Làm sao để nâng cao hiệu quả hệ thống biển báo hiệu giao thông?

Thứ Năm, 06/11/2008, 08:15
Biển báo hiệu giao thông phải sạch sẽ, phần sơn in trên biển phải không bong, tróc, biển phải luôn giữ nguyên hình dáng ban đầu khi được cắm biển để lái xe có thể nhìn thấy nhanh nhất. Biển phải được cắm ở vị trí thuận lợi nhất, không bị cây xanh và các công trình khác che khuất.

Biển báo hiệu giao thông nằm trong hệ thống báo hiệu nhằm chỉ dẫn, báo lệnh hoặc điều khiển sự đi lại trên đường bộ để người tham gia giao thông thực hiện đúng luật lệ giao thông, đảm bảo an toàn thuận lợi trong giao thông.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống biển báo hiệu hiện nay không nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như những người có trách nhiệm liên quan.

Nhiều biển báo đang xuống cấp, thậm chí bị đặt sai vị trí, thiếu khoa học... chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông đối với người điều khiển phương tiện và tham gia giao thông.

Thực trạng xuống cấp của hệ thống biển báo hiệu hiện nay

Sau khi tiến hành mở rộng thủ đô, Hà Nội hiện nay có hàng chục ngàn biển báo hiệu trên khắp các tuyến quốc lộ, liên huyện và nội đô bao gồm cả 5 nhóm biển báo.

Trong đó, thông dụng và quan trọng có 3 nhóm, đó là: Nhóm biển báo nguy hiểm (hình tam giác), nhằm báo trước tính chất các sự nguy hiểm trên đường; nhóm biểu hiện lệnh (hình tròn) nhằm báo trước những hiệu lệnh mà người điều khiển phương tiện và tham gia giao thông phải thi hành; nhóm biển chỉ dẫn (hình vuông, hình chữ nhật, hình mũi tên), nhằm báo trước các định hướng cần thiết.

Việc bảo đảm các biển báo hiệu phải sạch sẽ, rõ ràng, dễ nhìn để người tham gia giao thông kịp thụ cảm biển báo (là một thông tin của môi trường bên ngoài), phân tích ý nghĩa của biển báo, làm cường độ cảm xúc trong người lái thay đổi và đi đến quyết định có thay đổi chế độ chạy xe hay quỹ đạo chạy xe là điều cần thiết để duy trì hiệu quả biển báo và đảm bảo an toàn giao thông.

Về tiêu chí rõ ràng, biển báo hiệu phải sạch sẽ, phần sơn in trên biển phải không bong, tróc, biển phải luôn giữ nguyên hình dáng ban đầu khi được cắm biển để lái xe có thể nhìn thấy nhanh nhất. Biển phải được cắm ở vị trí thuận lợi nhất, không bị cây xanh và các công trình khác che khuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống biển báo hiệu tại Hà Nội hiện nay còn rất nhiều bất cập, không đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông, thậm chí còn mất tác dụng, gây nguy hại với người điều khiển phương tiện.

Qua khảo sát tuyến đường Phạm Văn Đồng, từ chân cầu Thăng Long đến giao cắt với đường Xuân Thủy, chỉ khoảng 3km đã có trên 30 biển báo giao thông bị che khuất tầm nhìn bởi các tán cây, gốc cây hay bị hư hại nặng nề dẫn đến biến dạng, bị gãy mất một nửa biển hoặc bị cong vênh, bị mất lớp sơn phủ nên người tham gia giao thông không thể nhận biết.

Các cột biển báo giao thông có những đoạn cách sai quy định, phía trong làn cây khiến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không thể nhìn thấy. Thậm chí, có cột biển báo còn quay ngang 90 độ, nhìn vào hướng công trường xây dựng, hoàn toàn đã bị vô hiệu hóa.

Tương tự như các biển báo khu vực ngoại thành, trong nội đô, hệ thống biển báo gần như không được người tham gia giao thông quan tâm vì có cũng như không. Điển hình là hệ thống biển báo nằm trên tuyến đường Trần Phú. Do tuyến đường này có nhiều cây nên biển báo luôn bị che lấp.

Theo đánh giá, nguyên nhân che lấp chủ yếu là do khách quan vì khi trồng biển, vị trí đều rõ ràng, thuận tiện nhưng do độ phát triển của cây cối nhanh nên chỉ vài tháng sau, biển đã hoàn toàn bị che lấp, mất tác dụng.

Thực trạng hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ bị xuống cấp như nêu trên đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng hầu như không được các cơ quan chức năng quan tâm, sửa chữa khiến biển đã xuống cấp ngày càng xuống cấp. Trong khi đó, người tham gia giao thông cũng phó mặc tính mạng của mình cho "vận may" khi đến những đoạn đường không có chỉ dẫn.

Ngoài ra, còn một thực trạng là hệ thống biển báo của chúng ta vừa thừa vừa thiếu. Cái thừa thứ nhất là một đoạn đường ngắn có đến gần chục biển báo chạy suốt gồm thông báo đường đi bộ, cấm xe có tải trọng trên 5 tấn, cấm rẽ trái... Trong khi đó, nếu kết hợp các biển báo này vào một cột biển báo không chỉ giúp cho người tham gia giao thông tập trung nhận định biển mà còn tiết kiệm chi phí cho Nhà nước khi tiến hành trồng biển báo.

