Lực đẩy nào cho nền thể thao Việt Nam?

Thứ Sáu, 19/12/2014, 16:52
Trong bất cứ giai đoạn nào một nền thể thao cũng cần phải có những lực đẩy để phát triển. Nhưng có lực đẩy rồi, việc tận dụng nó ra sao lại đòi hỏi những nhà hoạch định chiến lược phải có đủ cả tâm lẫn tầm.

Từ chuyện lần đầu tiên có huy chương ở 5 môn Olympic...

Asiad 17 tại Hàn Quốc vừa qua rõ ràng là một thất bại của thể thao Việt Nam. Thất bại vì rốt cuộc chúng ta chỉ có 1 Huy chương Vàng (HCV), không hoàn thành chỉ tiêu đoạt từ 2-3 HCV như những gì mình tuyên bố.

Và thất bại còn vì ông Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Lâm Quang Thành tỏ ra thiếu dũng cảm khi bám vào cái mệnh đề: "Chúng ta phát triển bề rộng tốt hơn các nước trong khu vực" để giảm đi nỗi đau thất bại mà mình là một trong những người "đứng mũi chịu sào".

Nếu lấy thành tích của các môn trong hệ thống thi đấu Olympic làm thước đo thì ở kỳ Asiad này, thể thao Việt Nam thậm chí còn thất bại hơn cả Campuchia - nước đã có 1 HCV ở môn Teakwondo, trong khi HCV duy nhất của chúng ta lại nằm ở môn Wushu - môn mà người Trung Quốc đã vận động từ rất lâu nhưng đến lúc này vẫn chưa nằm trong hệ thống thi đấu Olympic.

Tuy nhiên, sẽ là cực đoan nếu cứ chăm chăm nhìn vào những mảng tối đó để kết luận rằng chúng ta đã trải qua một kỳ Asiad mù mịt tương lai. Trái lại, phải sau một thất bại bao trùm người ta vẫn nhìn thấy những lực đẩy, mà rõ nhất là lần đầu tiên chúng ta cùng lúc có các HCB, HCĐ ở 5 môn thể thao Olympic.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh nhấn đi nhấn lại rằng những chiếc huy chương ở những môn thi đấu này (bơi lội, điền kinh, boxing, đấu kiếm, thể dục dụng cụ) sẽ giúp chúng ta vững tin hơn trong việc dồn tiền đầu tư vào những môn đấu trọng điểm, từ đó hy vọng có ngày sẽ giành được huy chương Olympic.

Tuy nhiên từ chỗ "vững tin" đến chỗ thực sự làm mạnh tay, làm quyết liệt theo chúng tôi vẫn còn khoảng cách khá xa. Nếu thực sự làm mạnh tay, đã đến lúc thể thao Việt Nam đoạn tuyệt với những môn thi đấu mà có thời chúng ta gọi là "đi tắt đón đầu" với mục tiêu giành tối đa số lượng huy chương ở cái hội làng SEA Games.

Sau khi so sánh vị trí thứ 3 toàn đoàn mà thể thao Việt Nam có được trong những kỳ SEA Games vừa qua với những vị trí thấp hơn của Singapore, Malaysia, Myanmar rồi lại so sánh cái vị trí thứ 21 toàn đoàn của chúng ta ở kỳ Asiad vừa qua với những vị trí cao hơn mà các nước trên đồng loạt có được, một nhà báo đã giật một cái tít rất thú vị: "Một thúng HCV SEA Games không đổi được một HCV Asiad".

Đã đến lúc cần phải tận dụng triệt để lực đẩy Asaid - cái lực đẩy được tạo ra bởi 5 bộ môn có huy chương trong hệ thống thi đấu Olympic để quyết tâm biến cái cụm từ "có huy chương" trở thành "có huy chương vàng". Muốn vậy, không riêng gì các vận động viên phải thực sự quyết tâm khổ luyện mà ngay cả những nhà hoạch định sự phát triển nền thể thao cũng phải khổ luyện cái đầu.

Đội tuyển U19 Việt Nam điển hình cho một tư duy làm bóng đá đầy mới mẻ. Ảnh: H.M.

... đến chuyện lần đầu tiên có một Đội tuyển U19 chứa chan hy vọng

Bất chấp việc Đội tuyển (ĐT) U19 Việt Nam không thể lọt vào top 4 vòng chung kết (VCK) U19  châu Á, qua đó giành vé dự VCK U20 thế giới như mục tiêu đã định, bất chấp việc chúng ta đã chịu thất bại với tỷ số 0-6 trước người Hàn Quốc (dù trước đó đã rất tự tin với một chiến thắng như lời của Trưởng đoàn, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Đoàn Nguyên Đức) thì U19  Việt Nam vẫn là một giá trị, một lực đẩy tích cực đối với cả một nền bóng đá hiện nay.

Tích cực ở chỗ bây giờ U19  đi đến đâu cũng được người hâm mộ tin yêu, cổ vũ. Và sức hút của U19  đã che át tất cả những thông tin về ĐT U23 rồi ĐT quốc gia, ngay cả khi hai ĐT này đều đang trải qua những quá trình tập luyện, hướng đến những mục tiêu quan trọng. Đã có nhà báo "lục tung Internet" rồi kết luận là thời gian diễn ra VCK U19  châu Á vừa qua, trong khi thông tin về ĐT U19  Nhật Bản, Hàn Quốc xuất hiện cực kỳ nhỏ giọt trên các trang báo thể thao của các đất nước này thì thông tin về U19  Việt Nam lại tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng ở ta.

