Mang thai hộ: Từ góc nhìn nhân đạo

Thứ Tư, 02/10/2013, 12:20

Sau khi Chuyên đề ANTG đăng tải những ghi chép từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương về thực trạng nhu cầu mang thai hộ, đã có nhiều ý kiến ủng hộ rằng cần có một góc nhìn khác trong vấn đề này. Liệu có phải xưa nay được vẽ ra là một bức tranh về các đường dây môi giới, về nỗi cơ cực của người mang thai hộ khiến người ta liên tưởng ngay đến một loại tệ nạn cần phải loại bỏ mà thiếu cái nhìn cảm thông? Suy cho cùng, một đứa trẻ ra đời vẫn luôn là niềm vui vô hạn đối với các ông bố, bà mẹ mà không gì có thể đong đếm được.
>> Mang thai hộ: Nước mắt thai phụ

Từ Bộ Tư pháp, cơ quan đang lấy ý kiến về việc có tiếp tục cấm mang thai hộ để đưa vào nội dung sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình sắp tới, câu chuyện bàn thảo chủ yếu xoay quanh việc cho phép "mang thai hộ" nhưng lại cấm "đẻ thuê". Các ý kiến hầu hết đồng ý rằng khát vọng có con là quyền lợi chính đáng, nhưng lại bày tỏ nỗi lo ngại nếu bị biến tướng thành hoạt động thương mại thì sẽ rất nguy hiểm, đi ngược lại truyền thống đạo lý. Tuy nhiên, có một vấn đề cốt lõi, đó là dựa trên tiêu chí nào để phân biệt được một cách rõ ràng và rành mạch giữa "mang thai hộ" và "đẻ thuê"? Bởi thực tế, nếu không chỉ ra được, thì sự khác nhau giữa chúng sẽ chỉ còn là vấn đề… từ ngữ!

Về đề xuất hạn chế thương mại hóa bằng cách chỉ nên cho phép chị em họ hàng mang thai hộ nhau, sau đó mới tính đến người ngoài, thì lại có quan điểm cho rằng như thế chỉ là cách "nới lỏng dây trói", chứ không tháo được nút thắt của vấn đề. Mang thai hộ là cả một quá trình 9 tháng 10 ngày, không phải câu chuyện của những thỏa thuận chốc lát, đơn giản. Vẫn trói, mà lại nới lỏng thì chỉ càng tạo điều kiện cho những khe hở, lách luật càng trở nên trầm trọng hơn…

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đồng thời là Giám đốc và người sáng lập ra Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện về những nội dung liên quan. PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến luôn dùng cụm từ "mang thai hộ" để nói đến vấn đề đang được bàn thảo, song cũng thừa nhận rằng việc một người mang thai hộ được nhận khoản thù lao theo thỏa thuận là điều chính đáng.

PV: Thưa PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến, ông là người ủng hộ việc đưa vấn đề mang thai hộ vào luật. Nó dựa trên những cơ sở nào?

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Đứng về góc độ khoa học, nhân văn và thực tiễn xã hội để mà đề xuất rằng nên đưa vấn đề mang thai hộ vào luật. Nhìn ra thế giới cũng còn một số nước chưa đồng tình nhưng một số nơi đã thành luật hẳn hoi. Có nước chỉ cho triển khai đối với người nước ngoài. Ví dụ như, chính người Việt mình đấy, sang Thái Lan để thuê mang thai hộ khá là nhiều.

Chúng ta có Nghị định 12CP điều chỉnh việc này. Tuy nhiên, nghị định này không cho phép triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, sinh con bằng phương pháp khoa học cho người có HIV. Nhưng trong luật của ta lại khẳng định người có HIV vẫn được quyền khám chữa bệnh cũng như tất cả các quyền về y tế giống như người không có HIV. Vậy có nghĩa là nếu đưa luật vào, thì làm thế nào với Nghị định đây?

