Trang Thanh – Nguyễn Khắc Phục:

“Lập trình” lại cuộc đời trên giường bệnh

Thứ Ba, 17/11/2015, 10:45
"Cứ như trời xui, Lâm không cho ông về mà bắt ông ngồi chờ cho đến lượt. Mãi rồi cũng đến lượt nhưng lại phải 2 giờ chiều mới có kết quả. Lâm bắt ông phải đợi. Rồi cũng đến lượt được lấy kết quả. Và ngay khi cầm cái phim chụp Xquang trên tay, không phải là một người có chuyên môn vẫn có thể nhận ra rằng, có một khối u, bằng quả trứng gà trên đỉnh phổi phải..." - nhà văn Nguyễn Khắc Phục kể lại.

Tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Khắc Phục trước lúc ông vào viện hóa trị đợt thứ 5 để chữa bệnh ung thư phổi. Vừa nhìn thấy tôi, ông đã cười cười: “Ngày 13 thứ Sáu, phương Tây người ta kiêng lắm, nhưng với tôi, ngày này lại có nhiều sự trùng hợp thú vị. Một là đã có lệnh phát hành tiểu thuyết “Hỗn độn”. Hai là Đà Nẵng đứng ra tái bản hai cuốn “Bay qua cõi chết” - gồm 2 tập “Học phí trả bằng máu” và “Thành phố đứng đầu gió”. Ba là Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn tái bản tiểu thuyết “Ngôi đền” – một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của tôi. Nhưng quan trọng nhất là tôi đã phát hiện và diệt được “tổ mối” ngay trong chính nhà mình…”.

Biết trọng bệnh vì “một tấm lòng trong thiên hạ”

Xưa nay, nhà văn Nguyễn Khắc Phục luôn luôn bị ám ảnh bởi căn bệnh phổi, căn bệnh đã làm cha ông, anh trai ông mất, và bây giờ là đến lượt ông… Ông lại hút quá nhiều thuốc lá, sống không điều độ và không để ý chăm sóc con người mình. Biết bệnh của mình, ông đã đi khám định kỳ hàng năm, nhưng năm nay thì chưa kịp. Vì bận rộn với việc “giả nợ” mấy tác phẩm theo đơn đặt hàng, ông cứ hì hụi bên máy tính. Mấy ngày đầu tháng 6, ông bị khản giọng, nhưng không để ý vì nghĩ là viêm họng hoặc do thời tiết.

Ngày 12/6/2015, vợ đi làm, ông ở nhà một mình thì có cháu Lâm, một người thân của gia đình đến thăm. Thấy ông Phục ho nhiều, Lâm sốt ruột muốn đưa ông đi khám ngay. Ông xua tay: “Có gì mà phải khám”. Lâm kiên quyết chở thẳng ông đến Bệnh viện Phổi Trung ương chụp Xquang. Đến nơi thì đông quá, ông Phục khăng khăng đòi về.

Cứ như trời xui, Lâm không cho ông về mà bắt ông ngồi chờ cho đến lượt. Mãi rồi cũng đến lượt nhưng lại phải 2 giờ chiều mới có kết quả. Lâm bắt ông phải đợi. Rồi cũng đến lượt được lấy kết quả. Và ngay khi cầm cái phim chụp Xquang trên tay, không phải là một người có chuyên môn vẫn có thể nhận ra rằng, có một khối u, bằng quả trứng gà trên đỉnh phổi phải.

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Khắc Phục.

Nguyễn Khắc Phục bảo ông bắt đầu thấy lo. Lo không phải là vì ông sợ chết, đời ông đã nhiều lần vào sinh ra tử, ngay cả những năm tháng đi chiến trường, đã có lúc trong đạn bom của chiến tranh, ông không nghĩ mình có cơ hội sống sót. Nhưng giờ đây, trên vai ông là cả một gánh nặng trên mọi phương diện. Cuộc sống hiện tại dẫu chưa đủ đầy song bình yên.

Nguyễn Khắc Phục gọi điện thoại cho vợ, bảo cô hãy yên lòng và không được khóc. Nhưng làm sao mà người vợ trẻ ấy, một nhà thơ đầy nhạy cảm và yếu đuối ấy, lại có thể không khóc. Họ mới chỉ đi cùng nhau một chặng đường quá ngắn, và cậu con trai còn quá bé bỏng...

