Làng trong phố

Thứ Hai, 14/01/2019, 21:21
Làng Hồ Khẩu, toạ lạc ở gần phía cuối đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngôi làng hiện còn bảo tồn được 3 đền, 2 chùa, 1 đình và 6 nhà thờ của các dòng họ lớn gộp lại thành một cụm di tích văn hóa làng và là điểm hẹn văn hoá cho những ai muốn tìm hiểu nét đẹp của cổng làng Việt xưa.


Không chỉ có cổng làng cổ kính được các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian thừa nhận là tiêu biểu cho nét đẹp của cổng làng Việt, ngôi làng còn nhuốm màu sắc của những truyền thuyết gắn với di tích đình, đền, chùa. Trải qua bao biến thiên của thời gian, làng Hồ Khẩu vẫn lưu giữ được nét đẹp của một ngôi làng Thăng Long xưa trong phố thị ồn ào, tấp nập hôm nay.

Nét đẹp cổng làng Việt tiêu biểu

Con phố Thụy Khuê dài tít tắp nối từ đường Thanh Niên thơ mộng đến tận đường Lạc Long Quân, càng về phía cuối đường càng có nhiều cổng làng. Những chiếc cổng làng Việt cổ kính thâm trầm hiện ra giữa phố xá ồn ào huyên náo, nhộn nhịp đông đúc người qua lại. Đáng chú ý hơn cả là ở số nhà 378 - nơi đây là cổng chính của làng Hồ Khẩu. Làng Hồ Khẩu hay còn có tên là làng Hồ có 4 cổng làng, mặt nhìn ra phố Thụy Khuê, và một cổng làng ở chính giữa làng.

Đình làng Hồ Khẩu bị người dân lấn chiếm sân làm nơi dọn quán bán hàng.

Ông Bùi Văn Khôi, Trưởng Ban di tích đình làng Hồ Khẩu kể: “Cổng đình làng Hồ Khẩu hay còn gọi cổng chính từ thời xưa không ai được đi qua, phải xuống ngựa và đi hai cổng phụ ở hai bên, còn cổng chính thì bao giờ cũng đóng. Ngoài cổng đình làng còn có cổng chùa làng, hai cổng trên và cổng dưới. Một cổng gọi là cổng giáp Bắc, và một cổng giáp Đông. Ở giữa làng có một cái cổng nữa, ai đi qua mệt thì ngồi nghỉ lại.

Cổng giữa làng thực chất là một cái cầu, có cây hương. Bốn cổng còn lại ở mặt đường. Ngoài vẻ đẹp nguyên sơ có tự bao đời của cổng làng Hồ Khẩu, làng có cụm di tích, gồm: đình làng, đền Dực Thánh (di tích lịch sử cấp thành phố), đền Vệ Quốc (di tích lịch sử cấp quốc gia), đền mẫu Thăng Long,  chùa Tĩnh Lâu (chùa Sải) đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, chùa Chúc Thánh và 5 nhà thờ họ gồm họ Bùi, họ Đinh, họ Hồ, họ Nguyễn, họ Lý. 

Bước qua cổng chính của làng Hồ Khẩu, đi thẳng độ hơn 20m là đình làng. Đình làng đã được trùng tu tôn tạo lại khang trang và bề thế, tuy nhiên trước cổng đình người dân giăng quán bán hàng ăn nên che khuất cả khoảng sân phía trước ngôi đình. Đình thờ Thành Hoàng Nhị vị Đại vương. Huyền tích trong gia phả của làng kể lại rằng: Nhị vị Đại vương sinh và mất cùng ngày.

Hai vị thánh là Long thần xuất thế, con vua Đông Hải thuỷ cung. Hùng vương thứ 18 ở châu Bố Chính, động Dân Thanh  có ông Lê Quốc Công, huý là Tín mới nhậm chức quan triều phụng sắc Quảng Lĩnh lạc bộ tào hưu được vua cho cháu gái là Cẩm Hoa Nương công chúa kết hôn. Sau khi công chúa mất sớm, ông rất thương mới bỏ nhà đi du ngoạn sơn thuỷ khắp nơi cho khuây khoả, đến ấp Hồ Khẩu thấy nơi đây là một thắng cảnh nổi tiếng, ông đã dừng chân cho dựng nhà ở trên một ngọn đồi gọi là Long Tảng.

