Lớp chèo dưới mái chùa Đống Lim

Thứ Năm, 22/08/2019, 11:20
Nằm bên hồ Thạch Bàn thơ mộng ở phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội là ngôi chùa Đống Lim, một địa chỉ đỏ quen thuộc của những người yêu thích bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống.

Sư thầy trụ trì Thượng toạ Thích Thanh Phương là người  dìu dắt cho biết bao nhiêu học sinh, sinh viên đến với nghề múa và hát chèo.

Thấm thoắt kể từ ngày đầu tiên cho đến nay, 21 năm cầm tay chỉ ngón, uốn từng điệu múa, sửa từng lời ca, với tình yêu và say mê đầy nhiệt huyết, sư thầy đã đào tạo hơn 300 học viên đầu vào cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghệ thuật, hay các nhà hát chèo chuyên nghiệp khắp các tỉnh thành trên cả nước. Mùa hè năm nay, nhà chùa còn mở “Câu lạc bộ chèo chùa Đống Lim” dạy học miễn phí cho tất cả mọi người yêu môn nghệ thuật chèo mang đậm hương vị tiếng hát làng quê dân dã.

1. Qua hồ nước trong xanh và mát lành, là ngôi chùa cổ có từ lâu đời yên bình với hàng cây xanh rợp mát. Bên cạnh bảng lảng mùi nhang khói trầm hương thờ tự trang nghiêm tĩnh tại của gian nhà thờ Phật, là một không gian rộn ràng điệu múa, lời ca của lớp học nghệ thuật chèo truyền thống. Sư thầy trụ trì khuôn mặt phúc hậu, ánh nhìn từ tâm, lòng đầy hoan hỷ đang chỉ bảo tận tình cho các học viên của câu lạc bộ (CLB) chèo.

Hai vợ chồng cụ ông 90 tuổi, cụ bà 85 tuổi học hát chèo tại Câu lạc bộ chùa Đống Lim.

Dự kiến ban đầu CLB chỉ khoảng 20-30 người nhưng không ngờ hơn 100 người đã đăng kí tham dự lớp học đặc biệt này. Có cả những cháu thiếu nhi và điều đặc biệt hơn cả là có nhiều cụ ông, cụ bà đã bước vào tuổi xưa nay hiếm.

Có một câu chuyện cảm động về lớp học khiến sư thầy cũng rưng rưng, đó là sau khi mở lớp thì anh con trai trưởng đến học được một, hai buổi, hôm sau anh đánh ôtô đưa cha mẹ quê ở Bắc Ninh (chiếu chèo đất Bắc) đến lớp học. Cụ ông đã bước vào tuổi 90, còn cụ bà 85 tuổi. Hai ông bà đã già lắm nhưng vẫn muốn tham gia lớp học và giờ học thì các cụ lắng nghe chăm chú, say sưa.

Ngoài ra CLB còn thu hút rất nhiều các bác, các cô bước vào tuổi 60 ở tận Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn... Bác Mai Ngọc ở  vùng  núi Lạng Sơn bảo: “Từ lâu đã muốn hát chèo, nhưng chẳng có ai dạy nên ở nhà chỉ bật đài lên nghe nghệ sĩ hát thì mình cũng hát theo thôi. Bây giờ được biết chùa Đống Lim có CLB dạy học ca chèo miễn phí thì quý hoá quá nên quyết tâm theo học. Trước là để hiểu thêm về một môn nghệ thuật truyền thống dân tộc, sau là biết hát để về còn hát cho con cháu nghe”. Bác bảo: “Trong chiến tranh tiếng hát át tiếng bom, nó làm cho con người ta phấn chấn tinh thần, còn nay thời bình tiếng hát cũng là một liều thuốc bổ khiến cho con người ta trẻ, khoẻ ra”.

Thượng tọa Thích Thanh Phương khai giảng Khóa 1 lớp học hát chèo.

Bác Lê Nam đến từ Cao Bằng thổ lộ: “Cửa chùa là cánh cửa của lòng từ bi, bước vào người ta được gột rửa tam độc: tham, sân, si ngoài đời để thanh lọc tâm hồn hướng về điều tốt, điều thiện. Nay cửa chùa Đống Lim mở ra cho những người con đến học chèo, ngoài những kiến thức cơ bản về bộ môn này, chúng tôi còn học được ở đây sự nhân ái, tính nhu hoà, thân thiện, tinh thần đoàn kết và lòng yêu thương. Ánh sáng từ bi của cõi Phật chính là đây, trong môi trường ấm cúng dưới mái chùa Đống Lim”.

