Lý giải ý nghĩa của mốt xăm hình

Thứ Ba, 05/04/2016, 20:40
Xăm trổ hình tượng trên da là một trong những tập tục lâu đời nhất của con người. Không ai biết rõ tục xăm mình có từ bao giờ, nhưng một điều khó phủ nhận là thứ thói quen “kỳ lạ” ấy đã hiện diện ngay từ thời tiền sử, đáp ứng một tiêu chí thiết yếu nào đấy trong buổi bình minh của lối sống có tổ chức của loài người.

Cho tới tận bây giờ, “Lễ hội xăm mình” vẫn luôn là một sự kiện trọng đại đối với nhiều sắc dân cư ngụ tại các vùng địa lý cách xa nhau trên địa cầu: từ các bộ lạc thiểu số Phi châu, qua người da đỏ rải khắp Tân thế giới, đến dân Polynesia ở Nam Thái Bình Dương… Hết thảy đều cho việc xăm mình giúp tôn vinh vẻ đẹp cơ thể họ - qua những hình tượng “kỳ quặc” đậm chất nghệ thuật mô tả lối sống cùng các quan hệ huyết thống.

Người Polynesia nhảy múa mừng “Lễ hội xăm mình”.

Hình xăm rất khó “tẩy rửa” bởi được “vẽ” bằng vật nhọn chọc thủng da, rồi đổ mực sơn lên những vết thương cố ý tạo ra ấy. Những kiểu xăm cổ truyền là cả một quá trình hành hạ về thể chất, đôi khi kim khắc nhiễm trùng khiến các “nét họa” sưng tấy lên, hoặc là cơ thể người tự nguyện được xăm có sức đề kháng yếu, không thể miễn nhiễm với những vật thể lạ… Lịch sử từng ghi nhận nhiều nạn nhân… chết oan vì tục xăm trổ.

Thời hiện đại, “cơn sốt” xăm trổ trên da từng thịnh hành sâu rộng trong giới hippy dạo thập niên 60 thế kỷ trước, rồi lây lan qua giới hậu duệ thích bắt chước thuộc các thế hệ sau… Nhiều nhà xã hội học khẳng định, rằng hiện tượng xăm mình thời nay giống như thứ mốt sành điệu cho những ai muốn “đánh dấu” bản thân, thể hiện sự “khác biệt” với đồng loại(?!). Chủ nghĩa cá nhân đan xen với lối sống thực dụng Tây phương đã góp phần cổ súy cho cái “trào lưu giải trí vật thể” này.

Khoe hình xăm trên đầu trong lễ hội Dutdutan diễn ra vào cuối tháng 9 hằng năm ở Manila (Philippines).

Các tộc người châu Phi và Amazon, người Haiti hay Samoa... cứ đến tuổi là buộc phải xăm mình theo tập tục truyền đời. Nhưng người ta sẽ nói gì về “bùa ma xăm trổ” giữa thời hiện đại? Như trong Sách Kỷ lục Guinness từng lưu danh một “đấng pháp thuật” Skiwzes người Mỹ nào đó, đã bỏ ra 12 năm ròng cho công việc “làm đẹp” bộ da của vợ ông ta qua những hình xăm, cùng “kỳ tích” với các “kiệt tác” xăm trổ chiếm tới... 92% tổng diện tích bề mặt cơ thể - chỉ trừ 2 hốc mắt, đôi lỗ tai và cặp lỗ mũi.

Thu Hường (theo The Burlington Magazine)
.
.