MF Global: Bỗng dưng phá sản

Chủ Nhật, 18/12/2011, 10:30

MF Global, công ty môi giới chứng khoán hàng đầu của Mỹ đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu sau khi hãng chính thức tuyên bố phá sản hôm 31/10 vừa qua.

Nỗ lực của ông Jon Corzine - Giám đốc điều hành của MF Global nhằm gây dựng lại sự nghiệp trên phố Wall đã sụp đổ khi hãng của ông phải đệ đơn phá sản vì ôm quá nhiều nợ xấu từ khu vực kinh tế đồng euro ở châu Âu. Trong phiên điều trần của Quốc hội, Jon Corzine tỏ ra khá bối rối khi được hỏi về chuyện gì đã xảy ra với gần một tỉ USD đầu tư của khách hàng. Thực sự, vị CEO MF Global không lý giải nổi số tiền ấy đã chạy đi đâu và ông không hề cố tình phá vỡ các quy tắc...

Đại gia Phố Wall đi lên từ nghèo khó

Trước khi chiếm phố Wall, ông Jon Corzine đã có một khởi đầu khá khiêm tốn. Corzine lớn lên cùng gia đình tại một nông trại nhỏ ở Willey Station bang Illinois. Cha ông trồng trọt và bán bảo hiểm, còn mẹ ông là giáo viên tiểu học. Corzine học ở Trường đại học Illinois và trở thành thành viên của Hội Nam sinh Phi Delta Theta. Ông tốt nghiệp năm 1969 và được nhận huy chương danh dự của hội.

 Khi mới ra trường, Corzine tình nguyện gia nhập lực lượng dự bị của Hải quân Mỹ và với cấp bậc hạ sĩ, ông phục vụ ở đây từ năm 1969 đến 1975. Trong khoảng thời gian phục vụ trong quân đội, Corzine có đăng ký theo học khóa học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường đại học Chicago. Cũng tại đây, Corzine đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực thương mại. Sau đó ông được nhận vào làm việc ở Ngân hàng BancOhio, một ngân hàng địa phương ở Columbus, Ohio. Năm 1975, Corzine cùng gia đình về sống tại News Jersey và trở thành nhân viên môi giới cổ phiếu cho Ngân hàng Goldman Sachs.

Năm 1994, Corzine trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Goldman. Tại đây, Corzine đã chuyển đổi thành công mô hình hoạt động của hãng từ công ty tư nhân sang tập đoàn đại chúng, thực hiện huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua phát hành chứng khoán niêm yết tại các trung tâm giao dịch chứng khoán. Trước đó, người tiền nhiệm của Corzine đã khiến Goldman, lần đầu tiên trong lịch sử 129 năm hoạt động của mình, phải lao đao trên bờ vực phá sản.

Với tư cách thành viên gạo cội ở Goldman Sachs, ông Corzine được triệu tập đến giúp vực dậy ngân hàng này bằng việc xây dựng gói cứu trợ quản lý nguồn vốn dài hạn. Nguồn vốn đóng vai trò đòn bẩy của công ty đã sụp đổ năm 1998, tác động xấu đến toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ lúc bấy giờ.

Theo tờ US News và World Report, ông Corzine đã không mấy hòa hợp với đồng giám đốc điều hành nhánh đầu tư ngân hàng - Henry Paulson. Khi ông Corzine phải dùng đến gói cứu trợ tài chính, Paulson đã tranh thủ hất cẳng Corzine và chiếm được quyền điều hành hãng về tay mình, lái Goldman hướng tới thị trường châu Á rộng lớn. Khi rời khỏi Goldman giá trị tài sản của ông ước tính khoảng 350 triệu USD.

Từ đây, ông quyết định lấn sân sang lĩnh vực chính trị. Sau khi bị buộc rời khỏi Goldman tháng 1/1999, ông Corzine mở chiến dịch tranh cử chiếc ghế thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và thống đốc của bang New Jersey. Corzine đã bỏ ra 62 triệu USD cho các cuộc vận động, biến đây trở thành chiến dịch tranh cử thượng nghị sĩ đắt giá nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.