Bước chân vào chốn thiền môn nhưng sư thầy vẫn nặng lòng, đau đáu với loại hình truyền thống văn hoá nghệ thuật dân tộc. Vậy, thầy đã đến với nghề dạy hát chèo này như thế nào, thật ra, mọi chuyện đều có nhân duyên của nó.

Thượng toạ Thích Thanh Phương khi chưa xuất gia là cậu bé Lê Văn Quảng. Quảng sinh ra trong một gia đình có cha là diễn viên tuồng Lê Văn Chiêm (Đoàn tuồng Thăng Long vào những năm 1968-1976). Hai vợ chồng chỉ có một cậu con trai duy nhất nên rất yêu chiều, cha cậu đi đâu cũng dắt cậu theo.

Lớp học hát chèo khóa 1 của câu lạc bộ chèo tại chùa Đống Lim.

Ngay từ nhỏ, cậu được theo chân cha đi xem những tích diễn, lời ca, câu hát... sự mơ mộng trong tâm hồn của đứa trẻ thơ đã ngấm vào máu thịt cậu tự bao giờ. Biết con có năng khiếu lại đam mê nên hai ông bà muốn cho cậu bé được học hành bài bản.

Năm 13 tuổi cậu khăn gói từ giã cha mẹ vào học lớp đào tạo nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp của Trường Nghệ thuật Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Trong những năm tháng chiến tranh, nhà trường đi sơ tán, tuy điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng tâm hồn phơi phới thanh tân của cậu lại thắm đượm, ăm ắp và gần gũi với làng quê dân dã, với mái đình, giếng nước, cây đa, đồng lúa xanh rì rào gọi nắng.

Những triền đê uốn lượn quanh co, những chú bé ngồi trên lưng trâu trầm mình dưới ao, hay cậu bé thả bò gặm cỏ... Miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ châu thổ sông Hồng gần gụi, giản dị, ăn sâu vào tâm hồn nghệ sĩ vốn đa cảm, mộng mơ. Năm 1975, đất nước thống nhất cũng là ngày cậu nhận bằng tốt nghiệp. 19 tuổi ra trường cậu về công tác ở Nhà hát Tuồng.

2. Cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ và kì lạ, như bàn tay sắp đặt của số phận. Một lần Nhà hát Tuồng điều động cậu đi dạy tuồng ở Hà Bắc, cậu tá túc tại ngôi chùa Trịnh Xá, xã Châu Khê, huyện Từ Sơn.

Sân chùa rộng, cây cối quanh năm xanh tốt toả bóng mát rượi, cùng với việc dạy học cho mọi người thì cậu thanh niên Lê Văn Quảng còn được tiếp xúc gần gũi với sư cụ và giáo lý nhà Phật. Lời kinh, tiếng kệ, tiếng chuông, tiếng mõ cứ ngấm vào cậu lúc nào không hay. Chẳng biết sư cụ cảm hoá ra sao, hay thực là có nhân duyên từ tiền kiếp mà cậu nhất tâm tha thiết muốn xuất gia. Vì cậu lại là con một nên cha mẹ vô cùng bất ngờ trước ý định này của con trai, nhưng cùng đành gạt nước mắt mà đồng ý.

23 tuổi cậu nương vào cửa chùa, ngày ngày cùng sư cụ tụng kinh, niệm Phật, lúc này đây cậu tiếp xúc với các bạn đồng tu. Một thế giới mới, một chân trời mới mở ra. Tưởng như nghiệp diễn tuồng chỉ còn trong tâm tưởng dĩ vãng. Nhưng rồi, cái gì có nhân duyên ắt sẽ phải đến.

Bẵng đi bao nhiêu năm trời xa cách, ngày định mệnh ấy lại trở lại. Đó là vào dịp rằm tháng 7 âm lịch - một ngày lễ lớn của Phật giáo, nhà chùa tổ chức cúng thí thực và phả độ gia tiên cho Cửu huyền thất tổ. Trong chùa có Đàn Ngoại, đó là tích trò của nhà Phật để diễn giải lại cho con cháu  hiểu ý nghĩa của những ngày cúng vừa qua là như thế nào.

Rất nhiều học viên cao tuổi dự lớp học hát chèo tại chùa Đống Lim.

Có hai tích trò là Tây Thiên Kim Mã và Mục Liên Thanh Đề. Để diễn hai tích trò này cho nhà chùa trong một tối thì các nghệ sĩ của Nhà hát phải chuẩn bị cả tháng trời và chi phí cũng khá tốn kém. Sẵn có trong tay tất cả kiến thức mà trước đây được học và đứng trên bục giảng nên sư thầy đã vào trường nghệ thuật gặp gỡ những sinh viên đang theo học để về hướng dẫn diễn tích trò cho nhà chùa.

Cũng chính vì đến Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, thầy mới biết có rất nhiều bạn trẻ có năng khiếu nhưng không thi đỗ do chưa đạt tiêu chuẩn.

