Lục bình không còn là “tội phạm”

Thứ Tư, 28/08/2013, 20:35

Nói đến lục bình, không chỉ riêng nông dân nước ta mà những người sống ở vùng châu thổ sông Nil, Trường Giang, Amazon hoặc các hồ lớn như Victoria, Taganyika, Malawi đều coi là tai họa vì nó phát triển rất nhanh và khả năng thích nghi rất tốt. Chỉ khoảng 1 tháng, từ một vài cụm, nó trở thành một mảng xanh rì, liên kết với nhau, làm giảm nguồn oxy trong môi trường nước khiến các loài thủy sản khó lòng phát triển. Ngay cả khi vớt ném lên bờ một thời gian, cành lá khô rang nhưng nếu thả xuống nước thì vài ngày sau, nó lại sống.

Được nhận dạng vào năm 1852 trên sông Amazon bởi các nhà thực vật học, 30 năm sau, người ta thấy nó ở Mexico, ở bang Florida, Mỹ, rồi ở châu Á. Nó không có đối thủ tự nhiên nào để khắc chế. Nó xâm chiếm phía nam Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia, gây trở ngại cho vận tải thủy, làm nghẽn động cơ của các nhà máy thủy điện, hút nước khiến sông ngòi khô cạn và làm suy giảm đa dạng sinh học.

Thế nhưng gần đây, một nhà khoa học - tiến sĩ Isabelle Gaime, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Marseilles, Pháp (IRD), hiện đang làm việc tại Đại học Mexico đã phát hiện ra những đặc tính của lục bình, cho phép biến thảm họa tự nhiên này thành một thế mạnh về kinh tế.

Điều đầu tiên mà tiến sĩ Isabelle Gaime ghi nhận, là khả năng hút nước của lục bình. Ông nói: "90% cấu tạo của cây lục bình là nước. Thân cây cấu thành từ các sợi thể hang và thể xốp. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của chúng tôi cho thấy cấu trúc thể hang, thể xốp giúp cho lục bình hút được lượng chất lỏng rất lớn. Vì thế, chúng tôi tách thân lục bình thành các sợi hữu cơ, rồi chế biến thành những vật liệu có độ thẩm thấu rất cao, sử dụng trong các ngành công nghiệp như hút dầu, hút acid, cũng như hút các hóa chất. Như vậy, nguồn nước sẽ bớt bị ô nhiễm, giảm thiểu đáng kể lượng nước bị nhiễm độc hàng ngày vẫn thải ra môi trường".

Lục bình.

Không chỉ xử lý nước thải công nghiệp, lục bình còn được dùng để giải quyết vấn đề ô nhiễm trong các trại chăn nuôi. Nước thải từ các trại chăn nuôi chứa rất nhiều nitrogen, phosphor và những hợp chất vô cơ. Những chất này rất khó tách khỏi nước bằng cách quét rửa hay lắng lọc. Thông thường, để xử lý, các trại chăn nuôi vẫn áp dụng phương pháp "ổn định nước thải" dựa vào khả năng tự làm sạch của nước, chủ yếu là vi sinh vật và các loài thủy sinh, các chất bẩn bị phân hủy thành  khí và nước. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là thời gian xử lý khá dài, đòi hỏi mặt bằng rộng và thường sinh ra mùi hôi thối khó chịu.

Tiến sĩ Isabelle Gaime cho biết: "Đầu tiên, nước thải sẽ được  cho chảy vào hồ để chất thải lắng xuống đáy. Sau vài ngày, phủ sợi lục bình lên. Trong 10 ngày, lượng phosphor giảm khoảng 68 đến 72%, nitơ giảm 56%, các chất khác giảm từ 80 đến 90%. Như thế, nước đổ xuống cống an toàn mà không cần xử lý gì nữa".

Để thực hiện việc này, Công ty Tema - một doanh nghiệp Mexico chuyên về lĩnh vực môi trường - do Lorenzo và Carlos Vargas thành lập, đã tiến hành vớt lục bình lên rồi phơi khô, nghiền ra, cho vào túi và chuyển đến nhà máy San Luis Potosi. Tại đây, các sợi lục bình khô được nghiền nát để thành một thứ bột. Cứ mỗi kg chất bột này có thể hút được 4 đến 5 kg chất lỏng.

Một đại diện của Công ty Tema cho biết: "Hiện chúng tôi đang khai thác lục bình trên một diện tích 70 nghìn hecta mặt nước để cho ra 1,5 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Việc sử dụng chất hút này được ứng dụng trong phạm vi rất rộng vì phần lớn các doanh nghiệp ở Mexico đều phải đối mặt với vấn đề nước thải, đặc biệt là nước thải có chứa chì, thủy ngân hàm lượng cao".

Điều này được chứng minh khi các kỹ sư của Tema dùng sợi lục bình đã chế biến để hút dầu mỏ bị rò rỉ từ những dàn khoan dầu trong vịnh Mexico. Sợi lục bình đã hút sạch dầu trên mặt biển, hầu như không để lại một dấu vết nào.

