Lạc bước rừng Cát Tiên

Thứ Bảy, 15/08/2020, 12:45
Vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích hơn 82,6 ngàn ha, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng.


Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ, Vườn quốc gia Cát Tiên có hơn 1.800 loài kỳ hoa dị thảo đặc trưng, trong đó có những "cụ" cây thật "quái đản"; đồng thời có khoảng 600 loài kỳ thú, trong đó nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam chọn làm nơi sinh sống. Những ai chưa từng đi xuyên rừng khó mà cảm nhận được sự kỳ lạ của thế giới rừng xanh.

Khám phá sự kỳ bí

Một chiều tháng 7, mưa lất phất, cũng may không lúc nào nặng hạt. Chúng tôi có cuộc hành trình xuyên rừng bằng xe đạp dài khoảng 30 km ở Vườn quốc gia Cát Tiên, đem lại nhiều trải nghiệm về thế giới rừng xanh. Trước khi chọn chiếc xe đạp ưng ý, chúng tôi được anh Vị - hướng dẫn viên đi rừng, một người địa phương đầy kinh nghiệm trao cho chai thuốc Repel, dạng xịt, được giới thiệu chống vắt "vô địch".

Anh nói nếu đi rừng vào mùa nắng thì không có vắt, thời điểm đó chúng thường chui sâu xuống lòng đất, chờ đến mùa mưa mới quay trở lại mặt đất kiếm ăn.

Cây bằng lăng sơn nữ.

Trong thế giới động vật có những loài phải nhờ đến các loài khác để sinh tồn. Nó sống nhờ máu của các loài động vật khác, không loại trừ loài động vật bậc cao nhất chính là con người. Con vắt là một loài động vật bé nhỏ hiện diện ở đây. Điều kỳ lạ ở loài vắt là chúng có thể sống được vài tháng sau mỗi lần hút no máu. Một con vắt có thể hút no máu cần khoảng thời gian chừng 70 phút. Người ta thường nói chỉ có vắt cái mới hút máu, nhưng sự thực không phải, bởi lẽ vắt là loài lưỡng tính.

Bất chợt chúng tôi nghĩ nếu không may bị vắt cắn, hoặc gặp chúng trên đường đi là điều đáng mừng, chứng tỏ các loài động vật ở đây còn rất nhiều.

Bỏ mặc cơn mưa lất phất kéo dài từ trưa, ai cũng háo hức lên đường. Thấy vậy, anh Vị "lệnh" lên đường. Chúng tôi đạp xe chầm chậm theo đường mòn dưới tán bằng lăng, từ trụ sở BQL Vườn quốc gia vào rừng. Rừng ở đây loài cây chủ yếu là bằng lăng ổi. Bằng lăng ổi hoa có sắc màu trắng tím, gốc bạnh, vỏ có màu nâu ngả xám vàng giống thân cây ổi, cây lớn vỏ bong ra từng mảng.

Nó khác với bằng lăng nước hay còn gọi là bằng lăng tím, hiện diện nhiều trong các đô thị. Nói chung, bằng lăng không phải là loài cây xa lạ mà được nói nhiều trong thi ca. Một thi sĩ bậc thầy về hoa như Tế Hanh đã có lần cảm xúc: "Bằng lăng soi bóng ven hồ/ Xuân đi thu đến bao giờ nở hoa/ Hoa ơi có phải vì ta/ Mà hoa tím cả trời xa, trời gần…".

Nhưng nếu được nhìn thấy chúng ngay chính nơi đã sinh ra và lớn lên sẽ có cảm giác phấn khởi lạ thường. Cảm giác đó càng được nhân lên khi đứng trước cây "bằng lăng sơn nữ". Để được ngắm "nàng sơn nữ", từ con đường chính phải đi bộ vào hơn 100 mét trên con đường lởm chởm đá xanh rêu, mùa mưa dễ té ngã. Một gốc cây to chừng 6 vòng tay mới ôm trọn.

Bên trong rỗng ruột từ gốc lên quá đầu người, chỉ còn trơ lại phần vỏ bao quanh. Kỳ lạ thay để lộ ra một bức tượng mang dáng dấp một thiếu nữ vùng sơn cước với vò nước trên vai. Thêm một điều lạ nữa, cây "bằng lăng sơn nữ" với thân rỗng ruột nhưng cây vẫn vươn cao, hàng trăm năm qua cành lá luôn xanh mướt, dường như thử thách sự hiểu biết của con người.

Tiếp tục theo lối mòn quanh co ngoài 100m với đủ loại dây leo chằng chịt, ngổn ngang đá nổi, đá chìm. Đến một con suối nhỏ, nước trong leo lẻo, uốn lượn dài hơn tầm mắt. Đây cũng có thể xem là điểm dừng chân thú vị để "nạp năng lượng", chuẩn bị bước vào khám phá lãnh địa của một loài cây được đồn thổi là loài "ma cây".

