Làm sao để nông dân thoát nghèo

Thứ Bảy, 19/07/2008, 11:00
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào từng nhấn mạnh, việc điều tiết vĩ mô, nhất là trong lĩnh vực Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân – “Tam nông” có một ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với công cuộc cải cách mở cửa, hướng ra thế giới của Trung Quốc.

Với diện tích rộng 9,6 triệu km2, chiếm gần 25% diện tích châu Á và gần 1/14 diện tích thế giới, cùng hơn 1,3 tỉ dân, do đó sự thành bại của vấn đề “Tam nông”, quốc gia có tỉ lệ nông dân lớn nhất thế giới (gần 800 triệu) luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ.

Thành tựu đầy ấn tượng

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng GDP của Trung Quốc đạt mức bình quân 10,6%/năm, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, sản lượng lương thực liên tục tăng và đạt mức trên 500 triệu tấn, dự trữ ngoại tệ đạt 1.800 tỉ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2.170 tỉ USD. Hiện nông thôn Trung Quốc đang có sự đổi mới sâu sắc và biến đổi mới mẻ.

Cách đây hơn 1,5 năm (từ tháng 1/2007), Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành một loạt biện pháp nhằm triển khai công cuộc xây dựng nông thôn Xã hội chủ nghĩa mới... Tuy đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhưng gần 800 triệu nông dân hiện vẫn chưa được hưởng nhiều thành quả từ quá trình công nghiệp hóa.

Theo thống kê, thu nhập bình quân trong năm 2007 của người nông dân đạt 4.140 NDT, tăng khoảng 500 NDT so với năm 2006 (3.587 NDT). Nhưng với tốc độ tăng giá hiện nay, những người có thu nhập thấp, đặc biệt là nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trước cơn bão giá.

Được biết, Chính phủ đang thực hiện các chính sách đảm bảo cuộc sống ổn định của người lao động có thu nhập thấp, cũng như nông dân trong cơn khủng hoảng lương thực và năng lượng hiện nay. Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng cam kết giải quyết vấn đề đói nghèo ở nông thôn và đưa vấn đề phát triển kinh tế nông thôn lên vị trí ưu tiên hàng đầu.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, nước này đã đi được quá nửa chặng đường công nghiệp hóa và trong 30 năm qua (1978-2008) quốc gia hơn 1,3 tỉ dân đã đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng khi thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng từ 134 NDT năm 1978 lên 3.587 NDT năm 2006 và con số tương ứng đối với thị dân là 343 NDT lên 11.759 NDT.

Được biết, Bộ Đất đai và Tài nguyên đã lên kế hoạch dùng vệ tinh để giám sát việc sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp nhằm đảm bảo việc đất đai được sử dụng hợp lý, đúng mục đích, cũng như bảo vệ quyền sử dụng đất của nông dân.

Ngoài ra, sử dụng vệ tinh quan sát để ngăn ngừa kịp thời việc sử dụng đất bất hợp pháp, đặc biệt là đất dành cho trồng trọt, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp đối với đất đai của nông dân. Qua đó mạnh tay hơn với tình trạng tham nhũng, chiếm đoạt đất đai của quan chức địa phương.

Theo thống kê, việc sử dụng đất sai mục đích vẫn diễn ra tại nhiều địa phương và cơ quan chức năng đã xử lý 31.700 vụ sử dụng đất trái phép với tổng diện tích khoảng 200.000 ha.

Những chủ trương đúng đắn

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào từng nhấn mạnh: phải tăng thêm đầu tư, ra sức làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Đồng thời phải kiên trì việc hình thành chế độ làm việc bình đẳng giữa người lao động thành thị và nông thôn, hoàn thiện chế độ hỗ trợ giải quyết công ăn việc làm cho những người gặp khó khăn.

