MC lừng danh của CNBC: “Bậc thầy” vẫn mắc sai lầm

Thứ Ba, 28/01/2014, 16:30

Suze Orman được mệnh danh là chuyên gia tài chính được tín nhiệm nhất nước Mỹ. Chương trình The Suze Orman Show phát trên Kênh CNBC của bà thuộc diện rất ăn khách, với những lời khuyên sử dụng tiền bạc hợp lý và bí quyết đầu tư hiệu quả. Rất ít người biết bà thuộc thế giới thứ ba cho tới cuối năm 2012, khi đó bà đã dành một tuần để nói về vấn đề liên quan tới kết hôn đồng giới. Suze Orman đã trải qua nhiều định kiến đau đớn tới mức hủy hoại mối quan hệ với chính người mẹ đẻ đã qua đời năm ngoái ở tuổi 97.

Thành công và tài năng là vậy, nhưng một bậc thầy tài chính vẫn có thể mắc sai lầm nghiêm trọng. Những phát ngôn thiếu kiểm soát, có phần cao ngạo khiến Orman đã lĩnh những đòn đau từ phản ứng dư luận đầy mùi tiêu cực. Người hâm mộ cáo buộc bà tự thổi phồng bản thân, hứa hão trong khi vẫn cố "ném" niềm tin vào những lời tư vấn tài chính đầy ma thuật của Orman.

Mới đây, lần đầu tiên kể từ sau khi những cơn bão lửa truyền thông bùng phát, Orman mới lên truyền hình để nói về sự ra mắt của sản phẩm thất bại… được dự báo trước - một vết nhơ trong sự nghiệp tài chính vốn ít sạn của chuyên gia này.

Theo đuổi hạnh phúc riêng

The Suze Orman Show phát sóng các tiết mục mới mỗi tuần, nhưng tiến độ thu hình cũng không quá dày đặc, vì vậy Orman và người bạn đời Kathy Travis dành nhiều thời gian thư giãn ở Florida hoặc đua thuyền xung quanh quần đảo Bahamas. Từng có thời điểm Orman tuyên bố sẽ nghỉ làm việc một thời gian, và sống phần đời còn lại ngập tràn tình yêu với Travis ở Bahamas.

Từ sau khi công khai đời tư, Orman có lẽ đã thấy thoải mái hơn và trở nên vui vẻ phía sau những bộn bề của công việc tại Kênh CNBC. Bà hạnh phúc bên Travis và làm những điều thú vị nhất như câu cá hồi, cưỡi ngựa hay đi bơi. Mẹ Orman không thể chấp nhận sự thật về giới tính của con gái, khiến bà chưa thể công khai tình yêu với Travis.

Dù vậy, bà chưa bao giờ giấu giếm giới tính, và cả chuyện tình yêu sau này. Trong bộ phim tài liệu của HBO mang tựa đề “The OUT List” (Công khai), bà kể lại chính câu chuyện đáng kinh ngạc của bản thân, mang ám ảnh của thế giới thứ ba, phải đấu tranh tư tưởng khi làm việc tại một công ty môi giới toàn nam trong những năm 1980. Mới đây, bà thừa nhận rằng chưa từng yêu một người đàn ông trong suốt cuộc đời, và vẫn kiên quyết… giữ mình.

Suze Orman nói rằng bà muốn nghỉ ngơi để… tiêu xài. Hạnh phúc khi có tiền, có người yêu và vô lo về mọi chuyện. Bà tự hào vì những giải thưởng, danh hiệu từ các tạp chí tên tuổi như Time, Forbes hay New York Times. Chỉ có giải Nobel là Orman chưa chạm tới, nhưng người phụ nữ này tin tưởng rằng không có gì là không thể.

Các hoạt động vì cộng đồng của cặp đôi Orman - Travis tại Philippines được đánh giá rất cao. Hai người phụ nữ làm việc với Chính phủ Philippines và Ngân hàng BPI sản xuất các chương trình truyền hình khuyến khích các giai tầng trong xã hội tiết kiệm và chi tiêu hợp lý hơn.

Chi tiết đáng lưu ý này có thể là một chỉ báo theo đuổi con đường chính trị mà hàng nghìn fan (người hâm mộ) của Suze Orman đang kêu gọi bà thực hiện. Orman được ví như một Elizabeth Waren thứ hai của Mỹ - Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Massachusetts sở hữu phong thái chủ nghĩa dân túy tài chính, sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để cải cách hệ thống tài chính quốc gia.

Nhưng Orman sẽ không bao giờ đến gần với chính trị. Bà đủ khôn ngoan để biết rằng đảng phái sẽ thu hẹp người hâm mộ và tạo ra những cuộc đối đầu quyền lực không mấy dễ chịu. Bà chỉ nói rằng muốn dành thời gian tận hưởng cuộc sống riêng với người bạn đời Travis.

