Làm giàu chưa bao giờ dễ

Thứ Năm, 19/04/2018, 14:59
Câu chuyện về mong ước làm giàu chóng vánh của không ít người và cái kết tán gia bại sản với con số lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng qua đầu tư tiền ảo một lần nữa cảnh tỉnh bất cứ ai có khát vọng làm giàu mà coi nhẹ quy luật cạnh tranh thời thị trường hội nhập.


Có thể nói rằng con người khi sinh ra đều có cảm giác hạnh phúc, nỗi buồn, lòng can đảm, sự tin tưởng và đôi khi là lòng tham; nhưng thật đáng trách tự nhiên khi lòng tham là đức tính ở lại bền bỉ nhất. Kinh doanh đa cấp biến tướng đánh vào điều đó mặc dù bản chất nó là hình thức kinh doanh được pháp luật nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới cho phép.

Nhìn nhận trên tổng quan, đã xảy ra quá nhiều vụ lừa đảo dính líu, liên quan trực tiếp đến kinh doanh đa cấp. Theo số liệu thống kê tham khảo tính đến cuối năm 2013 thì đã có hơn 60 công ty bị đưa ra xét xử tại nhiều nước như Mỹ, Úc, Canada, Ireland, Nhật…

Còn ở Việt Nam thì sao? Liên tục trong nhiều năm qua cho tới nay cũng đã có quá nhiều ví dụ đã trở thành bài học đắt giá về chuyện người dân bị các công ty đa cấp "dạy làm giàu", tiền bạc tích cóp của người già, bác nông dân cho đến cả những người dư thừa của cải chỉ đợi một ngày đẹp trời ra đi cùng các siêu tỷ phú mới hôm nào còn đứng trên sân khấu kể về thu nhập tiền tỷ mỗi tháng. Rất nhiều tên công ty khét tiếng kiểu như Muaban24 hay Liên kết Việt, thậm chí đến một cái "trung tâm hỗ trợ người nghèo" cũng biến thành lừa đảo theo hình thức đa cấp.

Những nạn nhân của iFan đứng trước trụ sở công ty Modern Tech tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15 nghìn tỷ đồng" từ tiền ảo.

Công thức lừa đảo giống y hệt nhau, những hội thảo hoành tráng, siêu xe đậu trước cửa nhiều như lợn con, vài nhân vật tự tin đứng trên sâu khấu rưng rưng kể lể đã trải qua quá khứ gian khó cho đến khi được gặp ông bà, anh chị nào đó trong công ty giúp đỡ và trở nên giàu có, họ có trách nhiệm trả lại cũng như hướng dẫn người khác thoát nghèo để thành công.

Đây là dạng kịch bản kinh điển cũ nát trong cổ tích nói về sự may mắn di chuyển vận tốc tên lửa xuyên thủng mọi lòng hoài nghi với nhan nhản nhân chứng, người thực, "việc thực". Bán hàng đa cấp theo phương thức hình tháp ảo với lợi nhuận giấc mơ làm tan nát bao gia đình, đáng nói là mục tiêu nhắm vào cả số đông người nghèo như nông dân, cán bộ hưu trí, sinh viên và đồng bào dân tộc thiểu số.

Thật ngạc nhiên khi mới đây một vụ "đa cấp 4.0" kinh doanh tiền ảo iFan, theo thông tin ban đầu số tiền được công bố lên tới 15 ngàn tỷ đồng với 32.000 nạn nhân, xin phép được viết bằng chữ thay vì con số cụ thể như 30.000 đồng bên trên bởi nếu gõ đủ số 0 có thể làm phiền lòng bạn đọc.

Đã có một nạn nhân lên tiếng với truyền thông là bị mất 16 tỷ đồng khi đầu tư vào đồng tiền ảo iFan sau khi được mời tới tham dự hội thảo vào cuối năm 2017, thật buồn là giấc mơ tỷ phú này hơi ngắn, chỉ vỏn vẹn có vài tháng thay vì lao đao đuổi theo nó nhiều năm.

"Tức là, chúng tôi mua với tư cách là đầu tư, không phải mua theo kiểu lướt sóng. Chúng tôi chờ đồng iFan lên sàn rồi bán ra, lợi nhuận rất khủng khiếp", nạn nhân cho biết. Chữ “khủng khiếp” ở đây có thể hiểu là con số lên tới 300-500% chỉ sau một thời gian ngắn. Ngoài ra, người này cũng đã lôi kéo thành công bạn bè, người thân đầu tư bởi một niềm tin hay lòng tốt nào đó.

Đây là ví dụ rất cụ thể về lừa đảo đa cấp, nhưng biến tướng chút đỉnh khi sản phẩm kinh doanh không còn là những chai lọ thực phẩm chức năng, đồ gia dụng rẻ tiền được thần thánh hóa công năng…Cơn bão đồng tiền ảo trên Internet với mù mờ thông tin khiến con người ta càng dễ mất cảnh giác.

Người viết bài lần giở lại trang mạng xã hội của vài nhân vật chóp bu iFan, đó là những bức ảnh mang gương mặt trẻ, đẹp trai, có anh còn xỏ quần đùi ngồi giữa một phản tiền mặt, mắt nhìn thẳng ống kính kèm nụ cười tiếp thị rất đáng yêu đến ngô nghê. Chưa bao giờ kiếm tiền dễ đến thế.

Đối với các doanh nghiệp thành đạt với những sản phẩm, dịch vụ kinh doanh rất cụ thể thì  con số lợi nhuận % tính theo năm đều dừng lại hai chữ số nhỏ rất khiêm tốn.

Còn đối tượng kinh doanh quan trọng nhất của bán hàng đa cấp hình tháp ảo cần nhất chính là số lượng người tham gia mạng lưới theo sơ đồ hình tháp. Những thành viên dưới đáy tháp càng nhiều thì những người sáng lập hệ thống có vị trí ở đỉnh tháp càng được nâng cao, nghĩa là họ càng nhiều "cơ hội thăng tiến", kể cả về cương vị lẫn thu nhập. Thực ra, thủ đoạn lừa đảo đa cấp này không có gì đáng gọi là thủ đoạn tinh vi, vì nó đơn giản chỉ là việc đánh trúng vào lòng tham của những kẻ đến sau.

Tham lam làm lu mờ mọi lý trí và sự thông tuệ. Để làm được điều này, các nhân viên hạt nhân trong hệ thống kinh doanh đa cấp được đào tạo, huấn luyện thành thạo vô số kỹ năng mềm, thuyết phục được khách hàng về thế chấp tài sản, rút sạch sổ tiết kiệm hoặc thế chấp bất động sản… bằng những lời phét lác lưu loát hướng tới tương lai huy hoàng.

Đồng tiền luôn mang bộ mặt người kiếm ra nó và có câu ngạn ngữ rằng "Miếng phó-mát có sẵn chỉ trong cái bẫy chuột". Hi vọng rằng, sau quá nhiều ví dụ cụ thể, vụ việc cụ thể mang tên đa cấp, chúng ta tỉnh táo hơn và có trách nhiệm khuyên răn, ngăn cản người thân hãy biết minh mẫn khi đối diện với cái bản ngã tham lam và cả những đồng tiền lợi nhuận không tưởng. Khi ta tham lam tài sản của người khác thì việc đầu tiên sẽ mất tài sản của chính mình, điều đó có lẽ đúng.

Minh Trí
.
.