Bước chân vào Quốc hội Hoa kỳ cùng với 10 nghị sĩ mới khác, Corzine cùng Hillary Clinton và Jean Carnahan được đánh giá là những gương mặt sáng giá nhất trong năm 2000. Trong suốt 5 năm giữ chức vụ, ông được tín nhiệm với 1.503 trên tổng số 1.673 phiếu bầu, phê duyệt 1.014 dự luật trong đó là người đồng dự thảo luật kế toán quốc gia. Tuy nhiên, dự luật cải cách hình thức tiết kiệm tiền lương hưu nhằm làm tối thiểu những rủi ro trong các danh mục vốn đầu tư đã không nhận được sự đồng thuận của cựu Tổng thống George W.Bush và sự phản đối kịch liệt từ phía Quốc hội. Năm 2010, ông Corzine quyết định dừng sự nghiệp chính trị để chuyển sang chèo lái Công ty chứng khoán MF Global.

Ngân hàng Goldman Sachs - “Lò luyện” của các tên tuổi Phố WaLL.

Sự trở lại và những sai lầm: Tham vọng biến thành ảo vọng

Vào thời điểm Corzine điều hành MF Global, ông đã luôn có tham vọng biến MF Global của mình thành một Goldman cho riêng mình bằng cách mua vào các khoản nợ mạo hiểm của châu Âu. Không may, tham vọng của ông Corzine đã yểu mệnh khi MF phải đệ đơn bảo hộ phá sản, với số nợ lên đến 39,7 tỉ USD, gần bằng mức tổng tài sản 41 tỉ USD của  công ty. Đây là nạn nhân lớn nhất, đầu tiên tại Mỹ do nợ châu Âu và là vụ phá sản lớn thứ bảy tính về tài sản trong lịch sử Mỹ.

Ông Corzine đã muốn chuyển đổi MF Global từ một công ty môi giới đơn thuần trở thành một ngân hàng đầu tư đánh cược với nguồn vốn của chính nó. Dù không muốn nhưng công ty này vẫn phải thông báo về số thiệt hại lớn theo quý và cổ phiếu của nó lập tức giảm không phanh đến 2/3. Đúng lúc này các nhà đầu tư lại chú trọng vào các khoản cược châu Âu và hiệu quả của lãi suất thấp đã gây tổn hại đến lợi nhuận từ các hoạt động môi giới cốt lõi của MF Global.

Khi nhắc đến chiến lược sai lầm của Corzine, người ta nói rằng, nếu còn ở Goldman Sachs ông có thể đã không liều lĩnh đến vậy. Có một điều Goldman thực sự đã làm rất tốt, tốt hơn mọi ngân hàng khác, đó là cơ chế giải trình và tuân thủ trong nội bộ. Kiểm soát rủi ro cũng là một yếu tố quan trọng ở Goldman. Đồng thời với việc khuyến khích tính mạo hiểm trong các vụ doanh thương, Goldman cũng ủy quyền cho các nhà quản trị rủi ro để kiềm chế ngay cả những lãnh đạo cao nhất, không để họ đi quá giới hạn. Lloyd Blankfein, Giám đốc điều hành đương nhiệm của Goldman, rất thích nói với mọi người về chủ trương của ông là dành 98% thời gian để suy nghĩ về 2% khả năng xảy ra của mỗi sự việc.

Còn với MF Global, Corzine trở lại nắm quyền với tư cách là chủ tịch và giám đốc điều hành. Những người duy nhất có thể có quyền kiểm soát với ông là Ban quản trị. Và có thể, danh tiếng của Goldman đã khiến những người này quên mất nhiệm vụ của họ. Ai là người có thể chống lại Jon Corzine? Không ai. Không chỉ riêng Corzine, một loạt các nhân vật khác bước ra từ Goldman Sachs cũng đang khiến người ta nghi ngại về vầng hào quang mà những người này mang theo khi bước ra thương trường khởi nghiệp cho riêng mình.

Ở phố Wall, việc đã từng là người của Goldman từ lâu đã được coi như một điều đáng ngưỡng mộ. Nhiều câu chuyện "làm nên" của các ông trùm tài chính đã tạo ra phong trào "chiếm phố Wall". Tuy nhiên, câu chuyện của Corzine thực sự là một bài học đắt giá cho những nhân vật xuất sắc bước ra từ "lò đào tạo" Goldman.

Sai lầm của Corzine gây ra cho MF Global nằm ở việc ông đã đánh cược quá lớn vào các công cụ nợ quốc gia châu Âu, trong đó nhiều khoản do chỉ cá nhân ông quyết định. Các khoản vốn đòn bẩy quá lớn chi cho các khoản đầu tư rủi ro đã đẩy tập đoàn xuống vực thẳm. Ngày 4/11/2011, ông Corzine quyết định từ chức. Báo chí Mỹ đã xếp đây là 1 trong 10 vụ CEO rời bỏ cương vị đình đám nhất năm 2011 ở đất Mỹ.

