Lực lượng đặc nhiệm chống khủng hoảng lương thực

Thứ Sáu, 16/05/2008, 08:15
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 30/4 vừa qua tuyên bố tổ chức này sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống khủng hoảng lương thực đang lan khắp thế giới. Lực lượng đặc nhiệm do chính ông đứng đầu sẽ bao gồm lãnh đạo của các cơ quan thuộc LHQ và Ngân hàng thế giới.

Theo ông Ban Ki-moon, thế giới đang phải đối mặt với nạn đói lan tràn, sự thiếu ăn và tình trạng bất ổn xã hội ở mức nghiêm trọng chưa từng thấy do giá lương thực leo thang.

Phát biểu sau một cuộc họp tại thủ đô Berne của Thụy Sĩ, ông Ban Ki-moon nói rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cứu đói thông qua việc lấp lỗ hổng về ngân quỹ cho Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) trong năm nay.

Ông cũng kêu gọi các nước tài trợ cung cấp thêm tiền cho tổ chức này, và tin rằng 100 triệu người đang trong tình cảnh thiếu lương thực.

Theo WFP, họ mới chỉ nhận được 62% cam kết đóng góp 755 triệu USD cần có để cứu đói số người nói trên. Trong thực tế, mới có 18 triệu USD tài trợ đã được chuyển tới tay WFP.

Ông Ban Ki-moon cho rằng, việc thiết yếu là hỗ trợ nông dân tại các nước nghèo, những người đang sản xuất được ít hơn do chi phí phân bón và năng lượng tăng cao.

Đối với vấn đề này, lực lượng đặc nhiệm của LHQ hy vọng sẽ tài trợ 200 triệu USD cho nông dân tại những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, nhằm tăng sản xuất lương thực cũng như thiết lập một chương trình trị giá 1,7 tỉ USD để giúp các nước thiếu lương thực mua hạt giống.

Cũng tại Hội nghị LHQ về lương thực tại thủ đô Berne Thụy Sĩ vừa qua, các nước tham gia đã nhất trí rằng chiến lược dài hạn của LHQ sẽ bắt tay từ nâng cao sức sản xuất nông nghiệp của các nước chậm phát triển, đồng thời dốc sức thay đổi thể chế thương mại quốc tế hiện nay, thúc giục các nước phát triển dỡ bỏ trợ cấp nông nghiệp, làm dịu hiện tượng bóp méo giá lương thực.

Theo thống kê, sức sản xuất nông nghiệp của các nước chậm phát triển nhất chỉ bằng khoảng 50% của các nước phát triển, muốn giải quyết vấn đề bất cập trong sản xuất lương thực, các nước phát triển cần phải phổ biến kiến thức nông nghiệp cho các nước đang phát triển, phát huy đầy đủ tiềm năng sản xuất lương thực của các nước đang phát triển.

Ngoài ra, các khoản viện trợ phát triển cần phải ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, tập trung nâng đỡ công tác nghiên cứu nông nghiệp, ngoài ra việc phổ biến trồng cây nông nghiệp biến đổi gien, làm thế nào để xử lý quan hệ giữa sản xuất lương thực với sản xuất năng lượng sinh học cũng như định hướng đúng cho nông nghiệp và công nghiệp cũng là nghị trình thảo luận trọng điểm của hội nghị lần này.

Trong một nỗ lực nhằm làm dịu bớt hậu quả của nạn giá gạo thế giới đang ngày càng tăng cao, ngày 2/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ George W. Bush đề xuất khoản hỗ trợ lương thực quốc tế trị giá hơn 750 triệu USD. Ông Bush cho biết sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn đề nghị này.

Cũng tại hội nghị trên, các thành viên tham gia cho biết cộng đồng quốc tế cần phải rút ra bài học từ giá lương thực leo thang. Thời gian qua, giá lương thực và giá dầu đã cùng lúc trở thành tiêu điểm quan tâm nhất của cộng đồng quốc tế, một số tổ chức quốc tế thậm chí bi quan cho rằng, khủng hoảng lương thực toàn cầu đã xuất hiện.

 Ông Abbashian, chuyên gia của Cục Thương mại và Thị trường Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ lại có cái nhìn khác: “Liệu chúng ta đã rơi vào khủng hoảng lương thực mang tính toàn cầu hay chưa? Nếu so sánh với nạn đói nghiêm trọng mang tính thế giới năm 1973, thì hiện nay chưa phải đã xuất hiện khủng hoảng lương thực toàn cầu. Bởi vì năm 1973, cho dù muốn mua lương thực cũng chẳng có mà mua. Về mặt cung cấp, hiện nay chúng ta có đủ số lượng lương thực”.

Phân tích nguyên nhân giá lương thực tiếp tục leo thang gần đây, ông Abbashian cho rằng nguyên nhân bao gồm nhiều mặt: vừa có nguyên nhân trực tiếp là do thiên tai dẫn đến giảm sản lượng, lại có nguyên nhân sâu xa và mang tính kết cấu như: năng lực sản xuất nông nghiệp giảm sút, thương mại nông sản phẩm bị bóp méo, thay đổi kết cấu tiêu dùng thực phẩm...

Nguyên nhân quan trọng hơn là giá dầu tăng mạnh gây sức ép to lớn cho sản xuất lương thực. Nếu muốn giải quyết vấn đề quan trọng với nguyên nhân phức tạp, diện tác động rộng lớn như vậy thì LHQ phải đứng ra phối hợp tổ chức là sự lựa chọn tối ưu.

Một số dư luận cho rằng, việc trồng cây nông nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học trên diện tích lớn chính là “thủ phạm” dẫn đến giá lương thực leo thang, ông Abbashian cũng có quan điểm khác về vấn đề này, ông cho rằng, đây quả là nguyên nhân quan trọng dẫn đến giá lương thực tăng cao trong năm nay, song nó lại không phải là nguyên nhân chính. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để kéo giá lương thực xuống.

Ông Abbashian cho rằng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ dự báo, sản lượng lương thực năm nay sẽ có phần tăng lên. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, giá lương thực sẽ giảm vào mùa hè này. Thế nhưng tốc độ giảm không mạnh, giá lương thực bấp bênh cũng có thể kéo dài đến năm 2009.

Ông Abbashian kết luận, đối với LHQ và các tổ chức quốc tế khác, điều quan trọng là rút ra bài học từ những việc đã xảy ra, tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách giải quyết những vấn đề này, nếu như bỏ mặc mà không tích cực bắt tay hành động thì cuối cùng sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.