Lò nấu nhôm gây ô nhiễm: Cơ quan chức năng nào sẽ “cứu khổ” cho dân?

Thứ Tư, 20/05/2009, 22:55
Liên tiếp trong một thời gian dài, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh của các hộ dân ở thôn Phan Bôi (Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên) về việc, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Anh Tường đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Các cơ quan chức năng trên địa bàn đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đến nắm tình hình.

Nhưng từ đó đến nay, tình trạng ô nhiễm mà công ty này gây ra hầu như vẫn chưa được cải thiện, Công ty Anh Tường vẫn tiếp tục hoạt động cho dù cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra một số kết luận về việc đơn vị này vi phạm Luật Bảo vệ môi trường...

Sản xuất chất thải nguy hại giữa khu dân cư

Sự việc bắt đầu được phát hiện vào tháng 9/2008, khi Cục Cảnh sát Môi trường, (C36), Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (PC36), Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra và xử phạt 5,5 triệu đồng khi bắt quả tang một xe ôtô tải của Công ty Anh Tường đang chở chất thải nguy hại sunfat - loại hóa chất gây độc hại đến sức khỏe con người.

Tiếp đó, ngày 19/1/2009, qua kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty Anh Tường, tổ công tác PC36, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện Công ty Anh Tường không có bản cam kết bảo vệ môi trường nên đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt 4,5 triệu đồng...

Về xã Dị Sử, chỉ nhìn mặt nước ao đặc sánh bụi của nhà bà Nguyễn Thị Huệ; cây cối bị phủ một màu xám xịt trong vườn nhà ông Lê Văn Triệu v.v... đã phần nào hình dung được ảnh hưởng do môi trường ô nhiễm tới cuộc sống của những gia đình nơi đây.

Ông Lê Hữu Hoàn, một người dân có nhà ở gần khu sản xuất của Công ty Anh Tường cho biết: "Không chỉ khói bụi, mà mỗi khi lò nấu nhôm của Công ty Anh Tường hoạt động, mùi bốc lên rất kinh khủng. Nhiều tháng qua, các gia đình xung quanh lò nhôm này không còn chăn nuôi, trồng trọt được nữa".

Điều đáng nói là, chính quyền địa phương biết rất rõ sự việc. Ông Lê Hữu Tuấn, Trưởng thôn Phan Bôi khẳng định: Sự việc do ông Triệu và các hộ dân phản ánh hoàn toàn đúng. Ông Vũ Duy Bình - Chủ tịch UBND xã Dị Sử cũng cho biết: Lãnh đạo xã đã về tận nơi xem xét và thấy rằng, bà con phản ánh đều là sự thật.

Vì thế, rất nhiều lần, chính quyền xã đã lập biên bản và tạm đình chỉ sản xuất, nhưng Công ty TNHH Anh Tường đều không chấp hành. Với thẩm quyền của mình, xã chỉ có thể áp dụng biện pháp mạnh nhất là cắt điện để hạn chế hoạt động của công ty, nhưng khi cắt điện thì họ lại chạy máy nổ.

Ông Bình cũng cho biết, đã nhiều lần UBND xã Dị Sử báo cáo lên UBND huyện, nhưng mãi đến trung tuần tháng 3/2009, UBND huyện Mỹ Hào mới ra quyết định tạm thời đình chỉ việc nấu nhôm của Công ty TNHH Anh Tường.

Mặc dù đã có quyết định đình chỉ hoạt động, nhưng theo các hộ dân ở đây phản ánh thì: "Bất chấp ý kiến chỉ đạo của huyện và xã, lò nấu nhôm của Công ty Anh Tường vẫn hoạt động. Có điều, thay vì nấu ban ngày, giờ đây Công ty Anh Tường chuyển sang nấu nhôm ban đêm, từ 19h hằng ngày đến gần sáng hôm sau".

Rõ ràng, vấn đề hậu kiểm đã bị buông lơi. Nhưng có điều, cái cơ sở sản xuất ấy nằm ngay bên QL5 và cách UBND huyện cũng như trụ sở xã chưa đầy 3km, không lẽ các cơ quan chức năng lại không biết?--PageBreak--

Những câu hỏi không dễ trả lời

Trở lại việc vi phạm xảy ra ngày 19/1/2009. Khi PC36, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra, Công ty TNHH Anh Tường đã không xuất trình được bản cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt của cơ quan chức năng, nên phải chịu phạt. Thế nhưng, giờ đây, công ty này lại có được "Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường" số 200/XNMT-UBND do chính ông Vương Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Hào ký ngày 15/12/2009 (tức là trước khi Cơ quan Công an kiểm tra tới cả tháng!).