Về vấn đề xã hội, thì rõ ràng rồi. Người vợ chức năng buồng trứng tốt. Người chồng tinh trùng tốt. Nhưng người vợ không thể có khả năng mang thai được, vì một số lý do. Ví dụ người vợ bị bệnh lý mà nếu mang thai sẽ nguy hiểm tới tính mạng người mẹ. Hoặc là những trường hợp không thể đậu thai, ví như bị dị dạng, bất thường về đường sinh dục (không có tử cung), hoặc có tử cung nhưng trước đây vì một lý do bệnh lý nào đấy, bị băng huyết, bị chảy máu, bị u… mà cắt mất tử cung rồi, và buồng trứng thì vẫn còn. Như thế có nghĩa là người ta vẫn có khả năng có được những đứa con từ nguồn gốc chính bản thân họ - đấy là trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng, nhưng không mang thai được.

Với những trường hợp đấy, nếu mình không cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì người ta sẽ tìm mọi cách để có được đứa con, chắc chắn. Có thể là họ phải đi ra nước ngoài. Các nước mà Việt Nam mình hay đi đến, đó là Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ. Tất nhiên là tốn kém rất nhiều. Không phải ai cũng đủ điều kiện làm được như thế, trong khi quyền có con thì ai chẳng như ai.

Còn về kỹ thuật thì thế nào? Tôi không nói ngạo mạn, nhưng thực ra không hề kém. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, độ thành công đã lên tới hơn 50% rồi. Đó là con số mơ ước đấy. Trong khi đó khẳng định ở nhiều nước khác, tỷ lệ vẫn đang chỉ loanh quanh 30 - 40% thôi. Còn ở đây là 50%, thậm chí có tháng lên tới 60%. Có nghĩa là 10 người làm thì 5 đến 6 người được. Đấy là một thành công cực kỳ lớn, cực kỳ rực rỡ.

PV:  Có một thực tế là dù chưa nằm trong phạm vi pháp luật điều chỉnh, nhưng mang thai hộ vẫn đang diễn ra. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Bây giờ đặt ra 2 tình huống: Nếu mình vẫn tiếp tục cấm, thì những người thực sự có nhu cầu thực hiện kỹ thuật này sẽ không bao giờ được thực hiện ngay tại Việt Nam. Người ta không thể có được đứa con thực sự từ trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng mặc dù họ hoàn toàn có khả năng. Như thế là thiệt thòi cho họ. 

Nhưng cũng có người đi nước ngoài rồi mang về những đứa trẻ, có giấy chứng nhận sinh nở bên đấy. Ta có làm chứng sinh, cho nhập tịch không? Tất nhiên là có. Nhưng mà như thế là không trung thực. Rồi thì đứa trẻ lại có yếu tố nước ngoài ở đấy. Với đứa trẻ, đó cũng là một thiệt thòi.

Do vậy tôi cho rằng Việt Nam mình nên triển khai kỹ thuật này. Cho người dân đỡ khổ và đỡ mất đi một khoản ngoại tệ không nhỏ.

Hành lang bên ngoài Phòng Hồ sơ của Trung tâm luôn đông nghịt người chờ đợi.

PV: Hầu hết ý kiến cho đến nay đều tỏ ra ủng hộ đưa mang thai hộ vào luật. Nhưng họ lo ngại hoạt động này bị thương mại hóa, mất đi yếu tố nhân đạo vốn có của nó, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: E ngại là nếu như quản lý không tốt, thì cái này nó trở thành câu chuyện thương mại. Lại là đẻ thuê chứ không phải là mang thai hộ. Lúc đấy sẽ nảy sinh chuyện mặc cả, trả giá nọ kia… Nhưng phải thấy rằng khi đã mang thai, dù là mang thai hộ, họ vẫn là thai phụ, phải sinh nở. Sẽ chẳng có ngoại lệ nào trong vấn đề tai biến, rủi ro của người sinh đẻ. Thậm chí có thể có tử vong. Vậy thì nếu không luật hóa được vấn đề này, thì khi xảy ra sự cố ai là người chịu trách nhiệm? Kiện cáo sẽ thế nào? Chẳng lẽ đi bỏ tù bác sĩ à? Như thế thì tính nhân đạo của việc đưa vào luật cũng cao lắm chứ!

