"Khủng hoảng hiện hình" là do bộ não đánh lừa?

Thứ Tư, 24/10/2012, 17:50

Mặc dù những cuộc gặp người chết bất ngờ dễ gây sự hãi hùng nhưng đó cũng là nguồn an ủi tinh thần quý giá cho người còn sống, theo lời các nhân chứng và giới điều tra hiện tượng huyền bí. Những cuộc gặp này đồng thời chứng minh sự ràng buộc giữa những người thân với nhau không hề mất đi sau cái chết.

Vào một đêm thứ bảy mùa đông năm 2001, khi sắp sửa đóng cửa tiệm làm tóc ở NewJersey thì Nina De Santo nhìn thấy Michael đứng bên ngoài cánh cửa kính. Michael là vị khách quen của tiệm, ăn nói nhẹ nhàng và từng trải qua giai đoạn đau buồn trong đời. Vợ anh đã ly hôn với anh để chạy theo mối tình khác và sau đó anh cũng không được tòa án cho phép nuôi hai đứa con một trai một gái của mình.

Michael bị suy sụp hoàn toàn sau cuộc hôn nhân tan vỡ, thế là Nina cố gắng giúp đỡ anh. Chị thường chịu khó lắng nghe tâm tư của anh, động viên anh và mời anh đi uống chút rượu. Khi ra mở cửa vào đêm thứ bảy đó, Nina thấy Michael mỉm cười với chị. Sáng ngày chủ nhật hôm sau, Nina nhận được cuộc gọi  từ một nhân viên ở tiệm làm tóc. Cuộc gọi thông báo: Xác của Michael được tìm thấy vào sáng hôm qua - nhiều giờ trước khi Nina nhìn thấy anh tại cửa tiệm.

Cảnh sát cho biết Michael đã tự sát. Nếu Michael đã chết, thì ai đã nói chuyện với Nina vào đêm hôm trước? Nay thì Nina có cái tên để gọi sự kiện đã xảy ra với chị: "khủng hoảng hiện hình". Nina tình cờ gặp được thuật ngữ này khi đọc sách về những hiện tượng huyền bí sau sự việc kỳ lạ xảy đến với mình.

Theo các nhà điều tra về hiện tượng huyền bí, "khủng hoảng hiện hình" là linh hồn của một người vừa mới chết bất ngờ về lại thăm thân bằng quyến thuộc, thường là để nói lời từ biệt.

Các báo cáo về những cuộc gặp mặt kỳ quái như thế được cụ thể hóa trong những cuộc bàn luận trên Internet, nơi những cuốn sách như "những thông điệp" - trong đó bao gồm nhiều câu chuyện kể về người còn sống gặp được người đã khuất sau sự kiện tấn công khủng bố tòa tháp đôi ở Mỹ ngày 11/9/2001 - và các nhóm săn ma địa phương xuất hiện ngày càng nhiều giữa mối quan tâm tăng cao về hiện tượng huyền bí.

Nghiên cứu khoa học về "khủng hoảng hiện hình" không nhiều lắm, song lý thuyết về hiện tượng thì nhiều vô số kể. Ví dụ: một người trong cơn khủng hoảng (bệnh nặng hay đang hấp hối) có thể truyền thông điệp hình ảnh bằng thần giao cách cảm đến người thân nhưng thường không báo trước về thông điệp này. Lý thuyết khác nói đó chẳng qua là trò đánh lừa của bộ não - người đang dự tang lễ tự tạo ra những hình ảnh một cách vô thức như để tự an ủi mình sau khi bị mất người thân.

Bất chấp những sự hiện hình có nguồn gốc như thế nào đi nữa, những hình ảnh này cũng đủ gây bàng hoàng sửng sốt cho chúng ta. Mà sự hiện hình cũng không giới hạn ở hình ảnh. Ví dụ, linh hồn người chết có thể giao tiếp với người thân của mình thông qua yếu tố huyền bí gì đó chẳng hạn mùi hương quen thuộc của mình. Nhiều người thậm chí không tin vào chuyện ma cỏ vẫn trải nghiệm hiện tượng "khủng hoảng hiện hình", tức gặp mặt người đã chết, theo nhận định của các nhà điều tra hiện tượng huyền bí.

Khu biệt thự Wymering ở Anh, với những chuyện hiện hình kỳ lạ, nhiệt độ tăng giảm bất thường và tiếng huýt sáo.

