Lo ngại về thuốc kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi

Thứ Ba, 27/08/2013, 21:35

Sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gây kháng thuốc rất nguy hiểm cho con người nên các nhóm hoạt động xã hội cũng như các tổ chức y khoa nổi tiếng đang kêu gọi chính quyền Mỹ có những quy định chặt chẽ hơn nữa về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Cần biết là từ vài thập niên qua, các chính quyền châu Âu - tiêu biểu là Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển - đã có lệnh cấm sử dụng một số loại kháng sinh trong chăn nuôi.

Craig Rowles, chủ trại chăn nuôi heo ở gần Carroll, bang Iowa, cho biết trong đàn heo của ông có một số con bị bệnh cúm. Nhưng, Rowles không chữa bệnh cúm mà chỉ cố giữ cho bệnh không dẫn đến những dạng nhiễm khuẩn nguy hiểm. Rowles pha vào nước uống cho heo 2 loại kháng sinh: tetracycline và thuốc mới tylvalosin trong nhóm kháng sinh  macrolide bao gồm azithromycin dùng cho người. Heo bệnh được cho uống thuốc kháng sinh trong vòng từ 7 đến 10 ngày - có thể lâu hơn nếu chúng còn trong vòng nguy hiểm.

Nhưng, trên thực tế, không phải chủ trại chăn nuôi nào cũng ý thức được như vậy. Để mau xuất chuồng bầy heo được cho uống các thuốc kháng sinh khác bất chấp chúng vẫn khỏe mạnh. Đó là vrginiamycin - loại kháng sinh giúp cho heo lớn nhanh. Điều đó cho thấy, phần đông các chủ trại nuôi heo và nuôi bò thịt thường sử dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh và giúp con vật lớn nhanh. Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm thuốc kháng sinh dùng để kích thích vật nuôi tăng trưởng còn là vấn đề gây tranh cãi, bởi vì báo cáo hằng năm của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) không có dữ liệu về sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Một cuộc điều tra về sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi heo tiết lộ tỷ lệ đó vào khoảng 20%. Nhưng một số liệu thống kê khác gây choáng váng cho mọi người - 80% các loại thuốc kháng sinh được sử dụng trong các trại chăn nuôi ở Mỹ! Điều mà các nhà khoa học lo ngại là thuốc kháng sinh tồn dư trong thịt heo.

Craig Rowles trong trại nuôi heo của ông gần Carroll, bang Iowa (Mỹ).

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (DOA), mối lo ngại đáng sợ là việc sử dụng thuốc kháng sinh không có sự kiểm soát trong chăn nuôi sẽ dẫn đến hậu quả kháng thuốc trầm trọng khi con người mắc bệnh cần điều trị bằng loại thuốc này. Đây là một ví dụ điển hình: cách đây chừng vài tháng, một bệnh nhân được đưa vào Viện Y tế Mỹ (NIH) gần Washington DC. và được chẩn đoán nhiễm campylobacter - loại vi khuẩn dạng roi hay xoắn gây ngộ độc thức ăn cho con người và thường bị nhiễm từ gà thịt. Một thành viên khác trong gia đình bệnh nhân cũng bị bệnh vì ăn thịt gà nhiễm campylobacter.

Elise O'Connell ở NIH, bác sĩ điều trị bệnh nhân, chọn điều trị bằng thuốc kháng sinh gọi là azithromycin. Lúc đầu, bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi tốt song sau đó tình trạng sức khỏe lại xấu đi. Lúc đó, O'Connell chuyển sang dùng loại thuốc kháng sinh khác nhưng cũng không có hiệu quả. Kết luận: có thể ở trại chăn nuôi đâu đó trên đất Mỹ dùng loại thuốc trong nhóm macrolide tương tự với azithromycin và rất có thể gà bị nhiễm campylobacter cũng kháng thuốc. Mặc dù đó là nguy cơ mà nhiều chuyên gia y tế nhận định là rất thật, song vấn đề vẫn còn trong vòng tranh cãi giữa các chuyên gia.

Scott Hurd, bác sĩ thú y Đại học bang Iowa và người luôn thông cảm với các nhà chăn nuôi, tuyên bố vụ việc của bệnh nhân nói trên không chắc xảy ra đại trà nơi con người. Scott Hurd lập luận rằng, trước tiên vi khuẩn phải kháng với một loại thuốc kháng sinh thường sử dụng để trị bệnh cho người. Nhưng thật ra, khoảng ba phần tư các loại thuốc kháng sinh mà người chăn nuôi dùng cho vật nuôi thường không sử dụng hay sử dụng không thường xuyên cho con người, ví dụ như tetracycline hay virginiamycin.

Tuy nhiên, Gail Hansen - nữ bác sĩ thú y, người chỉ trích mạnh mẽ việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và hiện là thành viên của Pew Health Group (PHG) - không tán thành lập luận của Hurd. Gail Hansen cho rằng có nhiều nguy cơ khác không thể dễ dàng lường trước được. Ví dụ, vi khuẩn có khả năng kỳ lạ là chia sẻ các gene, bao gồm các gene giúp cho chúng kháng với các loại thuốc kháng sinh đặc biệt.

Hiện nay, FDA đang nghiên cứu đề xuất các quy định mới ngăn cấm sử dụng kháng sinh để giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh và tăng sức đề kháng của cơ thể cũng như đòi hỏi các chủ trại nuôi cần có sự chấp thuận của bác sĩ thú y trước khi sử dụng kháng sinh cho vật nuôi. Gail Hansen mong muốn FDA chỉ cho phép sử dụng kháng sinh đối với những vật nuôi bị bệnh hay đang có nguy cơ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, những người chỉ trích việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thực phẩm chăn nuôi cho rằng, một số loại kháng sinh dùng trong trại chăn nuôi rất giống với những loại thuốc được chỉ định cho người, cho nên đó là một lý do bắt buộc các chủ trại nuôi phải hết sức cẩn thận khi sử dụng kháng sinh. Con người sẽ bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc nếu không may tiêu thụ loại thịt nhiễm khuẩn.

Hiện nay, người châu Âu rất sợ bị nhiễm loại vi khuẩn kháng thuốc vô cùng nguy hại là salmonella và E-coli. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố 3 loại thuốc kháng sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến trị bệnh ở người là cephalosporin, fluoroquinolone và macrolide đang bị sử dụng tràn lan trong chăn nuôi ở Anh.

Tháng 6/2013, các nhà khoa học Anh lần đầu tiên phát hiện MRSA - loại vi khuẩn kháng mạnh với một số loại thuốc kháng sinh - hiện diện trong sữa bò ở nước này. Vụ bùng phát dịch khuẩn E-coli ở Đức thời gian qua làm chết 39 người và gây nhiễm bệnh cho hơn 3.000 người khác được cho là hậu quả của việc sử dụng kháng sinh tràn lan không có kiểm soát trong chăn nuôi. Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển kiểm soát gắt gao việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhưng tình trạng này bị buông lỏng tại Anh và phần nào tại Mỹ

Duy Ân (tổng hợp)
.
.