Lầu Năm Góc trước “Bài toán nhiên liệu”

Thứ Năm, 06/09/2007, 15:45
Theo bản thống kê chi tiết của Hãng LMI - Công ty Tư vấn Mỹ nổi tiếng trong giới doanh thương toàn cầu - xếp Lầu Năm Góc là khách hàng "ngốn" nhiều nguồn nhiên liệu thiết yếu nhất.

16 gallon Mỹ tương đương hơn 60 lít xăng, đó là mức tiêu thụ thường nhật của mỗi người lính Mỹ tại Iraq hay Afghanistan. Họ trực tiếp sử dụng nhiên liệu qua các phương tiện hành quân như xe jeep, xe tải, xe tăng và trực thăng; hoặc gián tiếp gọi tiếp ứng qua các phi vụ oanh tạc đường không.

Nếu như đem nhân với 162.000 quân đang chiến đấu ở chiến trường Iraq, 24.000 quân ở Afghanistan cùng 30.000 quân số thường trực từ các vùng lân cận (bao gồm cả lực lượng lính thủy trong vịnh Persic), thì kết quả sẽ vào khoảng 13,25 triệu lít nhiên liệu.

Đây chính là “định mức” hàng ngày để duy trì các chiến dịch quân sự tại những “điểm nóng” ở Trung Đông. Nếu nhân với 365 ngày của một năm, kết quả sẽ là con số khủng khiếp với... 4,9 tỉ lít - hơn cả mức tiêu thụ thường niên của Bangladesh, một quốc gia có số dân 150 triệu người. Nhưng con số “gây sốc” kể trên chưa “tính đúng tính đủ” các chi phí khác liên quan tới lực lượng viễn chinh Mỹ.

Thực ra các chiến dịch quân sự chỉ “ngốn” một phần nhỏ trong mức tiêu dùng thường niên của Lầu Năm Góc. Bộ Quốc phòng Mỹ đang sở hữu kho phương tiện chiến tranh đồ sộ hàng đầu thế giới, với vô vàn các kiểu máy bay và trực thăng, tàu chiến, tàu ngầm, xe tăng, xe thiết giáp, xe vận tải, xe tuần tra... tất cả đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu duy nhất là xăng dầu.

Do vậy, quả không ngoa khi nói rằng Lầu Năm Góc chính là thực thể tiêu tốn nhiều dầu mỏ nhất hành tinh.

Hãng LMI đã đưa ra con số tổng thể thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ là 340 nghìn thùng (53 triệu lít) - hơn hẳn mức tiêu thụ của Thụy Điển cũng là một quốc gia công nghiệp phát triển.

Giá xăng hiện tại ở Mỹ xê dịch từ 0,75-1USD/gallon (khoảng từ 20-26cents/lít), cao hơn hẳn so với trước đây 6 tháng. Một trong những nguyên nhân khiến Bộ Quốc phòng đòi tăng ngân sách thường niên cho tài khóa mới là do giá nhiên liệu tăng.

Bộ Quốc phòng đang đứng trước hai sự lựa chọn: duy trì mức tiêu thụ với số tiền phải chi nhiều hơn, đồng nghĩa với việc cắt giảm các mục tiêu trọng yếu khác; hoặc là giảm mức chi dùng dành cho các chương trình nghiên cứu vũ khí mới.

Dĩ nhiên Bộ Quốc phòng cũng tính tới cả phương án thứ ba: trình ra Quốc hội yêu cầu tăng ngân sách. Nhưng chắc chắn sẽ vấp phải sự phản kháng đòi rút quân khỏi Iraq. Xem ra phương cách cuối cùng này thật bất lợi. Giá cả nhiên liệu tăng chẳng phải là vấn đề mới mẻ gì.

Chỉ mới cách đây 2 năm, Bộ Năng lượng Mỹ dự báo rằng giá dầu có thể xê dịch quanh mức 30USD/thùng trong vòng 1/4 thế kỷ tới. Nghĩa là giá xăng sẽ vào khoảng 2USD/gallon (53cents/lít).

Nhưng rồi cơn bão Katrina ập tới, cuộc khủng hoảng với Iran, sự phản kháng ở Nigeria cũng như một loạt các vấn đề “gai góc” khác đã đẩy giá dầu lên, khiến mức dự báo cho tương lai là cỡ 50USD/thùng.

Nhưng giá dầu thô hiện tại đã là 75USD/thùng, các nhà phân tích dự đoán giá xăng sẽ ở mức 80-90USD/thùng (và có thể cao hơn) trong tương lai gần.

Với sự tăng giá này sẽ tác động tới toàn bộ xã hội, ảnh hưởng tới ngân sách từng gia đình nhưng lại chẳng làm giới lãnh đạo Lầu Năm Góc mấy bận tâm. Biết sẽ chẳng khó khăn gì khi “phết phẩy” một khoản bí mật nào đó “bù lỗ” cho giá xăng dầu.

Vấn đề sống còn là nguồn nhiên liệu sẽ đủ cung cấp đến bao giờ? Một vài chuyên gia cho rằng, sau chừng vài ba thập niên nữa nguồn dự trữ dầu mỏ trên hành tinh sẽ cạn kiệt, số khác lại chỉ ra cái mốc cụ thể là vào năm 2015. Lượng dầu dự trữ dưới lòng đất đang ngày càng giảm đáng kể, buộc lòng phải giới hạn định mức khai thác khiến giá dầu lại “nhảy cóc”.

Theo đề xuất của LMI, BQP Mỹ nên bắt tay vào nghiên cứu những phương tiện cơ động mới không “ngốn xăng như nước” nữa; hoặc tốt hơn hẳn là chấm dứt vai trò “sen đầm quốc tế”, chuyên tâm với nhiệm vụ phòng thủ quanh nội địa ắt lượng cầu khổng lồ về nhiên liệu thường niên sẽ giảm đáng kể

T.Q.Long (theo Business Week)
.
.