Làn sóng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc

Thứ Hai, 17/09/2018, 18:04
Đầu tháng này tại Bắc Kinh đã diễn ra Hội nghị Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC), trong đó Trung Quốc cam kết tiếp tục gia tăng các khoản đầu tư hấp dẫn vào lục địa đen. Đây là một trong những minh chứng cho thấy tham vọng của Bắc Kinh, tăng cường ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao trên trường quốc tế với việc đẩy mạnh các dự án đầu tư ra bên ngoài.

Góc nhìn đa chiều

Trong những năm qua, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của làn sóng các nhà đầu tư từ Trung Quốc rót vốn vào khắp các châu lục trên thế giới. Từ năm 2005 đến năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào các châu lục, trong đó châu Á là 521 tỷ USD, châu Phi là 471 tỷ USD, châu Âu 360 tỷ USD và châu Mỹ là 406 tỷ USD. Những khoản đầu tư và những khoản cho vay hấp dẫn của Trung Quốc đổ vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, dầu khí, viễn thông và cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc giờ đây không còn “giấu mình chờ thời” mà chủ động đầu tư vào các dự án, chương trình phát triển tại nhiều nước, khu vực và trên khắp thế giới nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài. Những khoản đầu tư này nằm trong chiến dịch đầu tư nước ngoài được xem là tham vọng nhất trọng lịch sử của Trung Quốc. Trong đó phải kể đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” trải dài từ Trung Quốc đến các lục địa khác, bao trùm các vùng đất và vùng biển với số vốn lên đến 150 tỷ USD/năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong giai đoạn 2013-2016, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Mỹ Latinh đã tăng tới 110 tỷ USD. Nguồn vốn của Bắc Kinh vào khu vực này chủ yếu tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và ngày càng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất nguyên liệu thô, dịch vụ cho đến tài chính. Trong khoảng 2015-2016, Trung Quốc đã cấp tín dụng với tổng giá trị 222 tỷ USD cho chính phủ các nước Mỹ Latinh, trong đó một nửa nguồn vốn được đầu tư vào những dự án hạ tầng và 1/3 khoản tiền dành cho lĩnh vực năng lượng.

Với châu Phi, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng mạnh nhiều khoản đầu tư khổng lồ với giá trị lên đến hàng tỷ USD. Trong 9 năm liên tiếp, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi với giá trị trên 110 tỷ USD.

Trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay 125 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2016 để xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Trung Quốc đang trong quá trình thể hiện vị thế cường quốc với mục tiêu trở thành một siêu cường vào năm 2050 và châu Phi được xem là một đồng minh mà Bắc Kinh cần có bên cạnh.

Mới đây, để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi, qua đó gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao đối với khu vực giàu tài nguyên và có vị trí địa chính trị quan trọng này, Trung Quốc đã trải thảm đỏ đón 53 lãnh đạo châu Phi đến dự Hội nghị Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 3-9 vừa qua.

Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, trước mắt và 3 năm tới, Trung Quốc sẽ thực hiện 8 hành động lớn để tạo ra cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc - châu Phi, dành cho châu Phi gói hỗ trợ tài chính lên đến 60 tỷ USD, đồng thời xóa nợ từ các khoản vay không lãi suất của một số quốc gia châu Phi trước cuối năm 2018.

Còn tại châu Âu, trong 10 năm qua, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã tăng 10 lần. Từ năm 2008 đến nay, Bắc Kinh đã đầu tư hơn 34,5 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng của châu Âu từ khai thác điện hạt nhân, điện khí gió đến xây dựng mạng lưới cung cấp điện. Hiện Bắc Kinh đã thâu tóm được nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng từ các cảng biển ở Hy Lạp, sân bay ở Pháp, nhà máy công nghiệp ở Đức hay các dự án bất động sản lớn tại Anh.

Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi vừa diễn ra tại Bắc Kinh.

Lợi ích

Trung Quốc đạt được rất nhiều lợi ích từ việc thiết lập quan hệ với châu Phi cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng... Châu Phi là địa bàn chủ yếu Trung Quốc thực hiện chính sách đi ra ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc và điều này giải quyết một phần quan trọng trong việc thiếu năng lượng, các nguyên liệu phục vụ phát triển của Trung Quốc.

