi mãi mới thấy mùa xuân – và cũng là mùa của tết. Bây giờ thì, ngoảnh đi ngoảnh lại, đã thấy hết năm.

Mùa xuân của thời thơ ấu trong tôi gắn liền với bánh chưng và nhất là bánh tét, chỉ có ở nhà người gốc quê Nghệ An. Tôi ngồi cạnh bếp lửa ngùn ngụt củi cháy reo vui, cố thức canh nồi bánh nhưng mắt cứ ríu lại. Để rồi tới đầu xuân, vẫn còn thấy treo lủng lẳng những chùm bánh chưng và bánh tét nhỏ xíu: mẹ muốn dành cho con một cái tết kéo dài như lúc ở quê.

Lễ Thanh minh của nhà tôi ở Hà Nội rất đơn giản và mâm cỗ được trình bày trên mặt cái lò sưởi của phòng lớn (nhà ở thời Pháp thuộc, hầu như phòng nào cũng có lò sưởi). Hoa huệ ta ở bàn thờ và thiếu giỏ thủy tiên do chính tay mẹ tôi gọt bởi loài hoa hiếm, quý chỉ có trong dịp Tết. Ấn tượng mạnh về mùa xuân có lẽ là dịp năm tôi lên mười, lần đầu tiên tôi không bị mặc quần “soóc” của con trai. Là đứa con gái thứ tư trong nhà, nên có lẽ tôi bị mẹ biến thành một đứa “giả trai”.

Xúng xính trong cái áo dài bằng dạ mỏng màu gạch, tôi ra ngõ Trúc Lạc rất sớm, nhưng chẳng gặp được ai trong số hàng xóm, cả trẻ con lẫn người lớn, để họ thấy tôi được mặc áo “tân thời”, kiểu Le Mur (mốt áo dài mới do ông thợ may Cát Tường nổi tiếng cách tân từ kiểu áo tứ thân). Dưới chân, là đôi guốc quai hoa, nhưng mẹ vẫn chưa cho tôi đi guốc cao gót! Các nhà đều có vườn rộng, những cây đào, mai vẫn còn những bông nở muộn thấp thoáng qua làn mưa bụi – thứ mưa ngày nay không còn có nữa. Nay Hà Nội chỉ còn mưa phùn vào mùa xuân, hoặc mưa dầm.

Giáp xuân Ất Dậu là nạn đói, người nghèo gục bên những kho lúa bị Nhật tịch thu. Gia đình tôi lúc ấy ở Sầm Sơn. Dân chài đánh cá ăn với khoai luộc. Người ăn xin đều từ các vùng khác kéo đến. Chỉ có một người dân Sầm Sơn bị bắn bêu giữa chợ, hình như anh làm nghề chăn ngựa cho quân đội Nhật mà lại ăn cắp thóc của ngựa. Làng xóm lặng đi vì sợ hãi, họ hồn nhiên bảo nhau: người Nhật ghét nhất là tính ăn cắp… Liền sau đó là Cách mạng tháng Tám, tôi sống những ngày hội hè.

Ngày nào cũng là mùa xuân, ở Hà Nội. Mốt bấy giờ là đồng phục. Thiếu nhi mặc váy ngắn, quàng khăn đỏ, áo sơ mi trắng, vai bồng… Tôi chỉ nhớ có một ngày hội đặc biệt: đội thiếu nhi chúng tôi được đến Ấu Trĩ Viên, được Bác Hồ phát cho mỗi đứa một gói kẹo đựng trong túi làm bằng giấy báo… “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”… Chỉ tới năm sau, tôi đã không được ăn Tết ở Hà Nội mà phải theo gia đình tản cư về Thanh Hóa.

Trước mùa xuân, Bác Hồ về thăm dân tỉnh Thanh. Hội trường cấp tốc được dựng lên, tôi được đi theo ba tôi qua một lối đi tắt ngoằn ngoèo (ngoài đường cái dân đã tập hợp đông nghịt). Tôi chỉ được gặp Bác trước buổi mít tinh. Sau khi nghe Bác dặn dò, ba tôi đẩy tôi ra và nói: “Thưa Bác, đây là con Đào!”. Bác cúi xuống hôn tôi vội vã rồi bước lên bục nói chuyện với nhân dân.