Vì sao có việc lạ đời này? Chưa hết, trong khi Công ty TNHH Anh Tường chưa có hợp đồng xử lý chất thải nguy hại theo quy định (vì hợp đồng ký với Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã hết hiệu lực, còn hợp đồng mới thì đến 1/3/2009 Công ty TNHH Anh Tường mới ký), nhưng UBND huyện Mỹ Hào vẫn ký xác nhận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hiến, Chánh Văn phòng UBND huyện Mỹ Hào cho biết, giữa tháng 3/2009, huyện đã cho dừng việc sản xuất ở Công ty TNHH Anh Tường. Vậy mà ngày 1/4/2009, lại có một đoàn đến kiểm tra mẫu khí thải ở Công ty TNHH Anh Tường gồm: đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Hào; Thanh tra huyện Mỹ Hào và chính quyền xã, thôn... tức là có sự chấp nhận cho cơ sở này hoạt động mà không xử lý vi phạm?

Hơn nữa, người dân trên địa bàn phản ánh lò nấu nhôm chỉ sản xuất về đêm thì đoàn kiểm tra lại đến ban ngày. Vì thế bà con đã không chấp nhận cái kết quả kiểm tra khẳng định, mọi chỉ tiêu đều cho phép, trừ bụi ở cổng công ty (!)

Kết quả này liệu có hợp pháp? Trước hết, cần xem xét tính hợp pháp của biên bản đo kiểm môi trường ngày 1/4. Thượng tá Lều Văn Hữu - Trưởng phòng PC36, Công an tỉnh Hưng Yên nêu ý kiến: Biên bản được lập nhưng lại không có căn cứ theo yêu cầu từ đâu, cũng không có quyết định thành lập đoàn kiểm tra của một cấp nào. Vậy thì, các thành phần của đoàn kiểm tra cũng có hợp pháp?

Bên cạnh đó, biên bản cũng phản ánh thủ tục đo kiểm không tuân thủ quy định. Ông Nguyễn Văn Tiễn - nguyên Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho rằng: việc đo kiểm không nói rõ thời điểm lấy mẫu, hướng gió. Để kết luận một vấn đề khá nhạy cảm, nhưng số lượng mẫu chỉ có 1 và lấy 1 lần là chưa đủ.

Đã vậy, lại không lấy mẫu theo chiều gió và đặc biệt là việc lấy mẫu vào lúc lò nấu không hoạt động thì kết quả không thể chuẩn xác. Lẽ nào, những người hoạt động chuyên môn lại không biết về "phương pháp đo bụi trong không khí", khi đúng ra, phải lấy một vài mẫu và trong lúc lò hoạt động đúng công suất.

Điều này rất cần thiết, khi kết quả kiểm tra của Công ty Cổ phần Kỹ thuật và phân tích môi trường (Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội) thì khẳng định, bụi ở Công ty TNHH Anh Tường thấp hơn rất nhiều tiêu chuẩn cho phép, trong khi kết quả của Trung tâm Phân tích và môi trường (2 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) thì lại cho thấy, bụi ở Công ty TNHH Anh Tường cao hơn mức cho phép.

Giải pháp nào?

Trước những vấn đề cần phải quan tâm, Thượng tá Lều Văn Hữu khẳng định: Phòng chưa chấp nhận kết quả này, nhất là khi các hộ dân cũng không đồng tình nên tiếp tục có đơn kêu cứu. Vì thế, theo chức năng của mình, Phòng sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh Hưng Yên giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thành lập một đoàn kiểm tra tuân thủ các quy định của pháp luật.

Việc xử lý thiếu kiên quyết trước sự việc trên của các cơ quan chức năng khiến người dân có quyền đặt câu hỏi: Tại sao một cơ sở sản xuất dám ngang nhiên vi phạm, bất chấp các quyết định tạm đình chỉ sản xuất của huyện và xã? Hàng đêm Công ty TNHH Anh Tường đều đốt lò nấu nhôm, lẽ nào chính quyền địa phương không biết hay chịu bó tay trước vi phạm của cơ sở này?

Một cơ sở sản xuất chất thải độc hại đặt giữa khu dân cư là điều không thể chấp nhận, vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều thế hệ người dân là điều ai cũng biết. Chính vì thế, chúng tôi đồng tình với ý kiến của ông Chủ tịch xã Dị Sử: Giải pháp tốt nhất là cấp có thẩm quyền cho tách riêng làng nghề ra khỏi khu vực dân cư, mới đảm bảo cuộc sống cho người dân

Thanh Hằng - Hương Giang
.
.