Ký túc xá tư nhân đầu tiên ở TP HCM

Chủ Nhật, 09/12/2007, 16:45
Ở nước ta đã có những bệnh viện tư nhân, những trường tư thục từ mẫu giáo đến đại học, thì việc có thêm những ký túc xá (KTX) tư nhân để giải quyết sự thiếu thốn về nơi ăn chốn ở cho sinh viên ở các thành phố lớn là một điều cần thiết. Thực tế, ở TP HCM, đã xuất hiện KTX tư nhân và đây cũng là KTX tư nhân đầu tiên của TP HCM sau khu vực KTX tư nhân ở Mễ Trì, Hà Nội.

Diện mạo KTX

Qua đường Nguyễn Thái Sơn bụi mù, đối diện chùa Như Lai (P.5, Q.Gò Vấp), có dãy nhà 3 tầng sừng sững như một tòa chung cư, tọa lạc trên diện tích 707m2. Ngoài cổng ghi rõ: “KTX sinh viên”. Bốn bên, tường vây với chiều cao ôm gần nửa tòa nhà.

Ngay cổng bảo vệ thường trực, có một tấm bảng lớn được kẻ thành nhiều hàng ngang. Mỗi hàng ngang ứng với mỗi phòng. Và phía đầu những hàng ngang ấy, là những chiếc đinh đóng thẳng để treo chìa khóa. Sinh viên khi rời khỏi KTX phải để chìa khóa ở đây. Và trong mỗi hàng, là những tấm hình chân dung của mỗi sinh viên, với họ tên đầy đủ. Bảo vệ chỉ cần nhìn vào hình, là biết người vào KTX có phải là sinh viên đang ở đây hay không.

34 phòng. Mỗi phòng chừng khoảng 30m2, chiều cao gần 4m, có thêm cái gác xép rộng bằng 1/3 diện tích của phòng. Dung lượng chứa của mỗi phòng chỉ 6-7 người. Trong phòng, những tấm đệm được xếp ngay ngắn. Các thành viên có thể ngủ đệm dưới sàn nhà, hoặc ai thích cao ráo thì chọn gác xép. 3 cái tủ đựng quần áo xếp ở góc trong. Hệ thống quạt cố định luôn đảm bảo cho sinh viên không bị nóng.

Ở đây, sinh viên chẳng phải chạy ra các cửa hàng chen lấn để được ngồi vào máy chat hoặc chơi game. Có 2 phòng dịch vụ Internet, phục vụ đến 11h đêm. Mỗi giờ truy cập chỉ có 2 ngàn đồng.

Điện thoại cũng được nối lên tận phòng, khách hay người nhà của sinh viên gọi đến cũng chẳng phải hẹn tới hẹn lui rồi gọi sinh viên rát cả cổ như quang cảnh hàng ngày đang diễn ra tại các KTX ở các trường ĐH. Nghe điện thoại ở đây hoàn toàn miễn phí. Chỉ có chiều gọi đi là bị cắt, để Ban quản lý KTX dễ bề quản lý phương tiện liên lạc này. Ai muốn gọi đi đâu, thì dùng điện thoại cá nhân, hoặc xuống dịch vụ điện thoại có ngay trong KTX.

Còn vô tuyến thì mỗi phòng một cái 21 inches, màn hình phẳng, có lắp dịch vụ truyền hình cáp. Ai thích xem kênh nào, hoặc muốn chọn xem một trận bóng đá nào cũng đều có thể ngồi ngay tại phòng để được đáp ứng. Như vậy, sẽ hạn chế được rất nhiều trong việc sinh viên phải tự ra ngoài la cà giữa đêm hôm chỉ vì một trận bóng. Và trung bình mỗi tháng, mỗi sinh viên phải đóng 5 ngàn đồng tiền dịch vụ truyền hình cáp.

Phía giữa mỗi tòa nhà là một căn phòng rất dài, trần kính, dành để phơi quần áo. Những quần bò, áo phông, rồi váy áo với đủ sắc màu được phơi ngay ngắn trên những dãy sào được đánh số phòng ở mỗi đầu. Làm vậy để tránh sự lấy lộn quần áo giữa phòng nọ  với phòng kia, người nọ với người kia.

