Những người thợ sửa giày trên phố:

Lá rách ít đùm lá rách nhiều!

Thứ Năm, 08/10/2015, 17:35
Từng bỏ học sớm vì gia đình khó khăn rồi theo đám bạn lang thang ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP HCM ăn chơi quậy phá lêu lổng, Nguyễn Thanh Tuấn cơ duyên học được nghề sửa giày…

Bây giờ, khi đã ngoài 40 tuổi, từ những lần mài đế, may giày, Tuấn dần hiểu về ý nghĩa cuộc sống, về nhân cách làm người, về công việc của mình làm và bắt đầu tu tâm dưỡng tính. Cũng vì thế khi ra nghề, Tuấn truyền lại cho đám học trò sau này, phần nhiều là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn…

Trong số đó có Nguyễn Bá Cường, thường gọi là Beo, 18 tuổi mà người nhỏ thó như đứa trẻ 14. Cả hai thầy trò cùng tâm niệm học nghề kiếm sống nhưng không quên giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Những ngày qua dân cư mạng chia sẻ hình ảnh cảm động về người thanh niên nhỏ thó Nguyễn Bá Cường (tên thường gọi là Beo, 18 tuổi) sửa giày miễn phí cho những người nghèo đạp xích lô xe ba gác, hốt rác phía trước chợ Bàn Cờ, đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.

Tiếp cận với Beo chúng tôi cảm thấy thú vị bởi nụ cười luôn thường trực trên môi và cách ăn nói lễ phép của cậu. Chiếc tủ sửa giày nằm khiêm tốn trước hẻm 49 Nguyễn Đình Chiểu với đủ các loại giày mà khách đem đến sửa. Đôi bàn tay nhem nhuốc chi chít vết đâm của kim may và vết cắt của dao. Có lẽ dòng chữ sửa giày miễn phí cho các anh chị bán vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị dán ngay ngắn trước tủ giày đã khiến nhiều người dân tò mò…

Beo kể, nhiều người hoàn cảnh, mua đôi giày đã khó, nay bị hư muốn sửa cũng không dễ. Giá sửa đơn giản một đôi giày ít nhất cũng từ 40 đến 80 ngàn đồng, bằng một ngày công của người lao động nghèo. Bởi vậy dù giày hư người lao động cũng tự mua keo về dán, đi được vài ba ngày lại hư, muốn ghé tiệm sửa thì sợ tốn tiền.

"Gắn tấm bảng này lên nhiều người tự tin hơn khi bước vào chỗ em sửa giày!" - Beo cười giòn cho biết. Hai năm theo học nghề và ra phụ thầy Tuấn, Beo không nhớ đã sửa bao nhiêu đôi giày cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Cứ mỗi một người lao động nghèo đem giày đến cho Beo sửa là gắn với Beo một kỷ niệm.

Beo nhớ có anh lao công trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gia cảnh khó khăn, đồng lương hằng ngày cũng chỉ đủ lo miếng ăn cho người vợ và đứa con đang trong tuổi học. Những lần anh mang giày đến, Beo dừng việc sửa giày cho khách, tra keo, chăm chút từng đường chỉ để giày của anh được sử dụng bền hơn, để anh có thời gian trở lại với công việc nhanh hơn.

Tay tỉ mẩn trên từng lát cắt, đường chỉ, miệng luôn tươi cười, những hình ảnh lạc quan về người thanh niên sửa giày trên đường Nguyễn Đình Chiểu khiến người ta không khỏi chạnh lòng khi nghĩ bấy lâu nay, họ đã quá lụy những bộn bề của cuộc sống mà quên đi cách lạc quan cần thiết. Không ủy mị, buồn bã, than nghèo kể khổ, Beo kể về hoàn cảnh của mình một cách hồn nhiên như cuộc sống đã mặc định như vậy.

Beo hướng mình sống như dòng chữ nguệch ngoạc mà thầy Tuấn viết để răn dạy học trò phía sau cánh cửa của tủ giày “Sống là phải biết lao động mới thành công trong cuộc sống, sống thật thà mới thành người được quý trọng”. Gia cảnh khó khăn, mẹ không có việc làm nên ở nhà chăm bà ngoại bị tai biến. Cha là nhạc công nhưng nhiều khi cả tháng không có lấy một buổi diễn, lại mang trong người căn bệnh gan.

Tình cảnh như vậy, nhiều người dễ nảy sinh bất mãn, dễ sa ngã bởi sự bồng bột của tuổi trẻ. Tuy nhiên, nhìn vào căn hộ chưa đầy 10m2 nơi sinh sống của gia đình Beo mới thấy được ý chí vươn lên của người thanh niên này. Đồng lương vừa học vừa làm, Beo đưa hết cho mẹ để chăm lo cho gia đình.

