Ký ức của Thắm, nỗi nhớ của tôi

Thứ Tư, 04/02/2015, 15:25
Thắm, là nữ đạo diễn vừa ra mắt tác phẩm điện ảnh rất thành công có tên “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.

Sài Gòn, những ngày gió se sắt nhớ!

Cà phê mang đi, quán vắng. Tôi ngồi với Thắm, buổi chiều như đang rơi theo câu chuyện về những ngày đã cũ.

Thắm, là nữ đạo diễn vừa ra mắt tác phẩm điện ảnh rất thành công có tên “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.

Phụng, là người đồng tính – mà chị hay nói, “Dân bóng gió”. Chị là chủ một đoàn hội chợ. Chị mất vì nhiễm HIV.

1. Tháng Chạp, cách đây hơn hai mươi lăm năm rồi, tôi đi ngang bãi đất trống cuối xóm không thấy chấp chới cờ phướn bay, không thấy những tấm băng-rôn vừa rách vừa đầy bụi cũ, không thấy những cái tên Phi Phi Phụng, Minh Minh Vương, thần đồng ca nhạc Tiểu Ngọc Hải… tự dưng có nỗi buồn đỏ hoe mắt. Đoàn hội chợ đi, những đêm vui không còn nữa. Làng quê tôi một thời nghèo khó, biết lấy đâu ra náo nhiệt thế nào.

Đoàn hội chợ về, cả xóm râm ran thông tin cho nhau biết ngay khi đoàn vừa dựng rạp. Rạp dựng trên bãi đất trống nào đó thích hợp, có khi rạp dựng ngay trong khuôn viên của trụ sở UBND. Sâm sẩm chiều, họ chở nhau trên chiếc xe thùng cũ, rao khắp nơi. Vừa rao, vừa đùa với mấy chú: “Ông xã, tối rảnh trốn vợ xuống chơi lô tô với em, nha”.

Bảy tuổi, tôi trốn má ngồi lì xem hội chợ. Đoàn hội chợ với nhiều trò, từ bọ chui hang, ném banh, thả bi sắt, phóng phi tiêu… Hấp dẫn nhất vẫn là gian hàng quay lồng cầu, hay còn gọi là lô tô.

Quầy lô tô bao giờ cũng được đặt ở vị trí trung tâm đoàn hội chợ, với sàn gỗ được kê cao, phông màn nhiều màu sắc. Họ bán những mảnh giấy dò số với giá 500 đồng, phần thưởng cho người trúng là thùng mì gói, vài hộp sữa, một cái đồng hồ treo tường… Thảng lắm, là một cái xe đạp mini.

Họ rao: “Cờ ra con mấy, con mấy gì đây, con số gì đây… Tề Thiên Đại Thánh đánh với Hồng Hài Nhi, Bát Giới ở ngoài vừa ăn vừa ngốn là con hai mươi bốn. Con hai mươi bốn rồi cờ ra mà con mấy, con mấy gì đây. Con ba gì đây, con ba gì đây... Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mù em không đến chơi, mây nước buồn cơn lửa binh, trách chi chuyện chúng mình… Con ba mươi chín, con ba mươi chín rồi cờ ra mà con mấy, con mấy gì đây, con bốn gì đây...”.

Thắm - nữ đạo diễn đã gây xúc động mạnh với phim tài liệu “chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.

Cứ rao vậy, từ nhạc trẻ cải lương cho đến những bài hát được chế lời. Họ hát cho đến lúc phía dưới khán đài có người hét lên đầy sung sướng: “Kinh”. Kinh, nghĩa là có người đã trúng giải. Kinh, nghĩa là họ được bán thêm vé cho vòng quay số mới. Càng có người kinh sớm, thu nhập họ càng khá hơn.

Họ - đa phần là người đồng tính.

Những người đồng tính trong đoàn hội chợ, ăn vận như phụ nữ. Chỉ tiếc là họ sồ sề, đen đúa, tóc dài… nhìn tồi tội. Họ đi đến đâu, là náo nhiệt đến đấy. Họ vào chợ, cả chợ cười. Họ vào quán ăn điểm tâm, cả quán bàn tán. Họ đi trên đường, lũ chúng tôi chạy phía sau tò mò nhận xét. Mấy anh thanh niên thấy họ…

Họ sinh hoạt chủ yếu trong khoảng không gian của đoàn hội chợ. Chiều về, họ sửa soạn, trét phấn, sơn môi, độn ngực, khoác vào người những bộ quần áo hoa hòe hoa sói, bóng loáng, sương sa kim tuyến. Và họ hát.