Thế nhưng, những câu chuyện về hiện tượng "khủng hoảng hiện hình" không chỉ giới hạn ở tuổi thiếu niên và người lớn. Như trường hợp cô bé 6 tuổi Donna Stewart lớn lên ở Coos Bay, bang Oregon (Mỹ). Một trong những người bạn thân nhất của Stewart là cậu bé Danny. Một hôm, Danny phải đến bệnh viện để cắt amidan. Buổi sáng trong bệnh viện hai đứa vô tư chơi đùa với nhau rồi Stewart tạm biệt bạn ra về. Hôm sau khi đang ở trong phòng ngủ, Stewart chợt nhìn lên thấy bạn Danny của mình đứng đó.

Danny tỏ ý gọi cô bạn gái ra ngoài chơi với mình. Stewart liền nhảy chân sáo đến phòng mẹ xin phép ra chơi với bạn. Mẹ của Stewart lúc đó chợt thấy lạnh cả người. Rồi người mẹ báo tin buồn: Danny đã chết do phản ứng dị ứng khi đang mổ.

Stewart nói: "Khi em trở về phòng ngủ thì Danny đã không còn". Stewart, nay là bà nội trợ ở Oregon và thành viên của PSI - Đội điều tra những hiện tượng huyền bí. Mãi sau này hình ảnh cuộc gặp mặt kỳ lạ vẫn luôn lởn vởn trong đầu bà. Stewart cũng đặt ra một số câu hỏi giống như những người từng trải nghiệm "khủng hoảng hiện hình" - Liệu tôi có bị bộ não đánh lừa? Lẽ nào bạn ấy còn sống? Chuyện đó có thật sự xảy ra sau khi bạn ấy chết?”.

Nhưng không chỉ có người thân với nhau mới xảy ra hiện tượng "khủng hoảng hiện hình", mà thậm chí người sống cũng có thể gặp mặt người xa lạ nào đó mới chết hay đã chết từ lâu lắm rồi. Như câu chuyện của đạo diễn điện ảnh Pater Jackson, người nói đã từng nhìn thấy một bóng ma thực sự. Trong thời gian trình chiếu lần đầu "Bộ xương đáng yêu" - bộ phim được dựng dựa theo câu chuyện của Alice Sebold về một cô gái trẻ bị giết chết, Jackson nói ông không biết linh hồn giống như thế nào. Jackson tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Channel 4 TV rằng, mặc dù không dám chắc linh hồn người chết trong cuốn phim là đúng sự thật 100% song ông đã nhìn thấy một con ma thật sự.

Bây giờ Nina có một lý thuyết riêng. Michael lúc đầu chỉ là khách của cửa tiệm nhưng sau đó trở thành bạn thân của chị. Có lẽ Michael đã thu xếp mọi chuyện trên thế giới này trước khi sang thế giới bên kia. Nina nói: "Nhiều lúc khi người ta chết trong bi kịch, chắc chắn có nhiều cảm giác tội lỗi hay xao động. Tôi không nghĩ họ sẽ tức thì rời bỏ trần gian. Họ vẫn ở đây. Tôi cho rằng Michael cảm thấy có điều gì đó chưa hoàn thành thế nên cần phải nói lời từ biệt".

Và Michael đã làm thế, Nina mô tả về cuộc gặp cuối cùng bất thường - hai người mặt đối mặt trước cửa tiệm làm tóc, không chạm vào nhau cũng không bắt tay nhau. Mà chị cũng không nhớ có gì bất thường nơi Michael - giọng nói không giống của người chết, thân thể không mờ mờ, không có cảm giác người đối diện đã chết. Tuy nhiên có hai chi tiết đáng lưu tâm. Khi mở cửa ra gặp Michael, Nina nói chị thấy như bồn chồn ớn lạnh trong người. Thứ hai là gương mặt của Michael lúc đó tái nhợt. Và khi cửa mở thì Michael từ chối không bước vào tiệm. Mà chỉ lên tiếng: Cảm ơn Nina lần nữa". Rồi Michael mỉm cười, quay gót bước đi xa dần trong cái đêm mùa đông cuối tuần lạnh lẽo đó.

Nhà khoa học Barrie Colvin nói: "Tôi không tin vào sự sống sau khi chết. Mà tin là phần nhiều những gì được dán nhãn "huyền bí" chỉ đơn giản là ảo giác, sự đánh lừa của não bộ hay do say rượu, phê ma túy..."

Duy Ân (tổng hợp)
.
.