Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của anh hùng Lý Tự Trọng: Sống mãi tuổi 17

Thứ Ba, 04/11/2014, 18:15

Câu nói bất hủ của người thiếu niên trẻ tuổi, anh hùng Lý Tự Trọng khi anh mới 17 tuổi đã nằm lòng nhiều thế hệ đoàn viên thanh niên Việt Nam: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thanh niên thật, nhưng tôi có đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Từ nhiều năm nay, tượng đài hiên ngang của anh được dựng ở góc đường Thanh Niên - Quán Thánh, con phố lãng mạn bậc nhất của thủ đô Hà Nội.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Anh hùng Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2014), những câu chuyện về anh lại ào ạt ùa về trong ký ức của đạo diễn NSND Phạm Thị Thành, người đã góp công lớn vào sự thành công của vở kịch “Sống mãi tuổi 17”, một tác phẩm sân khấu đã đi vào lịch sử về người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng.

Gặp đạo diễn NSND Phạm Thị Thành trong căn nhà trên khu chung cư cao cấp nằm giữa Hà Nội, khi nhắc đến người  thiếu niên anh hùng Lý Tự Trọng, kỷ niệm xưa cũ lại ùa về trong tâm trí của bà. Bà đến bên giá sách lấy ra một quyển sổ nhỏ và những tờ giấy vàng đã cũ được bọc kỹ trong ni lông. Có lẽ nó đã được cất giữ trang trọng như thế này từ lâu lắm rồi.

Vài tấm hình nhỏ đen trắng đã ố vàng, bà cho tôi xem và chậm rãi nói: “Đây là những bức ảnh của vở kịch "Sống mãi tuổi 17",  cô lưu giữ để làm tư liệu đã mấy chục năm nay rồi đấy. Còn đây là tờ giới thiệu vở diễn. Nó cũng đã cũ nhưng nhìn những tờ giấy có cách đây hàng chục năm, phải là bà đã trân trọng, yêu quý, nâng niu đứa con tinh thần này đến thế nào. Trong hành trang cuộc đời đạo diễn của mình, bà đã đạo diễn hàng trăm vở kịch, nhưng "Sống mãi tuổi 17" là một vở kịch đặc biệt ấn tượng với những cảm xúc bồi hồi nhất. Nó đánh dấu mốc son với nhiều người. Cả những người còn sống hôm nay và cả những người đã ra đi. Và, quả thật nó thật đặc biệt, với cả bà, cả Lưu Quang Vũ và cả một ê kíp diễn viên ngày đó.

Tay bà lại lần dở tờ giấy cũng đã úa vàng, nó nhỏ thôi, nhưng lại như cả một sản nghiệp. Dòng chữ trang trọng được in trên tờ giấy: "Giải thưởng Hội  diễn Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980" - Giải xuất sắc. Và, cả đây nữa, một tờ giấy được gập làm đôi bên ngoài có in dòng chữ "Sống mãi tuổi 17" dòng chữ nhỏ nhưng rất nét bằng mực xanh ghi: "Tất cả mọi người đều rồi sẽ già đi, nhưng những anh hùng đã hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc thì còn trẻ mãi.

Lý Tự Trọng - người thanh niên Cộng sản đã hy sinh năm 1931, năm anh 17 tuổi tới nay và mãi mãi về sau anh vẫn 17 tuổi.

Dựa trên một số sự việc có thực trong tiểu sử của người anh hùng, vở kịch dựng nên hình tượng Lý Tự Trọng theo cách nhìn, cách nghĩ của thế hệ trẻ ngày hôm nay, rút ra cho tuổi trẻ những bài học lớn về cuộc đời chiến đấu hy sinh của anh. Đó là tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào tha thiết, dũng cảm chiến đấu, bất khuất trước kẻ thù, khát vọng được cống hiến và hy sinh tất cả cuộc đời mình cho sự toàn thắng của cách mạng...”.

Sau khi tôi đọc xong về lời đề tựa giới thiệu về vở diễn ngày ấy, người đạo diễn già  vẫn lần giở những trang báo mà cách đây đã xa lắc nói về vở diễn   thành công hồi đó, đã được cắt cẩn thận trên các tờ báo giấy cũ cho vào một cuốn sổ. Ký ức  xưa lại dội về nguyên vẹn, đã hơn chục năm rồi mà như mới hôm qua.

Bà chậm rãi kể: "Sống mãi tuổi 17" là một vở đặc biệt  làm để đi dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Nhà hát Tuổi Trẻ được thành lập năm 1978, đến năm 1979 trong một lần tình cờ tôi có được kịch bản và dàn dựng kịch bản này và sau đó cấp tập chuẩn bị cho Hội diễn chuyên nghiệp năm 1980. Khi thành lập nhà hát tôi và bà Hoài Nhân là hai người bỏ công sức ra nhiều nhất, lúc đó tôi nói với bà Nhân nên lấy tên là Nhà hát Tuổi Trẻ vì đối tượng mình hướng đến sẽ là thanh thiếu niên. Vậy thì khi đi thi Hội diễn phải có vở về đề tài thanh thiếu niên làm sao để khán giả trẻ tuổi xem thấy thật hay và phải thật có ý nghĩa.

