Làm giả công văn Chủ tịch tỉnh lừa đảo hơn chục tỉ đồng

Thứ Sáu, 08/06/2012, 15:00

Ngày 28/5 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã gửi công văn sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, đề nghị gia hạn thời gian để tiếp tục mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù xin giao đất không được nhưng Lê Duy Thành và Huỳnh Văn Tuyến vẫn liên tục nói dối và thúc bách doanh nghiệp đưa tiền. Đối tượng còn làm giả cả công văn đóng dấu ký tên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và tiếp tục lừa lấy tiền thêm nhiều lần nữa.

17 lần lấy tiền một doanh nghiệp

Đầu năm 2010, Lê Duy Thành (39 tuổi, ngụ số 90 đường ĐT 741 thôn Thuận Hòa, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), là chủ doanh nghiệp Duy Nam, qua một người giới thiệu làm quen với Huỳnh Văn Tuyến (49 tuổi, HKTT khu phố 7 phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; chỗ ở hiện tại 217 khu B tái định cư đường Võ Thị Sáu TP Biên Hòa).

Mới gặp Thành, Tuyến đã khua môi múa mép, khoe rằng có quen biết nhiều cán bộ quan chức lớn ở Bình Phước, nên lo được hồ sơ, xin chạy được đất cho các doanh nghiệp thuê trồng cao su. Mạt cưa mướp đắng gặp nhau, từ cuộc gặp gỡ này, hai đối tượng Thành - Tuyến đã thành một cặp song kiếm hợp bích đi lừa đảo. Một đi tìm kiếm móc nối với doanh nghiệp, một nhận làm hồ sơ, cả hai gây ra nhiều phi vụ lừa lọc, đưa hàng loạt doanh nghiệp vào tròng.

Ngay phi vụ đầu tiên, Thành và Tuyến đã lừa được doanh nghiệp để lấy tiền một cách ngoạn mục. Thành lân la làm quen với ông Dương Văn Lâm ở phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM, là Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm lâm 3, Cục Kiểm lâm Việt Nam tại TP HCM. Thành nói với ông Lâm là tại thị xã Đồng Xoài, trung tâm tỉnh Bình Phước có một khu đất đang trồng cây giá tỵ, vị trí khu đất đẹp, và đang có chủ trương chuyển đổi để trồng cao su, nếu ông Lâm mua thì Thành sẽ đứng ra làm giấy tờ hoàn chỉnh.

Sau đó Thành dẫn ông Lâm đi thực tế, đến xem khu đất và nói giá tiền thuê 280 triệu đến 310 triệu đồng/ha, thời hạn thuê 50 năm. Trên thực tế, năm 2008 UBND tỉnh Bình Phước có chủ trương chuyển đổi gần 10.000ha rừng nghèo kiệt, rừng trồng kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp dài ngày mà chủ yếu là trồng cao su. Chính dựa vào chủ trương này mà sau đó Thành và Tuyến khi đưa ra chiêu lừa là xin đất trồng cao su, các chủ doanh nghiệp đều tin sái cổ và giao trứng cho ác một cách dễ dàng.

Ông Lâm giới thiệu và đưa vợ chồng người quen của mình là ông Lê Viết Chung, Giám đốc Công ty TNHH Anh Chung lên Bình Phước gặp Thành để bàn việc thuê đất. Không rõ Thành khoe các mối quan hệ, uy tín của mình đến mức nào mà ông Chung rất tin tưởng. Nhìn khu đất bằng phẳng thênh thang ngay tại thị xã Đồng Xoài, ông Chung rất hài lòng. Giám đốc Công ty Anh Chung hình dung  trong một tương lai không xa, với một vị trí thuận lợi cả về giao thông và khá gần trung tâm thị xã, thì khu đất của ông đã trở thành khu đất vàng, chứ không chỉ là đất trồng cao su.

Ngay lập tức, Giám đốc Công ty Anh Chung ký hợp đồng khoán cho Lê Duy Thành đứng ra làm hồ sơ xin thuê 10ha. Giá tiền làm dịch vụ Thành đưa ra là 280 triệu/ha, tổng giá trị hợp đồng là 2,8 tỉ, thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày. Sau khi ký hợp đồng, ngày 21/4/2010, Thành nhận ứng trước của ông Chung 300 triệu. Một tuần sau, Thành lại nhận ứng tiếp 400 triệu nữa.

Sau đó, Thành nhờ Huỳnh Văn Tuyến đứng ra làm hồ sơ xin thuê đất cho Công ty Anh Chung, và Thành đưa cho Tuyến 100 triệu đồng. Trên thực tế Tuyến chẳng làm gì cả, mà chỉ bỏ tờ trình của Công ty Anh Chung vào bì thư, gửi bằng đường bưu điện đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh Bình Phước. Chờ hoài không thấy kết quả đâu, Thành đến Sở NN-PTNT Bình Phước và té ngửa khi được biết mình đã bị Tuyến lừa lấy tiền, vì Sở NN-PTNT Bình Phước trả lời là đất này không được cho thuê nữa. Biết được sự thật nhưng Thành không hề lo sợ, mà máu tham vẫn khiến Thành tiếp tục lừa doanh nghiệp. Thành điện thoại cho ông Chung nói là giấy tờ làm… sắp xong, và yêu cầu tiếp tục đưa tiền.

