Lùm xùm chuyện tiền bạc ở “Quỹ tương tế Việt Nam” tại San Jose, Mỹ

Thứ Sáu, 05/09/2014, 22:20

"Quỹ tương tế là con tàu đang rơi vào hố thẳm, nó phải chết dù sớm hay muộn, không sao cứu vãn được như lời nhận xét của ông cựu Chủ tịch Nguyễn Trung Hòa. Vì vậy, không nên trốn trách nhiệm hoặc tìm đường sống thoi thóp bằng cách bắt hội viên phải đóng góp nhiều hơn…" - một thành viên trong Ban điều hành Quỹ tương tế Việt Nam tại San Jose (Mỹ) nói.

1. Hơn 30 năm trước, khi làn sóng người Việt đầu tiên đến định cư tại thành phố San Jose, bang California, Mỹ, thì những bậc cao niên hoặc những gia đình có cha mẹ già đều lo ngay ngáy rằng khi khuất bóng, việc "hậu sự" sẽ ra sao! Đi xem mấy đám tang do các "nhà đòn" Mỹ tổ chức, cụ nào cụ nấy vãi linh hồn: Ngay khi nhận được điện thoại báo tin có người qua đời, nhà đòn cho xe đến đưa xác cụ về tẩm liệm, khỏi có cái vụ "giờ thiêng, giờ trùng" hoặc "nhập quan, động quan, di quan" gì ráo trọi!

Cũng khỏi có cái vụ phường kèn bát âm tò te tí toét, nhạc Tây chát chát bùm bùm, rồi khăn sô áo sô, thắt lưng dây thừng, bưng di ảnh người quá cố đi giật lùi hay lăn xuống đất 3 vòng như ở bên nhà, mà đúng ngày đó, giờ đó, gia đình tang chủ quần đen áo đen, tập trung ra nghĩa địa chứng kiến việc hạ huyệt rồi ai về nhà nấy. Chưa kể chi phí cho việc mai táng khá đắt nên rất nhiều cụ sau khi tuyên thệ để nhận "thẻ xanh" (thẻ chứng nhận thường trú) rồi thi vào quốc tịch, lĩnh tiền trợ cấp già yếu thì một trong những việc đầu tiên mà các cụ nghĩ đến là mai này sẽ nằm ở chỗ nào.

Thời điểm ấy, ở San Jose có một tổ chức tương trợ để lo chuyện hậu sự do một nhóm người Việt gốc Hoa điều hành. Khá nhiều cụ người Việt giữ trong đầu niềm tin bất di bất dịch, rằng người Hoa trong vấn đề làm ăn thường rất coi trọng chữ "tín" nên đã góp tiền hoặc vận động vợ con phải góp tiền vào tổ chức này. Tiếc thay tại San Jose, niềm tin đã đặt không đúng chỗ vì đùng một cái, mấy ông cầm đầu tổ chức tương trợ tuyên bố phá sản vì lý do hội viên… chết nhiều quá!

Theo lý giải của mấy ổng, một hội viên góp trong 2 năm, tổng cộng mới được 720 USD thì lăn ra chết, và số tiền "phúng điếu" mà tổ chức phải lo là gần 10 nghìn USD. Một năm chết chừng 1, 2 người thì không sao, chứ chết gần 20 người mà không phá sản mới là lạ!

Thực tế thì cái tổ chức này đem tiền đóng góp của hội viên đầu tư vào nhà cửa, đất đai, một lĩnh vực đã làm điên đảo nước Mỹ hồi thập niên 90 thế kỷ trước. Khi thị trường địa ốc xuống dốc không phanh, tổ chức này tuyên bố phá sản. Hậu quả là hàng nghìn hội viên vừa Việt vừa Tàu đã đóng góp hàng tháng trong nhiều năm để lo việc hậu sự trở thành trắng tay.

Cụ ông Nguyễn Trọng Đại, ở đường Santa Clara, San Jose, người đã nộp tiền cho tổ chức này suốt 7 năm nói như mếu: "Gia đình ông Long bạn tôi "mừng hết biết" vì ổng "đi sớm", họ nhận được đủ tiền tang ma của tổ chức". Rồi cụ hậm hực chửi theo kiểu cải lương Nam Bộ: "Không ngờ "trao duyên nhầm tướng cướp". Biết vậy tiền gửi nhà băng, chết đem thiêu cho xong".