Thật tiếc là Suze Orman sẽ không diễn thuyết để tranh cử cho một ghế Thượng viện, bởi vì bà có một câu chuyện cuộc đời đầy gian nan. Lớn lên trong gia đình nghèo ở phía nam Chicago, Orman trải qua tuổi thơ ở khu nhà ổ chuột. Bà từng sống trong một chiếc xe tải cũ được mua bởi một khoản vay từ anh trai. Đến khi 30 tuổi, Orman làm bồi bàn tại tiệm bánh Buttercup gần chục năm, kiếm 400USD một tháng và nuôi mơ ước mở nhà hàng riêng.

Rồi được mọi người giúp, nhưng lại bị phụ tá thân cận nhất Merrill Lynch lừa gạt khiến Suze Orman cuối cùng vẫn trắng tay. Sau sự sụp đổ này, bà trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn. Orman từ bỏ quá khứ, đi tìm việc trong các công ty môi giới để rồi quay lại kiện Merrill Lynch, và giành chiến thắng dù chỉ với số tiền đền bù ít ỏi.

Sai lầm khó tránh!

Phi cơ tư vấn tài chính Suze Orman đang lái dường như đã đi du lịch hầu hết các bang của Mỹ, và chỉ chờ cơ hội được… vượt biên! Đến gần hơn với buồng lái chuyên nghiệp của bà, dư luận mới thấy vẫn còn nhiều sạn. Đơn cử như chuyện Orman đã thất bại với bản tin “Người định hướng tiền tệ”, từng có thời làm mưa gió trên hệ thống bản tin tài chính quốc gia và nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ người bạn - nhà quản lý các quỹ đầu tư Mark Grimaldi. Orman gọi đó là "bản tin đậm chất S.O", dành tặng quà miễn phí cho khoảng 50.000 người theo dõi.

Thế nhưng, sau cuộc điều tra của Tờ Wall Street Journal vào cuối năm vừa qua, Orman mới tá hỏa khi biết Mark Grimaldi đã khai gian lý lịch cùng các hồ sơ đầu tư để lấy lòng tin từ phía bà. Từ bỏ “Người định hướng tiền tệ” là quyết định vô cùng khó khăn cho dù Suze Orman đã phải lên tiếng thừa nhận hợp tác với kẻ - dối - trá Mark Grimaldi là sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp tài chính.

"Tôi đã không điều tra kỹ càng về Mark Grimaldi, mà lại đặt niềm tin mù quáng vào anh ta. Cuối cùng, tên tuổi của tôi đã bị lợi dụng, và anh ta đã chiếm trọn được một show ăn khách để kiếm chác từ tôi", Orman cho biết.

Lỗi của “Người định hướng tiền tệ” chỉ là một đốm sáng nhỏ so với "một cơn bão nhiệt đới" Orman đã gây ra trong năm 2013. Đây mới thực sự là sai lầm lớn nhất của chuyên gia này, khi lỡ tuyên bố về một "cuộc cách mạng tài chính". Bà cho ra mắt loại thẻ ghi nợ trả trước AC nhờ sự hỗ trợ từ Ngân hàng Bancorp - đơn vị phát hành thẻ ghi nợ trả trước hàng đầu nước Mỹ. Khi ấy, Suze Orman tự biến mình thành một ngân hàng di động, kèm một lời quảng cáo chớp nhoáng rất thẳng thắn: "Các bạn hãy cứ gửi tiền vào… tôi, và sẽ được trợ giúp tài chính!".

Vẫn lại là một chiêu trò cũ rích của những gã khổng lồ tài chính: cho mượn tên để giới thiệu hàng loạt các loại thẻ ghi nợ trả trước. Cư dân mạng đã mạnh mẽ chỉ trích Suze Orman với sản phẩm đáng bị khinh rẻ này. Thẻ ghi nợ trả trước thường không kèm sổ séc, lại chủ yếu hướng đến người nghèo với lịch sử tín dụng xấu hoặc không đầy đủ đến nỗi các ngân hàng sẽ không bận tâm để giải quyết cho họ.

Với nhiều thẻ, khách hàng sẽ dễ dàng tiếp cận các giao dịch tiền mặt, sử dụng máy ATM ngoài mạng, kiểm tra số dư tài khoản. Nhưng họ sẽ phải thanh toán rất nhiều các khoản phí "kỳ lạ và khó hiểu", không được cơ quan chức năng nào giám sát. Lỗ hổng có thể nằm ở đây, và Suze Orman âm thầm mang tiền bỏ túi!--PageBreak--

Suze Orman đã rất tự tin vào "bãi mìn" tài chính này. Các thẻ của bà tất nhiên đều thu phí: phí mua 3USD, phí bảo trì định kỳ hàng tháng 3 USD, phí sử dụng giao dịch ATM ngoài mạng 2USD, phí truy vấn số dư 1USD, và còn nhiều loại phí khác.

Trả lời câu hỏi thu phí tràn lan như thế này, Suze Orman rất khéo léo chuyển hướng sang người sử dụng dịch vụ tài chính của bà: "Tôi coi khách hàng là Thượng đế, luôn cung cấp thông tin xác thực và đáp ứng mọi nhu cầu hỗ trợ tài chính của bất kỳ cá nhân nào". Theo đó, sự ra đời của thẻ AC là bước tiến quan trọng để Orman tính toán bước tiếp theo trong cuộc cách mạng tài chính mà bà… tự khởi xướng và thực hiện.