Để tiếp cận loài "ma cây", phải hết sức cẩn trọng lần dò từng bước chân qua con suối mát lạnh. Sau khi vượt qua một vài hòn non bộ nhấp nhô đá lẫn đất, một khung cảnh như huyền thoại hiện ra. Che phủ trên một vùng đất rộng cả ngàn mét vuông, 6 gốc cây đa lực lưỡng, hùng dũng cùng vươn thẳng lên bầu trời, cuối cùng quyện chặt lấy nhau tại đỉnh, cành nhánh đan chéo nhau ra dáng cho một loài cây lạ lẫm.

Chúng sống thành quần thể, tạo ra một công viên làm nơi vui chơi giải trí cho các loài thú nhảy nhót, chuyền trên cành. Trên cao, nhiều rễ phụ rủ xuống cắm sâu vào lòng đất, đánh đố những ai tò mò biết được đâu là thân chính, đâu là rễ phụ. BQL Vườn quốc gia Cát Tiên gọi đây là "cây đa lộc giao" nhưng có người phát âm không chuẩn thành ra "cây đa lục giao"!

Cây đa "bóp cổ"

Ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết trong thế giới thực vật, loài cây đa còn được gọi là "ma cây", vì bản chất bội tình của nó. Sau khi các loài chim hoặc linh trưởng ăn quả của chúng rồi vô tình gieo hạt vào những hốc cây cổ thụ. Thế là thế hệ cây đa con ra đời và nguồn sống chủ yếu chính là các thân cây cổ thụ nơi chúng đã được nương nhờ.

Ấy vậy mà khi đã trưởng thành, với những bộ rễ đã đủ dài để cắm sâu xuống lòng đất, chúng đã không ngần ngại bóp chết "người nuôi dưỡng mình" để tồn tại và tranh giành không gian sống. "Tội ác" đó đã vận vào gia tộc họ đa với tên gọi đầy mỉa mai: Cây đa bóp cổ. Thế mới biết, sự cạnh tranh trong đời sống thực vật để sinh tồn cũng không kém phần khốc liệt!

Từ "cây đa lộc giao" di chuyển thêm chừng chục cây số mới trông thấy được một loài cây đại thụ có tên gọi là cây tung. Ở khu vực các tỉnh phía Bắc, nó được biết đến với tên gọi cây đăng. Một loài cây có thân mềm, nhẹ. Gỗ thường được dùng làm guốc hay vật liệu cách âm. Nó có bộ rễ khác biệt với các loài cây khác. Nói đến rễ cây, thường nghĩ đến bộ phận ăn sâu dưới mặt đất nhưng với cây tung, rễ lại lồ lộ ngay trên mặt đất và có lúc vượt quá đầu người.

Cây tung 400 năm tuổi.

Thật ra, với địa hình nhiều đá ở đây, rễ cây tung cũng khó có thể cắm sâu vào lòng đất. Và theo quy luật sinh tồn, chúng đã phát triển trên bề mặt tạo thành chân đế vững chắc mới có thể chống chọi trước những cơn mưa rừng, lũ quét. Có một điều thú vị là để vòng quanh hết được gốc cây tung 400 năm tuổi này, cần phải có hơn 20 người nắm tay nhau.

Đứng sừng sững cách cây tung không xa mấy, cũng là điểm đến cuối của cuộc hành trình là một cây gõ đỏ trông đáng mặt "cụ cây". Gỗ của loài cây này có độ cứng cao, bền và những đường vân rất đẹp, thường được dùng đóng đồ nội thất, đồ chạm trổ… rất sang trọng. Chính giá trị sử dụng cao cấp đó mà ngày nay thật khó có thể tìm thấy chúng trong các khu rừng tự nhiên. Nhưng ở Vườn quốc gia Cát Tiên, khi đi bộ trên những con đường mòn sẽ dễ dàng tìm thấy chúng.

Tại đây, có một cây gõ đỏ 700 tuổi, gốc có đường kính tới 2,5 mét, Vườn quốc gia Cát Tiên gọi là cây gõ Bác Đồng. Số là vào đầu năm 1988, trong những ngày cận kề Tết Nguyên Đán, mặc dù tuổi đã cao (82 tuổi), cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn đến làm việc tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Ông đã đến tham quan cây gõ đỏ này. Nhìn thấy những giá trị quý báu của tài nguyên rừng tại đây, ông đã dặn dò mọi người phải có trách nhiệm ra sức giữ rừng, giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ hiện tại và cả mai sau. Trân trọng lời căn dặn của ông và mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ rừng đến mọi người, Vườn quốc gia Cát Tiên đã đặt tên cho cây gõ đỏ này theo tên vị Thủ tướng đáng kính.

Kỳ thú muôn loài

Phải nói đến Vườn quốc gia Cát Tiên mà không ở lại qua đêm để tận hưởng không khí trong lành là phung phí "của trời". Càng tiếc hơn khi ở lại mà bỏ qua cơ hội đi xem thú hoang dã.

