Làm thế nào để bệnh nhân AIDS không “ngựa quen đường cũ”?

Thứ Bảy, 12/04/2008, 11:30
Ra đời theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, Trung tâm chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS (Trung tâm 09) hoạt động với mục đích chính: chăm sóc miễn phí cho những bệnh nhân AIDS không có nơi nương tựa của Hà Nội hoặc ở tỉnh khác nhưng đang "vô gia cư" ở Hà Nội.

Phải nói đây là một việc làm rất nhân đạo của Hà Nội. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này còn có điều phải bàn.

Nằm nép mình ở km số 3 trên đường 70 thuộc Thanh Trì, Hà Nội, Trung tâm 09 sau khi trải qua “biến cố” phải chuyển từ bãi Phúc Xá đến Trại cai nghiện số 3 đã giải thể ở địa chỉ trên do phản ứng mạnh mẽ của dân ở bãi, đã chính thức hoạt động từ tháng 2-2005. Với 90 giường bệnh, hoạt động của trung tâm đúng theo mô hình bệnh viện, nghĩa là quan hệ của người điều trị và người được điều trị là quan hệ thầy thuốc với bệnh nhân, mặc dù phần lớn bệnh nhân ở đây đều có lý lịch “bất hảo”.

(Có cả trường hợp bệnh nhân là những người đang thi hành án phải có người của cơ quan hành pháp quản lý). Theo bác sĩ Đỗ Trọng, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: 95% bệnh nhân của Trung tâm 09 đều là những người có tiền sử nghiện ma túy và hành nghề mại dâm. Theo thống kê, từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm 09 đã tiếp nhận và điều trị cho 2.000 lượt người và 800 bệnh nhân.

Và phải là những bệnh nhân bên cạnh hoàn cảnh không nơi nương tựa, không điều kiện chăm sóc... như đã nói, còn phải có chỉ số sinh học CD4 (tế bào  miễn dịch) dưới 200.

Dựa vào tiêu chuẩn trên, các bệnh nhân đưa về Trung tâm 09 chủ yếu theo các “nguồn”: đối tượng cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện của thành phố Hà Nội, bệnh nhân ở các bệnh viện, đối tượng mắc bệnh ở cộng đồng, phạm nhân ở các trại giam...

Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, kinh phí dành cho mỗi bệnh nhân này là 3 triệu đồng mỗi tháng, trong đó gồm chi phí điều trị, sinh hoạt như ăn, uống... Đối với những bệnh nhân tử vong thì được miễn phí cả tiền lo hậu sự: gần 5 triệu đồng mỗi người. Do điều kiện chăm sóc khá chu đáo như vậy đồng thời số lượng bệnh nhân chuyển giai đoạn từ HIV sang AIDS ngày càng nhiều nên giường bệnh tại trung tâm hiếm khi trống. Có thời điểm còn thiếu.

Theo bác sĩ Đỗ Trọng sắp tới đây nếu được thông qua, Trung tâm 09 có thể được mở rộng hơn nữa để đón bệnh nhân. Tuy nhiên, trước khi phát triển trung tâm và số lượng bệnh nhân đến điều trị miễn phí ngày càng nhiều càng cần phải bàn đến cơ chế hoạt động của trung tâm từ trước tới nay. Cơ chế ấy thực sự mang lại hiệu quả cho công tác điều trị của hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng của trung tâm?

Như đã đề cập ban đầu, Trung tâm 09 hoạt động theo mô hình bệnh viện, quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân hoàn toàn không có chế tài quản lý theo pháp luật, hơn nữa bệnh nhân ở đây hầu hết đều mắc những tệ nạn xã hội có nguy cơ gần như 100% tái phạm nên không dám chắc tất cả các bệnh nhân ở Trung tâm 09 đều thực hiện đúng như cam kết mà họ đã viết khi nhập viện: thực hiện mọi nội quy do trung tâm và công tác điều trị yêu cầu.

Cụ thể như sống lành mạnh để bảo đảm điều trị hiệu quả, uống thuốc đúng liều, đúng thời gian quy định, tự nguyện điều trị suốt đời... Theo bác sĩ Đỗ Trọng, thực tế cứ 100 bệnh nhân thì có 30 bệnh nhân vẫn biểu hiện tái phạm trong quá trình điều trị. Ấy là chưa kể đến số bệnh nhân tự “đứt gánh giữa đường” để rời bỏ trung tâm ra ngoài hành nghề mại dâm hoặc tái nghiện...