Trước mỗi căn phòng, chiếc máy giặt to tướng đang nằm im thin thít. Nó được đặt ở đây để phục vụ cô cậu nào nhiều việc mà hiếm thời gian giặt giũ. Là máy giặt dịch vụ, mỗi kilôgam quần áo được giặt khô ủi phẳng với giá 3 ngàn đồng, một cái giá thấp hơn so với giá chung của các tiệm giặt bên ngoài. Nhưng có vẻ, những chiếc máy giặt này hoạt động với công suất... không nhiều, vì đồ đạc hầu hết sinh viên tự giặt lấy bởi những dụng cụ giặt như thau lớn thau bé, bàn chải đã được KTX “bao cấp”.

Và cuối của dãy nhà là nhà ăn tập thể. Nhà ăn rộng chừng 50m2, những dãy bàn ăn bằng inox sạch sẽ được kê ngay hàng thẳng lối. Chiếc tủ kính mặt rất trong, đựng đồ ăn trông rất ngon mắt.

Cái ngạc nhiên là giá cơm ở đây, dưới cả mức bình dân. Mỗi suất cơm giá chỉ 6 ngàn đồng, món tùy chọn. Với cái giá ấy, ra các quán cơm bình dân mà gọi may ra chỉ có cơm và rau, nhưng đây lại có đủ thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng. Nếu ai chưa cảm thấy no, được gọi cơm thêm miễn phí.

Bên cạnh nhà ăn là sân khấu chung. Nó có những chức năng tổ chức những buổi sinh nhật tập thể cho sinh viên cũng như các buổi liên hoan văn nghệ vào cuối tuần. Vào tối chủ nhật, sinh viên về quê đã lên đông đủ, họ đến đây bốc thăm chọn bài để hát karaoke giải trí. Đồng thời, kết hợp tổ chức sinh nhật chung của những người có ngày sinh trong tuần đó, Ban quản lý KTX sẽ lên chúc mừng và tặng mỗi người một món quà. Bên cạnh đó, họ cũng góp vui cho sinh viên bằng một cái bánh sinh nhật cỡ lớn.

Lang thang hết một vòng KTX, cũng đúng lúc anh Huỳnh Phi Châu - "ông chủ" về. "Ông chủ" còn quá trẻ, 35 tuổi đi xe gắn máy hạng xoàng, ăn mặc giản dị, tóc húi cua,  và có vẻ kiệm lời.

Châu vào chuyện khá thẳng thắn. Anh nói, ước mơ xây dựng KTX có trong anh từ thời còn sinh viên Đại học Kinh tế.

Ra trường, với ít vốn có được từ gia đình, Châu lao vào kinh doanh. Chưa đầy 30 tuổi, Châu đã là một tỉ phú giữa TP HCM với một tài sản "kha khá": 2 căn nhà lớn ở mặt đường, một ở Q.3 và một ở Phú Nhuận.

Khi đã có tiền có của, Châu nghĩ về thời sinh viên và những sinh viên từ các tỉnh lẻ đổ xô về thành phố học hành. Chính vì vậy, anh dành hẳn cả một khoản tiền lớn để đầu tư xây dựng một khu nhà trọ giá rẻ dành cho sinh viên. Sau mấy năm hoạt động, thấy tiếc mặt bằng diện tích 707m2 mà chỉ dựng được có hơn 10 phòng, không giải quyết được nhiều về vấn đề chỗ ở nên anh đánh bạo cho xây dựng khu đó thành KTX.

Làm sao để sinh viên an cư?

Xây dựng KTX, cái quan tâm đầu tiên của Châu vẫn là tạo điều kiện giúp sinh viên có một chỗ ở tiện nghi, an toàn và lành mạnh.

Mỗi sinh viên đến đây ở, phải làm hẳn một bộ hồ sơ, có giấy thay đổi nhân khẩu để Ban quản lý KTX tạo điều kiện làm thẻ KT3 cho sinh viên chứ không đơn thuần chỉ là tạm trú tạm vắng. 4 tấm hình để làm các giấy tờ cần thiết. Chứng minh thư nhân dân photo. Một giấy “kê khai tài sản” - kê khai những gì sinh viên có để dễ quản lý những khi sinh viên lên giảng đường.