Chính vì thế, khi "Hội người Việt cao niên vùng Vịnh" ra đời, do ông Phạm Tài Đôn làm tổng thư ký với mục đích thành lập nghĩa trang đầu tiên dành cho người Việt trên đất Mỹ, khỏi nhờ đến "nhà đòn" USA thì bà con hưởng ứng, đóng góp rần rần.

Trong những ngày đó, ông Đôn và nhiều cụ ông, cụ bà cộng sự đã đến từng gia đình có người già, vận động họ ký tên "mua đất" để lấy tiền trước. Kết quả là nghĩa trang "thuần Việt" mang tên Los Gatos hình thành và tồn tại đến ngày nay. Ngay cổng tam quan, câu đối của cố nhà thơ Hồ Mộng Thiệp đã gửi gắm tất cả nỗi niềm tâm sự của các cụ: "Xác tục ngàn năm lưu đất khách. Hồn thiêng vạn dặm gửi quê hương".

Các cụ ông, cụ bà ngơ ngác nhìn nhau.

Sau khi nghĩa trang hình thành, "Hội người Việt cao niên vùng Vịnh" tính tiếp đến chuyện ma chay. Thập niên 80 thế kỷ trước, tài chính dành cho việc ma chay chỉ dựa vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với các hãng bảo hiểm Mỹ. Theo đó, tùy vào độ tuổi, vào sức khỏe, người mua bảo hiểm mỗi tháng phải đóng một số tiền nào đó cho hãng bảo hiểm, tuổi càng già thì số tiền phải đóng sẽ càng nhiều hơn tuổi thanh niên vì người già theo lẽ tự nhiên, mau chết hơn! Khi chết, thân nhân người quá cố sẽ được hãng bảo hiểm trả cho một khoản để lo chôn cất nhưng nếu càng già thì khoản tiền này lại càng ít đi.

Cụ ông Phan Văn ở Santa Cuz than thở: "Nhưng có tiền cũng chưa chắc đã đóng được vì trước khi ký hợp đồng, hãng bảo hiểm bắt mình đi khám bệnh. Nếu phát hiện mình có bệnh nan y, nó từ chối ngay vì mới đóng 2, 3 tháng mà mình lăn ra chết thì nó lỗ chỏng gọng".

2. Và thế là ngày 26/10/1995, Quỹ tương tế Việt Nam ra đời gồm một hội đồng quản trị, chủ tịch, các hội viên, tổng cộng 83 người với tiền góp vài nghìn đôla. May mắn là trong những ngày tháng đầu tiên ấy, không có hội viên nào "ra đi" vì nếu không, chỉ cần 2, 3 người "lên đường" là quỹ banh xác pháo! Từ khi thành lập đến tháng 10/2010, Quỹ tương tế Việt Nam hoạt động rất minh bạch - theo như nhận xét của cộng đồng người Việt ở San Jose. Tổng số tiền mà quỹ thu vào là 7,1 triệu USD. Với hơn 300 hội viên qua đời, quỹ đã thanh toán trên 3 triệu USD. Tất cả các thành viên trong ban điều hành quỹ đều làm việc tự nguyện và không hưởng bất kỳ quyền lợi gì từ quỹ.

Nếu như tôn chỉ hoạt động của các hãng bảo hiểm Mỹ là "thân chủ đóng vừa mức, quyền lợi hưởng tương xứng" thì Quỹ tương tế Việt Nam chơi ngon hơn. Thí dụ một hội viên khi bắt đầu đóng góp cho Quỹ ở tuổi 62 chẳng hạn, và sau 1 năm, số tiền góp tổng cộng 360USD (không kể tiền gia nhập, tiền niên liễm) mà cụ đột ngột về cõi vĩnh hằng thì gia đình cụ sẽ được nhận khoảng 10 nghìn USD.

Theo lời một cụ trong Quỹ Tương tế Việt Nam, được như vậy là nhờ số lượng hội viên ngày càng nhiều, tuổi thọ kéo dài và số người chết cũng ít!

Có cụ ngồi xe lăn nhưng cũng ráng đến vì sợ lỡ chuyến tàu đòi tiền.

Tuy nhiên, từ năm 2013, Quỹ tương tế Việt Nam - lúc này do ông Nguyễn Trung Hòa làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, bắt đầu xuất hiện những chuyện lùm xùm xung quanh vấn đề tiền bạc mà theo lời của nhiều hội viên, thì "Quỹ không rõ ràng về sổ sách, trả tiền tang ma không đúng, số thứ tự hội viên "lộn tùng phèo", Ban quản trị không công bố danh sách số hội viên hiện có và số hội viên đã qua đời mà chỉ nói là 2.400 người, có "lính ma, lính kiểng" việc khai báo thuế có gian dối....".