Mà những trường hợp như thế này xảy ra không hiếm ở trung tâm. Bác sĩ Đỗ Trọng còn cho biết: nhiều bệnh nhân khi vào trung tâm sức khỏe rất yếu do các căn bệnh cơ hội hoành hành. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe tốt hơn, họ lại bỏ trung tâm. Bỏ trung tâm chẳng bao lâu, thì quay lại với tình trạng sức khỏe kém hơn. Tìm hiểu nguyên do mới biết vì trở lại những thói quen cũ như tiêm chích ma túy, hành nghề mại dâm, nên sức khỏe của họ mới chuyển từ “voi” sang “kiến” như vậy.

Như đầu năm, mới mồng 4 tết, mấy “hoa hậu” ở Trung tâm 09 dù vẫn đang trong giai đoạn điều trị thế mà đã trốn đi phục vụ “thượng đế” ở khu vực đường Giải Phóng để rồi bị Công an phường Giáp Bát bắt giữ và trả lại trung tâm.

Đối với Công an phường Giáp Bát chuyện trao trả “phạm nhân” về Trung tâm 09 cũng chẳng còn là chuyện lạ. Bởi địa bàn do phường quản lý như khu vực đường Giải Phóng các tệ nạn xã hội thiếu gì thủ phạm là bệnh nhân từ Trung tâm 09. Thế nên cơ chế quản lý bệnh nhân của Trung tâm 09 hiện nay có thể nói khiến cho việc điều trị bệnh nhân chưa hiệu quả.

Và không những chưa hiệu quả mà lợi dụng hình thức quản lý theo kiểu “cao không tới, thấp không thông” về mặt pháp luật, một số bệnh nhân ở đây còn đi “nhây” HIV cho cộng đồng bằng những hoạt động tệ nạn như tiêm chích ma túy, mại dâm... Vì vậy, 3 triệu đồng mỗi tháng dành cho việc điều trị đối với một số bệnh nhân ở Trung tâm 09 có thể coi là lãng phí, nhất là những bệnh nhân không tuân thủ theo nguyên tắc điều trị. Như bác sĩ Trọng cho biết, tỉ lệ này chiếm khoảng 30%.

Trong khi, tại trung tâm cơ số thuốc điều trị kháng virút HIV dành cho bệnh nhân hiện mới chỉ đủ cấp cho 30 người. Trong số 30 người này lại không phải người nào cũng tuân thủ cam kết sống lành mạnh để có thể điều trị hiệu quả thuốc kháng virút miễn phí. Mà một liều kháng virút trị giá 900 nghìn đồng, lại cấp hết đời cho bệnh nhân. Vậy phải quản lý thế nào để điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân AIDS tại Trung tâm 09 và bảo vệ cộng đồng không bị lây lan HIV từ những bệnh nhân này?

Thực tế việc điều trị lãng phí đối với một số bệnh nhân không phải Ban giám đốc ở Trung tâm 09 không biết. Nhưng làm thế nào để cải thiện tình hình này thì họ vẫn chưa tìm ra. Bác sĩ Trọng cho biết, không chỉ cơ chế hoạt động theo hình thức một cơ quan y tế vô tình đã tạo điều kiện cho một số bệnh nhân AIDS tái phạm những tệ nạn xã hội mà ngay cả Luật Phòng chống AIDS, điều khoản mang nội dung: bệnh nhân AIDS có quyền từ chối điều trị; được miễn giảm xử phạt hành chính... cũng vô tình trở thành “cây gậy” để họ bám vào và tự do hoạt động bất chính.

Nhưng với phạm vi là một cơ quan y tế, Trung tâm 09 cũng chỉ biết quản lý bệnh nhân theo cơ chế thầy thuốc - bệnh nhân chứ không thể vượt quá quyền hạn. Cho nên trước tình trạng một số bệnh nhân của trung tâm “hoành hành” ngoài xã hội, trung tâm đành... bó tay!

Còn đối với cơ quan hành pháp, Trung tâm 09 là một cơ quan hành chính nên các bệnh nhân ở đây nếu quản lý theo hình thức pháp luật sẽ phạm luật. Do vậy, không thể can thiệp theo cách thức này.

Được thành lập với mục đích hoàn toàn nhân đạo, nhưng hiệu quả hoạt động của Trung tâm 09 phải nói là chưa cao nếu cơ chế quản lý bệnh nhân ở đây không thay đổi. Do vậy, vì lợi ích của cộng đồng và vì lợi ích ngay của bản thân người bệnh, UBND thành phố Hà Nội cần xem xét lại hình thức quản lý đối với các bệnh nhân ở Trung tâm 09. Đây là việc cần làm ngay!

Tú Anh
.
.