Kích thích não sâu chữa bệnh Alzheimer

Thứ Bảy, 17/12/2011, 15:25

Từ lâu căn bệnh Alzheimer - sự co lại của não bộ, chức năng não suy giảm và mất trí nhớ - được cho là không thể thay đổi được, nhưng mới đây một nhóm nhà khoa học Canada chứng minh ngược lại với kỹ thuật gọi là kích thích não sâu - đưa dòng điện trực tiếp vào những khu vực não.

Với kỹ thuật này, trung tâm trí nhớ của hai bệnh nhân thí nghiệm đã được cải thiện. Trước đây phương pháp kích thích não sâu từng được thực hiện đối với hàng chục ngàn bệnh nhân Parkinson cũng như hội chứng Tourette và trầm uất.

Kỹ thuật được tiến hành dưới sự gây tê cục bộ và tiến trình quét MRI (cộng hưởng từ) sẽ xác định mục tiêu bên trong não... Đầu bệnh nhân được giữ trong tư thế cố định, một vùng nhỏ của não được phơi ra và các điện cực mảnh đặt cạnh khu vực não được kích thích. Các điện cực được nối với cục pin cấy dưới da cạnh xương đòn.

Nơi bệnh nhân Alzheimer, vùng đồi hải mã (hippocampus) là một trong những khu vực đầu tiên bị co lại. Đó là trung tâm trí nhớ chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn. Sự tổn hại vùng “đồi hải mã” dẫn đến những triệu chứng đầu tiên của bệnh Alzheimer - mất trí nhớ và mất định hướng. Vào giai đoạn sau của bệnh, các tế bào não sẽ chết dần.

Nghiên cứu ở Đại học Toronto thực hiện với 6 bệnh nhân Alzheimer. Kích thích não sâu được áp dụng nơi vảy vòm (fornix) - phần não chuyển các thông điệp đến “đồi hải mã”. Nhà khoa học lãnh đạo nghiên cứu, Giáo sư Andres Lozano, cho rằng “đồi hải mã” co rút lại trung bình 5% một năm nơi bệnh nhân Alzheimer. Sau 12 tháng kích thích não sâu, “đồi hải mã” của một bệnh nhân tăng lên 5% và 8% ở bệnh nhân khác.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu được trình bày tại hội nghị của Hội Khoa học thần kinh trong tháng 11/2011, nhưng chưa được công bố trên tạp chí chuyên ngành. Giáo sư Lozano nói những thí nghiệm trên động vật cho thấy loại kích thích não sâu có thể giúp tạo ra những tế bào thần kinh mới. Còn Giáo sư John Stein thuộc Đại học Oxford nói, ông "rất phấn khích" trước phát hiện mới này, song vẫn chưa biết liệu trí nhớ có được cải thiện hay không.

Tiến sĩ Marie Janson ở Viện Nghiên cứu bệnh Alzheimer của Anh nhận định kỹ thuật kích thích não sâu của nhóm nhà khoa học Canada sẽ rất có ý nghĩa khi làm đảo ngược được tiến trình co rút của não; và nếu làm chậm lại được sự khởi phát của bệnh Alzheimer trong 5 năm thì số người bị mắc bệnh sẽ giảm được một nửa. Tuy nhiên, để xem kỹ thuật có thật sự hoạt động hiệu quả, hay chỉ là kết quả may mắn hay không thì nhóm nhà khoa học Canada phải thực hiện thí nghiệm rộng lớn hơn với nhiều bệnh nhân hơn

An Di (tổng hợp)
.
.