Liên hoan phim lần thứ 18: Hiu hắt, buồn...

Thứ Năm, 24/10/2013, 04:10

Như kỳ hẹn, cứ hai năm Liên hoan phim (LHP) lại được tổ chức một lần. Năm nay, LHP lần thứ 18 diễn ra ở Quảng Ninh từ ngày 14 đến 16/10 đã khép lại nhưng mang một dư âm buồn. Nhiều người cho rằng mặc dù LHP được tổ chức ở một thành phố có cảnh quan khá đẹp nhưng nó lại tẻ nhạt, nhàm chán, ủ ê. LHP chán đến độ mặc dù diễn ra trong hai ngày ngắn ngủi nhưng nhiều người sau khi tham dự tối khai mạc xong thì lên xe dong thẳng một mạch về nhà và chả buồn ngó ngàng tới nữa.

Thật khôi hài và kỳ lạ hơn khi phóng viên điện thoại hỏi cả chục đạo diễn nức tiếng của điện ảnh Việt Nam, những đạo diễn đang có những dự án phim truyền hình dài hơi, tấp nập những bộ phim nhựa, những đạo diễn góp phần thúc đẩy cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam từ cả hai miền Nam Bắc đều nhận được câu trả lời: "LHP hả? Có xem đâu. Có để ý gì đâu”. Thậm chí một đạo diễn tên tuổi còn nói: “LHP hả? Tôi không dự, không xem phim nào. Có cái gì hay ho hơn không?!”.

"Liên hoan phim hả? Tôi không dự, không xem phim nào. Có cái gì hay ho hơn không?" đấy là câu trả lời của đạo diễn Phi Tiến Sơn, người đầu tiên của buổi tối tôi gọi trong danh sách dài dằng dặc các đạo diễn để hỏi cảm nhận về một kỳ  LHP được coi là giải thưởng uy tín của Hội Điện ảnh Việt Nam. Trước đấy, đạo diễn Vương Đức một đạo diễn “có sừng có vẩy” của điện ảnh Việt Nam đương thời, lịch phỏng vấn cũng hẹn tới hẹn lui và cuối cùng là im lặng một cách khó hiểu. Trong kỳ LHP lần thứ 18, đạo diễn này cũng không trả lời hay nêu bất kỳ một ý kiến cá nhân trên phương tiện truyền thông.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn hai hôm trước vẫn còn băng băng, hoạt bát trong kỳ LHP đến hôm bế mạc, sáng hôm sau, qua điện thoại giọng ông đã thều thào, yếu ớt, không chút sinh khí: "Anh vừa bị ngã, ốm lắm, không ngồi dậy được đâu. Chả trả lời gì được đâu".

Nhà văn Chu Lai, một thành viên Ban giám khảo phim truyện nhựa vốn là một người khẩu khí đầy mình, văn vẻ rổn rảng, ông giấu nhẹm mình đi, cười trừ nói: "Quy định của BTC là các thành viên trong BGK không được trả lời phỏng vấn báo chí, nên không thể trả lời gì hết. Vả lại bây giờ mà nói thì đưa ra nhiều luồng ý kiến dư luận trái chiều không hay…". Nhà văn cũng cho biết ông chỉ tới dự tối khai mạc LHP thôi vì nhà văn lại phải về nhà để chăm ông bố là nhà viết kịch Học Phi vì cụ đã ngoài trăm tuổi, mấy ngày nay yếu mệt.

Từ trái qua, trên xuống: Đạo diễn Trọng Trinh, Đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang, Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Nhà sản xuất phim Phước Sang, Đạo diễn bùi Thạc Chuyên.

Trong đêm khai mạc của LHP có NSND Lan Hương cùng với NSND Trà Giang được mời lên sân khấu giao lưu cùng khán giả. Gọi điện cho “em bé Hà Nội”, chị bảo: "LHP lần này tổ chức khi nền điện ảnh Việt Nam vừa mất đi hai đạo diễn lớn. Đầu năm là NSND Hải Ninh và NSND Bạch Diệp. Chị đang có dự án phim ở trong Nam nhưng thấy bên truyền hình điện thoại bảo sẽ có tưởng nhớ về các bác, chị sẽ nói cảm xúc về các bác nên mình đang ở Sài Gòn bay ra ngay. Nhưng ra đến nơi thì thất vọng quá”.

Khá bức xúc, NSND Lan Hương cho biết: Lẽ ra LHP là nơi để tôn vinh những đạo diễn, diễn viên tên tuổi đã có sự nghiệp đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà thì đằng này các nghệ sĩ lớn, danh giá chả mấy ai ngó ngàng gì đến. Trên thảm đỏ, thì các ống kính quay lia lịa, chụp gần, chụp xa mấy em váy áo trễ nải, hở nọ, hở kia, õng ẹo làm dáng. Từ những cái này cũng thấy cái nhìn lệch lạc, không rõ tiêu chí… Chị kể, không khí và quang cảnh chán và đìu hiu thế nên sau tối khai mạc chị cũng về luôn chả để ý đến LHP nữa.