Nhắc đến thầy dạy nghề Nguyễn Thanh Tuấn với thái độ kính trọng và nể phục bởi từ một đứa trẻ bỏ học, gia cảnh nghèo khó mà thành công với nghề sửa giày, Beo bảo đã học được riêng cho mình một cái nghề có thể lo cho cuộc sống, hiểu được cách sống và biết cách đối nhân xử thế để vào đời. Nhớ lại quãng thời gian trước, Beo cho rằng mình là người may mắn.

Sau khi nghỉ học, Beo phụ người dì bán hàng điện tử ở chợ Nhật Tảo nhưng từ hồi chợ di dời, buôn bán ế ẩm, Beo chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc theo đám bạn chơi game. Nhiều lần nhìn sang tiệm giày của thầy Tuấn thấy những thanh niên trạc tuổi mình, mài cắt, dán, may giày, Beo thèm được học được cái nghề như họ.

Vào một buổi chiều mưa cách đây 2 năm, cửa hàng anh Tuấn nhập về một lô cao su dán giày, thấy Beo lấp ló trong nhà nhìn ra, anh Tuấn vẫy tay kêu Beo qua phụ. Thấy Beo nhanh nhẹn, cẩn thận, anh Tuấn hỏi Beo muốn học nghề không? Beo gật đầu cái rụp. Thế là bén duyên với nghề. Những ngày đầu được thầy chỉ cho cách dán giày, cách khoét rãnh và những đường may cơ bản. Từ sự vụng về khi mới vào nghề, tay bị kim may đâm rướm máu, các vết cắt thành sẹo trên đùi, Beo dần thành thục và được thầy cho ra hành nghề. Vừa học vừa làm, mỗi tháng Beo được nhận 3 triệu đồng.

Không chỉ dạy nghề, thầy Tuấn còn hướng Beo đến con đường của người lương thiện, sống bằng chính mồ hôi công sức của mình và biết thương những người cùng hoàn cảnh. "Sư phụ luôn nhắc giúp được ai chuyện gì thì giúp, giúp trong khả năng của mình" - Beo chia sẻ.

Cơn mưa như trút nước bất chợt ập xuống, Beo nhanh chóng đóng tủ giày để kịp về tiệm của thầy, phụ thầy dọn hàng. Tại cửa tiệm rộng chưa đầy 10m2 trong con hẻm ở lô A, chung cư Nguyễn Thiện Thuật chúng tôi được ngồi nói chuyện với anh Nguyễn Thanh Tuấn, người mà Beo kính trọng kêu bằng sư phụ. Ngoài 40 tuổi, anh Tuấn có vợ và cô con gái đang học lớp 6. Anh có dáng vẻ bề ngoài hơi "bặm trợn" nhưng thực ra lại là một con người khác.

Hơn 20 năm trước, Tuấn sống bừa bãi, thường xuyên đàn đúm cùng bạn bè ăn chơi lêu lổng. Thấy Tuấn không có công ăn việc làm, tụ tập thanh niên quậy phá, một người sửa giày dép đã kêu Tuấn về học nghề với hy vọng Tuấn sẽ tu tâm, bớt phá phách. Vậy mà 22 năm trôi qua thật nhanh...

Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ, những ngày theo học nghề, nghe thầy chỉ bảo, dạy cách làm người khiến anh trở thành một con người khác, biết quan tâm hơn đến những người xung quanh, biết chia sẻ với những mảnh đời khốn khó hơn mình. Thế là, khi thấy lớp đàn em sau này trong khu chung cư cũng không nghề ngỗng, lông bông, quậy phá, nghĩ đến một thời mình từng bồng bột như chúng, anh nghĩ cần phải làm một việc gì đó thật ý nghĩa.

"Đã có nhiều học trò đến với tôi, đa phần là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học sớm, cha mẹ ly dị, cha mẹ ở tù, chúng chỉ biết quậy phá, cày game, tụ tập đánh nhau. Tôi gặp chúng, nói chuyện, phân tích cho chúng biết cần phải có một cái nghề để lo cho bản thân, lo cho gia đình. Nhiều đứa muốn theo học, điều đầu tiên tôi dạy chúng là về đạo đức, về cách đối nhân xử thế. Nếu chúng biết lắng nghe, tôi mới truyền nghề. Nhiều năm qua, những đứa trẻ bước ra từ cửa tiệm của tôi đã có thể tự lo cho bản thân mình, có vợ, có con và tiếp tục truyền nghề cho những đứa trẻ khác”.