Nghệ thuật tuồng lúc này rất ít người theo học trong khi đó bộ môn chèo lại rất phát triển. Sư thầy cho các bạn trẻ ấy về tá túc tại chùa nuôi ăn, học miễn phí. Thầy uốn từng lời ca, sửa từng câu hát, tuỳ tố chất của từng người thầy sẽ có cách chỉ dạy khác nhau.

Ở đây, dưới mái chùa thương yêu của làng quê, bên những pho tượng Phật trang nghiêm, xen lẫn với tiếng chuông chùa sớm tối, những làn điệu, lời ca câu hát, là một đời sống văn hoá tinh thần rộn ràng và thấm đượm nghĩa tình.

Hằng ngày, sau giờ học, còn dư thời gian thì các học viên người quét sân, người trồng rau, nấu cơm. Mâm cơm nhà chùa thanh đạm, chay tịnh, rau muống luộc, chấm nước tương, đậu phụ rán nhưng các bạn coi nhau như người một nhà quấn quýt bên người thầy bao dung, rộng lượng.

Nhờ sự chỉ bảo tận tình, ân cần của thầy, trong một năm ôn học nhiều bạn trẻ đã đỗ vào trường nghệ thuật. Nhiều người biết đến cửa chùa Đống Lim rất sẵn lòng cho những học sinh nào muốn tìm hiểu về nghệ thuật chèo truyền thống.

Có những em mới 13, 14 tuổi đã được cha mẹ đưa đến gửi gắm nhờ thầy kèm cặp. Sống và học tập dưới mái chùa ròng rã nhiều năm nên đến lúc thi vào trường nhiều em đạt điểm cao, xuất sắc. Tiếng lành đồn xa, cứ hết tốp này lại đến tốp khác, sinh viên thi không đỗ vào lớp chèo trong trường lại hỏi đường đến chùa Đống Lim, nì nèo xin thầy chỉ dạy.

Thầy nhìn những khuôn mặt thơ ngây của học sinh đến từ khắp các tỉnh thành phía Bắc, mà dấy lên lòng yêu thương. Trong những giờ lên lớp, thầy thổi bùng lên ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết cho các em. Sau khi sinh viên ra trường, một lần nữa thầy lại cất công giới thiệu việc làm cho các em.

Nghệ sỹ Nguyễn Thị Biên (Nhà hát chèo Việt Nam) chia sẻ: “Từ năm 1998 đến nay đã 21 năm, thầy đào tạo, chỉ dẫn cho biết bao thế hệ học sinh, sinh viên, những  người sau này trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp ở các nhà hát chèo, từ Nhà hát chèo Việt Nam, Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát chèo Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương... đâu đâu cũng có các nghệ sĩ từng theo học thầy. Ngay cả đoàn chèo chúng tôi cũng có cả chục người từng là học sinh của thầy”.

Nghệ sỹ Nguyễn Thị Biên còn cho biết, không chỉ tận tay chỉ bảo cho các thế hệ học sinh, sinh viên, thầy còn mời thêm những nghệ sỹ chuyên nghiệp ở các nhà hát đến dạy các em một cách rất bài bản. Chính vì tình thương, đầy tâm huyết với học trò và nặng lòng với nghệ thuật truyền thống của thầy, mà các nghệ sĩ ở nhà hát đã không quản ngại đến đây để truyền thụ những kiến thức cho những ai muốn tìm hiểu bộ môn đặc sắc này.

Nói về Thượng toạ Thích Thanh Phương, Thượng toạ Thích Đạo Phong, Chánh thư ký Ban Trị Sự Giáo hội phật giáo Việt Nam TP Hà Nội cho biết: “Ngày nay, nét giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống đang ngày càng bị mai một, nhiều người xa rời với bộ môn chèo, nhưng tại nơi cửa Phật lại giữ gìn, phát triển nghệ thuật hát chèo là điều đáng quý. Thầy mở lớp dạy học miễn phí, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cho những thế hệ học sinh, sinh viên để trở thành những công dân có ích cho xã hội, đồng thời thầy cũng đã giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc. Đây là điều làm rất đáng trân trọng, là một việc làm tốt đời, đẹp đạo”. 

Rời ngôi chùa với nồng nàn lời ca tiếng hát, mềm mại điệu múa, những khuôn mặt hoan hỷ khi được người thầy nhiệt tâm chỉ dẫn, tháng 7 mưa ngâu ở ngôi chùa Đống Lim như dòng nước mát cam lộ của ngài Quán Âm Bồ Tát vảy xuống dương gian làm dịu mát và thanh sạch lòng người.

Trần Mỹ Hiền
.
.