Ly thân nhưng không ly hôn: Đi tìm lối thoát cho bi kịch cuộc đời

Thứ Ba, 18/06/2013, 17:40

Có thể nói, hiện tại không ít những cặp vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" nhưng vì nhiều lý do như con cái, gia đình dòng họ, địa vị, các mối quan hệ xã hội và cả vì "sĩ diện" nữa, nên họ không đưa nhau ra tòa ly hôn mặc dù từ lâu, họ đã là hai cuộc đời khác biệt...

1. Mười năm trước, anh Thiện, nhà ở đường Lũy Bán Bích, quận Bình Tân, TP HCM lập gia đình lúc 28 tuổi. Vợ chồng anh sinh được 2 đứa con - một trai 9 tuổi và một gái 6 tuổi. Anh kể: "Hai cháu rất ngoan, học giỏi. Nhờ cần cù chịu khó nên kinh tế cũng đủ sống. Bà con hàng xóm ai nấy đều khen nhà tôi có phúc. Ấy vậy mà…".

Anh bỏ lửng câu nói. Mãi một lúc sau, anh ngậm ngùi: "Tôi và vợ tôi ly thân 3 năm rồi. Sở dĩ chúng tôi không đưa nhau ra tòa ly dị, vẫn ở chung một nhà, ăn chung một mâm là vì hai đứa con. Chúng nó còn trẻ quá nên tôi và cô ấy không muốn chúng nhìn thấy cảnh cha mẹ tan vỡ".

Tôi quen vợ chồng anh Thiện đã lâu. Cả hai đều là dược sĩ. Anh công tác tại khoa dược của một bệnh viện lớn trong thành phố, còn chị làm cho một công ty dược nước ngoài. Chẳng hiểu vì nguyên nhân gì, lỗi tại ai mà sẩy đàn tan nghé. Anh Thiện kể tiếp: "Gần đây, mấy người bạn quen rủ tôi hợp tác mở một nhà thuốc tây nhưng muốn mở thì phải có vốn". Số vốn ấy nằm trong căn nhà, chiếc xe hơi và mấy cuốn sổ tiết kiệm vợ anh đứng tên: "Thoạt đầu, tôi bàn với vợ là rút hết tiền tiết kiệm ra, bán luôn chiếc xe rồi chia đôi nhưng vợ tôi không chịu. Cô ấy nói tất cả tài sản là để bảo đảm cho cuộc sống của hai đứa con đến khi chúng nó tròn 18 tuổi". Đem giấy tờ nhà ra ngân hàng thế chấp thì ngân hàng yêu cầu cả hai vợ chồng cùng phải ký tên vào hồ sơ.

Hỏi thăm một luật sư để khởi kiện ra tòa phân chia tài sản, luật sư cho anh Thiện biết: "Luật Hôn nhân và Gia đình ban hành năm 2000 chỉ thừa nhận hai phương thức giải quyết mâu thuẫn vợ chồng là thông qua hòa giải, hoặc chấm dứt hôn nhân bằng một bản án ly hôn. Sau khi có quyết định ly hôn rồi, nếu không thống nhất được việc phân chia tài sản thì vợ hoặc chồng có quyền khởi kiện trong một vụ án khác". Anh Thiện nói: Coi như là… bó tay!".

2. Có thể nói, hiện tại không ít những cặp vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" nhưng vì nhiều lý do như con cái, gia đình dòng họ, địa vị, các mối quan hệ xã hội và cả vì "sĩ diện" nữa, nên họ không đưa nhau ra tòa ly hôn mặc dù từ lâu, họ đã là hai cuộc đời khác biệt.

Vợ chồng anh Vĩnh, nhà ở đầu đường xóm tôi thuộc khu Bình Phú, quận 6, TP HCM là một thí dụ: Có 2 con đều đã gửi đi học nước ngoài, vợ chồng anh hiện làm chủ một công ty in ấn bao bì rất bề thế. Anh đảm trách phần máy móc, nhân công, nguyên liệu còn chị lo khâu khách hàng. Đã 4 năm nay, anh chị ly thân. Sáng, anh xách xe đi cà phê còn chị và mấy người bạn vào nhà hàng. Trưa, khi người giúp việc nấu cơm xong, anh bao giờ cũng ăn trước chị, còn buổi chiều, anh đi nhậu. Tối, anh ở trên lầu 2, chị ở lầu 1. Tiền học phí của hai đứa con tháng tháng chia đôi, mỗi người chịu một nửa.

Tôi hỏi đã như vậy rồi sao anh không ly dị? Anh lắc đầu: "Ly dị thì phải phân chia tài sản. Mà chia thì coi như công ty nát bét. Nếu có làm lại thì phải một thời gian rất dài tôi mới tìm được khách hàng, còn bả đâu rành về máy móc, quản lý công nhân, mua nguyên vật liệu".

Cái mối ràng buộc ấy khiến hai vợ chồng ngày nào cũng phải nhìn mặt nhau với những câu nói nhát gừng, đại loại như: "Mới ký hợp đồng làm 20 nghìn hộp đựng bộ ấm trà, ông mua thêm giấy", hoặc: "Bà nói họ nếu chịu giá 1 nghìn thì làm, không thì dẹp".

Khác với anh Vĩnh, vợ chồng anh Tùng, ở trong một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP HCM cũng ly thân. Trong 3 năm sau đó, cả hai ăn riêng, làm riêng. Anh mở một đại lý bán bia, nước ngọt, vốn gần 3 tỉ đồng, còn chị sang lại một sạp bán hàng tiêu dùng ở chợ Kim Biên, đâu cỡ khoảng 5, 6 trăm triệu.

