Liên tục động đất và nỗi lo “túi nước” thủy điện Sông Tranh 2

Thứ Sáu, 28/09/2012, 16:20

Ngày 17/9, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, lại liên tiếp xảy ra 2 trận động đất. Đầu tiên, lúc 0 giờ 37 phút một trận động đất với cường độ nhẹ; đến 5 giờ sáng thì tiếp tục xảy ra trận động đất thứ hai kéo dài trong khoảng 5 giây, cường độ rung lắc ngang bằng trận động đất xảy ra ngày 3 và 6/9 vừa qua (4,2 độ richter) làm rung chuyển cả thị trấn Trà My và các xã lân cận như: Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân… Như vậy, kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đến nay, đã xảy ra trên 53 trận động đất lớn, nhỏ.

Đặc biệt, từ đầu tháng 9 đến nay, động đất xuất hiện có cường độ ngày càng lớn. Điều đó không chỉ làm người dân các huyện Nam và Bắc Trà My phải sống trong thấp thỏm lo âu, mà ngay cả lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, cùng hàng chục ngàn hộ dân ở vùng hạ du cũng không an tâm, vì cho tới thời điểm này các nhà khoa học vẫn chưa thể đảm bảo được "túi nước" thủy điện Sông Tranh 2, có an toàn hay không khi có động đất ở cường độ cực lớn xảy ra…

Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, bày tỏ: Mặc dù các đoàn khoa học liên tục về kiểm tra, nghiên cứu việc động đất xảy ra trên địa bàn, nhất là khu vực thủy điện Sông Tranh 2; nhưng hiện tại vẫn chưa có văn bản nào kết luận về nguyên nhân động đất một cách cụ thể, các trận dư chấn liên tiếp và cường độ ngày càng tăng lên, nhất là từ đầu tháng 9/2012 trở lại đây, khiến người dân các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My phải mất ăn, mất ngủ, sống trong thấp thỏm lo sợ. Vì, không biết đập chính thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra sự cố rò rỉ, có chịu đựng nổi với những trận động đất có cường độ mạnh hơn hay không? Hàng nghìn người dân sinh sống dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2 làm sao có thể yên tâm với những trận động đất liên tục, khi trên đầu đang treo lơ lửng "túi nước"?...

Đập thủy điện Sông Tranh 2 từng xảy ra sự cố rò rỉ nước.

Còn nhớ, chiều ngày 12/9, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu (Bộ Khoa học và Công nghệ) để nghe báo cáo kết quả bước đầu khảo sát về động đất tại huyện Bắc Trà My, ông Lương Thế Biểu - Phó trưởng Ban quản lý Xây dựng  thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã cho rằng động đất ở khu vực Bắc Trà My không ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của thủy điện Sông Tranh 2, đồng thời tỏ ý phê bình lãnh đạo địa phương đã không tin điều đó thì làm sao người dân tin.

Ngay lập tức, ông Trần Xuân Thọ - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam đã phản bác: "Tin vào khoa học, chúng tôi phải tin, rất tin, người dân cũng tin. Nhưng đối với nhân dân, trăm nghe không bằng một thấy. Cái đập quy mô như thế mà thấm nước ào ào làm sao dân tin? Chất lượng như thế có kém hay không kém? Rồi còn che giấu, cấm cửa báo chí, ngay cả Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng không cho vào thân đập thì bảo làm sao tin? Rồi động đất tần suất ngày càng dày, cường độ càng mạnh mà không nghiên cứu, giải thích thỏa đáng thì làm sao dân tin? Ngay cả tôi cũng không tin...".

Tiếp theo đó, ông Thọ hỏi ngược lại: "Các nhà khoa học ngồi ở đây và đại diện EVN có khẳng định là sau khi tích nước, đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn 100% không?". Trước câu hỏi thẳng thắn đó, ông Lương Thế Biểu đã… ậm ờ: "Không thể khẳng định đập Sông Tranh 2 tuyệt đối an toàn trước mọi tình huống. Nhưng có thể khẳng định đến nay, đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn". Câu trả lời "nước đôi" của ông Biểu đã làm cho tất thảy đại biểu dự buổi họp bật cười. Và, có lẽ không cần phải nói thêm điều gì nữa, vì mọi người thừa hiểu được "cái sự an toàn" của thủy điện Sông Tranh 2 sẽ như thế nào, một khi có động đất cường độ mạnh xảy ra…

Các nhà khoa học nghiên cứu động đất tại khu vực Bắc Trà My.

Sông Tranh chảy qua 2 huyện Nam và Bắc Trà My chính là thượng nguồn sông Thu Bồn - con sông có diện tích lưu vực rộng nhất Việt Nam (10,350km2), khởi nguồn  từ đỉnh núi Ngọc Linh cao vút quanh năm mây mù bao phủ. Từ huyện Bắc Trà My, dòng sông uốn khúc quanh co qua các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, bồi đắp phù sa màu mỡ cho các vùng đồng bằng Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, phố cổ Hội An, rồi mới đổ ra biển Cửa Đại. Đã nhiều năm qua, thực tế cho thấy trong những mùa mưa bão, lũ lụt, dòng sông Thu Bồn cuồng nộ với bao trận lũ lịch sử, cuốn phăng nhiều nhân mạng và tài sản của người dân ra biển cả.