Trên đường trở về Bệnh viện Quân y 103 chụp cắt lớp, nơi mà ông quyết định sẽ nằm để trị bệnh, gần nhà ông ở khu đô thị Văn Khê, bỗng dài hơn mọi cuộc đi... Nguyễn Khắc Phục nói đầy hàm ơn: “Trong cuộc đời, có những giây phút, có những người quyết định số phận của mình mà mình không hay biết”.

Cũng như ông, trời xui đất khiến thế nào, đứa cháu bỗng dưng đã nắm lấy số phận của ông, mang lại cho ông một cơ hội sống sót, vì căn bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn còn sớm, khi khối u chỉ mới 34x48mm.

Gương mặt Nguyễn Khắc Phục, sau một thời gian điều trị, trông có vẻ béo ra, hồng hào bởi tác dụng phụ của thuốc corticoid, nhưng ngược lại, chân tay ông gầy và xanh đi nhiều. Đối với ông, mỗi một ngày sống là một ngày có lãi trên thế gian này, bởi vậy mà trước sự bất ngờ của số phận, ông vẫn nỗ lực hoàn thành gấp gáp bản thảo cuốn tiểu thuyết mà ông tâm đắc: “Hỗn độn”.

Ông bảo, cuộc đời ông có quá nhiều thử thách và sóng gió, bởi vậy, căn bệnh ung thư phổi, có lẽ là thử thách cuối cùng ông phải chống chọi, chống chọi và chờ đợi, để biết rằng, dù có vượt qua nổi hay không, thì ông cũng vẫn tận hiến cho văn chương, nghệ thuật đến giây phút cuối cùng, bởi con người của ông bây giờ, không chỉ của riêng ông, mà phía sau còn “vợ dại, con thơ” đang cần ông hơn bất cứ khi nào trong hành trình đầy mệt mỏi và gian nan này.

Hoàn thiện bản thảo trên giường bệnh

Khi biết mình bị ung thư, việc đầu tiên ông nghĩ đến là dẫn vợ con về quê nội ngoại ở Nam Định thăm nom người thân, anh em. Ngày 15/6, ông chính thức nhập viện Quân y 103, làm sinh thiết tế bào. Ông được xác định ung thư phổi tế bào nhỏ, đã di căn đến hạch trung thất. Đây là loại ung thư nguy hiểm nhất trong các căn bệnh ung thư phổi, và ông thì vốn bị bệnh xẹp phổi mãn tính nên không được mổ. Sinh thiết tế bào xong, ông bị tràn khí màng phổi, phải thở ôxy 10 ngày.

Ông nói: Lúc này, có phải nằm viện mới thấy, các y bác sĩ quan trọng thế nào, bên cạnh gia đình, bè bạn. Họ, ngoài công việc của mình, còn là những tấm lòng để những bệnh nhân dựa vào trong những giây phút hiểm nghèo.

Sau 30 mũi xạ và 4 đợt hóa trị kéo dài trong hơn 4 tháng liền, hai khối u di căn xuống trung thất của hai lá phổi đã xẹp đi, nhưng khối u nguyên phát ở đỉnh phổi phải mới chỉ bé đi được non nửa. Ông hy vọng hai đợt hóa trị nữa sẽ giúp tiêu tan nó. Mỗi đợt hóa trị trong hơn một tuần là những ngày ông mệt mỏi có lúc đến kiệt quệ, bị giảm bạch cầu, hồng cầu, rã rời toàn bộ thân thể. Nhiều lúc ông không thể tự đi lại, người cứ lả đi và không màng đến ăn uống, phải nhờ hết vào đôi vai bé bỏng của người vợ trẻ đang nghỉ việc để toàn tâm toàn ý lo cho chồng.

