Lịch sử việc bầu chọn di sản văn hóa thế giới của Unesco

Thứ Ba, 24/07/2007, 17:00
Năm nay Cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc (LHQ) họp tại New Zealand để bàn luận về những địa điểm sẽ được đưa thêm vào danh sách di sản văn hóa thế giới những công trình tự nhiên hay nhân tạo giá trị nhất.

Lần này có khoảng 45 công trình cạnh tranh vào danh sách này. Ủy ban cũng quyết định những công trình đang gặp nguy cơ bị hủy hoại do chiến tranh, du lịch, phát triển không kiểm soát hay bị bỏ mặc - ví dụ tháp London, quần đảo Galapagos, Dresden ở Đức và thành cổ Machu Pocchu ở Peru. Ủy ban cũng lấy ý kiến thảo luận về điểm khai quật khảo cổ gần Thánh đường Al Aqsa ở Jerusalem.

Sue William, người phát  ngôn của UNESCO, nói: "Mỗi địa điểm sẽ được đoàn chuyên gia của UNESCO đến quan sát và đánh giá chương trình bảo quản của nhà nước đó đưa ra”. 

Hiện có 830 công trình trong danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO - từ Afghanistan đến Zimbabwe. Từ năm 1972, danh sách thường xuyên được bổ sung hàng năm, nhưng quyết định bổ sung cho danh sách những công trình đang gặp nguy hiểm còn quan trọng hơn.

Năm 2006 Dresden được đưa vào danh sách này, song nó đang có nguy cơ bị mất danh hiệu di sản thế giới nếu thành phố xây dựng cây cầu hiện đại. Quần đảo Galapagos và thành cổ Machu Pocchu của người Inca cũng đang gặp nguy hiểm do sự phát triển du lịch không kiểm soát. Tháp London cũng đang bị đe dọa mất danh hiệu di sản thế giới vì dự án xây dựng tháp chọc trời cao 310 mét cạnh nó.

Năm nay, Nhà hát opera Sydney (xây dựng năm 1973) của Australia và Phức hợp Red Fort của Ấn Độ (hoàn thành năm 1648) được đưa vào danh sách những báu vật văn hóa giá trị nhất thế giới.

Nhà hát Opera Sydney của Australia.

Ngoài ra, danh sách còn được bổ sung mỏ bạc Iwami (từ thế kỷ XVI) ở đảo Honshu của Nhật Bản, pháo đài cổ Nisa của Turkmenistan (bao bọc hai thành cổ), thành phố thánh Samara của Iraq.

Các địa điểm khác được thêm vào danh sách di sản thế giới là phong cảnh Lope-Okanda của Gabon, vùng sa mạc Richtersveld của Nam Phi, Twyfelfontein của Namibia và 1.800 nhà tháp gia cố ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Ủy ban Đánh giá di sản văn hóa thế giới (WHC) của UNESCO được LHQ chính thức thành lập năm 1972 là kết quả của Hiệp định Bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa thế giới.

Ủy ban họp mỗi năm một lần để bầu chọn ra những kỳ quan nhân tạo hay tự nhiên cần được bảo quản và quyết định đưa những công trình nào vào danh sách di sản gặp nguy hiểm để có thể nhận được tài trợ của quốc tế.

Trong quãng thời gian 35 năm kể từ khi danh sách di sản được thành lập, 830 địa điểm đã có mặt trong danh sách - bao gồm Tượng đài Nữ thần Tự do, Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc và Công viên Quốc gia Kenya ở châu Phi.

Ý tưởng sáng lập Danh sách Di sản thế giới hình thành vào cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, khi khu đền cổ Abu Simbel ở Ai Cập bị đe dọa hủy diệt bởi một con đập nhỏ. Thất vọng trước sự thiếu trách nhiệm bảo tồn di tích cổ của Chính phủ Ai Cập, Tổ chức văn hóa - khoa học - giáo dục UNESCO đã phát động chiến dịch toàn cầu nhằm cứu khu đền cổ này với dự án đưa di tích lên vùng đất cao hơn.

Ngày nay, bản danh sách của UNESCO có thể coi như là giải Oscar về môi trường và bất cứ quốc gia nào cũng có thể tham gia vào danh sách đề cử nhận tài trợ bảo vệ di tích. Các quốc gia ứng viên được đánh giá độc lập bởi 2 tổ chức - Ủy ban Bảo tồn thế giới và Ủy ban Quốc tế về các địa điểm và tượng đài - mà sau này được sáp nhập thành Ủy ban Di sản thế giới.

Sau khi một di tích được vào danh sách, nó không chỉ được giới truyền thông đại chúng quan tâm đến mà còn thu hút được nhiều du khách tham quan (một mối lợi về kinh tế) và nhận được tài trợ bảo tồn của quốc tế.

Năm 2001, cả thế giới bàng hoàng khi quân Taliban phá hủy tượng Phật cao hơn 40 mét có từ thế kỷ XVI khắc trên vách núi trong thung lũng Bamiyan ở Afghanistan.

Sau khi tượng Phật được đưa vào danh sách của UNESCO, di tích này nhận được hơn 4 triệu USD giúp đỡ phục hồi kiến trúc. Cũng chính vì số tiền tài trợ này mà các quốc gia gặp phải nhiều áp lực để có mặt trong danh sách

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.