Lễ hội Ăn chay và hành xác ở Thái Lan

Thứ Sáu, 17/10/2014, 13:30

Đến với Lễ hội Ăn chay hàng năm được tổ chức từ ngày 10/10 ở tỉnh đảo Phuket của Thái Lan, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều "mah song" - đó là những người tự hành xác với nhiều vật nhọn hay bất cứ đồ vật nào được đâm xuyên da thịt một cách rùng rợn.

Mỗi ngôi chùa ở Phuket đều có nhiều "mah song" - họ là những người mộ đạo, tin tưởng thể xác mình là thuộc sở hữu của thánh thần! Theo niềm tin của người dân địa phương, vào mỗi năm thánh thần sẽ đến thăm "mah song" để ban phúc cho họ và đánh đuổi cái xấu ra khỏi cộng đồng.

Trong Lễ hội Ăn chay, các "mah song" có nhiều cách hành xác thật đau đớn và được tin là để diệt trừ những điều không may mắn cho người dân Phuket -  đâm vật nhọn xuyên má; rạch dao (hay rìu và kiếm) trên tay chân, ngực, bụng và lưỡi; bước đi trên than hồng.

Thitipong Saisutthikul, 26 tuổi, cho biết: "Tôi thường dùng cây xiên nhọn bằng thép hay kiếm để đâm thủng hai má. Nó không làm cho tôi đau đớn gì cả bởi vì tôi không nhận thức được khi điều này xảy ra".

Trong 51 tuần lễ trong năm, Thitipong là phó giám đốc một khách sạn trên tỉnh đảo Phuket. Còn tuần khác, Thitipong trở thành một trong hàng trăm "mah song" tham gia nghi lễ tự hành xác trong Lễ hội Ăn chay hay cũng được gọi là Tesagan Gin Jay và Jia Chai.

Theo Thitipong, lễ hội truyền thống sử dụng cây xiên nhọn hay kiếm để tiến hành nghi lễ hành xác nhưng ngày nay nhiều người bắt đầu dùng các đồ vật khác như là bánh xe, cành cây, súng hay thậm chí những bộ phận của chiếc xe đạp!

Nghi lễ diễn ra trên đường phố Phuket và những kiểu hành xác hiện đại.

Thitipong nhận định: "Tôi không đồng ý điều đó. Tôi nghĩ điều đó chỉ là phong cách thời thượng hơn là truyền thống. Có lẽ một số người muốn nổi tiếng với những thứ được dùng để hành xác". Một số chùa ở Phuket cũng cấm sử dụng những công cụ không truyền thống.

Khi tiến hành nghi lễ hành xác trong chùa, "mah song" có vẻ như rơi vào trạng thái xuất thần. Đầu tiên, những người tình nguyện sẽ xếp đặt chỗ ngồi cho "mah song", rửa sạch hai bên má người này bằng cồn và kế đến dùng cây thép nhọn đục lỗ trên mỗi má. Sau đó, "mah song" sẽ dùng công cụ riêng của mình để xiên thẳng vào những lỗ có sẵn trên má. Cuối cùng, các "mah song" sẽ đi diễu trên đường phố Phuket để nhận của bố thí và ban phúc lành cho các gia đình dân địa phương.

Khi quay trở lại chùa, một đội y tế có nhiệm vụ giúp rút hết những công cụ xiên ra khỏi hai má của "mah song". Thitipong nói: "Tôi không hề cảm thấy đau khổ vì những vết sẹo trên mặt hay cảm thấy đau đớn sau nghi lễ. Tôi cho rằng mình được thánh thần chọn và tôi tự hào làm tròn bổn phận để giúp đỡ mọi người".

Sikul Salee, 47 tuổi, là người sống gần trọn cuộc đời ở tỉnh đảo Phuket và hiện đang làm hướng dẫn viên du lịch. Bà Salee cũng là người chứng kiến Lễ hội Ăn chay tiến hóa từ một nghi lễ thuần túy ở địa phương thành một sự kiện văn hóa thu hút mạnh du khách quốc tế.

Salee kể: "Khi tôi còn trẻ, lễ hội rất đơn giản nhưng cũng rất thiêng liêng". Khi Phuket bắt đầu nổi tiếng là thiên đường du lịch của Thái Lan thì đó cũng là lúc Lễ hội Ăn chay được cả thế giới biết đến và từ đó nghi lễ dần thay đổi.

Salee giải thích: "Trước kia, không có những màn trình diễn phô trương giữa các mah song như bây giờ. Lúc đó, chỉ có dao hay kiếm nhưng bây giờ mah song bắt đầu sử dụng nhiều công cụ khác như dù, súng ngắn hay bánh xe". Salee nói rằng tiếng tăm của Lễ hội Ăn chay giúp mang về nhiều tiền cho tỉnh đảo Phuket nhưng nó cũng hủy hoại dần tính thiêng liêng của truyền thống cổ xưa.

Ngày nay, nhiều người quan tâm đến lễ hội hơn ngày xưa và nghi lễ hành xác cũng thay đổi theo. Và, các "mah song" hiện đại không còn vẻ xuất thần nữa mà mọi người có thể nhìn thấy mắt họ luôn hướng thẳng về ống kính camera! Hơn nữa, các "mah song" cũng trở nên cạnh tranh tài nghệ xiên da thịt với nhau thông qua những công cụ khác lạ và cũng từ đó tạo ra nhiều nguy cơ mất an toàn hơn.

Thực phẩm chay được chế biến trông giống… thịt động vật.

Đối với nhiều chủ doanh nghiệp Phuket, Lễ hội Ăn chay làm dịp may làm ăn kiếm lời và nhiều nhà hàng ăn chay mọc lên tạm thời để đón khách. Luksamme Noi-Onpo, nhân viên nhà hàng Rassame Santi Dhamma, kể: "Chúng tôi kiếm được khoảng 60.000 baht mỗi ngày trong suốt 9 ngày diễn ra lễ hội. Mục đích chính của lễ hội là ngăn cấm giết mổ và tiêu thụ thịt. Cách đây 30 năm, khi nhà hàng này mở cửa chỉ có một số ít người biết điều đó. Nhưng, bây giờ ngày càng có thêm nhiều người ăn chay vì lo ngại cho sức khỏe bản thân".

Bà Luksamme cho biết nhà hàng không đặt trọng tâm đến lợi nhuận và toàn bộ nhân viên - ngoại trừ những người phụ trách nấu ăn - đều là người tình nguyện. Mặc dù thực phẩm chay trông bắt mắt và ngon hơn trong những năm gầy đây, song phần đông các nhà hàng hiện nay chú trọng chế biến món ăn sao cho giống như thực phẩm mặn mà không hề quan tâm đến lợi ích của thực vật.

Điều đó cho thấy trong đầu mọi người vẫn chưa dứt khoát với việc tiêu thụ thịt động vật. Thậm chí, có nhiều nhà hàng còn sử dụng cả thịt để chế biến món ăn phục vụ du khách trong Lễ hội Ăn chay khiến cho sự kiện văn hóa mất đi ý nghĩa thiêng liêng

Duy Ân (tổng hợp)
.
.