Kinh nghiệm tổ chức lễ hội ở Yên Tử: Đất phật non thiêng đẹp lòng du khách

Thứ Năm, 03/04/2008, 13:00

Được sự quản lý chặt chẽ của Công ty Tùng Lâm, các hộ kinh doanh đều phải ký cam kết không được bắt chẹt, tranh giành khách. Giá bán các mặt hàng đều phải theo đúng quy định của công ty. Quả thực, du khách đều cảm động khi bước chân vào quán ăn. Nhân viên các nhà hàng đều đón du khách với thái độ lịch sự và câu nói cửa miệng luôn là: "Kính mời du khách vào nghỉ ngơi, nhà hàng không thu tiền ngồi nghỉ...".

Đến hẹn lại lên, đầu năm mới, từng đoàn người ở khắp mọi miền Tổ quốc lại hành hương về đất Phật. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, những lộn xộn trong lễ hội chùa Hương vẫn là vấn đề muôn thủa khiến du khách cảm thấy bức xúc, như: trốn lậu vé, dẫn khách chui, moi tiền khách ở bến đò, chen lấn, xô đẩy trong ga cáp treo, trộm cắp móc túi, ăn xin, "chặt chém" ở quán ăn, bán đồ giả, cờ bạc bịp...

Sau khi đi hội chùa Hương, PV Chuyên đề ANTG tiếp tục hành hương về non thiêng Yên Tử, nơi chiếm được sự hài lòng của hầu hết du khách. Kinh nghiệm tổ chức lễ hội Yên Tử là những bài học quý giá mà Ban Quản lý (BQL) lễ hội ở một số nơi cần tham khảo.

Có thể nói, từ trước đến nay, rất ít báo chí cũng như du khách kêu ca khi hành hương về Yên Tử. Đến nỗi, khi tôi gặp ông Lê Quang, Phó GĐ Trung tâm Quản lý Di tích - Danh thắng Yên Tử, ông bảo: "Chúng tôi chỉ thèm đọc được bài báo phê phán, để rút kinh nghiệm và làm tốt hơn, nhưng chưa thấy".

Con đường từ Quốc lộ 18 vào Yên Tử mới được nâng cấp rộng thênh thang, xuyên qua những cánh rừng khiến du khách cảm giác như được trở về với vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng huyền bí. Suốt gần chục cây số, không hề gặp bất cứ một ai đeo đuổi du khách để mời chào. Trong khi đó, trong lễ hội chùa Hương, "cò" xuống tận Hà Nội, Hà Đông, đứng ở các ngả đường về Ba La, cách chùa Hương những 50 cây số để mời chào, chèo kéo khách.

Ở Yên Tử có bãi để xe rộng mênh mông, ẩn trong những ngả rừng. Tại đây, có chỗ đỗ ôtô riêng, chỗ gửi xe máy riêng, giá vé ghi rõ trên bảng. Bộ Tài chính quy định vé gửi xe máy không quá 2.000đ, nhưng tại đây, chỉ thu đúng 1.000đ, lại trông cả mũ bảo hiểm. Còn giá gửi xe đạp là 500đ. Trong khi đó, ở chùa Hương, giá vé gửi xe máy là 6.000đ, gửi mũ bảo hiểm là 3.000 - 5.000đ.

Từ chỗ gửi xe lên núi, rồi dọc hành trình leo núi cả ngày, du khách không hề bị làm phiền bởi những người ăn xin. Đây là chuyện rất hiếm ở các lễ hội, đặc biệt là những lễ hội lớn. Nạn ăn xin ở các chùa chiền gây ức chế rất lớn cho du khách. Nhiều trường hợp, người ăn xin không được cho, quay sang rủa du khách, khiến du khách ức chế cả buổi hành hương, và như vậy, chuyến đi về với Phật mất đi nhiều ý nghĩa.

Yên Tử đã giải quyết vấn nạn ăn xin bằng cách nào? "Tra khảo" mãi rồi ông cũng hé lộ một bí mật với tôi. Với số ăn xin địa phương, ông giải quyết bằng cách cho người nhà một chỗ để bán hàng, tạo điều kiện cho họ có thu nhập và bắt họ ký vào cam kết không được tái phạm. Suốt mấy năm nay, không thấy có ăn xin ở lễ hội nữa.