Theo thống kê, trong năm 2002 trung bình mỗi người nông dân chỉ phải nộp 78,7 NDT tiền thuế, giảm 13,7%, tức 12,5 NDT so với năm 2001 và đây là mức thuế thấp nhất trong 5 năm (1998-2003), nên mức thu nhập bình quân của người nông dân đã được nâng cao đáng kể.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng từng cho rằng, chính sách cải cách thuế nông nghiệp là một bước quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng đối với vùng lương thực chủ yếu và người nông dân trực tiếp cấy trồng. --PageBreak--

Người trồng lúa luôn ở trong tình trạng hưởng lợi ít hoặc thua lỗ và việc này dẫn tới vấn đề nghiêm trọng hơn: tạo ra ngày một nhiều lao động thừa ở nông thôn. Để giải quyết những vấn đề này cần có sự chuyển dịch một cách hợp lý đối với số nông nhàn làm những ngành nghề phi nông nghiệp tại thành phố, thị trấn.

Cải cách nông thôn được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 1979 đến 1984): Cải cách lấy khoán nông nghiệp làm chính. Theo đó xóa bỏ hệ thống công xã nhân dân và đưa ra hệ thống khoán trách nhiệm đến từng hộ gia đình.

Từng bước cải cách hệ thống độc quyền trong mua bán nông sản. Giai đoạn 2 (từ 1985 đến 1991): Tiếp tục đi sâu cải cách trên nhiều mặt, trọng tâm của lần này là điều chỉnh cơ cấu sản nghiệp nông thôn, cải tạo kỹ thuật nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng “thương phẩm hóa, chuyên nghiệp hóa, quy mô hóa”...

Giai đoạn 3 (từ 1992 đến nay): Từng bước hoàn thiện đối với hệ thống, văn bản pháp luật. Theo giới chuyên môn, nền nông nghiệp Trung Quốc tuy đã có những bước tiến dài, nhưng cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn còn tương đối yếu, sự phát triển kinh tế và xã hội ở nông thôn mất cân đối về nhiều mặt. Do đó cần đi sâu cải cách nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển toàn diện.

Trung Quốc từng áp dụng một số biện pháp trong cải cách nông thôn. Thứ nhất, cải cách về chế độ khoán. Thứ hai, cải cách thể chế thu mua sản phẩm nông nghiệp và điều hòa giá cả sản phẩm công nông nghiệp. Thứ ba, điều chỉnh cơ cấu sản nghiệp nông thôn.

Thứ tư, phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn. Thứ năm, cải cách kỹ thuật nông thôn. Thứ sáu, phát triển chế độ hợp tác cải cách thể chế lưu thông. Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành một số chính sách như tăng cường xây dựng pháp chế dân chủ ở nông thôn, cố gắng tạo nên một thế hệ nông dân kiểu mới có lý tưởng, có đạo đức, có văn hóa, có kỷ luật...

Trong năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ thuế nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc, đồng thời trợ giá trực tiếp cho các sản phẩm nông nghiệp để thúc đẩy nguồn thu cho người nông dân.

Giới chuyên môn cho rằng, việc bãi bỏ thuế nông nghiệp tuy chỉ đưa khoảng 4 tỉ USD quay trở lại túi của gần 800 triệu nông dân (5 USD/người/năm), nhưng nó đã giải quyết được một trong số những bất bình đẳng dễ thấy nhất trong xã hội Trung Quốc.

Quyền sử dụng đất luôn là vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Trong các khiếu kiện lên Chính phủ, đất đai là nguyên nhân hàng đầu. Trung Quốc không tư nhân hóa đất đai bởi vấn đề sở hữu đất đã được ghi rõ trong Hiến pháp.

Đất ở nông thôn Trung Quốc thuộc sở hữu công cộng và các lô đất được giao cho nông dân theo thời hạn 30 năm. Nông dân không được phép bán hay dùng làm tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Điều này xem ra khá bất bình đẳng khi người sống ở thành thị có thể mua và bán đất như một tài sản, nhưng đất ở nông thôn chỉ được phân, chia theo hợp đồng 30 năm và nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương.

Thực tế của đặc khu kinh tế Thâm Quyến đang đặt ra những yêu cầu thực tế mà các địa phương hữu quan không thể bỏ qua. Cách đây khoảng 4 năm, chính quyền thành phố Thâm Quyến đã quyết định đăng ký toàn bộ cư dân ở đây trở thành thị dân nhằm thúc đẩy kế hoạch thành thị hoá.

Quyết định này đã đưa Thâm Quyến trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc không có nông dân. Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc vào đầu năm 1980 và thành phố này bắt đầu quá trình thành thị hóa từ 10 năm nay

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
.
.