Tới hồi mâu thuẫn ngày càng trở nên trầm trọng vì anh có bồ, chị cũng có bồ, cả hai đưa nhau ra tòa li dị. Tới lúc này, việc chia tài sản trở thành vấn đề lớn vì chuyện ly thân chỉ do hai vợ chồng tự thỏa thuận với nhau, định chế ly thân lại chưa được đưa vào luật nên nếu chia tài sản, thì tòa vẫn coi tất cả là tài sản chung.

Tại buổi hòa giải ở tòa án, anh Vĩnh, nói: "Vì muốn giữ thể diện với hàng xóm láng giềng, nên tôi và bà ấy vẫn sống trong một nhà chứ thật ra, tôi và bà ấy đã ăn riêng, ngủ riêng từ 3 năm nay rồi". Vị thẩm phán chủ tọa buổi hòa giải, hỏi: "Có ai làm chứng cho anh là anh đã ly thân vợ không?". Anh Vĩnh đưa tay chỉ sang vợ: "Đó, có bả đó". Chị Huệ, vợ anh Vĩnh phản pháo lại: "Ổng muốn cướp tài sản nên ổng nói vậy, chứ tôi và ổng chỉ… giận nhau thôi. Cái đại lý bia, nước ngọt là tiền vốn chung của hai vợ chồng" nên vị thẩm phán chỉ biết lắc đầu!

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên giảng viên Đại học Luật TP HCM, phân tích: "Nếu khởi kiện để phân chia tài sản phát sinh sau ly thân, cả hai phải chứng minh được sự ly thân ấy, chẳng hạn như vợ - hoặc chồng - đã dọn ra ở riêng từ ngày, tháng, năm này, có sự làm chứng của những người quen biết, bà con lối xóm, rằng ông A, bà B từ đó tới nay sống một mình, nếu có đi lại thì chỉ là để thăm nom con cái. Còn nếu ly thân nhưng vẫn ở chung một nhà - và không ai chứng minh được rằng mình đã ly thân thì việc phân chia tài sản tạo ra từ sau ngày ly thân, là rất khó".

3. Ly thân là chuyện chẳng đặng đừng. Nhiều cặp vợ chồng sau một thời gian ly thân thì quay lại với nhau mà không phải đưa nhau ra tòa. Theo các nhà tâm lý học, về một phương diện nào đó, ly thân xem ra cũng là biện pháp tích cực để đôi bên giảm bớt căng thẳng, xung đột, có thời gian suy ngẫm, đánh giá lại tình cảm vợ chồng, trách nhiệm với con cái. Thế nhưng, trong quá trình ly thân lắm khi lại phát sinh những rắc rối mà hai vợ chồng đều không tự giải quyết được. Khá nhiều trường hợp vợ chồng yêu cầu tòa án giải quyết ly thân để phân chia tài sản và xác định người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái - nhưng họ lại không cung cấp đủ chứng cứ nên tòa không thể thực hiện theo yêu cầu của các bên.

Anh Phong, ở Linh Trung, Thủ Đức sau 2 năm ly thân với vợ vì anh bắt quả tang vợ ngoại tình, anh đưa đơn ra tòa xin ly dị. Trước tòa, anh giành quyền nuôi 2 đứa con vì theo anh: "Mẹ nó không còn đủ tư cách để dạy dỗ, giáo dục nó" trong lúc 2 đứa con lại nhất quyết xin ở với mẹ, vì: "Ba con ngày nào cũng xỉn. Hễ xỉn về là la lối, chửi bới um xùm".

Vì vậy, đứng ở góc độ luật pháp, vấn đề ly thân cần được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Nhiều ý kiến cho rằng ly thân là hiện tượng thực tiễn, xảy ra hàng ngày, ở mọi nơi nên không thể không quy định trong luật vì nó là giải pháp được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn mà không muốn đưa nhau ra tòa.

Luật sư Bùi Bình kể tôi nghe câu chuyện, rằng có cặp vợ chồng ly thân đã 6 năm nhưng vì con cái, họ vẫn sống chung, vẫn vui vẻ trước mặt con để tránh cho con cái không bị tổn thương về tình cảm. Khi quyết định ly thân, họ làm bản kiểm kê tài sản chung rồi cùng ký tên xác định là sau ngày này, ai làm ra cái gì thì cái đó của người đó, không tranh chấp.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM, phân tích: "Về mặt vật chất thì họ có thể thỏa thuận với nhau. Còn về mặt tinh thần - chẳng hạn như người này phát hiện người kia ngoại tình - dẫn đến ly thân nhưng họ vẫn phải sống "giả", đóng kịch hạnh phúc trước mặt con cái thì lâu dài, tâm lý của cả hai vợ chồng rất dễ bị ức chế. Nếu xảy ra mâu thuẫn hay xung đột, những ức chế này có thể sẽ bùng phát mà lắm khi, trở thành bi kịch".

Thế nên, khi tổng kết 12 năm thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, đã có ý kiến là nên đưa định chế ly thân vào luật nhằm giảm bớt rắc rối trong quan hệ hôn nhân của các cặp vợ chồng, giúp minh bạch hóa các giao dịch dân sự, kinh tế do vợ hoặc chồng thực hiện trong thời kỳ ly thân, nhằm bảo đảm quyền lợi không chỉ cho hai vợ chồng, mà còn cho con cái và các thành viên khác…

Vũ Cao
.
.