Cách đây vài năm, mỗi năm Yên Tử chỉ đón 5-7 vạn du khách, trong khi chùa Hương đã đón con số triệu lượt người. Ông Quang và các cán bộ ở đây đã đi tham quan chùa Hương nhiều lần và đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Cái gì tốt ở chùa Hương thì áp dụng, mặt hạn chế thì tránh. Do làm rất tốt, nên lượng du khách hàng năm đổ về Yên Tử tăng theo cấp số nhân.

Theo dự đoán, năm 2008, lượng du khách đổ về Yên Tử phải đến con số hàng triệu lượt người. Những ngày cuối tuần, lượng du khách đổ về Yên Tử lên đến 7 vạn người, đông hơn cả chùa Hương.

Nhộn nhịp người, hàng trèo non trẩy hội.

Để tìm hiểu vì sao chỉ trong thời gian ngắn Yên Tử hút khách nhiều như vậy, vị Phó chủ tịch tỉnh Hà Tây đã cùng một số quan chức hành hương về Yên Tử để... điều tra.

Sau khi xuống núi, vị này gặp ông Quang và kết luận, Yên Tử có rất nhiều cái "không" mà chùa Hương chưa làm được, đó là: Không ăn xin, không bắt chẹt khách, không hầu đồng, không bói toán, không cờ bạc...

Ngoài ra, vị Phó chủ tịch này còn có một nhận xét, đó là người dân ở đây đối xử rất tình cảm với du khách! Sau chuyến hành hương về Yên Tử, vị Phó chủ tịch nọ rút ra được nhiều kinh nghiệm lắm, nhưng thực tế, những bát nháo ở chùa Hương vẫn vậy, không có thay đổi gì.

Trong quá trình tìm hiểu vì sao ở chùa Hương "người người thi nhau chặt chém khách", ông Quang đã tìm ra nguyên nhân. Nhiều người bán hàng đã kể với ông rằng, họ phải mua chỗ bán hàng với giá hàng chục cây vàng. Tất nhiên, số tiền lớn đó không đổ vào ngân sách Nhà nước. Muốn kiếm lại số tiền "lót tay" để có được chỗ bán hàng, người ta lại phải "bổ" lên đầu du khách. Và như vậy, lễ hội chùa Hương biến thành "cái máy chặt chém" du khách. Cuối cùng, du khách thiệt hại, danh thắng mất uy tín mà Nhà nước lại chẳng được gì.

Sau khi nghiên cứu nhiều biện pháp, để tránh được tình trạng chặt chém, BQL danh thắng Yên Tử quyết định giao hết quyền cho Công ty Tùng Lâm trong việc phân chia chỗ bán hàng. Công ty Tùng Lâm đã tổ chức các hộ thành Hiệp hội kinh doanh Yên Tử. Các hộ dân ở đây được công ty tổ chức đào tạo, thi tuyển và cấp chứng chỉ hẳn hoi. Họ được học cách ứng xử với khách và cách thức bán hàng, tạo ra phong cách phục vụ riêng cho Yên Tử.

Hàng năm, các hộ kinh doanh được công ty cho đi tham quan ở Huế, Hội An, những nơi làm du lịch rất tốt để học tập. Theo kế hoạch, năm 2008, công ty sẽ chọn 40 người trong hiệp hội cho đi tham quan học hỏi nhiều ngày bên Trung Quốc.

Lệ phí chỗ bán hàng công ty thu với mức rất thấp, chỉ vài trăm ngàn đồng. Các hộ kinh doanh đều phải ký cam kết không được bắt chẹt, tranh giành khách. Giá bán các mặt hàng đều phải theo đúng quy định của công ty.

Quả thực, du khách đều cảm động khi bước chân vào quán ăn. Nhân viên các nhà hàng đều đón du khách với thái độ lịch sự và câu nói cửa miệng luôn là: "Kính mời du khách vào nghỉ ngơi, nhà hàng không thu tiền ngồi nghỉ...".

Vì không mất nhiều tiền mua chỗ kinh doanh, lại được sự quản lý chặt chẽ của Công ty Tùng Lâm, nên du khách có thể ăn uống thoải mái trên non thiêng Yên Tử với giá cả chỉ ngang bằng ở Hà Nội.