Đạo diễn Trọng Trinh, trước đây là một diễn viên solist của truyền hình Việt Nam, ở thế hệ của anh có Trần Lực, Quốc Trọng, sau này các diễn viên cũng rẽ bước sang ngang có bằng đạo diễn và làm đạo diễn phim truyền hình. Trọng Trinh bảo anh chỉ dự mỗi tối hôm khai mạc xong rồi về Hà Nội luôn. Anh tâm sự: "Nói rất thật là chưa xem phim nào trong kỳ LHP này, thế nên có biết như thế nào đâu mà đánh giá". Trọng Trinh bảo lần sau sẽ nói nhiều chuyện về điện ảnh nhé, điện ảnh không chỉ nằm trong cái LHP này.

Điện thoại cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người đã có nhiều phim tham dự ở các kỳ LHP trước. Năm qua phim truyện nhựa của anh cũng đã chiếu ở các rạp như: "Lời nguyền huyết ngải". Nhưng lần này anh tuyệt nhiên không có phim nào tham dự liên hoan. Có nhiều tiếng xì xèo quanh chuyện một số đạo diễn không mang phim của mình đi dự LHP vì muốn bỏ qua giải thưởng trong nước để đến với giải thưởng nước ngoài (Ở một số LHP quốc tế có yêu cầu phim tham dự trước đấy phải chưa qua một lần thi nào). Hoặc giả nếu mang phim của mình đi dự Liên hoan mà không được giải gì thì rất ê mặt. Nên thà không có thì hơn.

 Đạo diễn của  phim "Sống trong nỗi sợ hãi" giãy nảy bảo anh đang đi làm phim nên có xem phim gì của LHP lần này đâu. Gọi điện cho đạo diễn Thanh Vân, chồng của đạo diễn Nhuệ Giang. Anh tươi tắn bảo: "Anh đang ở Mai Châu làm phim rồi, anh đi từ hồi giữa tháng 9 lên đây. LHP vừa qua anh cũng không có tiếp cận nên chẳng biết gì". Phóng viên hỏi: "Thế còn chị Nhuệ Giang thì sao ạ?", đạo diễn Thanh Vân cười: "Chị Nhuệ Giang đang tất bật ở Sài Gòn làm phim rồi. Cả hai vợ chồng anh đều không tiếp cận với LHP lần này đâu".--PageBreak--

Sau một hồi gọi điện cho các đạo diễn cứng cựa đều nhận được câu trả lời tương tự. "Không xem, không biết gì hết". Phóng viên vừa thấy nản, ngán ngẩm quay sang điện thoại cho một đạo diễn thuộc dòng phim thị trường giải trí, anh vốn là người vui tính, tếu táo - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Đúng như suy nghĩ của tôi, anh cười hì hì bảo là đợt vừa rồi, anh bận làm giám khảo này nọ, chẳng có thời gian đâu mà để ý đến LHP.

Tôi nói: "Ủa sao việc của ngành anh mà anh chẳng quan tâm gì cả thế. Mà cũng lạ nhỉ, không chỉ riêng anh và cả chục đạo diễn khác cũng chả để ý gì là sao? Hai năm LHP mới có một lần, chí ít ra cũng phải xem ngành mình, nghề mình, đồng nghiệp mình hoạt động ra sao chứ?". Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại cười bảo: "LHP này chỉ có báo chí quan tâm thôi chứ ai quan tâm đâu. Bởi vì nó có diễn ra hay không thì có ảnh hưởng đến ai đâu".

Ôi trời! thế này thì cũng xin chào thua. Nhiều năm trước, không ít lần tôi đã nghe nhiều người phàn nàn về cái sự hiu hắt, buồn tẻ của LHP Việt Nam. Nó đàm đạm, chả ra hay cũng chả ra dở. Và thực trạng cho đến hôm nay thì càng ngày càng đi xuống. Gọi điện cho nhà văn Ngô Thảo, đại diện Công ty BHD, công ty sản xuất phim tư nhân có phim tham dự ở LHP lần trước là "Cánh đồng bất tận" và lần này có "Lửa Phật" của đạo diễn Việt kiều Dustin Nguyễn. Nhà văn Ngô Thảo thông báo, báo chí trong nước cứ "đánh thật lực" phim “Lửa Phật” nhé, phê phán đủ thứ trên đời thế mà bộ phim đã được 20 nước mua rồi nhé. Những ngày LHP Việt Nam diễn ra thì đạo diễn Dustin Nguyễn đang sang Australia để quảng bá phim.