Bình thường lũ lụt của dòng sông Thu Bồn đã gây bao tang thương bi thảm, vậy làm sao lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, cùng hàng ngàn người dân ở vùng hạ lưu, có thể yên tâm với "túi nước" thủy điện Sông Tranh 2, chặn ngang dòng sông Tranh tại địa phận ranh giới 2 huyện Nam và Bắc Trà My. Trong khi con đập này đã từng xảy ra sự cố rò rỉ nước? Người Quảng Nam tự hào về 2 Di sản văn hóa thế giới nằm bên dòng sông Thu Bồn, đó là khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Số phận của những di sản văn hóa thế giới này sẽ ra sao một khi xảy ra thảm họa vỡ đập thủy điện?...

Công nhân trám các vết nứt trong đường hầm đập thủy điện Sông Tranh 2.

Các nhà nghiên cứu cho rằng khu vực 2 huyện Nam và Bắc Trà My là vùng có động đất, từ năm 1715 đã có động đất 4,7 độ richter; đến những năm 1719, 1957, 1981 xuất hiện những trận động đất cường độ 4,8 độ richter. Vì thế, khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới đập vỡ, làm giảm độ bền các đới đất đá trong đất. Khi đứt gãy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền của đới đất đá trong đới đứt gãy dẫn tới dịch trượt làm phát sinh động đất... Từ lập luận như thế, một số nhà khoa học khuyến cáo, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn và động đất ở khu vực các huyện Nam và Bắc Trà My khó thể đạt đến ngưỡng 5,5 độ richter. 

Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xác định: Nguyên nhân động đất là do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Trong khi, thủy điện Sông Tranh 2 lại có vấn đề về chất lượng. Vì vậy, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam không khỏi hoang mang, lo lắng. UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị sớm lắp đặt hệ thống quan trắc, nghiên cứu kỹ các tác động báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tích nước; phải khẳng định, thủy điện Sông Tranh 2 tuyệt đối an toàn mới cho tích nước, nếu còn 1% không an toàn cũng không nên vội vàng.

Một trường học tại huyện Bắc Trà My bị nứt tường do động đất.

Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cũng kiên quyết yêu cầu phải nghiên cứu kỹ và đánh giá thận trọng về nguy cơ xảy ra nếu tích nước thủy điện Sông Tranh 2. Kiến nghị lên Trung ương, phải hết sức tỉnh táo khi quyết định cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. "Vì sự an nguy tính mạng 1,5 triệu dân Quảng Nam thì việc tích nước thủy điện Sông Tranh 2 không được vội vàng. Nếu xảy ra động đất kèm vỡ đập thì hậu quả khôn lường, không thể sửa sai…".   

Quan tâm đến sự việc, ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng đưa ra ý kiến: "Động đất liên tục trong thời gian qua tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 chứng tỏ nơi đây có vấn đề. Nếu Hội đồng nghiệm thu Nhà nước vẫn khẳng định đập đã an toàn rồi thì nên cho người dân biết mức độ an toàn đó là bao nhiêu năm để chính quyền, người dân có sự chuẩn bị. Ngoài ra, còn có một loạt câu hỏi đặt ra cho các cơ quan có trách nhiệm giải thích rõ bằng luận cứ khoa học để người dân an tâm hơn. Vì sao, các nhà khoa học nói là do động đất kích thích và sẽ giảm dần, nhưng thực tế cho thấy, động đất ngày một tăng lên và mạnh lên? Ai dám chắc động đất sẽ không mạnh lên trong thời gian tới và ảnh hưởng đến đập như thế nào?...".

Mới đây, trở lại thị sát thủy điện Sông Tranh 2, thăm hỏi các gia đình có nhà bị ảnh hưởng do động đất gây ra, ông Trần Xuân Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho biết: Sau khi kiểm tra trong thân đập, nhận thấy việc xử lý rò rỉ mới chỉ là thu gom nước chảy về một mối cho dễ nhìn. Con số công bố nước thấm còn 2,59 lít/giây chưa thể hiện được gì cả, vì mực nước ở lòng hồ hiện đang rất thấp; vì thế lượng nước thấm đương nhiên sẽ rất ít. Đến khi nước tích dâng lên cao, áp lực lớn, nước thấm nhiều, rất có thể nước sẽ chảy mạnh trở lại. Nếu không xử lý thỏa đáng, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam sẽ đưa vấn đề này ra trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới. Còn việc cho phép thủy điện tích nước hay không cần phải hết sức thận trọng, nếu không dễ xảy ra thảm họa lớn…

Trở lại trận động đất mới xảy ra vào sáng ngày 17/9, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Viện Vật lý địa cầu, xác định có cường độ 2,7 độ richter. Nhưng, vì tâm chấn ở vị trí gần mặt đất nên người dân có cảm nhận tiếng nổ và độ rung lắc như trận động đất 4,2 độ richter đã từng xảy ra. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương: Hiện tại, do hệ thống quan trắc động đất lắp đặt tại huyện Bắc Trà My vẫn còn… trên giấy, nên đã gây khó khăn lớn cho các nhà khoa học để nghiên cứu về kết quả động đất, khuyến cáo cho chính quyền và người dân địa phương có kế hoạch ứng phó phù hợp…

Tổ PV Miền Trung
.
.