Vì theo giới thiệu của BQL, đây là một trong sáu vườn sinh quyển thuộc diện lớn nhất thế giới nên có rất nhiều loài động vật quý hiếm chọn làm nơi sinh sống, như: bò tót, hổ, báo, tê giác, chó sói, voọc chân đen, gà so cổ hung, cá sấu xiêm… Chừng đó loài thôi, nếu may mắn được tận mắt trông thấy bản năng săn mồi hoang dã của chúng trong đêm thì cũng đáng "đồng tiền bát gạo".

Đến khoảng 21 giờ, chúng tôi nhận được thông báo "chuẩn bị lên đường" từ người phụ trách hướng dẫn đi xem thú của Vườn quốc gia. "Những hôm mưa như thế này, thú đi ăn đêm nhiều lắm". Sau câu nói khích lệ đầy cảm hứng của người phụ trách, chúng tôi nai nịt gọn gàng, bước vội ra bãi xe. Một chiếc xe đặc chủng, động cơ máy nổ đang chờ sẵn.

Khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên bằng xe đạp.

Chúng tôi may mắn được anh Hậu - lái xe, mời lên ngồi chung cabin. Vừa yên vị, người hướng dẫn thông báo vắn tắt lộ trình xem thú dài khoảng 20 km, đi qua những đồng cỏ bạt ngàn, trải dài dọc theo con sông Đồng Nai.

Và trước khi xe lăn bánh, lái xe nhắc mọi người cùng thực hiện ba không: không nói chuyện ồn ào, không ném các vật dụng hoặc thức ăn vào thú và không rời khỏi xe để tiếp cận các loài thú. Tất cả các điều này chỉ nhằm đem lại sự an toàn cho chính chúng ta và sự yên bình cho muông thú, anh Hậu nói.

Xe lăn bánh chầm chậm được chừng 10 phút, bất chợt dừng lại. Dưới ánh đèn pha công suất đủ lớn quét qua bãi cỏ, mọi người trông thấy ánh mắt "xanh lét" của một cặp nai bị "ăn đèn", đứng ngơ ngác cách xe tầm 50 mét. Bất chợt chúng tôi nghĩ nếu gặp phải ánh đèn của phường săn trộm thì cặp nai này "tiêu đời" là cái chắc.

Xe lại lăn bánh. Mọi người bắt đầu tỏ ra thích thú pha lẫn chút hiếu kỳ. Cứ thế, suốt cuộc hành trình mỗi khi anh Hậu quét ánh đèn dọc theo hai bên đường lúc thì thấy nai, thấy chim, lúc thì bắt "tại trận" heo rừng, thỏ rừng, nhím… nhởn nhơ ăn cỏ hoặc đào bới tìm thức ăn ngay trong cánh rừng tự nhiên hoang dã. Mỗi lần như vậy, anh Hậu dừng ánh đèn đủ lâu để con thú "đứng hình" cho mọi người cùng trông thấy rồi mới tiếp tục cho xe lăn bánh.

Phải nói anh Hậu làm việc này rất chuyên nghiệp. Cùng ngồi chung cabin, anh vừa lái xe vừa quét ánh đèn khá nhanh vậy mà một con nhím lủi trong bụi cỏ cũng không qua khỏi tầm mắt của anh.

Tôi hỏi, sao anh nhìn thấy các loài thú trong đêm nhanh như vậy? Anh nói ngày trước anh đi bộ đội, sau ra quân xin vào kiểm lâm một thời gian rồi trở thành lái xe chuyên dụng gần 20 năm qua. Nên anh hiểu rõ tập tính, đặc điểm của một số loài thú hoang dã ở đây. Hầu hết các loài thú mỗi khi bắt gặp ánh đèn đều ngước mắt lên nhìn, trong đêm tối rất dễ nhận ra ánh mắt "xanh lét" mỗi khi chúng bị "ăn đèn".

Trong lúc chúng tôi miên man cảm nhận sự khác biệt về niềm hạnh phúc giữa cuộc sống tự do với cuộc sống tù túng. Điều đó chắc cũng không khác đối với thế giới các loài động vật hoang dã mà chúng tôi vừa trông thấy ở đây. Bất ngờ anh Hậu dừng xe dưới gốc cây kơ nia - mà theo anh Hậu nó có đến hàng trăm năm tuổi. Vừa quay đầu xe vừa cho biết cuộc hành trình kết thúc "không may mắn".

Vì nếu may mắn, anh nói có thể chạm trán với cả một đàn nai, chó sói hoặc bò tót. Thậm chí những loài rắn săn mồi cũng có thể được nhìn thấy trong chuyến đi này.

Tuy vậy, không ai cảm thấy thất vọng khi đến với Vườn quốc gia Cát Tiên để được trải nghiệm những cảm giác khó tả, khi tận hưởng những giấc "ngủ treo" giữa những âm thanh kỳ quái của đêm rừng. Có lẽ một ngày nào đó, chúng tôi quay trở lại Cát Tiên để cảm nhận, khám phá và viết tiếp những câu chuyện huyền bí của thế giới rừng xanh, nơi sâu thẳm của miền rừng nhiệt đới.

Kỳ Phương
.
.