Cái thừa thứ hai là bất cứ tuyến đường nào đều có hệ thống biển báo bằng chữ nhằm thuyết minh cho biển báo. Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông, nhất là đối với người phải có bằng lái xe bắt buộc phải nắm vững Luật Giao thông.

Hà Nội có không ít ngã tư có biển cấm rẽ trái (hoặc phải) nhưng dưới biển còn có thuyết minh bằng chữ. Đây là điều không cần thiết đối với việc đảm bảo an toàn giao thông. Trong khi đó, có những địa điểm như khu vực bệnh viện (nhất là ngoại thành) cần có biển cấm bấm còi thì lại không xuất hiện, xe môtô, ôtô đi qua mặc sức bấm còi gây ảnh hưởng đến các bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện...

Trách nhiệm và giải pháp đảm bảo hệ thống biển báo hoạt động có hiệu quả

Thực trạng hệ thống biển báo xuống cấp như trên không chỉ tại TP Hà Nội mà trên tất cả các địa phương khác, từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn đến đô thị đều xảy ra, dễ bắt gặp nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo điều 5, "Điều lệ báo hiệu đường bộ" được ban hành kèm theo Quyết định 5058 QĐ/KH-KT của Bộ trưởng Bộ GTVT năm 1997, các cơ quan quản lý đường bộ có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, đảm bảo cho hệ thống báo hiệu trên những đường mình phụ trách luôn luôn được đầy đủ, thống nhất, rõ ràng. Trường hợp biển báo hiệu bị mất mát, hư hỏng hoặc phai mờ, chưa đúng với quy định phải có biện pháp bổ sung, sửa chữa, thay thế kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông.

Như vậy, chiểu theo quy định này, các đơn vị quản lý đường bộ là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng biển báo hiệu bị hư hỏng, xuống cấp, mất hiệu quả như nêu trên. Tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, theo người dân sở tại, có những biển báo bị gãy đã gần năm trời nhưng không có ai đến sửa chữa. Thậm chí, cột biển báo bị quay 90 độ vào trong vỉa hè cũng tồn tại hàng năm trời không có ai quan tâm.

Ngoài trách nhiệm với cơ quan trực tiếp quản lý theo quy định, lực lượng thứ hai cũng có trách nhiệm chính là Cảnh sát giao thông (CSGT). CSGT là người tham gia tuần tra các tuyến đường, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giao thông đối với người tham gia giao thông.

Họ có trách nhiệm phải nắm bắt các biển báo hiệu trên đường để xử lý đối với người vi phạm, đồng thời có trách nhiệm thông báo với cấp trên, cơ quan chức năng liên quan để sửa chữa, tu bổ kịp thời các biển báo hư hỏng, không hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường.

Thế nhưng, trên thực tế, CSGT của chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức đến biển báo, chưa phát hiện kịp thời các hư hỏng, bất hợp lý để kiến nghị sửa chữa mà chỉ chăm chú vào chuyên môn, xử phạt trên đường. Điều này cần được lực lượng CSGT rút kinh nghiệm khi tiến hành tuần tra, xử lý vi phạm để hướng dẫn người dân chấp hành Luật Giao thông.

Để biển báo thực sự có tác dụng tích cực nhắc nhở, hướng dẫn bảo đảm TTATGT đường bộ, khi thiết kế lắp đặt  biển báo hiệu giao thông trên đường cần lưu ý một số điểm như: Chú ý khi thiết kế phải đảm bảo kích thước biển báo chiều cao của chữ, số lượng chữ và khoảng cách cắm biển, vị trí lắp đặt sao cho dễ nắm bắt thông tin không bị che khuất bởi các công trình khác của đường bộ.

Chú ý lưu thông dưới biển báo, nhất là những nơi lắp biển treo trên đầu phần lề đi bộ, tránh góc hoặc cạnh sắc nhọn có thể gây nguy hiểm cho người đi bộ, đi xe đạp hoặc xe máy. Những công trình để treo biển giao thông, đặc biệt là giá long môn và cọc biển báo phải đảm bảo để không gây ra nguy hiểm ở ven đường. Nếu cần phải làm rào hộ lan để phòng hộ những cọc biển báo này.

Chú ý, biển báo giao thông phải đặt ở vị trí không làm cản trở đến tầm nhìn cần thiết của lái xe. Đặc biệt phải lưu ý vị trí chính xác của biển chỉ hướng và các biển hướng dẫn khác. Không nên cắm quá nhiều biển báo tại một vị trí hoặc xung quanh một nút giao. Cần lắp đặt biển báo có chất lượng cao, biển báo phản quang màu, nhất là đường giao thông mới mở rộng, nâng cấp, đường ở vùng cao. Cần đảm bảo nhu cầu chiếu sáng đối với biển báo treo trên cao. Thường xuyên giám sát khi phát hiện thấy biển báo hư hỏng hoặc bị mờ phải tu sửa hoặc thay ngay.

Thực hiện được toàn diện các giải pháp trên, đồng thời tuyên truyền người dân ý thức chấp hành biển báo, phát hiện các hư hỏng, khiếm khuyết để kịp thời sửa chữa sẽ đảm bảo cho hệ thống biển báo hoạt động có hiệu quả, góp phần đảm bảo TTATGT, đảm bảo tính mạng cho mỗi người khi tham gia giao thông

Nguyễn Bá Tám (Khoa CSGT - Trường trung cấp CSND1 - BCA)
.
.