Cạnh nhà tôi ngày đó, còn có anh thiếu niên trốn theo đoàn hội chợ vì thấy họ vui quá. Mấy năm sau trở về, cả xóm đồn “Nó bị lây pê-đê rồi”.

Những người ở đoàn hội chợ, họ cứ như những người Digan trong suy nghĩ của tôi. Lâu lắm rồi, khi tôi đọc “Trăm năm cô đơn” của nhà văn Marquez, đoạn đầu viết về cô gái Digan, tôi toàn nghĩ đến họ.

2. “Sao Thắm lại chọn làm phim về những con người ấy?”, tôi hỏi Thắm. “Vì họ quen thuộc với em”, Thắm trả lời. Thắm, tuổi thơ bị cắt vụn bởi những lần di cư theo bố mẹ, bố mẹ Thắm là công nhân thủy điện nên hết công trình ở nơi này thì phải dựng lán để theo công trình khác. Thắm ở Hòa Bình, Thắm ở Bình Định, rồi Thắm ở Gia Lai.

Gia Lai, những căn nhà công nhân làm bằng vách nứa, nhà bên nói chuyện nhà này nghe hết. Nụ cười trẻ con ám màu bụi đỏ.

Thắm cũng như tôi, những đêm vui là khi đoàn hội chợ về. Thắm học đạo diễn ở thành phố, Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh (Bây giờ đã là Đại học), cô bạn nói với Thắm: “Mình tính làm phim tài liệu về những nghệ sĩ biểu diễn xiếc”. “Hay là, bạn làm chung với mình phim tài liệu về những người ở các đoàn hội chợ đi, mình thích họ?”, Thắm rủ. Cô bạn không đồng ý. Vậy là, Thắm làm một mình.

Tiền bạc dành dụm bấy lâu được Thắm dồn hết cả cho bộ phim tài liệu này. Phim quay xong, tiền cạn, hậu kỳ dựng cảnh để ra đời những thước phim hoàn chỉnh cũng đầy lận đận, như chính cuộc đời của nhân vật trong bộ phim ấy…

Thắm cùng với sự hỗ trợ của các thành viên trong Varan tại Pháp cũng như Việt Nam đã tìm mọi cách xin tài trợ đến các tổ chức điện ảnh nước ngoài xin thêm kinh phí, có nơi giúp tiền, có nơi giúp công nghệ. Thắm gõ cửa nhờ cả những người làm phim nước ngoài.

Trước đó, phim đã chiếu trong khuôn khổ liên hoan phim và các buổi chiếu nhỏ ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… nhưng không tạo được tiếng vang như bây giờ. Mãi cho đến khi phim đoạt giải quốc tế và được sự giúp đỡ nhiệt thành của nữ diễn viên Hồng Ánh, thì dư luận mới bắt đầu quan tâm đến. Có nhẽ, phim ảnh ở nước mình phải chờ đến hiệu ứng của truyền thông chăng(?!).

Poster phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.

Sau 7 tháng đóng máy, Thắm đang ở Đà Nẵng thì nhận được tin báo chị Phụng mất. Thắm bàng hoàng, Thắm không thể hình dung được rằng chị Phụng mất sớm vậy. Mới hôm nào, nghe tin chị bệnh phải vào viện, Thắm gọi điện thoại hỏi thăm, còn đùa nhau: “Bà không được chết, muốn chết phải đợi tôi về uống rượu rồi hẵng chết”.

Chị Phụng, ngoài 40 tuổi – chủ đoàn hội chợ với 35 người. Chị Phụng là thủ lĩnh thật sự của đoàn hội chợ ấy, chị dắt đoàn đi khắp nơi. Thắm, xin nhập đoàn để làm phim khi đoàn đang ở Khánh Hòa.

Gần một năm Thắm ở với đoàn, sinh hoạt với đoàn. Trong đoàn, xem Thắm là một thành viên. Ngày mưa dầm, Thắm ăn mì gói với đoàn. Ngày bão nổi, Thắm ăn rau muống. Buồn vui gì, Thắm cũng được họ sẻ chia.

Trong đoàn hội chợ, mọi người đều có đôi có cặp. “Họ trốn tránh đời sống hả Thắm?”, tôi hỏi. “Không đâu anh, đó là thế giới của họ, nơi họ lưu trú cho qua cõi tạm này”, Thắm trả lời.

