Kiếm tiền nhờ… triệt sản

Thứ Hai, 05/12/2011, 15:31
Một cán bộ phụ trách vấn đề dân số thuộc Sở Y tế TP HCM nói: "Nếu nam giới thực hiện triệt sản tại trung tâm y tế dự phòng quận, huyện nơi mình cư trú thì sẽ được phẫu thuật miễn phí và nhận được khoản tiền hỗ trợ - nhiều hay ít tùy từng địa phương. Còn nếu triệt sản dạng dịch vụ, người đó sẽ tự bỏ tiền ra trả chi phí phẫu thuật trước, rồi đem giấy tờ về địa phương nơi cư trú để nhận lại tiền".

1. Chưa đến 7 giờ 30 phút sáng, mà trước cửa Trung tâm Y tế dự phòng của một quận ở TP HCM, đã có 3 người đàn ông trung niên đứng đợi sẵn. Thấy tôi bước vào, một người trong số họ nhìn tôi với vẻ dò xét. Chừng nghe tôi hỏi mấy giờ bác sĩ triệt sản bắt đầu làm việc thì vẻ e dè biến mất. Một anh - mà sau đó tôi biết tên là Trung, nhà ở phường 25, cười: "Khoảng 8 giờ. Anh cũng đi... thắt?".

Tôi gật đầu. Trung hỏi tiếp: "Anh ở phường mấy? Đã xin giấy đăng ký triệt sản rồi đưa bà xã ký vào chưa?". Tôi lại gật đầu. Chuyện trò một lúc, tôi biết Trung đã có vợ, 2 con, làm nghề chạy xe ôm. Trung kể: "Bữa rồi em bị tai nạn, người thì không sao nhưng xe hư tùm lum. Ngặt không có tiền sửa nên em xin... triệt sản, kiếm ít tiền về tu bổ chiếc xe, kiếm sống".

Chưa rõ lời Trung kể có thật hay không nhưng theo quy định, việc triệt sản nam nếu được thực hiện tại các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện, thì được miễn phí và được địa phương nơi cư trú hỗ trợ cho một khoản tiền, trong đó Trung ương hỗ trợ 200 nghìn, TP 100 nghìn, số còn lại là từ ngân sách địa phương nhưng cộng lại, thấp nhất là 800 nghìn. Thủ tục thực hiện triệt sản cũng đơn giản: Người tình nguyện triệt sản chỉ cần xin một mẫu đơn do phường cấp phát, điền vào đó những thông tin cần thiết rồi đưa cho vợ ký là xong!

Một ca vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh.

Sau này, khi tôi hỏi một cán bộ thuộc Trung tâm, rằng nếu người xin triệt sản chưa có vợ, hoặc giả chữ ký của vợ thì sao? Anh cán bộ cho biết: "Nói đúng ra, giấy tờ chỉ để tránh trường hợp kiện tụng vì nó chứng minh là người ấy tình nguyện triệt sản. Chứ tình trạng hôn nhân của họ như thế nào, đã có đủ số con chưa, còn trong lứa tuổi sinh đẻ hay không..., như Chương trình Dân số, kế họach hóa gia đình đã quy định thì khó mà biết...".

Một cán bộ phụ trách vấn đề dân số thuộc Sở Y tế TP HCM nói: "Nếu nam giới thực hiện triệt sản tại trung tâm y tế dự phòng quận, huyện nơi mình cư trú thì sẽ được phẫu thuật miễn phí và nhận được khoản tiền hỗ trợ - nhiều hay ít tùy từng địa phương. Còn nếu triệt sản dạng dịch vụ, người đó sẽ tự bỏ tiền ra trả chi phí phẫu thuật trước, rồi đem giấy tờ về địa phương nơi cư trú để nhận lại tiền".

Và thế là, xuất hiện một hình thức kiếm tiền mới: Đi triệt sản! Khác với bán máu, bán máu thì có thể bán được nhiều lần nhưng triệt sản chỉ làm được một lần nên hầu hết những người mà tôi tiếp xúc với họ tại một số phòng triệt sản, đều biện minh rằng "không còn cách nào khác". Như Trung chẳng hạn, có thể tin rằng anh ta triệt sản là để kiếm tiền về sửa xe nhưng anh Bảy - là người cùng đứng đợi đến giờ vào làm phẫu thuật với Trung, thì  than vãn con đông quá, nuôi không nổi, bây giờ "thắt" để khỏi đẻ nữa mặc dù anh biết rõ còn khá nhiều những biện pháp ngừa thai rất an toàn như sử dụng bao cao su.