PV: Ông có nghĩ đến một phương án cụ thể nào chưa, thưa Thứ trưởng?

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Để tránh thương mại hóa chuyện này, thì cần phải giao cụ thể việc xét duyệt, cho phép triển khai kỹ thuật mang thai hộ. Tôi thì cho rằng cần phải giao cho một vụ chức năng của Bộ Y tế, hoặc chỉ có một vài trung tâm được quyền ấy. Ví dụ như ở miền Bắc thì chỉ cho phép Trung tâm của Bệnh viện Phụ sản Trung ương được phép xét duyệt chẳng hạn. Và ở miền Nam thì giao cho Bệnh viện Từ Dũ. Anh chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế để mà duyệt những trường hợp này. Thế còn các trung tâm khác các anh có thể làm được, không sao, nhưng duyệt cho làm thì chỉ hạn chế một vài địa chỉ. Chẳng hạn như Vụ Bà mẹ và Trẻ em của Bộ Y tế nữa. Thế cho nó thống nhất. Vừa kiểm soát được mà cũng là sẽ giảm thiểu được tình trạng thương mại hóa. Tôi tin là như thế.

PV: Hiện tại chúng ta đang kiểm soát vấn đề này như thế nào, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Hiện ta đang chỉ quản lý theo hồ sơ thôi. Ví như trong hồ sơ xin làm thụ tinh trong ống nghiệm, phải có đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng bản thân. Rồi quan trọng nhất là qua các xét nghiệm thăm dò thì người này đủ khả năng mang thai về mặt y học. Nói chung là đã muốn mang thai qua trung tâm hỗ trợ sinh sản thì đương nhiên là phải đủ hồ sơ…

PV: Vâng, ta đang nói đến những trường hợp ấy…

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Không, không, không! Bây giờ thì chỉ có là cho trứng, cho tinh trùng, và cho phôi. Nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ được, thì sẽ vẫn là trá hình. Trá hình ở chỗ thế này, vợ chồng hiến phôi vì biết rằng khả năng mang thai là khó rồi. Thế thì họ sẽ có phôi được bảo quản lạnh ở trong trung tâm. Rồi sau đó họ đến xác nhận với trung tâm là chúng tôi chẳng có nhu cầu gì ở những phôi này cả, chúng tôi đồng ý hiến phôi. Hiến nhân đạo cho người nào cần. Nhưng thực ra lại có một cặp vợ chồng, hoặc thậm chí có người độc thân - luật pháp hiện nay vẫn cho phép điều trị cho người độc thân hay kể cả đơn thân được có con - đến xin phôi. Mà có người cho phôi thì được nhận chứ sao. Hoặc thậm chí là người ta cho (phôi) chỉ định.

Chẳng hạn như trường hợp anh chị em họ hàng, người ta được quyền cho nhau. Đầy trường hợp như là hai chị em lấy hai chồng khác nhau, nhưng trứng của chị hỏng, xin trứng của em. Hoặc hai anh em ruột, tinh trùng của em hỏng, xin tinh trùng của anh để vẫn giữ gen trong nhà, được quá đi chứ. Cái đó là luật pháp cho phép. Nhưng mà chính thế lại bị trá hình.

PV: Vậy tức là biết rằng họ có thể nằm trong trường hợp mang thai hộ, nhưng nếu không vi phạm luật pháp thì đâu có cấm được người ta?