Cây thị cổ thụ có niên đại 200 năm tuổi trước khoảng sân đền Mẫu Thăng Long.

Ở đây ông lấy một người con gái họ Nguyễn, rồi hai người đi cầu tự ở đền Đông Hải Vương. Một đêm phu nhân nằm mộng thấy một ông già râu tóc bạc phơ báo rằng sẽ có một Long thần ứng mộng, người họ Lê sẽ sinh ra một bào thai có hai quý tử để giúp nước giúp đời. Lúc mang thai phu nhân thường ra Hồ Tây ngắm cảnh đẹp hữu tình.

Lê Quốc Công một đêm nằm mộng thấy hai người mũ áo chỉnh tề nói: “Tôi là Đằng Long Quân Lễ Bộ khâm phục sắc chỉ xuống để ứng mộng. Nghe xong tỉnh dậy, Lê Quốc Công thấy bên ngoài trời đất tối tăm mịt mù, gió thổi dữ dội, trong phòng có mùi hương nhè nhẹ lan toả; phu nhân sinh hạ một bào thai đúng như trong mộng. Người anh được đặt là Cống Lễ, người em là Cả Lễ. Hai người lớn lên tài trí khác thường. Khi ấy trong nước có quân Thục xâm lược, vua Hùng Duệ đi cầu hiền, cả hai ông đều tình nguyện đem tài trí ra giúp nước. Biết là Thuỷ Thần xuất thế nên nhà vua đã trao cho hai ông đem đại binh đến Bạch Đằng Giang, kết quả quân Thục đại bại.

Khi khải hoàn ca, quân ta về đến sông Tô Lịch thuộc địa phận quê nhà thì đột nhiên trời đất nổi gió, sóng nước dâng cao, trăm nghìn loài thuỷ tộc đều nổi lên đón mừng. Hai ông sửa soạn mũ áo chỉnh tề trông về cửa Khuyết bái mệnh rồi đằng vân giá vũ. Được tin, nhà vua thăng sắc cho hai ông là Thượng Đẳng Phúc Thần, giao cho hai giáp thuộc phường Hồ Khẩu lập miếu thờ và hương khói.

Sang đến thời nhà Lý, hai vị thánh đã hiển linh giúp vua Lý đánh Chiêm, đến thời nhà Lê giúp vua trị thuỷ. Trong đình đến ngày nay còn giữ được sắc phục, sắc phong và nhiều câu đối về thơ ca ca ngợi tài đức của hai thánh. Đền Dực Thánh dân làng hay gọi là đền Giáp Bắc theo sách Tây Hồ Chí, đền toạ lạc trên gò Quy Đôi, nơi vua Lý Thái Tổ ban đầu dựng đô đã đặt điện Càn Nguyên ở đó. Đến Triều Lý Thần Tông, nhà vua xuống chỉ giao cho Giáp Bắc ấp Hồ tu bổ làm nơi thờ Đức Thánh Cả Dực Thánh Đại Vương Tôn Thần, huý là Cống Lễ. Năm 2006, ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Ngay trong ngôi làng còn có đền Vệ Quốc toạ lạc trên gò Long Tăng nơi sinh của hai Thánh, được xây dựng từ thời Lý. Mặc dù đến nay đã có nhiều lần tu bổ  nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc xưa. Đây là nơi thờ tự Đức Thánh em song sinh Vệ Quốc Đại Vương tôn thần, huý là Cả Lễ. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia năm 1991.

Bước qua cổng chính của làng Hồ Khẩu, băng sang đường là đền Mẫu Thăng Long, tên ban đầu là Chính Đức Linh Từ, một ngôi đền thờ mẫu bản địa tối linh. Tránh xa phố xá ồn ào, huyên náo, đền nằm lui vào phía trong cách phố một khoảng không gian vừa đủ yên bình.

