Lego - Hãng sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới

Thứ Tư, 06/01/2010, 22:35
"LEGO hạ Hamlet 2/1!", đó là câu bông phèng đang thịnh hành giữa giới chuyên viên du lịch quốc tế am hiểu. Quả đúng vậy, ở Đan Mạch bây giờ: Lego - hãng chuyên sản xuất các kiểu đồ chơi xếp hình trẻ em - cũng nổi tiếng không kém gì nhân vật Hoàng tử Hamlet bất hủ trong bi kịch của Đại văn hào W.Shakespeare; hay Nàng tiên Cá kiều diễm trong truyện cổ Andersen.

Còn nếu nói về các tụ điểm du lịch trên khắp vương quốc, thì xếp sau khu công viên huyền thoại Tivoli ở thủ đô Copenhagen - chốn cuốn hút du khách đầu tiên khi đặt chân tới Đan Mạch, là thị trấn Legoland - dựng bằng 30 triệu viên gạch nhựa: trung bình hàng năm có hơn 800 nghìn lượt người đã đến đây, gấp đôi lượng du khách  viếng lâu đài Elsinore của cốt truyện Hamlet huyền hoặc.

Ta cùng ghé thăm Billund, ngôi làng nhỏ với vỏn vẹn 500 cư dân, tọa lạc giữa đồng bằng phì nhiêu của miền Jutland. Chính tại đây, vào năm 1932 Ole Kirk Christiansen, đang cố tìm lối thoát cho sự ách tắc kinh tế, bắt đầu sản xuất đồ chơi trẻ em bằng 3 ngàn krone đi vay ngân hàng. Khi đó, trong xưởng của ông có 6 công nhân.

Tới giờ Công ty đa quốc gia Lego có 4.200 nhân viên tại 125 nước, cùng những thành tích phi thường đạt được trong các kỳ hội chợ và triển lãm quốc tế thường niên. Chính ngay tại Trung tâm văn hóa Bobur huyền thoại - "kỳ quan thứ tám của thế giới" như những ai ngưỡng mộ vẫn gọi - giữa "kinh đô ánh sáng" Paris, đã khai trương Legoland Paris - nơi con trẻ khắp nơi có thể tha hồ đến vui chơi với đủ kiểu xếp hình tùy hứng.

Năm 1934, hai năm sau khi khai trương công xưởng mới, người phó mộc Ole đã ăn nên làm ra: xe ôtô bằng gỗ bán rất chạy trên thị trường châu Âu, còn rất nhiều kiểu chơi thịnh hành ở Đan Mạch hồi ấy chỉ do xưởng của ông sản xuất.

O.Christiansen liền nảy ra ý  tưởng, thưởng chai champagne đặc biệt do đích thân cố nội ông cất lấy, cho ai nghĩ ra được thương hiệu thích hợp cho xưởng làm đồ chơi này. Cuối cùng chính ông lại được thưởng: Lego - gọi ghép tắt hai từ trong tiếng Đan Mạch "Leg dogt", có nghĩa là "Chơi tốt". "Lego" theo tiếng Latinh còn có nghĩa là "ràng buộc".

Nhà xưởng bị cháy trong Thế chiến II và Ole Christiansen bắt buộc phải tạo dựng lại từ đầu. Qua năm 1947 là thời điểm khởi đầu cho "kỷ nguyên đồ nhựa" của hành tinh, khiến đa phần trong số 50 chi nhánh cơ sở của Lego chuyển sang những sản phẩm đồ chơi con trẻ bằng nhựa đầu tiên.

Tới năm 1949 thì xuất hiện những miếng xếp đầu tiên: có màu đỏ hoặc trắng, với 4 hay 8 lỗ gắn dễ liên kết với các miếng khác - tạo thành những hình theo ý thích. Đầu năm 1958, Godtfred Christiansen (con trai thay Ole) đứng trước một nhiệm vụ nặng nề: chinh phục thị trường và mở rộng thị phần.