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Không cấm được đâu. Nghị định 12CP cho phép triển khai kỹ thuật và cho phép cho phôi. Có người cho thì phải có người nhận. Nhưng thực ra thì đó lại là mang thai hộ. Đấy, nói chui là chui thế. Chứ không phải là hai vợ chồng dắt một cô đến, bảo đây, người này sẽ chửa đẻ hộ chúng tôi, các ông làm đi. Cái đó thì hiện nay chưa được cho phép. Như thế để thấy nhu cầu thì có thực. Người chấp nhận mang thai hộ cũng có. Rồi họ cùng nhau lách luật thôi. Chui mà không thổi còi được họ ấy chứ…

PV: Đưa vào luật chính là đưa những thứ "chui" ấy ra công khai, đưa vào tầm kiểm soát…

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Chính vì thế nên ủng hộ việc công khai cho mang thai hộ, sẽ được lợi nhiều thứ. Nếu tôi mang thai hộ vợ chồng anh, điều chỉnh bằng luật rõ ràng thì khi đã thỏa thuận, sinh em bé xong, tôi phải giao lại cho vợ chồng anh. Nhưng nếu như không có luật, làm chui như hiện nay, giả dụ đến lúc sinh rồi, tôi lại bảo không, đấy là nói thế thôi. Chứ tôi mang thai này, tôi đẻ đau thế này, tôi bị mổ này… làm sao lại chỉ có 100 triệu, 200 triệu (ví dụ thế) ít thế? Phải cho tôi 1 tỉ cơ, thì tôi mới giao con cho các vị. Thậm chí là 2 tỉ cơ. Còn không thì thôi. Mà thôi thì thua. Đây là con của tôi. Đi kiện thì anh thua, còn tôi đúng. Bởi vì hiện tại bây giờ người nào sinh con ra thì người đấy là mẹ. Ở đâu chẳng thế. Luật pháp phải bảo vệ tôi chứ. Thế thì lúc ấy, mấy cái ký kết của các ông, vứt đi hết.

Khi đưa vào luật, việc mang thai hộ ấy được pháp luật bảo hộ. Thỏa thuận thế nào thì tùy, nhưng nó rõ ràng. Ví như anh mang thai hộ tôi thì anh được những quyền lợi thế này. Tôi cần anh mang thai hộ, tôi có những nghĩa vụ kia. Còn nếu như việc xong rồi mà anh đòi hỏi quyền lợi gì hơn, bắt bẻ tôi thì pháp luật sẽ can thiệp.

Cần phải rõ ràng ra như thế thì sẽ kiểm soát được rất tốt, cả về mặt chuyên môn cũng như các vấn đề xã hội khác. Ví như người mang thai hộ không may bị tai biến, gặp sản nạn thì pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ. Chứ như hiện giờ thì họ cũng thiệt thòi lắm chứ. Dấm dúi thế này, chẳng may làm sao thì họ biết trông cậy vào ai?

PV: Còn một vấn đề nữa, thưa ông! Đó là về mặt sinh học, mang thai hộ được đảm bảo tính di truyền, nhưng những vấn đề khác, chẳng hạn như tác động của cơ thể người mẹ mang thai lên đứa trẻ có vấn đề gì không?

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Không. Rất ít ảnh hưởng. Tất nhiên là ví như người mẹ khỏe, không bệnh tật thì đứa trẻ sinh ra cũng sẽ mạnh hơn là một bà mẹ xanh xao gầy gò. Nhưng về mặt di truyền thì đảm bảo là không có gì khác cả.

PV: Một khi đưa vào luật, sẽ nhìn nhận phần thù lao cho người mang thai hộ là chính đáng? Nếu coi nó là thu nhập chẳng hạn, thì có phải thực hiện các nghĩa vụ của người có thu nhập không, theo ông?

PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Tôi cho rằng trước mắt nên tạo hành lang pháp lý, để đưa vấn đề ra minh bạch trước đã. Còn thì thực ra nên coi đây là vấn đề nhân đạo, hơn là một dạng thu nhập lao động đơn thuần để mà tính đến các nghĩa vụ khác của người mang thai hộ… Không nên thu thuế làm gì. Đáng bao nhiêu mà thu của người ta. Thế còn phải đưa vào luật, là để kiểm soát những phát sinh thôi. Cứ nên cho triển khai đi đã. Một thời gian nữa rồi tính sau

Việt Ba (vietanhp@gmail.com)
.
.