Bác nói về chủ trương “vườn không nhà trống”, “tiêu thổ kháng chiến”, nói lời chúc Tết với dân. Những chủ trương ấy, tôi chỉ hiểu được sau bao biến cố. Bản đồ địa lý của tỉnh Thanh hoàn toàn đã xóa nhòa trong tâm tưởng của tôi và trong thực tế, kể cả nơi tôi đã được gặp Bác, ngày xửa, ngày xưa… Tuy nhiên, trong một mùa xuân ngắn ngủi ở thị trấn ngày ấy, tôi đã được ở trong biệt thự tuyệt đẹp của vợ chồng bác Ngọc, điền chủ giàu có, bạn của ba mẹ tôi. Tôi ngồi ở hành lang, đọc tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu và thể nghiệm những rung động trước mùa xuân hệt như… Mã Chiếm Sơn, võ tướng của Mãn Châu quốc (!), trong bài thơ “Ly rượu thọ”: “Đào xuân thắm dâng hương vào cửa sổ/ Bạc xuân trong rắc trắng mái hành lang”…

Thế rồi từ đó, là 9 năm tản cư về các làng mạc miền xuôi, miền ngược của Thanh Hóa. Có lần ngồi chưa ấm chỗ, đã phải chuyển đi. Tôi phải rời nhà dân thân thuộc nơi gia đình tá túc, ấm áp tình dân để đi đến các vùng có trường, và lại ở nhờ nhà dân. Đợi đến ngày Tết mới đi bộ hàng mấy chục cây số, về đến “nhà mình”. Ngồi bên cạnh nồi đồng to tướng nấu bánh chưng với bạn bè, con cái chủ “nhà mình”, củi cháy đùng đùng đốt lên niềm vui sum họp. Để rồi trở lại trường, lại ăn Tết muộn với phần cỗ gia đình nông dân dành cho nhóm học trò ở chung nhà.

Mùa xuân xa nhà có lạnh, nhưng cũng được sưởi ấm bởi đủ thứ của nhà dân, bè bạn: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”… Xưa kia, trong cuộc tản cư thời chống Pháp, sau hàng tháng xa nhà, đi bộ hàng mấy chục cây số, từ trường về đến nhà, bụng đói ngấu, tôi vồ ngay lấy một cái bát ô tô (nay gọi là bát tộ) cơm nguội, dưới cái nhìn âu yếm của mẹ và nụ cười hóm hỉnh của ba. Mẹ chưa kịp “sáng kiến” ra thức ăn gì, tôi chỉ cần rưới chút nước mắm Nghệ thơm phức thêm mấy cái tóp mỡ là xong!

Đêm đến, mấy chị em chui vào chăn ngay cả lúc đang xuân vì liếp, vách nhà rất mỏng. Thật là tuyệt, khi được vừa gác chân lên nhau vừa nhai khoai deo – một thứ khoai luộc thái mỏng rồi phơi ra, ruột vàng và trong, loại khoai không có bột, món đặc sản của làng Quỳnh quê mẹ. Để rồi thiếp đi trong giấc ngủ say của tuổi trẻ…

Thiếu nữ và hoa đào.

Và nếu ở Việt Bắc, thì mùa xuân lạnh sẽ trở thành ấm áp nhờ những khúc sắn vùi trong tro than củi rực hồng. Thời trung học, tôi đã “nhớ mãi một mùa xuân chia phôi” với một người bạn đặc biệt, khi phải rời xa Trường trung học Đào Duy Từ, nơi làng Cốc bập bùng tiếng ghita và những bài hát lãng mạn như “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý, “Trương Chi” của Văn Cao, để theo bước chân chuyển công tác của ba tôi vào Nghệ An rồi lên Việt Bắc. Với thời gian trôi đi, “mùa xuân và tuổi trẻ” (như trong bài hát của La Hối) cũng trôi đi. Nỗi buồn vương vấn ấy không phai nhạt trong sương mù của ký ức nhưng vẫn để lại một dư vị của hạnh phúc. Bởi so sánh với nỗi buồn đầu tiên ấy, càng dấn thân vào cuộc đời, những trải nghiệm về chia ly càng nặng nề hơn.

Thậm chí, có lúc tôi đã nghĩ như Văn Cao “Không có hai mùa xuân/ trong một đời người/ Dù những cây đời thay lá chuỗi”… Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, chiến tranh còn xa tôi lắm và hình ảnh giữ lại là một ngôi trường tiểu học đầy hoa tầm xuân - thứ hoa mà sau này tôi cứ mãi mãi đi tìm để sống lại giây phút thơ mộng của mùa xuân cuộc đời. Ở nơi ấy, tôi đã thấy bộ đội qua làng, những chỉ huy cưỡi ngựa đeo súng pạc hoọc trễ nặng ở cái thắt lưng to bản, khi tiện đường, lại rẽ vào thăm ba tôi. Có lẽ đó là con đường trung chuyển của các đơn vị, qua quân khu bộ Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Còn mùa xuân ở chiến trường Việt Bắc xa lắc, tôi chỉ được biết khi đã về già, đọc hồi ký của chồng tôi: “… 2/2/1954, qua bờ sông Nậm Bạc, đêm giao thừa tối đen, dưới ánh sao, chúng tôi xuống ngựa cùng các cán bộ, chiến sĩ ăn Tết, một bữa cỗ với toàn đồ hộp, chiến lợi phẩm… Không rượu, không mứt, bánh chưng, không pháo nổ, cùng nhau chúc mừng chiến thắng đầu tiên trong cuộc tiến công thần tốc”… Tới cuộc kháng chiến lần thứ hai, không còn phải “tản cư”, chỉ đi “sơ tán” nhưng nghĩa vụ lại nặng nề hơn vì tôi đã có con cái và là vợ của người chồng luôn ở chiến trường. Rất hiếm những mùa xuân sum họp, mà lệnh phải đi sơ tán thì không tính tới thời gian, không gian. Bất kể đêm ngày, bom đạn, cứ tranh thủ được lúc nào là tôi phóng xe đạp đi thăm con, ba chốn bốn nơi.