Theo truyền thuyết, ngôi đền được xây dựng bằng một bè gỗ lim sau đêm mẫu hoá, trời nổi giông bão, mưa to gió lớn, Đức Long Vương cho dâng nước đưa về áp Hồ bên sông Tô Lịch cho dân làng lập miếu thờ Thái Ngọc Quỳnh dung Công chúa - Mẫu là con gái của Động Đình Vương giáng thế để âm phù cùng Vệ Quốc Đại Vương đánh quân Tống, bình Nguyên lúc Tổ quốc lâm nguy.

Trải qua biến thiên của thời gian đền Mẫu Thăng Long được trùng tu tôn tạo bằng nguồn tiền công đức xã hội hoá của người làng Hồ Khẩu. Ngày rằm mồng một dân chúng quanh làng và khách thập phương kéo đến hương khói nghi ngút. Đặc biệt trong khuôn viên trước cửa vào đền còn có hai cây thiên tuế và một cây thị được công nhận là cây di sản Việt Nam, trong đó cây thị có niên đại 200 năm tuổi.

Những ngôi chùa cổ kính từng là cơ sở cách mạng

Làng Hồ Khẩu còn có hai ngôi chùa nổi tiếng đó là chùa Chúc Thánh và chùa Tĩnh Lâu (chùa Sải). Chùa Tĩnh Lâu toạ lạc bên cạnh đình làng, mặt tiền hướng ra sông Tô Lịch và Phượng Thành (nay là đường Hoàng Hoa Thám). Tương truyền đây là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, xưa có đầy đủ Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, vườn chùa, ao chuôm.

Cổng chính đình làng Hồ Khẩu ngày nay.

Nhưng nay do sự lưu lạc của thời gian, đất chùa bị thu hẹp lại, nhiều hộ gia đình đã ở trên nền đất chùa, ông Bùi Văn Khôi - Trưởng Ban di tích cho biết làng đã nhiều lần họp và được sự đồng ý của thành phố sắp tới đây sẽ thu xếp di dời 16 hộ dân đang ở trong phạm vi đất chùa đi nơi khác để trả lại không gian cho nhà chùa. Ngôi chùa tuy đã được trùng tu tôn tạo bằng nguồn tiền xã hội hoá nhưng vẫn nhỏ bé và lọt thỏm trong không gian của làng, mọi người đều hi vọng việc sắp xếp di dời 16 hộ dân đi nơi khác để trả lại sự uy nghiêm, tôn kính cho không gian của chùa Chúc Thánh. Hiện nay ngôi chùa còn giữ được một số tượng Phật có niên đại lâu năm, một bia lớn ghi ruộng hương hoả lập năm Mậu Ngọ (1620) dưới thời Bình An Vương Trịnh Tùng và một quả chuông đồng có niên đại Cảnh Thịnh 7.

Nếu chùa Chúc Thánh nương nép trong làng Hồ Khẩu thì chùa Tĩnh Lâu (chùa Sải) lại toạ lạc bề thế trong không gian rộng rãi, khoáng đạt. Chùa nằm trên đường Trích Sài, mặt chùa hướng ra Tây Hồ lộng gió. Tương truyền chùa có nguồn gốc ban đầu là một am thờ các vương tôn quý tộc thời Lý, các sư sãi sớm tối tụng kinh, đến khi xây dựng am thành chùa thì mọi người đọc chệch ra thành chùa Sải. Còn có hai truyền thuyết, chùa có tên là Thanh Lâu, nhưng sau này đổi tên thành Tĩnh Lâu.

