Lịch sử của tảng thiên thạch Willamette

Thứ Hai, 28/01/2008, 14:45
Mùa thu năm 1903, Hughes cùng với vợ và con trai, đã đào tảng đá (sau này được gọi là Willamette) có một phần chìm sâu dưới đất và chuyên chở nó về chỗ ở của mình. Để thực hiện điều đó, Hughes đã phải làm một con đường dài gần 1,5 km trong rừng và làm một mặt sàn bằng gỗ khổng lồ đặt trên các con lăn, được làm hoàn toàn bằng các khúc gỗ thông. Công việc di rời tảng đá chiếm mất 3 tháng trời.

Nhiều đối tượng đòi quyền sở hữu

Tháng 4/1906, tảng thiên thạch lớn nhất Willamette đã được đưa về Bảo tàng Tự nhiên học của Mỹ ở New York. 12 hai con ngựa kéo chiếc xe chở bằng gỗ khổng lồ, mà dưới sức nặng của tảng thiên thạch gần 16 tấn này các bánh xe của nó đã để lại những vạch sâu trên đường nhựa.

Tảng thiên thạch đã rơi xuống lãnh thổ Bắc Mỹ từ thời xa xưa và trong hàng trăm năm nó được những người da đỏ sống ở bang Oregon miền Tây Bắc nước Mỹ, coi là tảng đá thiêng.

Những người da đỏ còn gọi tảng đá này là Tomanovos - Khách nhà trời. Họ cho rằng thiên thạch bay từ mặt trăng đến và rằng nó đem đến cho bộ lạc của họ sức khỏe và sức mạnh.

Trong khu rừng rậm gần tảng đá người ta thường tiến hành nghi lễ dành cho các chiến binh, còn trước khi đi săn các mũi tên thường được tẩm thứ nước tích cóp từ những chỗ lõm trên bề mặt của tảng đá.

Vào đầu thế kỷ XX, ở những nơi này đã xuất hiện khu vực sinh sống của người châu Âu. Một người trong số họ - Ellis Hughes, đến từ Uels làm nghề tìm kiếm khoáng sản có ích, đã bắt gặp trong rừng tảng đá khổng lồ này và quyết định kiếm lời từ nó.

Mùa thu năm 1903, Hughes cùng với vợ và con trai, đã đào tảng đá có một phần chìm sâu dưới đất và chuyên chở nó về chỗ ở của mình. Để thực hiện điều đó, Hughes đã phải làm một con đường dài gần 1,5 km trong rừng và làm một mặt sàn bằng gỗ khổng lồ đặt trên các con lăn, được làm hoàn toàn bằng các khúc gỗ thông. Công việc di rời tảng đá chiếm mất 3 tháng trời.

Sau khi đưa được nó về lãnh địa của mình, Hughes bắt đầu thu của mỗi vị khách muốn chiêm ngưỡng tảng đá khổng lồ này 25 cent/ một lần (đó là món tiền không nhỏ lúc bấy giờ).

Nhưng hạnh phúc của Hughes kéo dài không lâu. Nhân viên hãng sắt và thép Oregon đã phát hiện ra con đường xuyên rừng, một đầu của nó (thuộc đất của hãng) có một hố sâu còn mới, đầu kia dẫn đến khu vực chứa tảng đá lớn của Hughes. Hãng đã đưa đơn kiện ra tòa.

Sau một thời gian phân xử kéo dài với sự có mặt của các lãnh tụ da đỏ, tòa đã phán xử việc di chuyển tảng đá là bất hợp pháp. Không đồng ý với quyết định như thế, Hughes đã kháng cáo, còn hãng sắt thép đã cắt cử nhân viên có vũ trang canh gác thiên thạch suốt ngày đêm.

Trong khi Tòa án tối cao bang Oregon vẫn đang xem xét vụ án thì xuất hiện thêm một người muốn sở hữu thiên thạch- hàng xóm của Hughes. Ông này tuyên bố rằng thiên thạch trước đó đã rơi xuống phần đất của ông ta.

Để chứng minh, ông này đã chỉ cho mọi người thấy một cái hố lớn và nói rằng đó là dấu vết thiên thạch rơi để lại.

Tuy nhiên, sau đấy mới vỡ lẽ rằng trước đó một tuần chính ông hàng xóm của Hughes đã tiến hành một vụ nổ trên đất của mình để tạo ra cái hố này. Cuối cùng, vào giữa năm 1905 Tòa án tối cao của bang đã xác định tính đúng đắn của quyết định ban đầu.

Sau khi thắng kiện, hãng sắt và thép đã di dời thiên thạch về Portland và tổ chức triển lãm ở đó. Người ta gọi thiên thạch là Willamette theo tên của con sông mà nó được tìm thấy trong thung lũng của sông này.

Một thời gian sau, tảng đá được bán với giá 20.600 USD (tương đương nửa triệu USD hiện nay) cho vợ góa của một nhà công nghiệp khai khoáng từ New York - bà Doj. Người phụ nữ này đã tặng nó cho Bảo tàng Tự nhiên học của Mỹ.