Lần đầu tiên phải rời Hà Nội, được xếp ở nhờ nhà dân, tôi cứ khóc thút thít. Nhà rất hẹp, nhưng họ nhường cho tôi ở một phòng riêng, để “cô ráo” làm việc. Đã qua mùa xuân, câu thơ cổ “Vẫn biết xuân tàn hoa rụng hết/ Đầu tường vẫn nở một cành mai” rất đúng với hình ảnh tôi nhìn thấy qua cửa sổ. Còn có bông hoa phù dung, trong một ngày đổi ba màu rồi tàn.

Lại nhớ ngày còn niên thiếu, tản cư về quê nội ở Lương Điền, tôi phải ngồi chép cuốn “Bình giảng và Chú thích Chinh phụ ngâm”, ba tôi đọc thuộc lòng: “Nay đào đã quyến gió đông/ Phù dung lại rã bên sông bơ phờ”. Rồi bảo tôi ghi dưới chú thích: “Mùa nào?”. Ôi, thời tản cư, là đứa trẻ con, được nương tựa vào ba mẹ… Còn tới thời “sơ tán”, tôi lại phải là chỗ dựa của gia đình! Song vì chồng ở mặt trận, nên đồng đội của anh có khi chở trên xe tải cả một cây đào rừng về đặt giữa phòng ngủ của mẹ con tôi, qua cả mùa xuân nó mới tàn.

Đối với chồng tôi, chiến đấu ở vùng Tây Nguyên, chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Những thời điểm buồn nhiều hơn vui trong thời chiến thường đọng lại ở những cuộc chia tay vào mùa xuân. Mùa xuân 1967, chồng tôi vào Tây Nguyên. Rồi cuối năm 1967, Bộ lại gọi ra để nhận lệnh lên đường trước 1 ngày, vào chiến trường qua đường máy bay quân sự sang Nam Ninh, bay vòng tới Pnôm Pênh rồi mới đi bộ xuyên rừng vào Tây Nguyên. Tôi được đặc ân dắt con ra sân bay tiễn chồng, quạt máy bay thổi ù ù, kính mờ đục không nhìn được cái vẫy tay, cũng không nghe thấy tiếng gọi từ biệt.

Mỗi lần chia tay, anh thường quàng vai tôi và tươi cười bảo: “Chịu khó chờ tí nhé!”. Lần ấy, anh chỉ kịp về nhà chào vợ con, lấy vài thứ đồ mang theo. Tôi buồn vì sẽ không được gặp anh trong Noel, trong dịp Tết. Sau này, tôi mới biết rằng, đồng chí Văn Tiến Dũng đã trực tiếp giao mệnh lệnh bằng miệng: anh phải vào phổ biến cho Bộ Tư lệnh Tây Nguyên giờ nổ súng thống nhất toàn miền Nam là 12 giờ đêm Giao thừa Tết Mậu Thân, mở đầu cho cuộc tổng tiến công kéo dài trong 3 tháng mùa xuân, kết thúc bằng chiến thắng của toàn miền. Tết ấy, tôi mang các con từ nhà mình về ông bà ngoại ăn Tết vài ngày cho đỡ buồn. Tôi cứ nghĩ rằng mùa xuân sau sẽ là mùa xuân sum họp, tuy không được biết kế hoạch ấy. Chiến tranh chấm dứt, kế hoạch ấy mới được ghi vào lịch sử, rất lâu sau…

Ngay trong những ngày chiến tranh, mùa xuân vẫn là mùa tái sinh của tất cả, đặc biệt là của hy vọng. Thực ra, không phải vì sự luân hồi của các mùa mà tâm hồn con người bị tác động. Từ lúc tuổi xuân, Văn Cao từng mơ tới “một mùa đào thắm chưa tàn qua một lần” là tất nhiên. Song cuối đời, qua bao thăng trầm của số phận, Văn Cao vẫn viết: “Mùa xuân đầu tiên”. Và đó cũng là ca khúc cuối cùng của ông!

Với tôi, khi đã qua bao vòng luân hồi của bốn mùa, ấn tượng về mùa xuân của tôi lại gắn với những ngày “Thanh minh đương tiết tháng ba”… Gia đình thân thuộc họp nhau lại đi thăm những người yêu thương nhất nay đã ở một phương trời khác. Rồi chăm sóc, tưới tắm cho ngọn cỏ trên mồ, màu xanh tươi như sự hồi sinh. Tất cả đều không mất đi vĩnh viễn, niềm vui vẫn tái sinh qua đau buồn.

Tiết Thanh minh

Đặng Anh Đào
.
.