Không rõ Thành miệng lưỡi ngọt ngào đến mức nào, mà tuy không nhìn thấy bất cứ văn bản, giấy tờ hứa hẹn nào của cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy việc xin đất "sắp xong", nhưng ông Chung vẫn tiếp tục chuyển tiền cho Thành. Vì vậy, ngoại trừ 2 lần chuyển tiền trước đó, còn lại từ ngày 6/6 đến 20/11/2010, ông Chung tiếp tục chuyển tiền cho Thành 15 lần nữa với số tiền 1,37 tỉ đồng. Như vậy tổng cộng Thành đã lừa lấy của ông Chung hơn 2 tỉ đồng. Nhưng rồi chờ hoài không thấy được giao đất, ông Chung liên tục hối thúc và đến tháng 9/2011, ông Chung gọi điện thoại thì… chỉ nghe tiếng ò e í ở đầu bên kia. Biết mình bị lừa, hốt hoảng, ông Chung chạy đến nhà Thành và rụng rời tay chân khi được trả lời rằng không rõ Thành đi đâu!

Khu đất mà Lê Duy Thành chỉ bừa để lừa Công ty Anh Chung.

Công văn giả trị giá 200 triệu đồng

Tuy ông Chung không gặp được Thành nhưng không có nghĩa là Thành sợ pháp luật mà lẩn trốn biệt tích. Được một cú lừa ngon ăn, Thành tiếp tục chuyển địa bàn và làm phi vụ khác. Lại qua môi giới, Thành được bà Huỳnh Thị Hạnh, người chuyên môi giới đất đai ở thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, giới thiệu gặp ông Nguyễn Văn Be, ngụ số 71 Nhất Chi Mai, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM. Vẫn lại chiêu bài cũ, Thành nói là sẽ xin thuê được đất và làm thủ tục cho ông Be trồng cao su.

Đang có tiền muốn đầu tư, ông Be vớ được Thành như vớ được thần cứu giá. Sau khi thấy con mồi đã cắn câu, Thành bảo ông Be thành lập doanh nghiệp để có tư cách pháp nhân xin thuê đất. Doanh nghiệp tư nhân Quang Phát Thành ra đời. Ngày 29/12/2010, Thành ký với ông Be "hợp đồng" xin thuê đất trồng cao su với giá trị 10 tỉ đồng. Thành nhận ứng trước của ông Be 320 triệu đồng và quay sang ký "hợp đồng" khoán việc cho Huỳnh Văn Tuyến xin thuê đất, đưa cho Tuyến 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, Tuyến nhận tiền nhưng không hề làm giấy tờ. Khi ông Be điện hỏi, Thành cứ hẹn lần lữa là "sắp xong". Bị hỏi rát quá, Thành bèn làm giả công văn của UBND tỉnh và fax cho ông Be. Trong "công văn" đề ngày 24/8/2011, Thành ghi là UBND tỉnh Bình Phước chấp nhận cho Công ty Quang Phát Thành được thuê… 200ha đất, ký tên đóng dấu Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu! Nhận được văn bản, ông Be mừng rơn, tưởng tượng ra một tương lai huy hoàng, khi cơ hội làm giàu đã nắm trong tay. Fax văn bản đi xong, Thành tiếp tục đòi ông Be giao tiền.

Ông Be yêu cầu Thành đưa bản gốc thì anh ta nói là người chấp bút dự án giữ, khi nào xong việc sẽ chuyển giao cả hồ sơ gốc. Khi thấy ông Be chần chừ chưa giao tiền thì Thành "dọa" là sẽ trả lại toàn bộ tiền và hủy giao dịch, chuyển cho người khác. Sợ mất cơ hội, ông Be vội chuyển tiếp cho Thành 200 triệu đồng nữa. Sau lần nhận tiền này, ông Be tiếp tục thúc giục và lại chỉ nhận được những cái hẹn, và cuối cùng điện thoại của Thành không liên lạc được! Biết mình bị lừa, ông Be đã làm đơn gửi đến UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, tố cáo hành vi lừa đảo của Thành.

Khả năng còn nhiều vụ lừa đảo khác

Ngày 9/9/2011, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu đã ký văn bản gửi   Công an tỉnh Bình Phước, chỉ đạo điều tra làm rõ những vụ giả mạo văn bản và chữ ký của Chủ tịch tỉnh về việc thuận chủ trương giao đất và lừa tiền doanh nghiệp của Lê Duy Thành. Văn bản của Chủ tịch tỉnh nêu: "Các đối tượng tung tin là đã hối lộ, dùng tiền "bôi trơn" để xin được các chủ trương (giao đất, cho thuê đất - PV)… Việc này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành công việc, gây mất an ninh trật tự ở địa phương".

