Lo ngại về virus cúm gia cầm trong phòng thí nghiệm

Thứ Sáu, 11/07/2014, 14:30

Các nhà khoa học đã tạo ra một virus đe dọa mạng sống con người ở mức cao nhất - rất giống với chủng virus cúm gia cầm Tây Ban Nha năm 1918 từng tước đi sinh mạng của khoảng 50 triệu người - trong một thí nghiệm bị những người chống đối chỉ trích là điên rồ" đồng thời yêu cầu dừng ngay công việc "cực kỳ nguy hiểm" này lại!

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết chương trình thí nghiệm này rất quan trọng nhằm mục đích hiểu rõ mối nguy cơ về sức khỏe công cộng từ virus hiện đang lây nhiễm cho những loài chim hoang dã.

Nhóm nhà khoa học Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) sử dụng kỹ thuật gọi là đảo ngược di truyền để tạo ra virus từ các mẫu của chủng virus cúm chim hoang dã. Sau đó, họ biến đổi virus và phát tán trong không khí để cho nó lan truyền dễ dàng hơn từ con vật này sang con vật khác. Lord May, cựu

Chủ tịch Royal Society và từng là Trưởng ban cố vấn khoa học cho Chính phủ Anh, lên tiếng: "Họ đang tiến hành một công việc điên rồ hết sức. Toàn bộ công việc là hoàn toàn nguy hiểm. Nhưng, nó không xuất phát từ virus nơi con vật mà xuất phát từ những con người cực kỳ tham vọng".

Các chủng virus cúm lây lan phổ biến trong những quần thể chim trời hoang dã, và phần lớn ẩn nấp trong cơ thể những con gà, vịt và đôi khi có thể biến đổi sang dạng có thể lây nhiễm cho con người.

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chủng virus cúm gia cầm H5N1 đã giết chết ít nhất 386 người từ năm 2003. Còn chủng virus cúm Tây Ban Nha năm 1918 cũng được cho là xuất phát từ chim hoang dã.

Trong bài viết cho tạp chí Cell Host & Microbe, nhà khoa học Nhật Bản Yoshihiro Kawaoka mô tả nhóm của ông đã phân tích nhiều loại virus cúm gia cầm như thế nào và tìm thấy các gene từ vài chủng rất giống với chủng virus cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Họ kết hợp các gene cúm gia cầm vào trong một virus mới duy nhất để tạo ra một mầm bệnh mới chỉ khác virus năm 1918 khoảng 3%. Virus mới được tạo ra có hại nhiều cho chuột và chồn sương hơn các virus cúm gia cầm thông thường, nhưng không nguy hiểm như chủng virus năm 1918. Virus không lây lan rộng giữa loài chồn sương và không có con vật nào bị giết chết. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang tìm cách biến đổi virus để xem những thay đổi gì khiến cho virus lan rộng.

Sau 7 tiến trình biến đổi, nhóm của Kawaoka thu được một phiên bản nguy hiểm hơn,  dễ dàng lây lan từ con vật này sang con vật khác chỉ bằng một giọt nước nhỏ - tương tự cách virus cúm lây lan giữa con người.

Yoshihiro Kawaoka - giáo sư khoa bệnh học lãnh đạo chương trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm an ninh cực kỳ nghiêm ngặt tại Đại học Wisconsin-Madison - cho biết công việc nêu bật cách các virus cúm nơi các quần thể chim trời hoang dã tiềm ẩn khả năng thích nghi với con người và tạo ra dịch bệnh như thế nào.

Các thí nghiệm tiếp theo cho thấy vaccine cúm heo năm 2009 và thuốc Tamiflu điều trị cúm gia cầm có thể có hiệu quả chống lại virus.

Đại học Wisconsin-Madison, nơi diễn ra cuộc thí nghiệm virus cúm gia cầm gây chỉ trích dữ dội.

Kawaoka phát biểu với báo chí: "Đây là thông tin quan trọng để có thể đưa ra quyết định cảnh báo và chuẩn bị đối phó dịch bệnh". Công trình của nhóm Kawaoka là mới nhất trong một loạt các nghiên cứu gây tranh cãi đã chia rẽ cộng đồng khoa học thế giới.

Một phía, các nhà nghiên cứu tạo ra các virus nguy hiểm trong phòng thí nghiệm an ninh với hy vọng hiểu rõ các chủng đang tồn tại có thể biến đổi để đe dọa con người như thế nào. Phía khác, các nhà nghiên cứu lập luận rằng nghiên cứu gần như không giúp bảo vệ được con người mà còn đặt dân số toàn cầu vào tình thế nguy hiểm hơn nữa.

Marc Lipsitch, giáo sư khoa Dịch bệnh học Đại học Harvard, nhận định trong một bài báo được đăng tải tháng 5 vừa qua rằng các chương trình thí nghiệm giống như của nhóm Yoshihiro Kawaoka đe dọa làm bùng phát một dịch bệnh ghê gớm nếu virus không may thoát khỏi phòng thí nghiệm an ninh nghiêm ngặt hoặc có ai cố tình cho nó lây lan ra ngoài xã hội. Nhiều nhóm nghiên cứu tạo ra các chủng virus nguy hiểm nhằm mục đích hiểu được hoạt động của chúng đều nhận được tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).

Lord May nghi ngờ NIH ủng hộ bởi vì giới chức cơ quan "kém cỏi" và bị các nhà khoa học thuyết phục. Tuy nhiên, giáo sư Kawaoka vẫn bảo vệ quan điểm của mình, nhấn mạnh rằng việc hiểu rõ được các cơ chế nào khiến cho virus trở nên quá nguy hiểm phải được coi là quan trọng nhằm ngăn ngừa những dịch bệnh trong tương lai.

Simon Wain-Hobson, nhà virus học Viện Pasteur Paris (Pháp), lo sợ các chính quyền cũng như các tổ chức tài trợ sẽ giúp gây ra các nguy cơ nghiêm trọng một khi sự cố đáng tiếc xảy ra. Wain-Hobson chỉ trích: "Thật là  điên rồ. Điều đó cho thấy sự thiếu tôn trọng sâu sắc đối với tiến trình đưa ra những quyết định quan trọng của tập thể mà chúng ta luôn thể hiện trong cuộc chiến chống bệnh nhiễm trùng".

Còn Carole Heilman, Giám đốc khoa Vi trùng học và các bệnh nhiễm trùng Viện Quốc gia Các bệnh nhiễm trùng và Dị ứng (NIAID) ở Mỹ, tuyên bố: "Nghiên cứu này được tiến hành trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu lớn nhằm tìm hiểu các cơ chế phân tử độc lực của virus cúm năm 1918. Đánh giá của các chuyên gia NIH khẳng định nghiên cứu có giá trị khoa học. Đồng thời khẳng định thông tin thu được sẽ giúp các cơ quan y tế trong việc đánh giá sự lây lan và các chủng virus mới xuất hiện.

Thêm vào đó, NIH nhấn mạnh rằng toàn bộ cuộc nghiên cứu được thực hiện với mọi điều kiện an toàn sinh học thích đáng và với các biện pháp giảm thiểu nguy cơ thích hợp"

Thục Miên (tổng hợp)
.
.