Lúc này, số tiền còn lại trong quỹ dùng để chi trả cho việc tang ma là khoảng 3,7 triệu USD. Bên cạnh đó, lại có tin đồn rằng Quỹ tương tế Việt Nam sắp phá sản khiến cả nghìn cụ như ngồi trên đống lửa. Mỗi buổi sáng, tại mấy quán cà phê trong khu thương xá Grand Century Mall, câu chuyện trao đổi giữa các cụ vẫn chỉ là "khi nào Quỹ trả lại tiền". Nhiều cụ xưa nay không thích la cà quán xá, giờ cũng đều đặn có mặt vì sợ chậm chân, lỡ… chuyến tàu đòi tiền!

Có cụ gần "8 bó", ngồi xe lăn, mỗi lần nói xong một câu thì lại "hậc hậc" như người hết hơi nhưng vẫn bắt con, bắt cháu phải đẩy cụ ra. Đồng tiền liền khúc ruột. Gì chứ làm ăn tích cóp cả đời chỉ để mong cho có chỗ nằm ổn định mà bây giờ bị mấy cha nội trong Quỹ lật kèo thì chịu sao nổi!

Để đáp lại, ngày 1/11/2013, Quỹ tương tế Việt Nam đã cho phổ biến một "tâm thư" đến từng hội viên mà nội dung chẳng khác gì một bản điều lệ sửa đổi: "Hội viên phải đóng tiền suốt đời, thay vì như điều lệ cũ chỉ đóng một thời gian nào đó. Số tiền được lĩnh khi chết có sai biệt".

Về vấn đề gia nhập, "tâm thư" nêu rõ: "Quỹ tương tế Việt Nam nhận hội viên từ 18 đến 75 tuổi tròn, đương đơn phải đến văn phòng điều hành làm thủ tục, nhớ mang theo giấy xác nhận tình trạng sức khỏe cùng thẻ an sinh xã hội, thẻ nhân dạng, giấy thông hành... Lệ phí gia nhập 50 USD đóng một lần duy nhất, 48 USD tiền niên liễm, đóng một lần vào đầu tháng giêng mỗi năm... 30 USD tiền quỹ dự trữ, đóng vào mỗi đầu tháng và có thể đóng nhiều tháng cùng một lúc.

Khi hội viên qua đời, người thừa kế được hưởng quyền lợi phúng điếu theo nhóm tuổi khi gia nhập. Hội viên chưa đủ thâm niên ghi trên, khi qua đời được hưởng 1.000USD. Hội viên không đóng tiền trong 3 tháng hoặc không đóng niên liễm, coi như tự ý bỏ, quyền lợi bị mất và tiền đã đóng không được hoàn trả".

Nhiều hội viên cho biết đây là một kiểu "chơi cha", và họ lên tiếng đòi tiền lại vì "tâm thư" này đã "tước hết mọi quyền lợi của hội viên, lại còn bắt hội viên đóng tiền mãn đời, hoàn toàn trái ngược với điều lệ năm 2002 mà Ban quản trị đã thi hành hơn chục năm qua…".

Một hội viên lo lắng vì không biết chừng nào Quỹ mới trả tiền.

3. Và mặc dù muốn đòi lại tiền, nhưng vì đa số hội viên đều chủ trương hòa giải chứ nếu kiện ra tòa thì tiền thuê luật sư lắm khi còn nhiều hơn số tiền đòi lại được nên các hội viên đã nhờ một tổ chức, là "Cộng đồng Việt Nam miền Bắc Cali" đứng ra làm trung gian.

Tuy nhiên, buổi tiếp xúc diễn ra vào đầu năm 2014 tại Văn phòng của Cộng đồng ở số 1141 E, đường William, TP San Jose cũng chẳng đi đến đâu vì "ông nói gà, bà nói vịt". Chưa kể việc ông Nguyễn Trung Hòa từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tương tế Việt Nam rồi bàn giao cho ông Bùi Văn Thiện Mỹ, đã như đổ thêm dầu vào lửa.