Tôi mới nói chuyện với ông Trần Độ, lúc đấy đang là Thứ trưởng của Bộ Văn hóa về tìm đề tài để tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ông bảo: "Ơ, tôi có một vở nói về ông nhỏ". "Ông nhỏ" chính là người anh hùng thiếu niên Lý Tự Trọng, do ông Đào Duy Kỳ viết. Ông Đào Duy Kỳ đã từng có thời gian công tác vào sinh ra tử với Anh hùng Lý tự Trọng. Cầm cuốn kịch bản trên tay tôi vô cùng xúc động, vì những chất liệu có thật trong đời sống của người anh hùng trẻ tuổi. Nhưng đây chỉ là ghi chép lại thôi chứ chưa thành một vở kịch được. Tôi xin phép tác giả cho tôi được quyền tháo ra để viết lại. Tác giả đồng ý.

Ngay sau đấy tôi đi tìm hiểu về những người trước đây đã từng có thời gian hoạt động cùng Lý Tự Trọng. Ở Bộ Công an có một chị tên là Thuận, tôi gặp thì chị mới kể lại những kỉ niệm những ngày hoạt động  bên anh. Dựa vào chất liệu hôi hổi có thực của đời sống những nhân vật trong kịch là có thật ở ngoài đời.

Tôi sắp xếp bố cục lại thành các em thiếu nhi sinh hoạt tại câu lạc bộ của thiếu niên thì không hiểu Anh hùng Lý Tự Trọng là ai cả, thì trong một lần sinh hoạt bọn trẻ mới gặp được một người công tác cùng với Lý Tự Trọng và xin bà kể lại câu chuyện về  cuộc đời hoạt động của   Anh hùng Lý Tự Trọng.

Một cảnh trong vở kịch "Sống mãi tuổi 17".

Khi có được bố cục của kịch bản rồi, mọi người đều bảo: "Bố cục thì được rồi, nhanh chóng bắt tay vào viết đi". Quả thật viết rất khó. Tôi nhiều ngày đêm trằn trọc phải tìm đâu ra người nào phải viết thật giỏi thì mới viết được. Ông họa sĩ Phùng Huy Bính bảo với tôi: "Thành nhờ Lưu Quang Vũ ấy. Lưu Quang Vũ viết tốt lắm đấy”. Vũ kém tôi 3 tuổi, và chưa từng viết một vở kịch nào.

Vũ bảo với tôi: "Chị cho tôi bao nhiêu thời gian?". Tôi bảo khoảng ba tuần để còn kịp đi dự Hội diễn vào đầu tháng 1/1980. Vũ nhận lời, lúc đấy làm gì có phương tiện gì để liên lạc đâu, thế mà chỉ sau hai tuần Vũ đã đến nhà tôi mặt rất hồ hởi. Vũ bảo: "Tôi viết xong rồi, tôi đưa cho chị đọc hay tôi đọc cho chị nghe?". Tôi bảo: "Anh đọc cho tôi nghe thì nó tiện hơn vì anh viết tay". Hồi đó các nhà văn nhà thơ đều viết tay chứ làm gì có máy tính như bây giờ.

Giọng Vũ đọc rất truyền cảm, tôi nghe thấy thích quá, liền bảo: "Úi giời ơi, thế này thì hơn cả yêu cầu của tôi đặt ra với anh. Tôi đặt anh viết là nói lên cuộc đời Lý Tự Trọng, làm sao nói được chất anh hùng, đồng thời nói lên tính cách trong cuộc sống có những người bạn tốt biết hy sinh cho lý tưởng cách mạng, thân ái với đồng bào, những người đồng đội của mình. Anh viết hay quá, tôi nghe thấy thích lắm...".

Vũ có chất văn học và cả chất thơ nên kịch bản như một bản anh hùng ca lãng mạn, trữ tình nhưng vô cùng hào hùng, bi tráng. Khi cuốn kịch bản vào nhà hát, mọi người xúm lại đọc và ai cũng thấy thích, ngay cả tác giả đầu tiên là ông Đào Duy Kỳ nghe cũng thấy xúc động, chúng tôi bắt tay vào dàn dựng luôn. Vậy là kịch bản "Sống mãi tuổi 17" có đến ba tác giả, ông Đào Duy Kỳ là người cho những chất liệu đầu tiên về cuộc đời hoạt động của Anh hùng Lý Tự Trọng. Tôi sắp xếp lại bố cục đề cương mới, còn Lưu Quang Vũ thì chắp bút.

Ra Giêng không khí tết vẫn còn phảng phất trước những con phố, nhưng hội diễn đã bắt đầu. Vở kịch được khán giả đón nhận nồng nhiệt, nhất là các em nhỏ, hò reo cổ vũ, rồi khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Đảm nhận vai diễn Anh hùng Lý Tự Trọng là Lê Hùng (NSND Lê Hùng) khi đó mới ngoài 20 tuổi. Lúc đó ngoài dàn diễn viên trẻ do các em thiếu niên của nhà hát còn phải mời rất nhiều các nghệ sĩ tên tuổi ở các nhà hát khác sang để đóng. Bởi vì Nhà hát Tuổi Trẻ khi đấy mới thành lập, diễn viên toàn là học sinh 16, 17 tuổi. Vậy là huy động cả một dàn diễn viên sáng giá.

