Lộ trình cho một con đường sáng...

Thứ Bảy, 04/07/2015, 20:10
Như chúng tôi đã khảo sát trong loạt bài trước, phần lớn các diễn viên theo đuổi dòng nhạc truyền thống trong thời điểm hiện tại, việc thành công đã khó, việc làm giàu từ nghề lại càng khó hơn. Trên thực tế, ở lớp diễn viên đi trước, đã có không ít nghệ sĩ thành công bằng chính nghề nghiệp của mình, nhưng họ là những trường hợp có tài năng và gặp nhiều may mắn cùng thời cuộc đếm trên đầu ngón tay.

Thực trạng cuộc mưu sinh của các diễn viên nghệ thuật hiện nay cần nhiều sự quan tâm của các cấp quản lý, và hơn hết, bản thân các nghệ sĩ phải tự nỗ lực để trau dồi nghề nghiệp, để "trong cái khó, ló cái khôn", để được đứng vững trên đôi chân làm nghề đầy đam mê của mình…

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phát triển nghệ thuật dân tộc cần sự chung tay của cả xã hội

Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện nay, nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Khi được hỏi thì các nghệ sĩ đều cho rằng, vì mức lương, mức thu nhập từ hoạt động biểu diễn của họ quá thấp không đủ chi trả cho đời sống và hoàn toàn không thể chuyên tâm làm nghề. Với tư cách là một người quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, ông nghĩ thế nào về điều này?

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Tôi hiểu và chân thành chia sẻ những khó khăn của người nghệ sĩ và những người làm nghề trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Thực trạng khó khăn này chúng tôi đã biết và đã nhiều lần, đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục như: triển khai thực hiện đề án sân khấu học đường đưa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh; tổ chức các cuộc liên hoan nghệ thuật truyền thống; đưa nghệ thuật truyền thống vào các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, các Tuần Văn hóa, Ngày Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; chỉ đạo dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật truyền thống chất lượng cao; tổ chức các trại sáng tác và các chương trình tập huấn chuyên môn cho các biên đạo, đạo diễn, nhạc công…

Để giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống, chúng ta đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, nước ta còn nghèo, nguồn ngân sách dành cho văn hóa nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng còn rất hạn hẹp, không đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống. Những cơ chế chính sách về đào tạo, tuyển dụng và chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ hiện nay còn rất hạn hẹp, chưa đủ mạnh để kịp thời động viên, khích lệ các nghệ sĩ trong nền kinh tế thị trường và chưa tạo được sức hút để giới trẻ tìm đến và gắn bó với nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, thị hiếu của công chúng hiện nay luôn chạy theo cái mới, ngoại lai; nếp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa không có nhiều thời gian để công chúng dành cho nghệ thuật truyền thống. Sự quan tâm tuyên truyền, quảng bá của truyền thông chưa nhiều và chưa sâu sát…

PV: Thực tế bây giờ, không nhiều các khán giả mặn mà với văn hóa truyền thống, ngay cả đi tìm nguồn diễn viên để đào tạo cũng phải “đãi cát tìm vàng”. Vậy, theo ông, có nên giải thể hoặc giảm bớt số lượng chồng chéo các nhà hát truyền thống để thực sự đi vào “chất” hơn “lượng”?

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Vấn đề này Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tính đến từ khá lâu. Bộ đã và đang xây dựng quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn trong đó có nghệ thuật truyền thống. Việc quy hoạch, định hướng, sắp xếp các đơn vị nghệ thuật truyền thống luôn phải đảm bảo hài hòa và từng bước nâng cao chất lượng giữa các nhà hát và các đoàn nghệ thuật.

Trên thế giới, nhiều nước cũng đã duy trì các đoàn nghệ thuật truyền thống như một vốn quý: "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", người ta cho phép các đoàn nghệ thuật truyền thống tồn tại như một thứ để bảo tồn, bảo tàng và phát huy di sản văn hóa dân tộc, có thể thường xuyên đỏ đèn nhưng chỉ có độ chục người thực sự giỏi làm nghề. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến bảo tồn phát huy nghệ thuật truyền thống.

Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) "Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" là kim chỉ nam và những định hướng, giải pháp lớn để chúng ta quan tâm, chung tay phát triển nghệ thuật truyền thống. Vừa mới đây, Quyết định 17/2015/NĐ-CP cũng sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2015 về việc tăng lương, tăng mức bồi dưỡng cho anh em văn nghệ sĩ, cũng là một sự quan tâm của Nhà nước, của các bộ, ban, ngành, để đời sống anh chị em được nâng cao và chuyên tâm cho nghệ thuật.

PV: Như vậy, là sự chung tay của toàn xã hội đang bắt đầu "nóng" lên đối với đời sống anh chị em nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Vậy, theo ông, để kéo khán giả trở lại với mình, các đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam hiện nay nên có những giải pháp nào?