Giải thích về dòng chữ ghi trên cánh cửa tủ treo giày răn học trò, Tuấn tâm sự: Những đứa trẻ học nghề còn đang trong tuổi ăn, tuổi chơi nên tâm tính không đứa nào giống đứa nào. Vì vậy, lời răn trên cánh cửa tủ khiến mỗi lần chúng mở cửa ra lấy đồ sẽ đọc được và tự răn bản thân mình, giúp chúng trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn.

Gần 20 năm làm nghề, truyền nghề, Tuấn đã đau xót khi chứng kiến một học trò của mình phải vào trường giáo dưỡng. Đó là H. Cha mẹ ở tù, H. sống lông bông và được anh Tuấn đưa về truyền nghề. H lanh lẹ, tỉ mẩn, sửa giày rất đẹp. Những tưởng một tương lai mới sẽ đến với H. nhưng không ngờ...

Trong một lần đi chơi, H. thấy hai vợ chồng cãi nhau ném đồ đạc tứ tung xuống đất, trong đó có chiếc giỏ xách đựng tiền. Không suy nghĩ H. chụp chiếc giỏ xách và bỏ chạy. Người mất của biết H. lượm đến xin nhưng H. không trả nên báo Công an. Thế là H bị đưa vào trường giáo dưỡng.

"Có lần tôi lên thăm, H. khoe cán bộ hỏi có biết làm gì không? H. nói biết sửa giày nên cán bộ quản giáo cho H. học thêm nghề. Nó vui lắm và cảm ơn tôi rối rít. H. hối hận và mong tôi tha thứ, mong muốn khi ra trại sẽ tiếp tục về với tôi học nghề" - anh Tuấn kể.

Về công việc sửa giày  miễn phí cho người nghèo, Tuấn chia sẻ rằng muốn làm một điều gì đó thật thiết thực cho những hoàn cảnh khó khăn ấy. Treo tấm bảng lên cốt là để họ tự tin bước vào tiệm sửa.

Nhìn những chiếc giày còn khá mới chất đống trên bàn, chúng tôi hỏi anh: "Khách gởi sửa nhiều vậy à?", Tuấn lấy ra một đôi giày và cho biết: "Không! Những chiếc giày này là những người thấy lỗi mốt, hư hỏng nhẹ đem cho! Tôi thu gom lại, sửa chữa và đem cho lại những người không có tiền mua giày! Đối với người giàu thì đôi giày này không có giá trị gì, nhưng đối với người lao động không có tiền mua, nó giá trị lắm!". Chúng tôi cắc cớ: "Nhiều người thấy anh cho giày, họ lợi dụng đến xin hoài đem bán thì sao?". Anh cười: "Kệ! Họ khổ mà, nếu thế thật thì tôi cũng vẫn cứ cho thôi. Họ gạt mình thì họ mang tội?".

Chị Tuyết Minh, vợ anh ngồi kế bên góp chuyện: "Nhiều người bán vé số, hàng rong đến sửa giày miễn phí lại được anh ấy tặng thêm đôi giày, vui lắm nên họ cũng muốn cảm ơn bằng hiện vật. Người gửi tấm vé số, người tặng trái xoài, quả bưởi nhưng ảnh quyết không nhận… Nhiều chị bán trái cây được sửa giày cứ dúi vào tay anh ấy bịch trái cây, rồi giận dỗi vì anh không nhận. Họ khổ nhưng có tấm lòng nên nhiều lúc muốn từ chối cũng không được!".

Hơn 10 năm theo chồng, thấy chồng dạy bảo và truyền nghề cho những đứa học trò nghèo khó có công việc làm, có ích cho xã hội, chị Minh cũng thấy vui vui. "Thằng H trong trường giờ hối hận, biết quý nghề và chỉ mong cải tạo tốt để về với thầy Tuấn. Thằng Beo hiền lành, chịu khó được mọi người thương, mọi người biết đến tôi cũng hãnh diện lây. Cuộc sống vốn đã xô bồ, khốn khó, cũng mong chúng trở thành người tốt, biết thương và giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó hơn, thôi thì lá rách ít đùm lá rách nhiều, cho thêm yêu cuộc sống này”.

Chúng tôi chia tay thầy trò anh Tuấn khi cơn mưa đã ngớt, ngoài đường vẫn còn sũng nước. Giá như trong cuộc sống bộn bề, toan tính này thêm nhiều người có tâm như Tuấn, có những thanh niên vượt qua nghịch cảnh vươn lên như Beo, biết sống cho gia đình, biết sống vì mọi người xung quanh thì xã hội sẽ đẹp hơn biết mấy. Là mong muốn vậy!

Anh Tuấn và những triết lý của mình tại tiệm sửa giày, nơi nhiều đứa trẻ đến học nghề.

Nguyễn Bá Cường và tủ giày từ thiện của mình trên đường Nguyễn Đình Chiểu.

Vũ Minh Đức
.
.