Ở Bệnh viện (BV) Bình Dân, có người đã nói thẳng với tôi vì thua độ bóng đá trong trận Việt Nam gặp Indonesia vừa rồi - mà không biết lấy đâu ra tiền để chung độ nên họ chọn con đường này: "Bây giờ "thắt" rồi mai mốt dư giả, thì đi "gỡ" ra" - cứ y như việc "thắt", "gỡ" là một việc đơn giản, chẳng khác gì đeo cái đồng hồ vào cổ tay vậy!

Anh Thành, nhà ở quận 8 xin triệt sản với lý do như trong tiểu thuyết: Nghi vợ ngọai tình, anh đi "thắt", để: "Nếu bả có bầu thì chắc chắn đó không phải là con tui". Tôi hỏi: "Anh có biết 3, 4 tháng sau khi "thắt", vẫn còn có khả năng có con vì tinh trùng vẫn nằm trong túi tinh hay không?". Thành ngớ người: "Ủa vậy hả? Tui tưởng "thắt" xong là... tiệt nọc chứ!". Chưa kể một số người lợi dụng chính sách hỗ trợ sau triệt sản để dụ dỗ người khác đi "thắt", kiếm tiền "cò", hoặc lợi dụng sự không bình thường của nạn nhân để buộc người ta phải "thắt".

Mấy năm trước, một người đàn ông tên Vũ, sinh năm 1957, mắc bệnh tâm thần, tạm trú tại quận 10, TP HCM trong lúc đang đi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ Quảng trường ngã 6 Dân Chủ đến trước trụ sở Công an quận 3 thì có người đến mời ông điếu thuốc rồi rủ ông đi chơi. Sau đó, người này chở thẳng ông vào Trung tâm Y tế để... triệt sản! Chẳng hiểu người kia  phù phép thủ tục giấy tờ thế nào mà đến 6 giờ chiều cùng ngày, ông Vũ về được tới nhà, trong túi có một bịch thuốc gồm kháng sinh Doxycylin, Vitamin C, B1 và một đơn thuốc. Lúc ấy, người nhà mới biết thân nhân mình đã bị... "thắt"!

2. Theo thống kê từ Chi cục Dân số TP HCM, tỉ lệ triệt sản của năm sau thường cao hơn năm trước. Tám tháng đầu năm 2011, có 982 ca triệt sản, đạt 98,2% chỉ tiêu đề ra, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 62,7%. Với những kỹ thuật mới, việc triệt sản cũng khá đơn giản. Nếu như trước đây, việc triệt sản được tiến hành bằng cách cắt rồi cột chặt hai ống dẫn tinh thì bây giờ, đã có những phương pháp hiện đại hơn.

Bác sĩ Hiếu, BV Phụ sản Hùng Vương cho biết: "Sau khi làm vệ sinh bộ phận sinh dục, bác sĩ sẽ hút vào bơm tiêm một lượng thuốc có tên Carbolic acid 504 - đối với phẫu thuật triệt sản dính bịt ống dẫn tinh - hoặc thuốc có tính đàn hồi Flexane loại polyether - đối với phẫu thuật triệt sản chốt bịt ống dẫn tinh -  rồi tiêm vào một bộ vị nào đó của ống dẫn tinh".

Vài phút sau khi tiêm xong, thuốc sẽ đông đặc lại trong khoang ống dẫn tinh. Với thuốc Carbolic acid 504, nó sẽ gây ra hiện tượng "viêm vô trùng", rồi hình thành vết sẹo làm tắc khoang ống khiến tinh trùng không đi qua được. Bác sĩ Hiếu nói tiếp: "Còn với thuốc Flexane loại polyether, khi đông đặc nó sẽ hình thành "chốt" có tính đàn hồi, có tác dụng bít chặt ống dẫn tinh". So với phương pháp phẫu thuật triệt sản dính bịt ống dẫn tinh và thắt ống dẫn tinh thì phương pháp chốt ống dẫn tinh có ưu điểm hơn vì khi cần khôi phục lại chức năng sinh sản, thì chỉ cần lấy chốt này ra là thông ống dẫn tinh, chưa kể các thao tác "tháo chốt" cũng đơn giản hơn nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, Khoa sản, Trung tâm Y tế quận 3, cho biết: "Triệt sản bằng kỹ thuật bịt, thắt ống dẫn tinh rất an toàn, chi phí thấp, hiệu quả tránh thai cao và đang được thực hiện rộng rãi trên thế giới. Tỉ lệ thành công gần 100%, thời gian phẫu thuật chỉ mất từ 15 - 20 phút. Sau khi phẫu thuật, nhu cầu tình dục của nam giới vẫn bình thường, việc xuất tinh cũng vẫn bình thường nhưng 3 hoặc 4 tháng sau đó, trong tinh dịch sẽ không có con... loăng quăng nào hết!".