Đoàn hội chợ bị cháy rụi khi ở Phan Rang (Ninh Thuận), chị Phụng cầm vàng bán để nuôi đoàn, đi trên nền những vật dụng cháy sém, chị lặng im. Để rồi rất ngẫu nhiên chị hát, một đoạn buồn trong ca khúc “Ngày buồn”: “Ngày em chưa biết gì. Lệ sầu chưa ướt hoen mi. Đôi ta cùng mơ ngày sau. Mình chẳng mong sang giàu. Chỉ cần hai đứa yêu nhau. Chỉ cần hai đứa thương nhau”.

Đến phân đoạn ấy, tôi đã khóc.

3. Tôi đã gặp trò chuyện với những người đồng tính. Có đồng tính trẻ con, tôi đùa “bóng mén”. Có đồng tính về già, tôi gọi “cậu”, thưa “con”.  Có đồng tính nổi danh, có đồng tính lặng thinh như cây cỏ. Mà già hay trẻ, có danh vọng hay không gì thì cũng đều đau đáu nỗi niềm như nhau. Duy, đồng tính trẻ họ dễ lao vào những cơn phấn khích tức thời để tìm vui.

Mấy ca sĩ đã chuyển giới ngồi cà phê với tôi đều hay kể về quãng thời gian mà họ đã trải qua, trong đoàn hội chợ. Họ đi suốt, đi biền biệt gia đình. Ái Xuân hồi chưa ở Mỹ, theo đoàn đi hát, sợ cha đánh không dám về. Mẹ thương con, nghe Ái Xuân hát chỗ nào cũng cặm cụi đi xe đò đến xem. May mà, Ái Xuân cũng được thỏa mãn đam mê ở sân khấu chuyên nghiệp.

Hay như chuyện của BB Phụng thôi. Phụng bỏ nhà theo đoàn hát, lấy nghệ danh Y Phụng. Đoàn hát của Phụng là đoàn tạp kỹ, chuyên dựng bạt ở những bãi đất trống biểu diễn ca nhạc miễn phí có kèm theo vài trò chơi trúng thưởng. Đoàn của Y Phụng cũng như đoàn của chị Phụng, chỉ khác là hậu vận của Y Phụng (sau đổi nghệ danh BB Phụng) tốt hơn chị Phụng mà thôi.

Phụng kể với tôi rất dài: “Ở đoàn, Phụng mới bắt đầu cảm nhận được sự tủi phận của những người trót sinh ra kiếp "phận liễu mình tùng". Phụng nhỏ tuổi hơn, nên Phụng gọi những người giống mình là chị. Có chị khi bị gia đình phát hiện chuyện chỉ mê đàn ông, không mê phụ nữ, bố chị giận đánh chị nhiều đến mức bấn loạn.

Thấy những trận đòn không làm chị tỉnh người, ông nghi chị bị ma ám nên mời thầy pháp về trục ma. Thầy pháp trục ma theo cách quái đản, trói ngược hai chân chị treo lủng lẳng ở cành cây trước nhà và… đánh. Hàng xóm thương chị, lén cắt dây. Chị bỏ trốn theo đoàn hát, xin làm chân bán vé lô tô mỗi đêm để kiếm tiền sinh sống.

Một chị khác, gia đình cấm cửa khi biết chị là dân đồng tính. Chị về với đoàn hát như là cùng đường kiếm tìm hy vọng. Chị chi tiêu dè sẻn, có được đồng nào là chắt chiu đồng ấy, để rồi khi có được kha khá tiền, chị nhờ Phụng mang về gửi cho mẹ chị uống thuốc. Chị không dám về căn nhà của mình nữa, chị sợ ba mẹ chị đau lòng, sợ hàng xóm đàm tiếu, sợ cả những tủi hổ của thân phận mình”.

Chị Phụng, nhân vật của Thắm trong “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” có nói: “Mình bóng gió đến khi về già nhìn nó kỳ”.

Có kỳ gì đâu, chị Phụng ơi! Bởi sinh ra trên đời đã là một nỗi may mắn rồi, còn bất trắc, còn gian truân, còn đau đớn mà mình phải trải qua đều là do nghiệt duyên kiếp trước mà mình trót vay.

Trả cho hết cõi này, để biết đâu đó cõi sau, lại được vẹn toàn như mình mong muốn.

Vẫn muốn cảm ơn Thắm rất nhiều, nhờ Thắm mà tôi đã tìm được ký ức tưởng chừng đánh rơi đâu đó trên những ngày tất bật đã qua.

Ngô Kinh Luân
.
.