Kỹ sư Calisto nói: "Dầu thô chảy ra từ việc khai thác hoặc từ những vụ đắm tàu rất đậm đặc - mà giới chuyên môn gọi là "thủy triều đen" - nên độ hút của sợi lục bình cũng tăng lên. Để hút một lượng dầu 2.000 lít rò rỉ trên mặt nước, chúng tôi dùng phao cao su khoanh vùng dầu tràn để ngăn không cho lan rộng ra rồi phủ lên một lớp sợi lục bình và hiệu quả xuất hiện chỉ trong 1 tiếng rưỡi. Ở các bề mặt cứng như nền bê tông, dầu không thẩm thấu xuống đất được, chúng tôi rải bột lục bình. Sau đó thu lại khối hỗn hợp này và đưa đi tiêu hủy".

Sợi lục bình hoàn toàn có thể sử dụng trong môi trường nước mặn cũng như nước ngọt. Nó rất hiệu quả để làm sạch các khu vực ven bờ biển, cứu những cây bị dầu tràn, như tràm, đước…, thậm chí cả các vùng đầm lầy. Chả thế mà Công ty Dầu mỏ Mexico là khách hàng quan trọng của Tema vì tại những giàn khai thác, thường có khoảng 1- 2% lượng dầu hút lên bị rò ra ngoài. Năm 2012, Công ty Tema nhận được huy chương Cleantech dành cho doanh nghiệp xử lý ô nhiễm tốt nhất Mexico. Pemex, một công ty dầu mỏ khác của Mexico cũng đã công nhận hiệu quả của sợi lục bình và đã yêu cầu các chi nhánh đặt hàng sản phẩm.

Không chỉ dùng sợi lục bình để ngăn chặn "thủy triều đen", Công ty Tema còn dùng nó làm chất hút đồ phóng uế của các súc vật nuôi trong nhà, như chó, mèo…, chế tạo những túi đựng hàng hóa tự hủy với giá thành rất rẻ. Đặc biệt hơn nữa, những bộ bàn ghế, những chiếc giường làm từ sợi lục bình rất được khách hàng phương Tây ưa chuộng.

Một sản phẩm nữa của lục bình là giấy. Lục bình được cắt ra từng đoạn, phơi khô rồi nấu với một số hóa chất, Công ty Tema thu được sợi cellulose - là thành phần chính để làm giấy. Tiếp theo, đưa cellulose đi tẩy trắng, nghiền mịn thành bột rồi cho vào máy ép. Các thí nghiệm cho thấy giấy lục bình có độ bền kháng kéo, độ bền xé và độ chịu bục cao gấp 2 lần so với loại giấy thông thường vẫn được dùng làm vỏ bao đựng xi măng.

Bên cạnh đó, nó còn có tính hút dầu mỡ rất nhanh nên Công ty Tema đã sử dụng để chế ra một loại giấy, chuyên cung cấp cho những nhà hàng thức ăn nhanh dùng làm giấy gói khoai tây chiên, gà chiên, giúp thực khách không cảm thấy "ngấy" bởi lớp dầu mỡ bám bên ngoài. Do được chế tạo từ nguyên liệu là thực vật nên chỉ một thời gian ngắn, loại giấy gói này sẽ tự hủy trong môi trường tự nhiên, không cần phải phân loại để đưa đi tái chế. Chưa kể khi cho ủ với một số chế phẩm vi sinh, sau 30 ngày các thành phần thừa ra của lục bình sẽ biến thành phân bón hữu cơ.

Lorenzo, một trong hai người đồng sáng lập ra Công ty Tema, nói: "Tại những vùng có các loài động vật như trâu, bò sinh sống, lấy lục bình làm nguồn thực phẩm chính. Chúng tôi nhận thấy sữa của chúng béo hơn và ngon hơn. Khi phân tích, chúng tôi thấy nó đáp ứng được mọi tiêu chuẩn vệ sinh đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lục bình được phơi khô trên bờ, có hàng đàn kiến và ong đến hút để lấy các chất ngọt có trong thân của nó. Tham khảo những nghiên cứu của Đại học Mexico và Viện IRD, Pháp về nồng độ đường trong lục bình, chúng tôi tin rằng lục bình có thể dùng làm thực phẩm trong tương lai".

Các nghiên cứu cho thấy trong lục bình có protein và polysaccharides  - là nhóm chất hữu cơ rất phổ biến bao gồm các loại như tinh bột, glycogen, cellulose… Theo tiến sĩ Isabelle Gaime, nó còn gồm những chất cho phép chiết xuất ra oligomère, là một chất quý, sử dụng trong việc lai tạo giống động vật, hiện nay chỉ tổng hợp được bằng phương pháp hóa học với giá thành rất cao.

Tiến sĩ Isabelle Gaime cho biết: "Hơn nữa, các thí nghiệm do Viện IRD, Pháp tiến hành còn cho thấy nanocellulose được tổng hợp từ lục bình bằng phương pháp hóa học, sử dụng acid oxalic là tác nhân thủy phân, thay cho các loại acid vô cơ thông dụng, hứa hẹn sẽ là một loại vật liệu mới, nguồn gốc tự nhiên, có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực composite".

Như vậy, xem ra trong tương lai, cây lục bình sẽ không còn là thảm họa

Hòa Cao (theo Sience)
.
.