Đầu tiên là Đan Mạch, kế đến là các quốc gia kề cận trong vùng bán đảo Scandinave, rồi tới Đức và... khắp châu Âu. Hai năm sau, người ta tính được rằng 87% số gia đình có trẻ em dưới 14 tuổi ở Thụy Sĩ có đồ chơi xếp hình Lego, còn tại Italia con số này là 55%. Tới đầu thập niên 60, Lego phát triển tới mức "không lường trước" được, với các chi nhánh rải khắp toàn cầu đã lên đến con số 450.

Các trò Lego ngoài những miếng nhựa ráp nối truyền thống, còn thêm các ô cửa, rãnh trục, bánh răng, cây cối... Nôm na là tất cả những hình khối thỏa mãn óc tưởng tượng của một đứa trẻ trong độ tuổi từ  5/12. Tại Italia, bộ ráp hình Lego đầu tiên được bán vào năm 1959. Hai năm sau đại diện chính thức cùng chi nhánh Lego được thành lập, trụ sở là một khu nhà đồ sộ ở Milan - thành phố lớn thứ hai của Italia.

Từ thập niên 70 trở lại đây, Lego tiếp tục đà "bành trướng và chinh phục toàn cầu". Kỷ lục hiện nay là tới 98% sản phẩm của hãng được tiêu thụ bên ngoài lãnh thổ Đan Mạch. Khách hàng thường xuyên của Lego là 155 triệu con trẻ trên khắp các châu lục, với tổng số thời gian chúng dành chơi trò xếp hình Lego là hơn 10 triệu tiếng đồng hồ mỗi năm.

Nhiều liên hợp xí nghiệp mới đã được khai trương ở Thụy Sĩ và Mỹ, cả ở Brazil và Ai Cập nữa... Tổ hợp đồ chơi Lego tại Mỹ bảo đảm gần 50% tổng sản phẩm xuất khẩu hàng năm của hãng. Lego cũng rất nổi tiếng ở cả Đông Âu: trụ sở chính của Lego tại Billund hàng ngày nhận được rất nhiều thư từ Ba Lan và Hungary (đất nước có tỉ lệ tiêu thụ sản phẩm Lego cao nhất thế giới).

Hãng bắt buộc phải có trong biên chế của phòng "Sáng kiến mới" một nhóm trẻ em, chơi với Lego và phát biểu ý kiến của chúng qua thư trả lời các bạn đồng niên trên toàn cầu.

Ban lãnh đạo của hãng hiện do Chield Christiansen (cháu nội của Ole Christiansen) đứng đầu, tỏ ra thận trọng khi nói về số lượng sản phẩm của mình: "Chúng tôi đang gặp phải vấn đề có tính cạnh tranh. Nếu công bố các con số của mình, sẽ làm tổn hại ngay vai trò vốn có của Lego". Nhưng người ta vẫn ước tính rằng, hàng năm đồ chơi Lego đã được bán với tổng trị giá tương đương 1,2 tỉ euro.

Một ưu điểm hàng đầu của đồ chơi Lego là chúng rất bền, không cong vỡ và có thể được giữ lại cho các thế hệ sau dùng tiếp. Tới thời "bùng nổ" trò chơi điện tử vào đầu thập niên 80, Lego lâm vào thế khủng hoảng... Nhưng "cơn sốt" nào rồi cũng qua đi, mọi sự trở lại như cũ và Lego lại đứng tiên phong - kết hợp cả cổ truyền lẫn tân kỳ.

Ngoài những hình xếp bằng plastic truyền thống, Lego cũng sản xuất các đồ chơi chạy pin như tàu con thoi, robot, xe cảnh sát và cứu hỏa với dòng điện một chiều 9 volt. Các trò Lego rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp. Đáng nói nhất là trò "siêu hành tinh" được phổ biến vào năm 1977, cấu thành bởi 1.176 miếng lắp khác nhau.

Khi bạn thăm các cơ sở thuộc Lego ở Billund, bạn sẽ có cảm tưởng như là mình đang lạc vào vương quốc của các truyện cổ tích, của câu chuyện thần thoại 1001 đêm... hiện hữu trên lãnh địa Legoland rộng 10ha

Quang Long (theo Europeo)
.
.