Bởi thế, mùa xuân năm 1906, tảng thiên thạch đã phải trải qua hành trình từ miền duyên hải Thái Bình Dương của Mỹ sang miền duyên hải Đại Tây Dương.

Tảng thiên thạch lớn nhất ở Mỹ và lớn thứ 6 trên thế giới này đã nằm ở New York hơn một thế kỷ, tuy nhiên niềm đam mê xung quanh nó vẫn chưa lắng xuống. Willamette đã nhiều lần trở thành đối tượng xét xử của tòa án.

Những người da đỏ bang Oregon, mà tổ tiên họ đã sống tại nơi thiên thạch đã rơi xuống, đòi trả lại vật thánh của họ về chỗ cũ. Vụ kiện tụng với bảo tàng kéo dài một số năm, cho tới năm 2000 hai bên đi đến thỏa thuận về việc thiên thạch vẫn nằm lại New York, nhưng người da đỏ có thể tiến hành các nghi lễ truyền thống của mình ngay tại bảo tàng.

Không bao lâu sau đó, những học sinh trung học bang Oregon dấy lên phong trào đòi trả thiên thạch về "mảnh đất quê hương" của nó. Thậm chí các em đã đạt được sự ủng hộ trong Thượng viện, nhưng rồi sau đó lại chìm vào tĩnh lặng.

Khi biết được lịch sử của Willamette, có thể chờ đợi rằng nó còn nhiều lần phải "trình diện" trước tòa nữa. Hiện tại có thể thấy Willamette tại nơi trưng bày của Bảo tàng Tự nhiên học Mỹ ở New York, cạnh công viên trung tâm.

Mỗi nước có quy định riêng về sở hữu thiên thạch

Luật pháp Anh, mà các thuộc địa cũ của Vương quốc Anh, bao gồm cả Mỹ và Canada, phải tuân thủ theo nó, cho rằng thiên thạch thuộc quyền sở hữu của người chủ mảnh đất mà nó được phát hiện trên đất đó. Người chủ sở hữu có quyền giữ vật tìm được này ở chỗ mình hoặc bán nó đi, song không được đưa nó ra khỏi biên giới.

Quy tắc tương tự cũng có hiệu lực ở phần lớn các nước Tây Âu. Nhưng ở Đan Mạch và Thụy Sĩ, thiên thạch được tuyên bố là sở hữu quốc gia và phải nộp cho bảo tàng. Bảo tàng có trách nhiệm trả tiền giá trị của vật theo thị trường.

Ở Ấn Độ, thiên thạch được coi là sở hữu của ngành địa chất quốc gia, nó cần được đưa đến đó mà không có sự bồi thường nào. Ở Nhật, người tìm được thiên thạch được coi là chủ sở hữu của nó. Luật pháp của nhiều nước phạt nặng đối với hành vi buôn lậu thiên thạch. Việc chuyên chở thiên thạch ra khỏi Algeri bị cấm.

Ở Nam Phi, việc buôn bán thiên thạch có thể phải ngồi tù thời hạn tới 200 ngày. Tình hình ở Brazicũng giống thế.

Ở Australia, nơi mọi thiên thạch được coi là thuộc về nhà nước, luật pháp còn nghiêm ngặt hơn. Việc cất giấu "đá nhà trời" tìm được (thậm chí không đưa ra nước ngoài) bị đe dọa ngồi tù đến 5 năm. Việc chuyên chở thiên thạch chỉ được phép trong trường hợp đưa chúng đến bảo tàng.

Tại Antarktida, nơi không có sở hữu quốc gia, nhưng giàu có đá nhà trời, cũng có "luật thiên thạch". Những nước tham gia vào việc nghiên cứu nó đã ký kết hiệp ước cho phép thu thập thiên thạch trên đại lục này tuyệt đối cho mục đích khoa học, không được phép bán chúng cho các nhà sưu tập tư nhân.

Việc sưu tập đá thiên thạch rất phát triển ở hàng loạt nước, chủ yếu là thu thập khoáng vật và nham thạch. Giá trị thị trường của các mảnh đá bay từ vũ trụ tới phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố. Giá tối thiểu 1 USD hoặc thậm chí chỉ vài cent cho 1gr đá.

Các loại đặc biệt hiếm, gồm thiên thạch từ mặt trăng hoặc sao hỏa, có thể có giá hơn 1.000 USD/gram.

Giá trị đích thực của các thiên thạch nằm ở tiềm năng khoa học của chúng là các nguồn thông tin về việc: cái gì đã xảy ra trong vũ trụ, trên thiên thạch có in dấu những giai đoạn sớm nhất của lịch sử hình thành vật chất của hệ mặt trời. Bởi thế ở nhiều nước, trong đó có nước Nga, thiên thạch thuộc danh sách những giá trị văn hóa bị cấm đưa ra nước ngoài nếu chưa được phép.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bí mật đưa thiên thạch ra ngoài biên giới để bán kiếm lời

Đoàn Thị Phương (theo Vòng quanh thế giới)
.
.