Đồng thời, việc tăng cường đầu tư vào châu Phi cũng giúp người Trung Quốc có thêm công ăn việc làm. Theo con số chính thức mà Trung Quốc công bố, có khoảng 2 triệu người Trung Quốc đang làm ăn ở châu Phi.

Xét về khía cạnh chính trị, ngoại giao, hầu hết các quốc gia châu Phi có quan hệ gắn kết với Trung Quốc, điều này có lợi cho Bắc Kinh trong việc kêu gọi sự hậu thuẫn từ các nước ở lục địa đen trên diễn đàn như Liên Hiệp Quốc khi mà các quốc gia châu Phi chiếm ¼ số phiếu ở tổ chức này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng rất coi trọng địa bàn này về mặt an ninh. Ngày 1-8 vừa qua, Trung Quốc đã thượng cờ căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở nước ngoài, tại Djibouti. Đây là căn cứ mà Trung Quốc đã nhìn được vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng về mặt an ninh, một mặt kiểm soát hải tặc, mặt khác kiểm soát tuyến hàng hải đi qua biển Hồng Hải.

Trong khi đó, các nước châu Phi thì được hưởng lợi từ các dự án đầu tư của Trung Quốc. Đa số các quốc gia ở châu Phi là những nước nghèo, cần vốn, cơ sở hạ tầng, công nghệ và kỹ thuật thi công... Những thứ mà Trung Quốc đem đến châu Phi đang mang lại sự “thay da đổi thịt”, góp phần làm thay đối nhanh chóng bộ mặt các nước này. Hơn nữa, quá trình đầu tư vào châu Phi, Trung Quốc cũng phần nào tạo ra công ăn việc làm cho người dân ở châu lục này, cùng với đó là nguồn khách du lịch từ Trung Quốc sẽ ồ ạt kéo đến, kích thích ngành công nghiệp không khói của châu Phi phát triển.

Đáng chú ý, Trung Quốc thường cam kết không đặt ra bất kỳ điều kiện chính trị nào với việc theo đuổi cách tiếp cận “5 không”. Đó là không can thiệp vào việc lựa chọn con đường phát triển của các nước châu Phi phù hợp với điều kiện riêng của từng nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước; không áp đặt mong muốn của Trung Quốc đối với các nước; không gắn đòi hỏi chính trị vào các hỗ trợ dành cho châu Phi và không tìm cách giành các lợi ích chính trị trong việc hợp tác đầu tư và tài chính.

Tất cả những điều này làm cho châu Phi cảm thấy hấp dẫn hơn, thân thiện hơn, gần gũi hơn và rất nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đánh giá cao các dự án mà Trung Quốc đầu tư vào châu Phi.

Mặt trái của đầu tư

Tuy nhiên, những khoản vốn đầu tư hấp dẫn của Trung Quốc không phải lúc nào cũng được đón nhận một cách tích cực, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đã có những phản ứng thận trọng, dè dặt trước những khoản đầu tư và cho vay hậu hĩnh của Trung Quốc do lo ngại về các vấn đề như nợ công, vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia một khi trở thành con nợ không có khả năng chi trả.

Trong đó, các quốc gia đầu tàu của châu Âu như Đức, Pháp, Ý đang nhìn nhận dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc với một thái độ dè chừng khác. Tại Đức, chính phủ nước này đã phải thắt chặt kiểm soát bằng cách can thiệp trường hợp một nhà đầu tư nước ngoài thấu tóm hơn 15% cổ phần của một công ty của Đức. Trường hợp của công ty vận hành mạng lưới điện 50Hertz ở Berlin là một ví dụ.

Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.

Ngân hàng Tái thiết Đức, một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đã phải bỏ tiền để mua lại 20% cổ phần của 50Hertz nhằm ngăn chặn một công ty điện lực của Trung Quốc thâu tóm công ty này.