Nhưng, chỉ cần khỏe lại được một chút, là Nguyễn Khắc Phục lại hì hụi bên máy tính để hoàn thành cuốn bản thảo tâm đắc viết trong 10 năm của mình: “Hỗn độn”. Cuốn sách nay đã được BachvietBooks phát hành, mang lại cho ông một liệu pháp tinh thần tuyệt vời trong lúc này…

Ngắm cuốn sách dày hơn 600 trang của mình, ông như hồi tỉnh lại sau quãng thời gian dài gồng mình chiến đấu với bệnh tật. Ông bảo, càng về cuối đời, càng nhiều thử thách khó khăn, ông càng nhận ra, ngoài vợ con, anh em ruột thịt, bạn bè làm điểm tựa tinh thần với sự đùm bọc, giúp đỡ vô tư, hào hiệp, ông còn có văn chương và khát vọng sáng tạo làm điểm kích hoạt cho ông sống và hy vọng. Ông chỉ sợ mình có vấn đề gì thì không ai hoàn thành nốt cuốn tiểu thuyết dở dang tâm đắc, bởi vậy mà ngày thì xạ trị, rụng hết tóc mà đêm ông vẫn ngồi máy tính làm việc, viết, chỉnh sửa “Hỗn độn”.

Con người ông nhất quán là vậy, từ khi khỏe mạnh lẫn lúc ốm đau, đều nỗ lực vì công việc, chỉ có điều cường độ thì khác nhau, khỏe mạnh làm kiểu khác, ốm làm kiểu khác, nhưng không bao giờ ông bỏ thói quen làm việc hay để đầu óc trì trệ, buông xuôi cho số phận. Hiện nay, ông đang trăn trở làm cách nào để hoàn thành dự án của NXB Hà Nội mà ông đã nhận cách đây 2 năm.

Đó là hoàn thành công trình khảo cứu “Kinh đô Rồng: Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng”, ông đang viết dở dang 300 trang thì lâm trọng bệnh. Đây cũng là một công trình mà ông tâm đắc. Nếu công trình dở dang, ông không ngại bất cứ điều gì, trừ việc tiếc cho những điều mình muốn gửi gắm. Vì vậy, nằm trên giường bệnh nhưng trí óc ông không lơi ra khỏi công trình này. Ông hy vọng ngay khi có thể, ông sẽ tiếp tục làm việc và hoàn tất công trình này.

“Vì con, anh hãy gắng lên”

Trong suốt thời gian một mình chăm chồng ở bệnh viện, nhà thơ Trang Thanh bất ngờ đã viết cho ông 4 ca khúc. Chị không biết nhạc, nhưng đã tự hát và ghi âm vào điện thoại, rồi nhờ cô giáo Thanh Hà dạy nhạc cho con gái và nghệ sĩ xẩm Đàm Tiến ký âm giúp.

Các nhạc sĩ Trọng Đài, Mạnh Tiến, Đỗ Hùng; các ca sĩ Minh Thu, Khánh Mai và Hoàng Hiệp, giúp chị biên tập và thu âm. Bài hát “Anh đừng xa em” là một nhạc khúc êm ái của tình yêu chị dành cho chồng mình. Lắng nghe giai điệu của nó, nhiều người sẽ xúc động bởi tấm lòng chị dành cho chồng: “Anh, đừng xa em nhé/ Ngoài kia đang đêm  bão giông/ Đường mơ ta chưa đi hết/ Mộng yêu đâu đã xanh đầy/ Anh, đừng đi đâu nhé anh/ Ở bên em yên lắng/ về bên sông mây trắng/ chiều tương tư mắt cay/ nghe tre gầy trút lá/ nhớ mùa thu đầu tiên/ Cùng bầy sẻ nâu nhớ  hơi nhau ríu ran/ và chiều nay ấm áp líu lo tiếng con thơ/ thưa mẹ cha, con đã đi học về/ Anh đừng đi đâu nhé / đừng quên anh sống yêu em/  như dòng sông ấp ôm mây triền miên/ một dòng sông mây trắng say/ về bên anh hát ru, như gối êm/ ru mắt ta trong nhau/ Anh đừng xa em nhé / vì con, anh hãy gắng lên/ ngày mai con  lớn khôn, như dòng sông vạm vỡ, sóng cồn mây đại dương”.