Đi Yên tử, nhiều du khách còn nói: "Lịch sự đến cả chỗ vệ sinh". Hai bên đường hành hương, có rất nhiều nhà vệ sinh sạch sẽ. Trước nhà vệ sinh, có một hòm tự giác. Du khách đi xong, thấy hài lòng thì bỏ tiền vào hòm, còn không thì thôi, không ai bắt ép. Ở chùa Hương, những người tiếc tiền phóng uế luôn ra ven đường.--PageBreak--

Đẹp nhất là hình ảnh dọc con đường hành hương có rất nhiều thùng đựng gậy trúc, hỗ trợ du khách trong quá trình leo núi. Du khách chọn gậy hoàn toàn miễn phí, không phải bỏ hàng chục ngàn mua gậy như những nơi khác. Rất tiếc là phần lớn du khách sau khi trở về, không bỏ gậy lại thùng, mà toàn ném vào rừng.

Trên dọc tuyến hành hương, có thể nhìn thấy hàng vạn cây gậy nằm rải rác trong rừng. Nhiều thanh niên còn cố tình đập cho nát gậy rồi vứt cạnh đường. Thậm chí, họ dùng gậy làm lao, thi xem ai phóng xa hơn. Chỉ khổ nhân viên công ty, lại phải lọ mọ vào rừng, gom về mỗi ngày hàng tấn gậy.

Một hình ảnh rất đẹp nữa mà tôi gặp ở Yên Tử, đó là du khách có thể dùng chiếu, dùng bàn ghế miễn phí ở sân chùa Hoa Yên. Tại đây, sau một buổi leo núi thì dở đồ mang theo ra ăn. Nhưng một hình ảnh không đẹp đối nghịch, đó là du khách ăn xong là trút hết rác rưởi, xương gà, xương cá... ngay tại sân chùa.

Để giữ được sự sạch sẽ, tại sân chùa luôn có hàng chục nhân viên luôn tay luôn chân thu gom rác. Hễ đoàn người nào ăn xong đứng lên, họ phải dọn rác lập tức. Chỉ cần vắng mặt những nhân viên này vài chục phút là sân chùa biến thành bãi rác.

Công tác thu gom rác được Công ty Tùng Lâm rất chú trọng. Hàng ngày, luôn có 100 nhân viên thu gom rác, làm việc liên tục 24/24 giờ. Trên đường từ chùa Hoa Yên ngược lên ga cáp treo thứ hai, tôi lại gặp một hình ảnh rất ấn tượng. Hàng chục thanh niên gánh những sọt rác nặng trĩu trên vai.

Hễ đường vắng thì họ đi thật nhanh, còn đường đông, họ dạt vào ven rừng để nghỉ. Mấy chục thanh niên gánh rác liên tục như vậy mà không xuể. Thế mới biết, người Việt Nam mình đi đến đâu rác theo đến đấy.

Số rác thu gom được tập trung ở trong rừng. Đến nửa đêm, không còn du khách nào, thì mang ra xe tải, chở xuống tận Uông Bí để xử lý. Những ngày khách đông, có quá nhiều rác, 100 nhân viên nhặt rác làm không hết việc, các lãnh đạo công ty, kể cả các Phó giám đốc cũng phải tham gia dọn rác suốt đêm, nhằm đảm bảo ngày hôm sau, Yên Tử không còn mẩu rác nào.

Trong chuyến hành hương lên Yên Tử, tôi còn được một cô nhân viên đón khách ở cáp treo kể rằng, vừa hôm trước, cô được thưởng “nóng” 500 ngàn đồng, vì lãnh đạo Công ty Tùng Lâm vô tình trông thấy cô nhặt đầu mẩu thuốc lá mà du khách vứt bừa xuống đường cho vào thùng rác.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái (như bán thú rừng giả kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó” suốt từ bến Đục đến chùa Thiên Trù ở chùa Hương) không có đất sống trong lễ hội Yên Tử.

Trong chuyến hành hương, khi dừng chân tại chân tượng An Kỳ Sinh, cứ 2 phút một lần, loa phóng thanh lại phát đi nội dung: "Hiện nay, một số kẻ xấu lợi dụng địa bàn khó quản lý, chúng giả khách đi lễ chùa để giả vờ mua hàng của nhau, rồi khen hàng tốt. Thực tế, toàn là hàng giả, được chúng bán với giá rất đắt. Quý khách không được mua hàng hóa dược liệu dọc đường, không rõ nguồn gốc...". Loa phóng thanh ra rả như thế thì kẻ nào mà lừa được du khách nữa, bán xới mà chuồn sớm cho rồi.