Đài Truyền hình Việt Nam thậm chí có thể không mua bản quyền truyền hình Asiad, chứ không thể không mua bản quyền truyền hình các giải đấu có U19. Ngay cả huấn luyện viên trưởng Guilaume Graechen cũng phải thừa nhận là ông không thấy ở đâu mà một ĐT trẻ quốc gia lại được thi đấu trong một sân vận động ngập tràn khán giả như khi U19 đá giải Đông Nam Á trên sân Mỹ Đình.

Rõ ràng cái hiệu ứng được tạo ra từ U19 là rất tốt. Nhưng tận dụng hiệu ứng ấy như thế nào, với mục đích ra sao (mục đích cá nhân hay mục đích tập thể) lại là việc đáng bàn.

Theo chúng tôi, những chuyên gia bóng đá hàng đầu như ông Nguyễn Văn Vinh hay HLV Lê Thuỵ Hải không hoàn toàn vô lý khi bảo: "Dường như có một bộ phận người muốn mượn U19 để đánh bóng hình ảnh cá nhân". Và cũng không hoàn toàn vô lý khi một bộ phận dư luận phê phán cái cách ông Chủ tịch VFF ví von U19 là "con ngoan" và ví các ĐT khác trong gia đình bóng đá Việt Nam là "con hư".

Nếu đã ví von như thế thì cần phải rạch ròi hỏi thẳng: Ai đã tạo ra "con ngoan" và ai tạo ra "con hư"? Cả làng bóng đều biết ĐT U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai JMG là sản phẩm của ông bầu Đoàn Nguyên Đức - người mà 7 năm về trước đã chấp nhận phá đi cả một rừng cao su và bỏ ra hàng chục triệu USD để đưa vào Việt Nam một công nghệ đào tạo cầu thủ chưa từng có. Còn các ĐT quốc gia còn lại với những thói hư tật xấu chính là hệ quả của một nền bóng đá ì ạch từ cấp độ câu lạc bộ lên đến cấp độ Liên đoàn - một nền bóng đá mà đã có lúc một cầu thủ nổi tiếng đã phải kêu van: "Các chú các bác đánh nhau ít thôi, để tụi con còn đá".

Cũng cần phải nói thêm rằng cùng thời điểm bầu Đức xây dựng Học viện JMG ở Pleiku thì ở Hà Nội, VFF cũng xây dựng một trung tâm bóng đá trẻ với một trong những mục tiêu là sẽ đào tạo ra những cầu thủ trẻ triển vọng. Nhưng bây giờ thì sao - cái trung tâm ấy đã tạo ra được cầu thủ nào hay chưa? Câu trả lời cả làng đều rõ cả.

Trở lại với những vấn đề của ĐT U19, chúng tôi đồng tình với quan điểm của bầu Đức rằng đấy là một đội bóng điển hình cho một cách làm bóng đá đúng đắn trong thời buổi hiện nay, nhưng để một nền bóng đá phất lên thì cách làm bóng đá ấy cần phải được nhân rộng ở nhiều địa phương khác, với sự nhập cuộc của nhiều con người có tâm, có tầm khác.

Hãy nhìn lại những gì mà ĐT U19 Nhật Bản đã trải qua, xin thưa đấy là một đội bóng được nhặt nhạnh từ hàng chục học viện bóng đá tại Nhật, chứ không phải là đội bóng của một học viện rồi tăng cường một vài cầu thủ khác như cách làm của ta. Dĩ nhiên sẽ là quá khập khiễng nếu so sánh bóng đá Việt Nam với bóng đá Nhật Bản, xã hội Việt Nam với xã hội Nhật Bản, nhưng một mô hình đúng - một mô hình lý tưởng mà người khác đang làm và đang gặt hái thành công đương nhiên cũng phải là mô hình chúng ta cần hướng đến.

Nếu không tận dụng cái lực đẩy U19 một cách đúng đắn ở cả góc độ tinh thần lẫn góc độ định hướng phát triển thì chúng ta sẽ rơi vào trạng thái nghịch cũng chưa biết chừng. Cái nghịch mà ở đấy một bộ phận con người dường như luôn bị ám ảnh bởi cái tâm lý (hay chân lý?) "thấy sang bắt quàng làm họ".

Chờ một tư duy mới

Khi bàn về những giá trị của ĐT U19 hiện nay, giáo sư Dương Nghiệp Chí đặc biệt nhấn mạnh đến việc bầu Đức đã liên kết với Đại học Thể dục Thể thao TP HCM để đưa các cầu thủ của mình đi học. Theo ông, vấn đề ở đây không đơn thuần nằm ở việc chúng ta sẽ có một lứa cầu thủ được học hành lớp lang tử tế, mà vấn đề là bầu Đức đã có tư duy gắn thể thao với trường học - một tư duy phổ biến trên thế giới.

Theo ông Dương Nghiệp Chí, thể thao trong trường học Việt Nam quá yếu kém, nếu không muốn nói là trắng trơn, và đấy chính là lý do khiến chúng ta không thể phát hiện, xây dựng được một đội ngũ các vận động viên đủ tầm. Cách làm của thể thao Việt Nam hiện nay là nhặt nhạnh vận động viên theo kiểu  "gà nòi" rồi đầu tư phát triển, nhưng đấy là một cách làm cũ kỹ vừa mang tính rủi ro cao, vừa thiếu giá trị nhân văn, vì nếu không thể theo nghiệp thể thao các vận động viên sẽ không còn hành trang nào khác để phát triển tương lai của mình.

"Những nhà làm thể thao chúng ta phải học tập bầu Đức, phải gắn thể thao với học đường thì mới hy vọng có ngày cất cánh" - chúng tôi tâm đắc với quan điểm của giáo sư Dương Nghiệp Chí.

Phan Đăng
.
.