Với vị thế đắc địa, chùa nhìn ra hồ Tây sóng nước mênh mang, mây trời bát ngát. Trước tam quan của chùa là cây bồ đề thiên tạo xanh tốt lạ thường. Cây bồ đề không ai trồng, nó tự sinh ra lớn lên trên cổng tam quan cũ của chùa. Trên thân của nó xù xì những mảnh tường rêu phong ghi dấu ấn thăng trầm của thời gian như muốn chứng minh: Bồ đề nhờ chùa mà sinh trưởng, chùa nhờ bồ đề mà linh thiêng.

Chùa có từ thời Lê trải qua thời gian và những cuộc binh lửa nên xuống cấp nghiêm trọng, năm 2000 đã được sư trụ trì và Phật tử khắp nơi tu bổ xây dựng lại trên khuôn viên của Tam Bảo xưa. Tuy mới xây dựng, nhưng kiến trúc vẫn giữ được phong cách truyền thống vừa nguy nga và trang nhã. Tam quan càng trở nên trang nghiêm hơn với những hàng đại tự và câu đối: “Tĩnh lý nghênh nhân đăng giác ngạn/ Lâu trung tống khách nhập huyền môn”. Tạm dịch: “Xóm tĩnh rước người lên bờ giác/ Lâu đài đón khách đến cửa huyền”. Câu đối vừa nêu tên chùa là Tĩnh Lâu, vừa nêu được ý nghĩa của Phật là tự giác tự tha, tự giác ngộ cho mình và giác ngộ cho người, vừa thể hiện được lòng từ bi hỷ xả của chánh pháp.

Bước qua cổng tam quan vào sân chùa là vườn hoa cây cảnh xanh tốt, có cây vạn tuế mấy trăm năm tuổi. Cảnh sắc thanh tịnh với không gian u tịch càng khiến cho lòng người lắng lại. Đúng như câu đối ở cổng chùa: “Sơn trung tang cổ tự/ Cao các độ bạch vân”, dịch nghĩa: “Núi non tàng chùa cổ/ Lầu giác quyện bạch vân”.

Núi non ở đây chỉ là ước lệ, do trí tưởng tượng phong phú của con người chứ thực chất là cây cối um tùm thoạt trông như rừng cây cổ thụ. Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm ba gian bái đường và ba gian hậu cung, bên trong đầy đủ hệ thống tượng pháp như Di đà Tam Tôn, Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Quan Âm, ban thờ Mẫu và công đồng Tứ phủ... 

Hiện nay chùa chỉ đề Tĩnh Lâu tự mà không thấy đề Thanh Lâu tự, tên Thanh Lâu chỉ thấy xuất hiện trong bia đá, và trong sử sách. Chùa Tĩnh Lâu thuộc phái Lâm Tế, dòng Thiền tông, nhà Tổ còn câu đối: “Lâm Tế tông phong lưu tứ phương nhi hàm nhuận/ Tào Khê pháp phái dẫn vạn thuỷ dĩ trừng thanh”. Lâm Tế thực ra là một dòng thiền. Kể từ khi Lục tổ Huệ Năng trụ trì chùa Tào Khê đến Lâm Tế là thế hệ thứ sáu của ngài. 

Trong chùa hiện nay còn 17 bia hậu, trong đó có một bia cỡ lớn có niên đại từ năm Mậu Ngọ (1620). Bia Hậu Phật bi ký tạo năm 1793 nói về việc trùng tu chùa. Ngoài ra chùa còn có hai chuông đồng cỡ lớn, một chuông có niên đại năm Cảnh Thịnh 7 (1789). Quý nhất ở trong chùa là 48 pho tượng và nhiều hoành phi câu đối ghi rõ thiền phái, sự linh thiêng của đạo pháp và các lời răn dạy của Đức Phật. Không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà chùa còn là một cơ sở cách mạng thời Pháp tạm chiếm  đồng thời cũng là nơi ăn ở của bộ đội thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc. Năm 1995, chùa đã được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa lịch sử. 

Làng Hồ Khẩu với những công trình kiến trúc văn hoá tâm linh đã tạo ra một không gian ấm cúng với một nét đẹp rất riêng, độc đáo của làng trong phố giữa lòng Hà Nội.

Trần Mỹ Hiền
.
.