Kính thiên văn của NASA đối mặt với vực thẳm ngân sách

Thứ Tư, 10/08/2011, 08:35

Khi chương trình tàu con thoi kết thúc với chuyến bay cuối cùng ngày 8/7 vừa qua, Mỹ bắt tay vào thực hiện những dự án mới ngoài không gian. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng được đầu tư phát triển. Ngành vật lý thiên văn - cánh tay đắc lực trong nhiều chương trình không gian của Mỹ trước đây đã từng được chú ý phát triển, nhưng giờ đây lại phải đối mặt với một tương lai ảm đạm do những khó khăn về ngân sách.

Với thành tựu kính viễn vọng không gian Hubble (HST), ngành vật lý thiên văn Mỹ đã khẳng định được vị thế của mình trong một thời gian dài, thậm chí đã từng được NASA dành nguồn tài trợ cao nhất. Nhưng hiện nay, ngay cả những đài thiên văn quan trọng hàng đầu của ngành thiên văn Mỹ cũng đang bị NASA đe dọa cắt nguồn tài trợ, dẫn đến một loạt các dự án bị gián đoạn.

Trước tình trạng chi phí ngày càng cao cộng với cơ chế quản lý yếu kém, kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) - công trình nối nghiệp Hubble được lên kế hoạch bay từ lâu giờ đây bị chỉ trích là quá tốn kém để thực hiện. Bên cạnh đó, kính thiên văn khảo sát trường rộng hồng ngoại (WFIRST) có nhiệm vụ tìm kiếm sự sống ngoài trái đất và thăm dò hiện tượng "năng lượng tối" cũng bị cho là sẽ mất nhiều thời gian để có thể hoạt động một cách hiệu quả.

Với sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ, ngân sách dành cho khoa học trái đất luôn ở mức cao. Tuy nhiên từ năm 2008, số tiền tài trợ cho vật lý thiên văn đã giảm tương đối nhiều so với các ngành khoa học khác thuộc NASA. Ông Alan Boss, Chủ tịch Ban cố vấn và cũng là một nhà thiên văn tại Viện khoa học Carnegie ở Washington DC phải thốt lên rằng: "Chúng tôi là những đứa trẻ mồ côi trong cơ quan này".

Có nhiều ý kiến trái chiều trong quốc hội xoay quanh vấn đề ngân sách dành cho ngành vật lý thiên văn. Nhiều người tin tưởng vào những thành tựu thiên văn sẽ đạt được trong tương lai nhưng cũng không ít ý kiến lại ủng hộ cho dự luật hủy bỏ tài trợ cho kính thiên văn JWST vì lý do giá cả của kính thiên văn ngày một tăng (hiện nay đã lên tới 6.5 tỉ USD). Thời điểm để tung ra sản phẩm này đã bị đẩy lùi lại đến tận năm 2018.

Hiện tại thì các nhà thiên văn đang lo lắng liệu kính thiên văn JWST có nhận được khoản ngân sách cần thiết để có thể lên khỏi mặt đất vào đúng thời gian ấn định hay không. Mặc dù theo họ thì khởi hành muộn như vậy sẽ có thêm thời gian để giải quyết những sự cố kỹ thuật khiến cho dự án chậm lại, nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí để trả lương cho các kỹ sư và các nhà khoa học phải làm việc lâu hơn và lúc đó giả cả sẽ không dừng lại ở con số 6.5 tỉ USD.

Không chỉ gặp phải những khó khăn từ ngân sách, các chương trình thiên văn của NASA còn vấp phải sự cạnh tranh của Cơ quan không gian châu Âu. Hiện nay cơ quan  này cũng chuẩn bị khởi động một kính thiên văn tương tự kính thiên văn WFIRST mang tên Euclid vào năm 2017.

Nếu dự án Euclid thành hiện thực và có hiệu quả thì không chắc rằng WFIRST của NASA còn có ý nghĩa. Các nhà bác học thuộc ngành vật lý thiên văn NASA đang rất lo lắng trước nguy cơ mất cơ hội phát triển. Và, họ chỉ có thể tự động viên nhau rằng: Dù sao họ cũng đã có đài thiên văn vĩ đại Hubble

Huyền Châm (tổng hợp)
.
.