Nói đến đây người đạo diễn già đưa cho tôi tờ giấy còn lưu giữ lại bảng phân vai. Những diễn viên mà nay đã thành đạo diễn tên tuổi, có người được phong tặng NSUT, NSND và cũng đã kẻ còn người mất. Ngoài Lê Hùng đóng Lý Tự Trọng còn có Tú Mai đóng Phương lúc bé. Song Kim đóng Phương lúc già. Lê Chức đóng vai Thiết cán bộ cách mạng. Người đẹp nức tiếng của sân khấu và điện ảnh ngày ấy Tuệ Minh, Doãn Châu, Đức Hải, Đức Trung, Tất Bình cũng tham gia.

Khi vở kịch được công diễn, nó như một luồng sinh khí mới phả vào đời sống tinh thần của người dân Hà Nội. Người ta kéo nhau đi xem rầm rập. Phóng viên các báo cũng bình luận sôi nổi trên các diễn đàn.

Một bài báo về vở kịch người cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng. Bắt đầu bằng dòng chữ: "Vào dịp mừng Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 50 tuổi, Nhà hát Tuổi Trẻ công diễn vở "Sống mãi tuổi17", làm sống lại cuộc đời người cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng”.

Dựng vở "Sống mãi tuổi 17" NSND Phạm Thị Thành muốn đưa lên sân khấu một bài học về truyền thống cách mạng. Thế hệ trẻ ngày hôm nay có thể học ở người cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, tính chiến đấu bất khuất dũng cảm, lòng khát vọng cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng cách mạng.

Sinh năm 1914 trong một gia đình Việt kiều yêu nước tại Thái Lan, Lý Tự Trọng là một trong những thanh thiếu niên ưu tú được đưa sang Quảng Châu, Trung Quốc, học tập rèn luyện theo chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để sau này bí mật đưa về nước. Về nước anh hoạt động cách mạng và trong một lần bảo vệ cho một cán bộ cách mạng diễn thuyết tại Sài Gòn, anh đã rút súng bắn tên quan Pháp để bảo toàn cho cán bộ Việt Minh an toàn rút chạy. Anh bị thực dân Pháp bắt khi mới 17 tuổi.

Lý Tự Trọng, một người thiếu niên mang trong mình khát vọng và hoài bão, lý tưởng của người cộng sản cách mạng Việt Nam. Cuộc hành hình người cộng sản trẻ tuổi đã được nhiều nhà báo ghi lại. Đáng chú ý nhất là câu chuyện thuật lại của một nữ nhà báo tiến bộ người Pháp, Andrre Violis: "Khi tôi đến thăm người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi ấy ở trong xà lim những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với tôi rằng ông ta không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những con người oanh liệt như người thanh niên cộng sản trẻ tuổi này".

Giam cầm, tra tấn ở khám Lớn Sài Gòn không thu lại kết quả, bọn chúng đành đưa  anh về xử án. Chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 18 tuổi. Lý Tự Trọng bị kết án tử hình. Đứng trước cái chết, người thanh niên không hề mảy may run sợ. Khi luật sư bào chữa cho anh xin tòa án mở lượng khoan hồng vì người tù trẻ tuổi kia chưa đến 18 tuổi chưa ý thức được hành động của mình làm.

Nhưng người thanh niên trẻ, Lý Tự Trọng đàng hoàng dõng dạc cất tiếng nói đanh thép phản bác lại: "Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thanh niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác".

Bà viết: "Ngày 21/11/1931, Huy (Anh hùng Lý Tự Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám Lớn vang ra ngoài đường phố tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã theo Huy (tên gọi khác của anh) ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hoả để phun nước đàn áp họ. Trong bức tường giam của khám Lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người  ta chỉ nghe thấy anh hô: "Việt Nam! Việt Nam!".

Trong cuốn sách ấy, nữ nhà báo Pháp Andre Violis  đã viết  về Anh hùng Lý Tự Trọng bằng sự giản dị chân thành ấm áp nhất: "Bởi người cộng sản trẻ tuổi đấy quá đỗi anh hùng, đẹp hơn huyền thoại mà tôi tự hỏi mình: "Tại sao một thiếu niên mới 17 tuổi mà cứng cỏi, bản lĩnh đến vậy. Anh đã được hun đúc như thế nào để nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, nói những lời gang thép, trí tuệ như thế".

Những chất liệu ngồn ngộn hơi thở của đời sống có thật, cùng với  sự cảm thụ  tác phẩm kịch bản văn học, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ ngày ấy đã làm nên một vở kịch hào hùng và bi tráng về người thiếu niên Anh hùng Lý Tự Trọng - anh sống mãi tuổi 17 trong lòng dân tộc Việt Nam

Trần Mỹ Hiền
.
.