Lịch sử hình thành giải thưởng Pulitzer

Thứ Ba, 15/07/2008, 10:00
Cuối thế kỷ XIX, Joseph Pulitzer được xem như là biểu tượng của giới báo chí Mỹ. Ông kêu gọi đào tạo cho báo giới ở cấp bậc đại học. Ảnh hưởng của giải Pulitzer đối với báo chí, văn học, sân khấu kịch và âm nhạc xuất phát từ tấm lòng nhiệt thành với nghề báo, với con người, với xã hội và tầm nhìn xa trông rộng của ông.

Sinh tại Hungary, Pulitzer là một chủ bút, chủ báo danh tiếng, và có lòng nhiệt huyết cao nhất trong số những người chống nạn tham nhũng, hối lộ, giả dối trong Chính phủ Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Giải thưởng chính thức hình thành từ năm 1904, với 4 giải báo chí, 4 giải văn học và sân khấu kịch, 1 giải cho giáo dục và 4 học bổng báo chí. Đối với văn học, các giải thưởng được trao cho một tiểu thuyết của tác giả Mỹ, một kịch bản Mỹ sân khấu được trình diễn ở New York, một quyển sách về lịch sử nước Mỹ, một tiểu sử về nhân vật Mỹ và một tờ báo có quá trình phục vụ tốt công chúng.

Pulitzer hiểu rằng, hệ thống giải thưởng cũng cần được thay đổi cho phù hợp từng thời điểm ấy nên ông đã thành lập một ủy ban cố vấn và giám sát có nhiệm vụ - như trong chúc thư của ông “có khả năng suy xét khôn ngoan và thận trọng  để ngưng hoặc thay đổi một chủ đề, thay thế những cái khác - dĩ nhiên - theo cách đánh giá của họ. Nếu trong sự đánh giá của ủy ban, sự ngưng, thay đổi hoặc thay thế dẫn đến ích lợi cho công chúng”.

Pulitzer cũng trao quyền cho ủy ban được từ chối trao bất kỳ giải thưởng cho ai có tư cách đạo đức quá kém, không xứng đáng là người ưu tú trong xã hội và do đó không có sự cống hiến cho công chúng.

Các giải thưởng bắt đầu được trao từ năm 1917, ủy ban sau đó được đặt tên là Ủy ban Giải thưởng Pulitzer đã tăng số lượng giải lên 21 giải và đưa thêm vào thơ ca, âm nhạc, nhiếp ảnh... như những chủ đề chính. Toàn bộ đều triệt để trung thành với tinh thần di chúc của người sáng lập và ý nguyện của ông.

Giải thưởng Pulitzer được trao hàng năm. Nghi lễ trao giải được tiến hành bởi Hiệu trưởng Trường đại học Columbia dựa vào sự tiến cử của Ủy ban giải Pulitzer. Nghi thức này xuất phát từ di chúc của Pulitzer đã chỉ định Columbia quản lý tài sản của giải (nay thực ra ủy ban cố vấn với sự độc lập của mình quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến giải thưởng).

Trong chúc thư, Pulitzer hiến tặng cho Columbia số tiền 2 triệu USD để thành lập trường báo chí, một phần tư trong đó để phân phối cho các giải thưởng hoặc học bổng. Pulitzer đã phát biểu: “Tôi quan tâm sâu sắc đến sự phát triển và vươn lên của nghề báo, cái nghề mà tôi đã sống toàn bộ cuộc đời mình, vì việc đó là một nghề cao quý, đáng kính và tầm mức ảnh hưởng của nó phụ thuộc rất nhiều vào trí tuệ và đạo đức của nhân loại. Tôi ao ước góp phần vào việc thu hút giới trẻ có chí khí và năng lực vào cái nghề cao quý, đáng kính này, cũng như những người trong báo giới có được phẩm hạnh cao nhất và được đào tạo nghề nghiệp tốt nhất”.

Trên con đường dốc đứng để đi đến đỉnh cao của nghề báo, Pulitzer hầu như không nhận được sự giúp đỡ nào. Chính vì vậy, ông tự hào là người tự lập. Nhưng có lẽ sự vật lộn, đấu tranh gian nan của ông vào cái thời là nhà báo trẻ đã thấm đẫm trong ông niềm khao khát tạo nhiều thuận lợi cho sự đào tạo nghề báo chí

Nguyễn Tấn Tuấn (tổng thợp)
.
.