Kỳ lạ làn sóng thành lập “Bộ Hạnh phúc”

Thứ Tư, 13/07/2016, 17:45
“Đưa nụ cười lên gương mặt của mỗi người dân” là khẩu hiệu mà Bộ Hạnh phúc ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ đưa ra sau khi vừa được thành lập hồi cuối tháng 6 vừa qua. Theo quan điểm của giới chức nơi đây, cười là cách tốt nhất để giảm ưu phiền và mang lại tăng trưởng hạnh phúc cho người dân.

Các tiêu chí hoạt động của Bộ Hạnh phúc này sẽ đựa trên chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia theo hình mẫu của đất nước Bhutan. (Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân, chứ không phải dựa trên chỉ số GDP).

Thủ hiến bang Madhya Pradesh, ông Shivraj Singh Chouhan cho biết, bang này sẽ lãnh trách nhiệm về hạnh phúc và lòng khoan dung của công dân mình. Muốn vậy thì bang sẽ tổ chức các buổi tư vấn để các chuyên gia tâm lý có thể giảng giải cho người dân hiểu và biết cách làm thế nào để họ luôn luôn thấy hạnh phúc.

Giữ nụ cười là bí quyết của hạnh phúc.

Là một thành viên đảng cầm quyền BJP của Thủ tướng Narenda Modi, ông Shivraj Singh Chouhan cho biết, sau khi tham gia các buổi tư vấn nói trên, ông sẽ có chuyến làm việc tới New Delhi để thuyết phục chính phủ cho phép mở rộng hoạt động của Bộ Hạnh phúc.

Trước mắt, Bộ Hạnh phúc sẽ thiết lập 70 chương trình xã hội để thúc đẩy tinh thần của người dân thông qua tập luyện yoga, tâm linh, thiền định, tham gia các hoạt động trao đổi nghệ thuật, trao đổi văn hóa, hành hương tín ngưỡng và vui chơi giải trí. Thêm vào đó là các chương trình hoạt động thúc đẩy sự tham gia của nữ giới, các bé gái, nữ sinh viên và các bà nội trợ trong gia đình.

Ông Shivraj Singh Chouhan nói: “Hạnh phúc không đến với con người chỉ đơn giản thông qua sở hữu hay phát triển vật chất mà còn bằng cách thấm dần thái độ tích cực vào cuộc sống để người ta không bị đẩy đến những bước cùng cực như tự tử vì đau buồn”.

Lý giải về việc thành lập Bộ Hạnh phúc, ông Shivraj Singh Chouhan cũng cho biết, Maydhya Paradesh là một trong những bang có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất Ấn Độ. Nông dân bang này nằm trong số các bang có tỷ lệ tự tử cao thứ 3 đất nước do những đợt hạn hán kéo dài gần đây. Từ đầu năm đến nay, ít nhất 27 học sinh trong bang đã tự tử do áp lực thi cử và bị căng thẳng trong quá trình học.

Được biết, Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất thành lập Bộ Hạnh phúc. Hồi tháng 2 vừa qua, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã chính thức bổ nhiệm một vị trí mới trong nội các có tên gọi là Bộ trưởng Hạnh phúc. Người lãnh trách nhiệm này là bà Ohood Al Roumi, người từng đứng đầu về các chính sách kinh tế cho Dubai, một tiểu vương quốc xa hoa bậc nhất thế giới thuộc UAE. Bà Al Roumi từng tốt nghiệp 2 trường đại học là Đại học Sharjah (UOS), với bằng quản trị kinh doanh và bằng cử nhân kinh tế của Đại học UAE.

Thủ hiến bang Madhya Pradesh Shivraj Singh Chouhan, người sẽ đứng đầu Bộ Hạnh phúc đầu tiên ở Ấn Độ.

Năm 2015, bà Al Roumi đã được Tổ chức Liên Hợp Quốc (LHQ) bầu vào Quỹ Hội đồng Doanh nhân toàn cầu (GEC), trở thành thành viên người Arab đầu tiên ở GEC. Trước đó năm 2012, bà Al Roumi được chọn là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu tại cuộc họp thường niên lần thứ 41 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ)… Với nhiệm vụ mới được giao phó, bà Al Roumi sẽ phải vận hành các chính sách của chính phủ để tạo ra lợi ích xã hội và sự hài lòng.

Lý giải về việc thành lập Bộ Hạnh phúc khi đó, Thủ tướng UAE Sheik Mohammed bin Rashid đã nóI: “Trong báo cáo chỉ số hạnh phúc năm 2015, UAE đã xếp thứ 20 trên thế giới, hơn cả Anh và Bỉ. Chẳng có lý do gì mà chúng tôi không biến kết quả này thành một lợi thế riêng của UEA. Hạnh phúc ở UAE không chỉ là một niềm hy vọng, nó sẽ có kế hoạch, dự án, chương trình và các chỉ số”.

Trước đó, vào năm 2013, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng đã thông báo về việc thành lập Bộ Hạnh phúc Xã hội tối cao nhằm thúc đẩy các chương trình xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người khuyết tật và chống bất bình đẳng xã hội. Nguồn tài chính của Venezuela được phân bổ cho Bộ này chiếm khoảng 38% ngân sách.

Riêng Bhutan, quốc gia mà trong suốt 3 thập kỷ qua luôn giành vị trí cao trong bảng xếp hạng các chỉ số hạnh phúc thì không thành lập Bộ hạnh phúc nhưng lại loại bỏ chỉ số GDP và thay thế bằng chỉ số hạnh phúc GNH.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.