3. Tình nguyện đi triệt sản, có nhiều chuyện bi, hài lắm. Tại Trung tâm Y tế dự phòng quận 6, tôi gặp ông Nam, 67 tuổi, đến để xin triệt sản! Ở cái tuổi "cận địa viễn thiên" như ông, còn ham hố gì nữa mà phải "triệt"! Đưa tôi coi lá đơn, ông giải thích do vợ đầu đã mất, vợ sau còn trẻ, mới trên 40 nên nếu lỡ có con, thì ông sợ "cha già con cọc".

Nói thì nói vậy nhưng nhìn cách ông hỏi thăm những người xung quanh, là "thắt" xong thì lĩnh tiền ở đâu, lĩnh được bao nhiêu thì tôi đoán nguyên nhân chính mà ông đi "thắt", có lẽ là để kiếm tí tiền. Chẳng biết "nhu cầu chính đáng" của ông có được các bác sĩ ở Trung tâm giải quyết hay không nhưng nhìn nét mặt đầy phấn khởi của ông, có lẽ ông đang nghĩ sẽ tiêu xài vào việc gì với số tiền sắp kiếm được...

Gần đến năm con rồng, số người đã "triệt" đến xin "nối" lại tăng cao.

Ở quận Bình Tân, có cậu thanh niên 27 tuổi cũng xin "thắt". Hỏi lý do, cậu nói cậu lấy một cô mới 25 tuổi, nhưng đã có một đời chồng và 2 đứa con: "Em sợ xảy ra trường hợp con chung con riêng nên em tình nguyện triệt sản. Con nào cũng là con. Coi như em có 2 đứa rồi". Chưa rõ chuyện này có thật hay không nhưng nhìn điệu bộ quyết tâm của cậu, tôi thấy cậu cũng... hảo hán lắm chứ!

Một trường hợp khác là Thái, quê ở Vĩnh Long. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, Thái lên TP HCM thi vào Trường đại học Kinh tế nhưng bị rớt. Trong lúc chưa định hướng được tương lai thì một người bạn quen rủ Thái tham gia vào đường dây "trai gọi". Sở hữu một thân hình nở nang, rắn chắc, cộng với khuôn mặt khá đẹp trai nên Thái luôn... "đắt hàng”!

Thái kể: "Có một bà 40 tuổi, góa chồng, say em như say rượu. Nhiều lần bả bắt em phải có con với bả. Chiếc xe Dylan em đi, nhà em ở đều do bả mua cho em". Sợ bị ràng buộc, Thái đi triệt sản. Bây giờ, 30 tuổi, Thái đã bỏ nghề và chuẩn bị lấy vợ. Lúc gặp Thái ở Khoa Nam học, BV Đại học Y Dược TP HCM, Thái không giấu nổi sự băn khoăn: "Em "thắt" 9 năm rồi, không biết có "nối" lại được hay không".

BS Trần Văn Trị, Phó cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, phụ trách điểm tư vấn miễn phí sức khỏe sinh sản cho biết, phòng tư vấn của ông mỗi tháng nhận được cả trăm câu hỏi của các thanh niên về chuyện triệt sản, trong đó có những thanh niên trẻ tự nhiên muốn "thắt" với những lý do hết sức khó hiểu, không bình thường, chẳng hạn như "triệt" để yên tâm học hành, "triệt" vì… kẹt tiền, "triệt" vì không muốn làm khổ người yêu!

Phát xuất từ nhu cầu cần tiền, đồng thời cho rằng "sau này nếu cần thì... nối lại" nên không ít người đã tự nguyện triệt sản mặc dù phẫu thuật nối lại là một vi phẫu thuật, khó gấp cả chục lần so với "thắt", và thời gian "thắt càng lâu thì tỉ lệ thành công càng thấp, chưa kể chi phí cho việc "nối lại" là từ 3,5 đến 6 triệu đồng. Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng giải thích: "Nếu như "thắt" chỉ mất hơn chục phút thì khi "nối" lại, phải mất từ 1 giờ rưỡi đến 2 giờ đồng hồ, tùy theo từng trường hợp".