Các nhân viên của MF Global trước tin hãng bị phá sản.

Quay cuồng với nợ công châu Âu

Vụ việc MF Global khiến nước Mỹ hồi nhớ lại sự sụp đổ của Tập đoàn Lehman Brothers hồi năm 2008, vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo các chuyên gia kinh tế, tác động từ vụ phá sản của MF Global sẽ được kiểm soát do nó có quy mô nhỏ hơn nhiều Lehman Brothers.

Trong suốt một tuần, MF Global đã nỗ lực chống chọi để tìm người mua lại  công ty, đồng thời thuê các chuyên gia tư vấn về phá sản và tái cấu trúc doanh nghiệp trong trường hợp không còn gì cứu vãn. Trong đơn đệ trình phá sản, MF Global đã đổ lỗi cho các nhà điều hành công ty đã buộc họ phải xin phá sản. MF Global sở hữu khoảng 6,3 tỉ USD tiền nợ tại Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Ireland và  Bồ Đào Nha. Công ty này cũng đánh cược rằng khủng hoảng nợ công sẽ được xử trí và có thể thu hồi khoản lời lớn từ trái phiếu đã mua khi châu Âu phục hồi. Song khi những chủ nợ đòi lại tiền, công ty này đã cạn nguồn và không còn cách nào khác ngoài đệ đơn phá sản. "Họ không thể tiếp tục cuộc chơi với những nguồn lực nghèo nàn mà họ có", chuyên gia kinh tế Lipper cho hay. Theo ông, một công ty với nguồn vốn trường lực có thể sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn này.

MF Global từng là một trong số 22 công ty tài chính được coi là an toàn, đủ để thay mặt Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát hành các khoản nợ của Chính phủ Mỹ. Thế nhưng cổ phiếu MF Global đã giảm tới 66%, khi báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý hôm 25/10 cho kết quả lỗ tới 191,6 triệu USD. Tiếp đó, giới đầu tư hoảng loạn khi các tổ chức xếp hạng tín dụng tuyên bố đánh sụt hạng MF Global xuống mức "vỡ nợ" bởi lo ngại về danh mục đầu tư trị giá 6 tỉ USD vào nợ công của Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ngân hàng New York thuộc FED đã đình chỉ những giao dịch mới mà MF Global từng là đại lý.

Theo các báo cáo tài chính cuối tháng 6 vừa rồi, MF Global ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 44,4 tỉ USD, trong khi hãng chỉ có 1,4 tỉ USD vốn chủ sở hữu. Số vốn đòn bẩy này khiến các hãng đánh giá tín nhiệm phải hốt hoảng hạ bậc MF Global, và do đó các đối tác cũng ngừng các giao dịch với hãng. Thực ra, những khoản đầu tư của Corzine có thể đúng. Rất nhiều trái phiếu Italia và Tây Ban Nha mà Corzine đã mua sẽ hết hạn vào năm 2012 nhưng vẫn được giao dịch ở thị giá rất cao so với mệnh giá. Nhưng các quyết định đầu tư của Corzine luôn dựa trên một giả định là Ngân hàng trung ương châu Âu cùng với Liên minh châu Âu sẽ có cách để tự cứu mình, trong khi cả hai tổ chức này vẫn còn đang ngụp lặn trong những rắc rối của chính họ. Hơn thế nữa, các khoản đầu tư ấy lại lấy nguồn từ các khoản tiền ngắn hạn, điều đó đã khiến các đối tác của MF Global tháo chạy.

Tiến trình phá sản do ủy ban bảo hộ đầu tư chứng khoán giám sát sẽ giúp đảm bảo các tài khoản và tài sản của khách hàng trong MF Global. Theo tờ The New York Times, FED đang tiếp tục điều tra về hoạt động của MF Global khi phát hiện khoản tiền gần 1 tỉ USD của khách hàng biến mất khỏi MF Global. Theo chuyên gia phân tích Erik Oja của Standard & Poor's, các ngân hàng lớn của Mỹ sẽ không bị tác động mấy từ vụ phá sản. Tuy nhiên bài học từ MF Global khiến các nhà đầu tư trở nên nhạy cảm hơn và sẵn sàng bán tháo chứng khoán tài chính nếu có bất cứ thông tin xấu nào mới từ châu Âu

Hoàng Cúc - Sơn Thùy (tổng hợp)
.
.