Ngày 7/4/2014, hội viên Quỹ tương tế Việt Nam lại tập trung về văn phòng ở số 1115 E, đường Santa Clara, San Jose để yêu cầu Ban quản trị quỹ giải quyết về chuyện xóa tên, rút tiền đã đóng vào quỹ. Khoảng 12h trưa, ông Bùi Văn Thiện Mỹ, Chủ tịch điều hành quỹ mới xuất hiện và đồng ý trả tiền cho những người không muốn tham gia. Thế nhưng việc trả tiền cũng lại rất bí ẩn: Họ chỉ nhận được 40% trên tổng số tiền mà họ đã đóng góp suốt nhiều năm.

Chìa cho tôi xem 8 tờ bạc 100 USD, cụ Tôn nói như mếu: "Gia nhập 12 năm, đóng gần 6 nghìn USD, giờ họ chỉ trả chừng này". Theo tìm hiểu của chúng tôi, người được trả nhiều nhất cũng chỉ có 2.500 USD. Rất nhiều hội viên nêu thắc mắc, rằng số tiền trả lại là 40% thì con số này ở đâu ra. Với những hội viên còn ở lại, quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm như thế nào?

Đến sáng ngày 11/8/2014, một lần nữa nhiều hội viên lại tập trung tại văn phòng Quỹ tương tế Việt Nam để yêu cầu Ban quản trị giải quyết những vấn đề tồn tại. Đó là quỹ còn nợ một số người đã ra khỏi quỹ hơn 150 nghìn USD, hứa mà không trả. Riêng với những người vẫn còn là hội viên của quỹ, họ bị lấy mất 280 nghìn USD theo cách tính của "điều lệ" mới mà chúng tôi đã nói ở trên. Bà Janne Trần Phạm cho biết, chỉ riêng tất cả những người muốn ra khỏi quỹ, họ bị mất khoảng 430 nghìn USD và sẽ mất thêm chừng 200 nghìn USD nữa.

Bà Phạm đặt câu hỏi: "Tổng số tiền quỹ đã thu được là 3,7 triệu USD. Từ tháng 4/2014 đến nay, số hội viên ra khỏi quỹ là hơn 700 người, quỹ trả hơn 700 nghìn USD, như vậy mỗi người ra khỏi quỹ trung bình chỉ nhận được 1 nghìn, còn những người ở lại cũng có trong "quỹ dự trữ cá nhân" trung bình là 1 nghìn vì nếu họ ra, họ cũng chỉ nhận được 1.000! Vậy thì 2.400 hội viên chỉ có 2,4 triệu USD, còn lại 1,3 triệu USD quỹ bỏ ở đâu? Cho tới giờ phút này quỹ chưa có việc làm nào mới mẻ, tạo niềm tin cho hội viên, mà còn dùng mưu ma chước quỷ để để lấy tiền chúng tôi một cách trắng trợn".

Và mặc kệ cho những cụ ông, cụ bà chờ đợi, cánh cửa Văn phòng Quỹ tương tế Việt Nam vẫn đóng im ỉm vì nhân viên cho biết "không có chìa khóa". Khá nhiều cụ phải ngồi bệt xuống hành lang, trên cầu thang, dưới cột đèn, ngoài lề đường, bãi đậu xe, trong bóng cây…

Mãi đến 12h trưa, ông Nguyễn Quý Chấn, Phó Chủ tịch Quỹ tương tế Việt Nam mới xuất hiện và yêu cầu phải cử đại diện thì ông mới tiếp xúc vì theo ông, các cụ đứng bít lối đi sẽ làm trở ngại cho hoạt động của tòa nhà, còn không thì mọi người ra về. Nếu không về ông sẽ kêu cảnh sát. Vừa nghe ông Chấn nói xong, một cụ đứng lên: "Chúng tôi sẽ chết tại đây. Hãy kêu cảnh sát đến để mọi người biết rõ sự thật là như thế nào".

Cuối cùng, ông Nguyễn Quý Chấn hứa "2 tháng nữa sẽ giải quyết vì còn chờ làm xong sổ sách".

Một thành viên trong Ban điều hành Quỹ nói nhỏ với tôi: "Quỹ tương tế là con tàu đang rơi vào hố thẳm, nó phải chết dù sớm hay muộn, không sao cứu vãn được như lời nhận xét của ông cựu Chủ tịch Nguyễn Trung Hòa. Vì vậy, không nên trốn trách nhiệm hoặc tìm đường sống thoi thóp bằng cách bắt hội viên phải đóng góp nhiều hơn…"

Quyên Cali
.
.