Lợi - hại rác điện tử

Thứ Sáu, 02/04/2010, 15:25
Mỗi năm có 40 triệu thiết bị điện tử trở thành rác thải và cùng với chúng là một lượng lớn kim loại quý: trong 41 điện thoại di động có một lượng vàng tương đương lượng vàng trong 1 tấn quặng vàng. Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi hãy tăng cường khai thác nguồn tài nguyên này.

Để khai thác kim loại, con người phải đào, thiết kế hầm lò ở độ sâu hàng nghìn mét, phải phá ủi cả một quả núi hay sàng lọc, đãi  cát cực kỳ vất vả. Trong khi đó người ta có thể khai thác kim loại quý hiếm ít vất vả tốn kém hơn nhiều: trong chất thải công nghiệp và thiết bị điện tử, máy móc gia dụng.

Một chuyên gia làm việc tại Trường đại học  của LHQ (UNU) cho rằng, cần tăng cường tái chế nguồn tài nguyên phế thải này. Lượng kim loại quý hiếm được thu hồi từ thiết bị điện tử phế thải lớn hơn nhiều so với việc khai thác mỏ, từ đó khái niệm "khai thác mỏ ở đô thị" ra đời.

Ngay cả các mỏ có tỉ trọng khai thác cao như mỏ Kalgold ở Nam Phi thì để lấy được 5gr vàng, người ta phải đào bới, vận chuyển 1 tấn đất, đá. Trong khi đó, Hãng tái chế Umicore tại  Brussel có hàng triệu tấm vi mạch máy tính và người ta có thể thu hồi  được 250gr vàng từ 1 tấn tấm vi mạch này, cao gấp 50 lần so với mỏ Kalgold.

Ngành kinh doanh tái chế điện tử ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các hãng tái chế điện tử ở châu Âu. Do những năm gần đây giá kim loại không ngừng tăng nên các hãng này thu được lợi nhuận ngày càng cao. Cái khó là ở chỗ phần lớn thiết bị điện tử phế loại không được thu gom để đưa vào tái chế.

Sự lãng phí nguồn tài nguyên này rất lớn, nhất là ở các nước nghèo. Theo một báo cáo của LHQ, thông thường ở các nước nghèo, thiết bị vi tính, điện thoại di động  hư hỏng đều bị vứt bỏ chứ không thu gom để tái chế.  Riêng ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 4 tấn vàng, 28 tấn bạc và  6.000 tấn  đồng trong máy tính và điện thoại di động hỏng bị vứt  vào bãi rác. Lượng vàng này trị giá 100  triệu  euro,  tương đương lượng vàng được khai thác ở một số nước.

Theo báo cáo của Cơ quan LHQ và Môi trường (Unep) thì  năm 2010 ở Trung quốc sẽ có 2,3 triệu tấn rác thải điện tử  gồm 500.000 tấn tủ lạnh, 1,3 triệu tấn tivi và 300.000 tấn  máy tính. Trung Quốc xếp hàng thứ hai sau Hoa Kỳ về lượng rác thải điện tử, theo ước tính thì năm 2010 Hoa Kỳ có khoảng 3 triệu tấn rác thải điện tử.

Điện thoại di động và máy tính chiếm một khối lượng lớn kim loại: 15 % Cobalt, 13% palladium và 3% lượng vàng, bạc  khai thác hàng năm trên thế giới được dùng trong công nghiệp sản xuất điện thoại di động và máy tính. Phần lớn lượng kim loại quý hiếm này cuối cùng lại trở thành rác thải. Trong năm 2008, riêng lượng vàng, bạc, đồng, palladium và Cobalt dùng để sản xuất máy tính trị giá 2,7 tỉ euro.

Theo điều tra của Unep, do thiếu một quá trình tái chế nên các nước đang phát triển cũng như các nước mới nổi đang tự làm mất đi một lượng lớn các loại nguyên liệu quan trọng. Trong khi đó ở các nước EU, nhà sản xuất thiết bị điện, điện tử có trách nhiệm tiếp nhận lại những sản phẩm cũ của mình. Những người kinh doanh kim loại và nguyên liệu phế thải thì hy vọng ngành tái chế sẽ  mang lại lợi nhuận không nhỏ.

Đối với việc tái chế, thu hồi kim loại đồng người ta đã đạt được kết quả khả quan, thí dụ ở Đức người ta thu hồi được khoảng 50% lượng đồng đã sử dụng trong quá trình sản xuất, tuy nhiên, bất chấp các quy định, một lượng lớn kim loại đã không được đưa vào hệ thống tái chế.

Theo báo cáo của Unep, ở châu Âu, các kim loại như  vàng, bạc và palladium ít được đưa vào quá trình tái chế, vì thế châu lục này mỗi năm bị thất thoát trên 5 tỉ  euro. Do sản xuất thiết bị điện tử sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên sự lãng phí nguồn tài nguyên cũng sẽ tăng gấp bội so với hiện nay. Một số công nghệ tương lai như tế bào chất đốt hay quang điện sẽ tăng nhu cầu đối với nhiều loại kim loại quý hiếm. Cho đến thời điểm 2007, toàn thế giới đã tiêu thụ tới 1 tỉ điện thoại di động.

Theo tính toán, ở Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi lượng rác điện tử vào năm 2020  sẽ tăng gấp 4 so với năm  2007, mức tăng ở Ấn Độ là 5 lần. Ở các nước châu Phi, thí dụ như  Senegal hay Uganda, mức tăng này thậm chí tới 8 lần.

Hiện tại châu Phi đã trở thành bãi chứa thiết bị  điện tử phế thải của các nước phương Tây. Theo một hiệp định của LHQ ký năm 1989, thì cấm không được tuồn rác sang các nước khác nếu không có sự chấp thuận của các nước đó. Tuy nhiên vẫn có nhiều thiết bị điện tử cũ, chất phế thải, tuồn lậu bằng nhiều kênh khác nhau vào các nước đang phát triển.

Lý do đơn giản là việc tuồn lậu rác thải sang các nước khác rẻ hơn nhiều so với việc tái chế đúng quy định. Thường rác thải được xuất sang châu Phi và tại đây các thiết bị điện tử sẽ được tháo dỡ thủ công. Tuy nhiên các loại kim loại không được tận thu, khoảng 75% số lượng vàng bị bỏ phí. Những núi rác điện tử, khi bị đốt để thiêu hủy, thường  tác động nguy hiểm đối với môi trường và con người. Các loại kim loại nặng khi bị đốt cháy có thể gây ung thư  nhất là đối với những người làm việc gần bãi rác. Nguồn đất và nước ở khu vực rác thải bị đốt cũng bị nhiễm độc nghiêm trọng

Việt Phương (theo Spiegel)
.
.