Còn nhà sản xuất phim Hãng phim tư nhân Phước Sang, có vẻ như đang bức xúc và muốn nói. Lần này anh cũng có phim tham dự LHP. Và anh dường như không né tránh:

Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại” đoạt giải Bông sen vàng tại LHP 18.

"Đây là một LHP buồn. Cách tổ chức làm cho không khí LHP buồn. Tôi không quan niệm phim tư nhân hay phim Nhà nước. Quan trọng là chất lượng phim và tiêu chí của BGK như thế nào để tôn vinh những bộ phim hướng đến công chúng và hướng đến những người làm nghề phát triển nghề nghiệp của mình. Thứ hai là qua LHP tạo nên một cơ hội là anh em điện ảnh xích lại gần nhau, đoàn kết với nhau để giữ vững nền điện ảnh như tiêu chí của LHP  đậm đà, nhân văn và hội nhập, sáng tạo. Muốn được như thế anh em điện ảnh phải đoàn kết lại với nhau, phải làm chủ trên sân nhà, còn hiện nay là rời rạc quá, mạnh ai nấy đá. Vấn đề ở đây là sự hội nhập, tập hợp.

LHP Việt Nam lần thứ 18 diễn ra ở TP Quảng Ninh từ ngày 14 đến 16/10 có sự tham gia của 44 cơ sở điện ảnh trong cả nước với 139 phim. Trong 23 phim truyện nhựa, 6 phim video, 10 phim tài liệu nhựa, 62 phim tài liệu video, 12 phim khoa học, 26 phim hoạt hình. Trong số 23 phim truyện nhựa tham dự, điện ảnh tư nhân áp đảo, chỉ có 4 phim từ hãng ngân sách nhà nước: “Cát nóng”, “Đam mê”, “Lạc lối”, “Những người viết huyền thoại”.

Thực trạng đáng buồn là những buổi chiếu phim miễn phí ở đây rất vắng khán giả. Học sinh tiểu học được huy động đi xem nhưng các em cũng cảm thấy chán và chỉ muốn bỏ về. Trong LHP lần này có Hội thảo về hợp tác sản xuất và phát hành phim, thiếu vắng công chúng và ngay cả những người làm nghề, lèo tèo ít ỏi người đến dự.

Đáng nhẽ LHP phải tập hợp được đông đảo đội ngũ anh em xúm lại với nhau. Hiện nay tôi thấy chỉ một số người hăng hái tham gia, còn một số người thì không quan tâm đến LHP. Tạo ra một cái nhìn không thiện cảm với LHP. Một LHP anh em điện ảnh phải hồ hởi tham gia, còn hiện nay thì diễn viên lèo tèo đi ra thảm đỏ không ra gì hết. Vắng hẳn những ngôi sao danh giá của điện ảnh Việt Nam. Nói đến điện ảnh là phải nói đến ngôi sao showbiz, mà qua LHP này những tên tuổi showbiz đang làm mưa làm gió của điện ảnh Việt Nam mất hết, không có ai tham dự, làm cho LHP đìu hiu.

Lẽ ra nói đến LHP ai được đi dự cũng phải thèm thuồng. Nói đi tham dự LHP mà người này kẹt, người kia bận. Như diễn viên Hollywood ai mà đến được LHP Cannnes  là họ mừng. Phải làm sao xây dựng LHP người ta được mời đến mà như mơ ước, được bước trên thảm đỏ, đó là niềm vinh hạnh chứ không phải khi bước trên thảm đỏ lại bĩu môi.

Ngược lại mình cũng trách những người làm nghề, anh vì cái tôi của anh, anh không tham dự cái chung. Nhưng vì cái chung không tạo được thu hút làm sao người ta đi. Mỗi người phải dẹp bỏ cái tôi của mình để đến vì cuộc vui chung. Vấn đề LHP sức hút không có, đời sống thật không có. Chiếu phim ở rạp miễn phí mà có thấy khán giả đi xem phim đâu. Ở mỗi buổi chiếu phim, BTC cứ phát giấy mời cho mấy em học sinh lớp 4, lớp 5. Tội nghiệp các em.  Đời sống thật của phim không có thì làm sao đòi hỏi LHP thành công.

Chủ trương đem LHP về các thành phố mới, chỗ xa xôi thì nên có một chính sách khác, không nên để LHP này thành phong trào phim, những thành phố đang dần phát triển thì bị hụt hơi.  LHP nên tổ chức ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang... Những thành phố lớn có sức sống điện ảnh thực thụ. LHP bản thân nó chưa đứng được thì còn đi vận động ai, tuyên truyền cho ai?!"

Trần Mỹ Hiền
.
.