Khi đầy đủ các hồ sơ cần thiết, hai bên phải ký kết một hợp đồng thuê trọ với thời gian 6 tháng. Hết khoảng thời gian đó, nếu sinh viên nào muốn ở lại thì tiếp tục ký. Nếu ai chuyển đi phải báo trước một tháng để KTX cắt hợp đồng chuẩn bị nhận người khác.--PageBreak--

Tấm biển nội quy treo trước KTX, bên cạnh những điều “thông thường” như: không về sau 23h, không tụ tập bạn bè uống rượu, bia, nấu ăn trong phòng, không làm ồn, còn có thêm những điều ít thấy một chỗ trọ nào đề cập tới: Không chửi thề, văng tục và cởi trần trong KTX!

Đặc biệt, sinh viên nào có xe gắn máy phải kê khai biển số để Ban quản lý KTX phát một cái tem riêng cho mỗi xe để tránh việc người này lấy xe của người kia sử dụng. Cái tem đó sẽ phần nào đảm bảo cho việc tránh mất mát phương tiện ở những trường hợp lập lờ trong việc mượn và lấy cắp.

Với cái giá ở như hiện nay, mỗi người chỉ 185 ngàn/tháng, nếu nhân cho 6 người trong một căn phòng khép kín gần 30m2, là một cái giá khó tìm ở thành phố này.

Bên cạnh đó, giá các dịch vụ khác cũng không đắt đỏ gì, điện theo giá Nhà nước. Còn nước, 5 ngàn đồng/người, vệ sinh, 5 ngàn đồng/người... là những cái giá rất... dễ thở, hợp với túi tiền sinh viên.

Chính vì vậy nên rất nhiều sinh viên đến đây ở từ thời khu này mới chỉ là khu nhà trọ, vẫn chung thủy cho đến tận bây giờ. Có những người "giữ chỗ" cả những tháng hè, để khi vào năm học mới không  mất đi một chỗ trọ tốt.

Nguyễn Văn Hùng, sinh viên Trường đại học Công nghiệp tâm sự: “Em ở đây từ khi KTX chưa được xây dựng như bây giờ. Ở đây em thấy an toàn, lịch sự, đầy đủ tiện nghi và dịch vụ, kể cả ăn sáng, mà lại hợp với túi tiền của một sinh viên xuất phát từ nông thôn như em. Ra trường kiếm việc làm, em cũng sẽ tiếp tục xin được ở đây”.

Mong muốn liên kết xây tiếp nhiều KTX

Có một điều Châu rất băn khoăn, là hiện nay KTX vẫn là của riêng anh, chứ chưa phải là một sản phẩm có sự hợp tác của các nhà trường trong quá trình xã hội hóa giáo dục. Anh muốn liên kết với các trường để được phép hoạt động với tư cách là một KTX liên thông, sẽ có những sự giảm nhẹ hơn về thuế, để khuyến khích những người có tâm cho sinh viên.

Anh đã đến gặp các nhà trường và chính quyền địa phương, chính quyền địa phương thì đòi hỏi phải có ý kiến nhà trường. Nhà trường thì lại đòi hỏi phải đáp ứng những điều kiện như sân chơi thể thao và phòng đọc sách. Giữa cái thời buổi tấc đất tấc vàng, đòi hỏi một tư nhân bỏ tiền túi xây dựng KTX có diện tích dành cho thể thao thì quả là xa xôi quá!

PV đã trao đổi vấn đề này với ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ông Bình cho biết, mặc dù việc quản lý các KTX tư nhân không phải của Bộ Giáo dục mà là chính quyền địa phương, nhưng ông rất hoan nghênh và ủng hộ những người có tâm với sinh viên như trường hợp của anh Huỳnh Phi Châu.

Tuy nhiên, theo ý kiến riêng của ông Bình, nếu như KTX của tư nhân nào đảm bảo tốt nơi ăn chốn ở, an ninh trật tự, văn hóa, giá cả... cho sinh viên thì các nhà trường và chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để nhân rộng mô hình, hơn là “khắt khe” quá với họ.

Bởi nếu ở KTX tư nhân, thì tính chất chỗ ở của sinh viên vẫn là ngoại trú chứ không phải là nội trú. Không thể bắt ngoại trú cứ phải rập khuôn như nội trú. Chỉ cần các chủ KTX tư nhân đảm bảo các điều như nói trên, và thêm nữa, đảm bảo Quy chế công tác quản lý sinh viên ngoại trú được ban hành năm 2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là có thể chấp nhận được để khuyến khích nhân dân cùng vì mục đích xã hội hóa giáo dục

Hoàng Nguyên Vũ
.
.