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Trước hết, các nhà hát, các đoàn nghệ thuật truyền thống cần bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước để xây dựng đề án phát triển cho từng loại hình nghệ thuật truyền thống và riêng đơn vị mình. Cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cũng như công tác tổ chức dàn dựng, phổ biến các tác phẩm. Tập trung các nguồn lực để xây dựng được những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao phục vụ công chúng. Phải gắn kết giữa hoạt động biểu diễn nghệ thuật với công tác đào tạo, truyền nghề cho các thế hệ. Biết cách giới thiệu, quảng bá các tác phẩm và gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, tôi cho rằng, sự khó khăn của loại hình này không chỉ nằm ở giải pháp mà còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan… Việc nó phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều ở sự vào cuộc của truyền thông nhằm quảng bá, thổi lòng yêu, gìn giữ, nâng cao, kéo khán giả lại cùng mình để nâng cao vị trí xứng đáng nghệ thuật truyền thống như lòng tự hào, tự tôn của dân tộc.

Sự chung tay của toàn xã hội để cải thiện đời sống của người nghệ sĩ, những người giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống là điều thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, các đoàn, các diễn viên cũng phải trau dồi, đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung biểu diễn, để nâng cao chất lượng và kéo khán giả đến với mình…

- Xin cảm ơn ông!

Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ: Vẫn còn chỗ cho dòng chảy truyền thống trong lòng khán giả đương đại

PV: Thưa ông Nguyễn Thế Kỷ, hôm nay xin được phỏng vấn ông không phải với tư cách là một vị lãnh đạo của Ban Tuyên giáo, mà với tư cách là một nhà biên kịch, tác giả kịch bản của vở cải lương "Mai Hắc Đế" công diễn vào đầu năm 2015 vừa qua. Một vở cải lương đã đón nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ phía các nhà chuyên môn cũng như khán giả. Đây là một vở diễn công phu được đầu tư kỹ lưỡng với sự tham gia của 140 diễn viên, nhạc công, công nhân kỹ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Giữa thời buổi các loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một trong lòng khán giả, tại sao ông lại chọn sân khấu cải lương để gửi gắm tâm huyết của mình, mà không phải là một loại hình nào khác?

Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ: Nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế, là vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Hoan Châu vào thế kỷ thứ VIII, đập tan ách đô hộ của Nhà Đường, giữ được độc lập dân tộc trong vòng 10 năm.

Vở diễn "Mai Hắc Đế" được xây dựng và đã trình diễn chào mừng nhân lễ kỷ niệm 1.302 năm cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, được tổ chức tại Nam Đàn, Nghệ An - quê hương của Vua Mai Hắc Đế. Sau đó sẽ được biểu diễn phục vụ tại nhiều địa phương trên cả nước. Tôi bắt đầu viết kịch bản "Mai Hắc Đế" với rất nhiều khó khăn, bởi Mai Hắc Đế sống cách chúng ta 13 thế kỷ và có quá ít tư liệu lịch sử về ông. Tôi đã phải tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu, tham vấn nhiều nhà sử học. Bản thân tôi khi viết kịch bản văn học đã rất cẩn trọng, chặt chẽ ở từng chi tiết, câu chữ, sự kiện lịch sử; thậm chí tôi còn đưa cả đạo diễn đến gặp gỡ các nhà sử học để có thêm vốn liếng. Tôi muốn tác phẩm của mình phải vừa mang tính kịch, vừa giàu tính văn học và đặc biệt phải thực sự đi vào lòng người.

Tôi gửi gắm tác phẩm cho Nhà hát Cải lương Việt Nam vì kịch bản văn học được sáng tác bằng thơ, khi chuyển thể sang các làn điệu cải lương, đã trở nên sâu lắng, mượt mà, có sức truyền cảm và lay động mạnh mẽ. Bản thân câu chuyện có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, tác giả chuyển thể Hoàng Song Việt cũng đã nắm được tinh thần ấy nên bản chuyển thể rất thành công. Tôi cũng muốn thông qua vở diễn, khán giả đương đại sẽ có thêm những cảm xúc, những hiểu biết quý báu về những trang sử hào hùng của cha ông.

Với những đêm diễn thành công bởi sự hóa thân tài hoa của các nghệ sĩ, với quan điểm sáng tạo không đao to búa lớn, hay thần thánh hóa nhân vật lịch sử, hình tượng người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế đã hiện lên dung dị, đời thường, gần gũi và thân thương. Khán giả đương đại đã hòa cảm cùng những thăng trầm của một giai đoạn lịch sử cách đây hàng nghìn năm. Tôi tin vở cải lương "Mai Hắc Đế" đã đưa khán giả đương đại sống cùng lịch sử.

PV: Thực tế thì lâu nay, khán giả trên địa bàn Thủ đô không có thói quen mua vé vào rạp xem các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương. Hầu hết rạp có đỏ đèn cũng chỉ bán được cho vài khách Tây chứ khách Việt không mặn mà gì đối với nghệ thuật truyền thống. Ông có ý kiến gì về vấn đề này thưa ông Nguyễn Thế Kỷ?

Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ: Theo tôi biết, kinh phí đầu tư cho vở diễn "Mai Hắc Đế" được đem đến từ hai nguồn: một phần từ ngân sách nhà nước và một phần do các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân tài trợ. Như vậy, có thể nói, nghệ thuật truyền thống, mà ở đây là sân khấu cải lương, vẫn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Điều quan trọng là cần có một đề tài tốt, một kịch bản hay, một cách thức tổ chức chính quy, chuyên nghiệp, cộng với sự vào cuộc của truyền thông, báo chí, thì vẫn có những cơ hội để nghệ thuật truyền thống đến được với khán giả.

Bản thân tôi, có lẽ là một người hoài cổ chăng, khi luôn trân quý và ưa thích những giá trị gắn liền với truyền thống. Với nghệ thuật truyền thống, tôi thấy mình có vô vàn cảm xúc tốt đẹp và tin rằng mình cũng sẽ truyền được cảm xúc ấy đến với người xem. Lẽ dĩ nhiên, để làm nên được vở cải lương "Mai Hắc Đế" là sự dày công, nỗ lực của cả một tập thể hàng trăm con người; sự vào cuộc của truyền thông, các nhà tài trợ. Có lẽ có cả một chút tâm linh do được cụ Mai Hắc Đế phù hộ nữa.

Thực sự tôi rất vui vì có những người bạn "đồng hành" là các nghệ sĩ đầy tâm huyết. Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên đã nhiều lần đi cùng tôi đến gặp gỡ các nhà sử học, các nhà ngôn ngữ học… để đảm bảo tính chân thực lịch sử cho tác phẩm. Nhạc sĩ, NSƯT Trọng Đài; Họa sĩ Doãn Bằng; Biên đạo múa Tuyết Minh … cũng đã góp những sáng tạo đầy trách nhiệm. Nghệ sĩ Quang Khải - một người con xứ Nghệ cũng đã rất thành công khi tái hiện hình tượng Vua Mai Hắc Đế.

Thực sự, giữa những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống đương đại, việc trải lòng mình với nghệ thuật truyền thống, sẽ cho ta cảm giác thư thái trong tâm hồn, sự hòa cảm với quá khứ và tương lai. Theo tôi, đó cũng là cách để ta tái tạo năng lượng sống.

- Vâng, xin cảm ơn ông!

NSƯT Xuân Hinh

Tôi không phải là người lãnh đạo nên không có những giải pháp, chỉ biết rằng, muốn vực dậy nghệ thuật truyền thống phải bắt nguồn từ hai phía: Thứ nhất, từ phía các nghệ sĩ ngoài sự yêu nghề, họ cần nỗ lực để rèn luyện tài năng của mình. Tôi là một nghệ sĩ đi lên từ hai bàn tay trắng, tôi hiểu được rằng, để vượt qua được những khó khăn ban đầu là điều vô cùng cực nhọc. Cũng phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", cũng phải lăn lộn khắp mọi miền đất nước.

Đã đành ban đầu sẽ vô cùng gian nan, phải chấp nhận mất mát, phải chấp nhận đi đêm về hôm, phải chấp nhận đôi khi tự bỏ tiền túi ra để… bù lỗ, phải chấp nhận vài sự thất bại ban đầu chứ chẳng có gì là suôn sẻ, nhưng nếu mình tạo được cái nếp để họ thưởng thức thì dù đó là nghệ thuật truyền thống hay là gì đi chăng nữa thì cũng sẽ lấy được cảm tình của khán giả.

Hiện nay, những diễn viên trẻ… dễ nản hơn thời của chúng tôi. Họ luôn muốn ngay lập tức đi diễn là thành công, đi hát là nổi danh, nhưng họ không biết rằng, để có được cái danh xưng trong lòng khán giả là cần phải luôn cố gắng đổ công sức để học nghề từ những người đi trước và từ đó, tìm ra được một phương pháp để thích ứng với hoàn cảnh của mình, nghề nghiệp của mình.

Điều thứ hai, cũng vô cùng quan trọng là đối với các cấp lãnh đạo cần đối xử công minh và sát sao hơn đến đời sống của người nghệ sĩ, giữa cái tình của con người với nhau. Có những nghệ sĩ cả một đời làm nghề, đêm hôm đi diễn, tiền đã không có, đến một cái danh mà cũng không trao cho người ta thì làm sao kêu gọi được người ta ở lại với nghệ thuật truyền thống, làm sao kêu gọi người ta truyền nghề, và cũng làm sao cho các lớp nghệ sĩ đi sau thấy được nếu người ta dùi mài thì có ngày được đền đáp.

Tôi cho rằng, những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực nghệ thuật trước hết phải là người có tâm, có sự am hiểu nhất định đối với nghệ thuật truyền thống, am hiểu nghề và thấu hiểu con người để sử dụng con người và đầu tư vào những hạng mục cụ thể thì mới vực dậy được cái không khí vốn eo sèo hiện nay. Tôi cho rằng, khi đã đi theo nghề "con hát" thì mỗi người nghệ sĩ đã xác định rõ ràng những cái khó, cái khổ, cái vất vả của mình rồi, chính vì thế, như tôi đã nói phải đối xử với họ bằng cái tình, chứ không nên làm tổn thương đến tâm hồn vốn mong manh cố hữu trong trái tim của người nghệ sĩ…

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.