Tiếp đó, Công an tỉnh Bình Phước cũng nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Be gửi đến. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 30/9/2011, Đại tá Hoàng Văn Huệ, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, đã ký quyết định thành lập Chuyên án 911L, giao cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) điều tra vụ án. Dựa trên chỉ đạo này, ngày 7/10/2011 và ngày 6/12/2011 cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở của Thành và Tuyến.

Tuy nhiên, khi lực lượng điều tra vào cuộc, ra lệnh khởi tố bắt tạm giam thì đối tượng Tuyến đã bỏ trốn. Căn nguyên, chính bản thân Tuyến cũng đã từng lừa một doanh nghiệp khác với hành vi tương tự. Năm 2010, Tuyến dụ được ông Đỗ Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Minh Trọng ở Bình Phước, cũng với nội dung xin đất cho ông Trọng trồng cao su. Ông Tuấn đã đưa cho Tuyến hơn 3 tỉ đồng. Mặc dù không hề xin đất nhưng Tuyến vẫn cứ giở chiêu bài hẹn lần khất, và tiếp tục đòi tiền. Nghi ngờ, ông Tuấn hẹn Tuyến lên Bình Phước để giao tiền, kỳ thực là định bắt giao công an. Tuy nhiên ông Tuấn đã sơ suất để Tuyến sổng mất. Thời gian này Tuyến vẫn tiếp tục hợp tác với Thành gây ra nhiều vụ lừa đảo khác.

Chính vì nắm được cái tẩy ham tiền này của Tuyến, nên trong thời gian Tuyến lẩn trốn, Cơ quan điều tra bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ đã tìm được số điện thoại y đang sử dụng, sau đó cho người đóng giả doanh nghiệp cần tìm đất trồng cao su, gọi vào. Và đúng như dự đoán, mùi tiền phi pháp đã có tác dụng kích thích kẻ lừa đảo. Tuyến mò ra để hòng tiếp tục "ăn mồi" và đã sập bẫy. Ngày 14/10/2011, Tuyến đã phải tra tay vào còng. Hai tháng sau Cơ quan điều tra cũng đã bắt Lê Duy Thành.

Trong quá trình điều tra, các điều tra viên đã làm rõ được nhiều thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi của các đối tượng. Bản thân Thành, làm chủ Doanh nghiệp Duy Nam, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là hàng mộc mỹ nghệ và lắp đặt các thiết bị viễn thông trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Thành chẳng hề có quan hệ lớn nào với cán bộ lãnh đạo cấp cao ở tỉnh này, nhưng không rõ Thành đưa ra chiêu gì mà tất cả những người nghe nói đều tin là thật và đem tiền đưa cho Thành. Còn Huỳnh Văn Tuyến, từ một cán bộ công chức xin nghỉ việc sớm, không hề làm gì cả nhưng vẫn cứ nhận làm cò chạy giấy tờ. Từ tháng 11/2009 đến tháng 8/2011, Thành đã tạo ra những cú lừa liên tỉnh từ Bình Phước đến TP HCM sang tận Bình Dương, và đã có đến 6 doanh nghiệp  "vào tròng" của Thành, bị lừa đảo mất 15 tỉ đồng.

Theo nhận định của Cơ quan Cảnh sát điều tra, khả năng có thể các đối tượng này còn gây ra nhiều vụ lừa đảo khác. Vì vậy ngày 28/5 vừa qua, Công an tỉnh đã gửi công văn sang Viện Kiểm sát tỉnh Bình Phước đề nghị gia hạn thời gian để mở rộng điều tra.

Toàn bộ số tiền tổng cộng 15 tỉ đồng mà hai đối tượng đã lừa được, Thành chiếm 7.845.000.000 đồng, khai là đã đầu tư vào lắp đặt các thiết bị viễn thông, hiện Cơ quan Công an đã làm việc với phía Công ty Viễn thông để xem xét hạng mục nào Thành thi công xong thì quyết toán để thu hồi. Còn Tuyến khai toàn bộ số tiền đã… tiêu hết, hiện không có tiền để khắc phục hậu quả!

Các công ty đã bị Thành và Tuyến  lừa đảo chiếm đoạt tiền:

- Công ty cổ phần Sao Thanh (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) 4,595 tỉ, Công ty TNHH Anh Chung (TP HCM) 2,08 tỉ đồng.

- Công ty Cao su Hoàng Huy (18B tổ 31 ấp Chợ, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước) 1,65 tỉ đồng.

- Công ty TNHH Quang Minh (18/6 khu phố 5 thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) 1,5 tỉ đồng.

- Công ty Quang Phát Thành (TP HCM) 520 triệu.

- Công ty TNHH MTV Hoàng Yến (tổ 9, ấp 2, xã Tâm Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) 1,5 tỉ đồng.

- Công ty Minh Trọng (Bình Phước) trên 3 tỉ đồng.

- Lê Duy Thành cũng đã dụ Công ty Toàn Thành nhưng chưa nhận được tiền.

Đặng Vỹ
.
.