Không chỉ tại châu Âu, một số nước như Úc, Canada cũng đang tăng cường kiểm soát việc các công ty của Trung Quốc tiếp cận các ngành kinh tế mũi nhọn thông qua các thương vụ thâu tóm hoặc sáp nhập. Kiểm soát hoạt động đầu tư chỉ được xem là phương án thực thi vào thời gian tới, còn hiện tại thì nhiều quốc gia đang xem xét lại các dự án đã có của Trung Quốc.

Vào tháng trước, chính phủ của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố hủy bỏ 3 dự án có tổng trị giá hơn 22 tỷ USD với Trung Quốc nhằm tránh bị phụ thuộc vào nguồn vốn từ Bắc Kinh. Ông Mahathir Mohamad cho biết, nếu không hủy bỏ được các dự án thì Malaysia ít nhất cũng đình hoãn đến khi nào thấy thật sự cần thiết mới triển khai tiếp trong tương lai.

Một số quốc gia vì nhận khoản đầu tư hấp dẫn của Trung Quốc để rồi rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi các dự án ít lợi về kinh tế nhưng khiến họ phải gánh thêm các khoản nợ khổng lồ khó chi trả. Srilanka đã phải ký thỏa thuận cho Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm để có tiền trả nợ từ khoản vay 1,5 tỷ USD của Trung Quốc do nhận thấy dự án xây dựng cảng biển này không mang lại hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, Djibouti, một quốc gia châu Phi nhỏ bé cũng đã phải chấp nhận cho Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại một cảng biển có tính chiến lược ở Biển Đỏ, vịnh Aden, sau khi chấp nhận những khoản vay vốn lớn từ Bắc Kinh.

Bài học mà các món nợ từ các khoản đầu tư của Trung Quốc mang lại giờ đây các nước cũng đã học thuộc. Nhiều nước tỏ ra thận trọng với nguồn vốn đầu tư từ Bắc Kinh cũng là điều dễ hiểu khi mà cơ hội luôn đi kèm với rủi ro. Chính vì vậy, các quốc gia đang phải “cân, đo, đong, đếm” trước dòng vốn khổng lồ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc cho nước ngoài vào đầu tư hay vay nợ nước ngoài để đầu tư sẽ kéo theo những vấn đề về an ninh, chủ quyền... một khi người nước ngoài hiện diện ngày càng nhiều.

Do nhiều lý do, quan ngại như vậy mà thời gian gần đây Trung Quốc gặp phải khó khăn trong việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài, nhiều dự án bị dừng lại và giờ đây các nước cũng rất cân nhắc cái được và mất từ nguồn vốn của Bắc Kinh. Đối với châu Âu, do mỗi nước có nhu cầu khác nhau về vốn nên đến giờ vẫn chưa có một chính sách nhất quán chung toàn châu Âu.

Có 3 nước Tây Âu là Pháp, Đức và Ý là đã tạo ra cơ chế để bảo vệ những ngành công nghiệp mũi nhọn, bảo đảm lợi thế cạnh tranh của châu Âu trong tương lai. Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề xuất một bộ lọc chung, kiểm soát đầu tư nước ngoài để bảo vệ các lĩnh vực chiến lược.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, khi các công ty nước ngoài muốn mua lại một cảng chiến lược, một phần của hạ tầng năng lượng hay trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng thì dự án đó phải minh bạch qua việc xem xét kỹ càng và có tranh luận. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết, châu Âu cần phải xác định được các lợi ích công nghiệp và chính trị, phải đảm bảo rằng những lợi ích đó được đặt lên hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới và sáng tạo quy mô lớn cũng như trong các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt.

Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng làn sóng đầu tư ra bên ngoài nhằm thực hiện tham vọng về kinh tế cũng như gia tăng ảnh hưởng chính trị ở những nơi mà Bắc Kinh vươn “vòi bạch tuộc”, các phân tích cũng đã có một số gợi mở cho các nước nhận được các khoản đầu tư hay các khoản vay từ Trung Quốc. Đó là việc các nước khi có nhu cầu vay thì cần có tính toán lâu dài, nắm chắc các điều kiện vay và tăng cường kiểm tra các khoản vay nhằm hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững.

Kông Anh
.
.