Bề ngoài, thẻ AC đơn thuần là một loại hình ghi nợ, nhưng bên trong lại là kế hoạch kiếm lợi nhanh chóng của Orman. Có thật bà muốn cải cách từ bên trong để giúp người dân Mỹ vững vàng hơn trong cơn bão khủng hoảng thời gian gần đây, hay là sói đội lốt cừu!?

Thừa nhận thất bại

Giới tài chính phớt lờ Suze Orman. Bước đi của bà đặt ra những câu hỏi rất khó trả lời đến nỗi không biết nên bắt đầu từ đâu. Tờ Wall Street Journal nghi ngờ động cơ cùng sản phẩm núp bóng hỗ trợ tài chính của Orman. Trong khi đó, Chuck Jaffe, một nhà phê bình về Orman lâu năm, đã mỉa mai thẻ AC bằng danh hiệu "cú lừa đầu tư ngu ngốc nhất trong năm".

Bản tin “Người định hướng tiền tệ” và thẻ ghi nợ trả trước AC là những công cụ kiếm tiền không thành công của Orman.

Nhà báo này cho rằng, Orman đang đưa ra nhiều lời khuyên chủ yếu phục vụ lợi ích của chính bà. Thậm chí, dẫn chứng mới xuất hiện khẳng định Orman từng phủ nhận sự tồn tại của thẻ ghi nợ trong các cuốn sách của bà với nhận xét "không bao giờ khả thi". Giới truyền thông tỏ ra đặc biệt thích thú "ném đá" Orman vì vụ thẻ AC - một sự lãng phí tiền tệ và biến hệ thống tài chính Mỹ trở nên lố bịch, hoạt động vì tình thương thay vì tạo ra lợi nhuận quốc gia.

Suze Orman vẫn cố chấp. Bà chỉ ra rằng cấu trúc phí chỉ ngang bằng với một số sản phẩm đầu tư được đánh giá cao cùng loại, và cho biết cần tiền để duy trì hoạt động thông báo nguy cơ bội chi bằng tin nhắn điện thoại hay sử dụng máy ATM thuộc nhiều mạng khác nhau. Tuy nhiên, bà nhanh chóng mất bình tĩnh khi theo dõi kết quả phân tích của trang web Cardhub.com về thẻ AC với mức phí tổng cộng cao gấp gần 20 lần các dòng thẻ khác cùng loại. Orman đã gọi người viết bài báo là "thằng ngốc".

Báo giới lấn át mọi tranh luận, không cho Orman một cơ hội để biện hộ. Bất cứ ai đã nhìn thấy bà trên truyền hình sẽ ngay lập tức nhận ra bộ dạng thất bại thảm hại của chuyên gia tài chính này: đầu nghiêng, đôi mắt thâm quầng và giọng nói mỏi mệt. Orman thừa nhận bị tổn thương bởi những lời chỉ trích, nhưng tuyên bố sẽ không lùi bước.

Suze Orman sẽ không bao giờ đến gần với chính trị vì lo ngại những cuộc đối đầu quyền lực không mấy dễ chịu.

Tình hình ngày càng xấu đi, báo giới theo dõi sát sao vụ việc và phỏng đoán Suze Orman sẽ nhanh chóng mất kiểm soát. Vậy nhưng, sau cùng sự giận dữ lại biến mất cùng với một lời xin lỗi hiếm thấy: "Tôi đã sai. Tôi muốn xin lỗi người tôi đã gọi là một thằng ngốc. Rõ ràng, tôi chưa tính toán kỹ và có chút tham lam, thế nên cơ hội để thẻ AC được tiếp tục… sống còn rất mong manh".

Trở lại sau vụ thẻ AC, Suze Orman tiếp tục nhai lại những lời khuyên tài chính cũ mèm. Sau hơn một thập niên lên sóng, The Suze Orman Show hiện là chương trình được đánh giá cao nhất trên hệ thống CNBC, nhưng thật nực cười khi truyền thông cho rằng Suze Orman lại đang chủ yếu phục vụ giới giàu và siêu giàu.

Đôi khi, Orman phát huy sở trường "biến những chất liệu quen thuộc thành bài chỉ trích mạnh mẽ" nhằm kêu gọi người giàu hãy giúp người nghèo. Và rốt cuộc, tình thế vẫn chẳng có gì xoay chuyển, người không có tiền xem các chương trình của bà chỉ còn cách lắc đầu ngao ngán sau những lời khuyên chân tình… dành cho người giàu.

Sau sự bùng nổ những chỉ trích, Suze Orman đột nhiên trở nên vô cùng kín tiếng. Bà ít nói về công việc, đời tư cũng như dừng lại việc biện hộ cho bản thân. Orman chấm dứt quảng cáo về thẻ ghi nợ, quay lại với những show truyền hình tư vấn tài chính truyền thống, hy vọng rằng dư luận sẽ dần quên đi vụ bê bối thẻ ghi nợ AC khiến tên tuổi của bà bỗng nhiên xuống dốc...

Trần Quân - Anh Doãn (tổng hợp)
.
.