Để "nối" lại, trước hết, người đó phải làm xét nghiệm tinh đồ và thậm chí, còn phải làm xét nghiệm nội tiết tố tinh hoàn để xem việc sinh tinh của tinh hoàn còn tốt hay không. Nếu tất cả đều tốt, thời gian "thắt ngắn" - trên dưới 3 năm trở lại thì tỉ lệ nối thành công là 80 đến 90%. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, khoảng 30% nam giới sau khi nối lại ống dẫn tinh, nhưng vẫn  không thể có con một cách tự nhiên được nữa.

Anh Bình, người tôi gặp tại BV Bình Dân cười như mếu: "Hồi còn trẻ, tôi nhiều bồ lắm. Vì sợ để lại... hậu quả nên tôi đi thắt với suy nghĩ sau này lấy vợ thì tháo ra". Tuy nhiên, lấy vợ xong, anh đã "tháo" ra nhưng  6 năm mà đường con cái của vợ chồng anh vẫn "tịt". Còn tại Phòng khám Nam khoa - BV Đại học Y Dược, trong lúc đợi đến lượt mình vào kiểm tra để chuẩn bị cho việc "nối" lại, anh Hùng, nhà ở quận 5 đã không ngớt ân hận vì quyết định nông nổi, ngu dại của mình: "Hồi đó, lúc thi đậu đại học, tôi quyết định "thắt" để khỏi ảnh hưởng đến chuyện học tập". Tôi hỏi: "Chưa có vợ, ai dám thắt cho anh?". Hùng đáp: "Tôi đến một Trung tâm Y tế. Tại đó, có một "cò" làm hết mọi thủ tục cho tôi. Thắt xong, tôi được bồi dưỡng 300 nghìn nhưng "cò" lấy một nửa". Anh bác sĩ bạn tôi ở Phòng khám Nam khoa - BV Đại học Y Dược nói: "Trường hợp này rất khó vì thắt đã trên 15 năm rồi. Phẫu thuật nối lại tiên lượng chỉ thành công khoảng 60%".

4. Có thể nói, việc tình nguyện triệt sản ở nam giới được thực hiện khá dễ dàng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó một phần xuất phát từ áp lực chỉ tiêu nên nhiều đơn vị thực hiện phẫu thuật này hầu như không quan tâm đến việc kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ giấy tờ để xem người tình nguyện "thắt" có nằm trong quy định hay không nên đã dẫn đến tình trạng triệt sản để kiếm tiền, chưa kể có địa phương còn đưa việc triệt sản thành một mục tiêu để tính điểm… thi đua!

Một bác sĩ ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM nói: "Chúng tôi chỉ phẫu thuật những ca từ tuyến dưới chuyển lên nên không thể xác minh được chữ ký, con dấu đó là thật hay giả. Thậm chí nhiều lần, chúng tôi đã tiếp nhận những đối tượng đã triệt sản rồi nhưng vẫn đòi… triệt sản nữa để nhận tiền hỗ trợ". Bên cạnh đó, sự tư vấn không đến nơi đến chốn khiến nhiều người tình nguyện tin rằng "thắt" như thế nào thì "nối" cũng đơn giản như thế ấy.

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đã bước sang năm Thìn - năm con rồng. Theo suy nghĩ của nhiều người, con cái sinh vào năm Thìn sẽ gặp nhiều may mắn. Vì thế, số người đến BV Bình Dân, BV Đại học Y Dược để xin "nối" ống dẫn tinh cũng tăng lên.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Như, trước công tác ở Khoa Nam học, BV Bình Dân, nói: "Dù triệt sản bằng cách nào: Cột, thắt hay cắt ống dẫn tinh, rồi muốn ống dẫn tinh thông lại thì chỉ có một con đường là vi phẫu thuật, nối lại. Nhiều người cho rằng, ống dẫn tinh "thắt" được thì "tháo" cũng được, cũng giống như thắt - tháo dây giày mà thôi. Điều này hoàn toàn sai, bởi "thắt" vô thì dễ, nhưng "tháo" ra chẳng đơn giản chút nào.

Phẫu thuật thắt ống dẫn tinh chỉ là một tiểu phẫu, làm 10-15 phút là xong và có thể thực hiện ở tất cả các bệnh viện, thậm chí là trạm y tế phường, xã, nhưng khi nối nó lại thì phải dùng vi phẫu rất phức tạp, đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa có tay nghề cao. Thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Hiệu quả của việc "tháo" phụ thuộc vào nhiều yếu tố: yếu tố quan trọng nhất là tay nghề của phẫu thuật viên, kế đến là khoảng thời gian từ lúc bệnh nhân "thắt" cho đến ngày "tháo". Thời gian càng ngắn thì cơ hội càng nhiều"…

Vũ Cao
.
.