Phải nói rằng, trong cuộc đời chưa bao giờ bình lặng của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, chuyện tình yêu của ông và nhà thơ Trang Thanh là một câu chuyện dài. Bởi tình yêu ấy đã vượt qua mọi thử thách, rào cản để có thể có được nhau, như một định mệnh trong cuộc đời. Họ là hai số phận bỏ lại đằng sau những nỗi niềm của quá khứ, kiên nhẫn chờ đợi, bất chấp khó khăn, thử thách để được cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung từ hai bàn tay trắng.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục bảo rằng, nghĩa vợ chồng, trước những thử thách khốc liệt lại càng hiểu nhau hơn, thấy cần thiết phải làm cho nhau những điều thiết thực hơn, chứ không phải bằng những lời hoa mỹ. Ông biết ơn người vợ trẻ đã yêu ông nhiều đến thế, tận tụy với ông nhiều đến thế trong những ngày tháng qua. Trang Thanh đã tận tụy, chu toàn với ông từng giây phút và giúp ông cảm thấy ấm lòng trên giường bệnh, để đấu tranh giữa sự sống và cái chết, giữa cái mất và cái còn, giữa hoang mang và hy vọng. Ông bảo, chỉ có tình yêu, lòng thủy chung, sự tận hiến mới có thể neo giữ tâm hồn của một con người đang đứng bên bờ vực của sự sống.

Bìa tiểu thuyết “Hỗn độn” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục.

Trang Thanh, sau thời gian chăm chồng, đi lại quá nhiều, thức đêm thức hôm, vừa chăm con nhỏ vừa lo việc nhà... cũng bắt đầu gặp những vấn đề của sức khỏe, đau cột sống, thoát vị đĩa đệm. Nhưng, mỗi khi nói về Nguyễn Khắc Phục, lúc nào tôi cũng thấy mắt chị sáng ngời một niềm yêu dành cho chồng.

Trang Thanh bảo, chị tin vào sự an bài của số phận, bởi dù đi đâu, làm gì thì trong suốt những năm tháng qua, chị chỉ dành tình yêu cho Nguyễn Khắc Phục. Ngày họ về ở với nhau, vì cả hai đã trải qua những sóng gió của hôn nhân, nên chị không cần một lễ cưới rình rang và một chiếc nhẫn đính hôn, vì chị tin vào lựa chọn của chị cũng như tình yêu mách bảo.

Sinh nhật tròn 1 tuổi của bé Gạo, con trai của hai người, nhà văn Nguyễn Khắc Phục tuyên bố trước họ hàng và khách khứa, rằng ông và Trang Thanh đã đăng ký kết hôn và “Ngày hôm nay thực ra là chúng tôi cưới nhau đấy”. “Nàng” muốn tôi mua nhẫn cưới cho nàng, nhưng tôi nói, anh không những mua cho em một mà sẽ phải là 2 cái: kiên nhẫn và nhẫn nhịn…. Cả nhà đã cười vỗ tay mừng cho hạnh phúc của họ.

Bản thân Trang Thanh, chị thấm thía hơn bao giờ hết tình nghĩa mà chị  dành cho chồng. Họ mới ở với nhau 4 năm nhưng thực sự hết lòng vì nhau. Khi Nguyễn Khắc Phục đổ bệnh thì chị càng yêu thương anh nhiều hơn. Bởi, chỉ một quãng thời gian quá ngắn được bên nhau, mà họ đã phải vượt qua quá nhiều thử thách, nhiều tình thế khó khăn của cuộc sống, nhiều món nợ phải trang trải.

Trang Thanh thương chồng, vì trong nhà, không ai khác, chính anh là người vất vả nhất lo toan cho vợ con. Đồng lương hưu quá ít, toàn bộ thời gian và sức lực anh dành cho công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Trang Thanh nói trong nước mắt: “Anh Phục chưa được an nhàn một ngày nào, kể cả khi nằm trên giường bệnh”.

Bây giờ, hai vợ chồng họ chỉ ước mong qua đợt hóa trị thứ 6 vào tháng 12 tới, khối u sẽ hết, Nguyễn Khắc Phục dù vẫn phải chiến đấu với các tế bào ung thư có thể còn sót lại, nhưng sẽ yên tâm làm nốt những công việc của mình. Họ dự định sẽ in chung một tập thơ hai người đã viết cho nhau có tên là “Rút ruột”, và sẽ làm một buổi ra mắt thơ, nhạc, triển lãm tranh cá nhân. Thực ra, “Rút ruột” cũng chính là cách sống, cách yêu và cùng nhau vượt qua thử thách của họ.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.