Hầu hết du khách đều bảo ở Yên Tử không thấy có tình trạng trộm cắp, móc túi. Thực tế, theo ông Lê Quang, trong những ngày cao điểm, bọn trộm cắp, móc túi xuất hiện khá nhiều, nhưng vấn đề là chúng không có nhiều cơ hội hành động. Cũng theo ông Quang, những ngày đông khách, có khi lực lượng Công an và bảo vệ tóm được tới 20 tên móc túi, trộm cắp.

Du khách trẩy hội Yên Tử đều thấy rất ít công an. Lực lượng Công an mặc sắc phục chỉ có vài người, gác ở các chốt quan trọng, để nhân dân biết và trình báo khi bị mất cắp, hoặc có vụ việc liên quan đến ANTT.

Lực lượng Công an hoạt động trong những ngày cao điểm rất đông, nhưng họ mặc thường phục và hòa vào dòng người trẩy hội để phát hiện kẻ gian. Công an mặc thường phục làm việc vừa có hiệu quả vừa không gây cho du khách cảm giác nặng nề khi thưởng ngoạn.

Những tên trộm cắp, móc túi bị tóm, sẽ bị chụp hình, lấy lời khai, rồi giao cho địa phương, nơi chúng sinh sống để địa phương xử lý. Một đồng chí được giao ngồi gác ở đầu đường dẫn lên núi để theo dõi, nên tên nào đã từng trộm cắp ở Yên Tử mò đến là bị theo dõi ngay. Làm rắn như thế, bọn tội phạm hết đất làm ăn ở Yên Tử.

Rời non thiêng Yên Tử, vừa bước chân xuống cáp treo, tôi lại bắt gặp một hình ảnh rất đẹp. Khi buồng cáp treo dừng lại, một cô gái xinh đẹp trong trang phục áo dài truyền thống đứng cúi chào lễ phép, rồi mở cửa đón từng du khách ra.

Phía bên kia cáp treo, từng đoàn người vẫn nhẫn nại xếp hàng chờ đến lượt lên núi. Có bà không chịu nổi sự chờ đợi, gọi nhân viên đến chửi mắng thậm tệ. Nhưng lạ ở chỗ, cậu nhân viên này lại tươi cười bảo: "Dạ, dạ. Cô cứ mắng thoải mái đi, cháu sẽ lắng nghe vì cháu hiểu tâm trạng của cô".

Sau này tôi mới biết, Công ty Tùng Lâm quy định mọi nhân viên phải biết lắng nghe... du khách "mắng"! Đó là cách giúp du khách xả stress rất hiệu quả. Sau khi bày tỏ bức xúc xong, du khách đều cảm thấy mình vô lý. Phải đứng chờ lâu là vì khách quá đông, chứ các nhân viên kia đâu có lỗi gì?

Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp du khách bức xúc như vậy. Dù có lúc phải xếp hàng cả tiếng, song du khách có thể thưởng thức văn nghệ tại chỗ. Ngay chân ga cáp treo, có một sân khấu và đội văn nghệ truyền thống biểu diễn gần như cả ngày lẫn đêm.

Dưới chân núi, toán xe ôm xếp hàng nghiêm chỉnh, mặc đồng phục, đeo thẻ trên ve áo. Các cụ già ngại đi bộ ra bến xe, vì bến cách chân núi khá xa, thì đi xe ôm. Không có chuyện tranh giành khách, từng xe một chờ đến lượt phục vụ khách, với giá chung là 2.000đ/người/lượt. Bất kỳ xe ôm nào vòi thêm tiền, du khách báo với cơ quan quản lý lễ hội, họ sẽ bị mời ra khỏi "hiệp hội xe ôm".

Rời non thiêng Yên Tử, ai cũng thấy hồ hởi, thoải mái. Nhiều cụ già khẳng định, bình thường rất yếu, nhưng leo núi cả ngày không thấy mệt. Khi về, cũng không thấy đau chân. Nhiều người nghĩ đây là chuyện rất lạ, không thể giải thích. Người thì cho rằng cơ thể hấp thu được khí thiêng của trời đất nên mới khỏe như vậy. Còn tôi nghĩ rằng, du khách trẩy hội Yên Tử với tinh thần thoải mái, vui vẻ, phấn chấn, nên sự mệt nhọc bớt đi rất nhiều.

Những người quản lý lễ hội chùa Hương nên bớt chút thời gian đến Yên Tử tham quan để rút ra bài học cho mình

Phạm Ngọc Dương
.
.